Saturday 3 September 2011

Có phải dân chủ nghĩa là dân là(m) chủ?


Các từ điển tiếng Việt cuối thế kỷ 19 (Huình Tịnh Của, 1895; Génibrel, 1898) không có từ dân chủ. Mãi đến năm 1931, từ dân chủ mới chính thức xuất hiện trong từ điển (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:149)  và được định nghĩa là “Chủ quyền thuộc về dân”. Cách hiểu này không xa mấy với cách hiểu nôm na “dân là chủ”.
Vấn đề không đơn giản như thế nếu ta tìm đến căn nguyên của từ ngữ.


Khi hoàng đế Meiji (Minh Trị) đưa văn minh phương Tây vào công cuộc canh tân đất nước (1867), các học giả Nhật phải tìm từ ngữ để diễn đạt hàng loạt khái niệm mới mẻ về khoa học, chính trị, kinh tế... Trong số các khái niệm mới về thể chế có democracy của tiếng Anh, tương đương với démocratie của tiếng Pháp, democrazia của tiếng Ý... Khái niệm này được các học giả Nhật dịch bằng chữ Hán là 民主主義  minshushugi (âm Hán Việt là dân chủ chủ nghĩa). Vào thời đó Trung Quốc gửi nhiều quan lại và sinh viên  sang Nhật vì đó là con đường ngắn nhất để học tập văn minh phương Tây. Sau đó những người này trở về phiên dịch sách vở Nhật cho đồng bào họ đọc. Có người như Lương Khải Siêu trung bình mỗi năm dịch 50 quyển, cá biệt như năm 1903 dịch đến 200 quyển. Nhờ vậy minshushugi của tiếng Nhật trở thành minzhuzhuyi của tiếng Trung Quốc. Rồi sách vở mới của Trung Quốc (tân thư) được đưa vào nước ta nhờ công của các nhà buôn Trung Hoa. Các nhà nho Việt Nam đọc tân thư và phiên民主主義thành dân chủ chủ nghĩa.

Thể chế dân chủ ở phương Tây có một lịch sử hàng ngàn năm với nhiều quan niệm phức tạp, không thể được tóm tắt chỉ với một câu “Dân là chủ”. Căn nguyên của nó là δημοκρατία (tiếng Hy Lạp) với δμος nghĩa là dânκράτος  nghĩa là quyền lực, từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, được dùng để chỉ chính thể của một số thành bang Hy Lạp thời đó. Nhưng ai được coi là dân? Ở thành A-ten thời cổ, phụ nữ và nô lệ không được coi là dân; người từ nơi khác đến cũng không phải là dân; phải sinh tại A-ten, trên 20 tuổi và là đàn ông mới là dân. Khi cách mạng Pháp thành công năm 1789, chỉ những người đóng thuế trên một mức nào đó mới được coi là dân; phụ nữ Pháp khi đó vẫn chưa phải là dân và họ chỉ mới có quyền đi bầu mấy chục năm gần đây thôi. Nói tóm lại, dân chủ và các khái niệm cấu thành (dân, chủ) đều có tính lịch sử; không thể khăng khăng bám vào từ ngữ tiếng Việt hiện đại để giải nghĩa. Giả sử khi xưa người Nhật dịch democracychủ nghĩa/chế độ đề mô chẳng hạn thì bây giờ người Việt biết căn cứ vào đâu để đòi dân phải là(m) chủ?

No comments:

Post a Comment