Thursday 15 March 2012

Làm cần vụ có oai hơn làm loong toong không?


Từ planton trong tiếng Pháp được dùng để chỉ người lính làm nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh của sĩ quan chỉ huy. Khi không có việc chạy đi chạy lại, anh lính này phải túc trực bên cạnh chỉ huy để đợi sai phái. Khi đó anh trở thành lính gác cố định một chỗ (sentinelle fixe).
Thời Pháp thuộc những người lính như vậy được gọi là bờ lăng tông / lăng tôngloong toong / loong toong nơ. Phổ biến nhất là loong toong. Không chỉ có lính để chỉ huy sai vặt bị gọi là loong toong mà mọi loại nhân viên cấp dưới bị cấp trên sai vặt đều là loong toong cả:

* Ông Đỗ Thận có viết ở đâu đó rằng: “Quan cũng một nghề, làm thuê cho nước”, mới nghe qua tợ-hồ tác-giả có ý bì-lý; nhiều ông luật-sư cũng nói như vậy, nhưng cũng không đúng: thí như một người lông-tông (planton) ăn lương của Nhà-nước, tức là làm thuê cho nước, nhưng mà lại không phải là quan. Nam Phong Tạp Chí số 28 (1919:290, Thân Trọng-Huề)
Ngần này tuổi tôi còn làm loong toong cho người ta sai vặt, biết bao giờ mới thành nghề thành nghiệp? (Dương Thu Hương, 1990:89)
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống ngành y, Loco bất chợt quay sang làm quảng cáo cũng là một sự tình cờ, ban đầu Long cũng chỉ thiết kế vu vơ mấy tài liệu cho bạn bè trong lớp rồi vào làm cho một công ty quảng cáo nhỏ như một… loong-toong-nơ thôi. (Lê Thị Thái Hòa, 2009:162)
Để người bị sai vặt khỏi buồn vì thân phận con sâu cái kiến, người ta nghĩ ra nhiều chức danh hoa mỹ cho họ. Ở miền Nam trước 1975 họ trở thành các ông tùy phái; ở miền Bắc trước đây và trên cả nước hiện nay họ là những nhân viên tạp vụ. Trong quân đội cách mạng từ lâu không còn loong toong để thượng cấp sai phái nữa mà chỉ có các chiến sĩ liên lạc. Từ năm 1950, sau khi các cố vấn Trung Quốc đến Việt Nam, họ trở thành người cần vụ chăm lo chỗ ăn, chỗ ngủ, cái ăn cái mặc của thủ trưởng. Xong việc, họ là người cảnh vệ giữ cho thủ trưởng được an toàn hoặc anh tiêu binh đứng im như pho tượng. Tất cả các chức danh đó được dịch ra tiếng Pháp bằng một từ duy nhất là planton mà ngày xưa tiếng Việt đã nhập dưới dạng loong toong.

No comments:

Post a Comment