Saturday 10 March 2012

Ai là người đầu tiên đề nghị sử dụng thuật ngữ “dân tộc học”?


Cái tên của một môn học nhiều khi thể hiện rất rõ rệt quan điểm địch-ta. Việc giới khoa học Việt Nam chấp nhận thuật ngữ dân tộc học trong những năm 50 của thế kỷ trước là một ví dụ cho thấy tên gọi không thể là chuyện vô thưởng vô phạt:
Khoa dân tộc học mác-xít và khoa dân tộc học tư sản có nhiều điểm khác nhau về cơ bản. Khoa dân tộc học tư sản chỉ giới hạn trong việc nghiên cứu các dân tộc lạc hậu, thuộc địa. Như ở đế quốc Đức trước kia, bọn học giả tư sản chia ra làm dân tục họcdân tộc học. Dân tục học (Volkskunde hoặc Folklore) nghiên cứu dân tộc bản quốc, dân tộc học (Volkerkunde) nghiên cứu các dân tộc nước ngoài, chủ yếu là dân tộc thuộc địa.
Trong dân tộc học, bọn học giả ở các nước tư sản lại chia ra làm hai ngành: Ethnologie tức dân tộc học lý luận và Ethnographie tức dân tộc học tự thuật hoặc dân tộc học miêu tả, do đó chúng tách rời lý luận với quan sát thực tế. Ở Liên-xô và các nước xã hội chủ nghĩa, cả hai ngành này đều kết hợp làm một, và đều dùng một danh từ thống nhất là Ethnographie. Trước kia, ở Trung-quốc, người ta thường dịch chữ Ethnographie bằng nhiều danh từ khác nhau, khi là nhân chủng học, khi là nhân văn chí, khi là dân tục học, nhưng từ răm năm nay, các nhà khoa học Trung-quốc đã dùng một danh từ thống nhất là dân tộc học. Ở Việt-nam, trước đây, người ta cũng quen gọi khoa học này, bằng tiếng Pháp là Ethnologie và bằng tiếng Việt là nhân chủng học. Cả hai chữ, dùng đều không đúng. Cho nên tôi đề nghị, từ nay chúng ta cũng gọi khoa học này bằng một danh từ thống nhất là dân tộc học mà tiếng Âu châu của nó là ethnographie hay ethnografia.
(Nguyễn Lương Bích,  “Mấy nét sơ lược về dân tộc học Mác-xít” trong Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa số 47 (1958:16))
Trong khi đó ở miền Nam, các tên gọi cũ vẫn được lưu hành cho đến năm 1975: ethnographie được dịch là nhân chủng chí, ethnologienhân chủng học (Thanh Nghị, 1967:1002).

No comments:

Post a Comment