Sunday 18 March 2012

Tìm hiểu thuật ngữ Vu Lan Bồn (Thích Đồng Thành - Nhà Phật)





Thích Đồng Thành



Vu Lan Bồn[1] là một lễ hội Phật giáo đã xuất hiện rất lâu ở Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Trong các tác phẩm văn học Phật giáo Trung Hoa, thuật ngữ Vu Lan thường được dịch là đảo huyền, nghĩa là treo ngược hay nằm lơ lửng để chỉ cho trạng thái đau đớn của những vong hồn trong địa ngục đang mong được cứu độ[2].
Trong tiếng Nhật, lễ Vu Lan có tên là “Obon” hay “Ura- bon-e”, nghĩa là lễ cầu nguyện cho những người đã quá vãng[3]. Urabon-e hay Vu Lan Bồn đều là những thuật ngữ chỉ cho một lễ hội Phật giáo với mục đich là cứu độ những người quá cố đang phải chịu những quả báo nặng nề chẳng hạn như nỗi khổ bị treo ngược và giúp họ chuyển hóa tâm thức, thoát khỏi cảnh giới khổ đau và thác sanh trong cõi lành.[4] Theo kinh Vu Lan Bồn, việc thiết lễ Vu Lan không chỉ vì mục đich cứu độ cha mẹ, tổ tiên trong bảy đời quá khứ mà còn để cầu nguyện cho cha mẹ trong đời hiện tại.
Thông thường, thuật ngữ Vu Lan Bồn được xem là phiên âm của từ Ullambana trong Phạn ngữ. Tuy nhiên, các học giả ngày nay đều không tìm thấy danh từ này trong Phạn ngữ hay các bộ từ điển Pāli[5]. Theo giáo sư Vo­gel, gốc động từ lamb (có nghĩa là treo) kết hợp với tiền tố ud (nghĩa là trên cao) để hình thành từ ullambita (quá khứ phân từ) có nghĩa là bị lơ lửng hay bồng bềnh. Hai từ khác là olam-ba (vật đang bị treo) và olambo (treo ngược) được đề cập trong hai cuốn từ điển Pāli của Childer và Rhys Davids cùng William Stede cũng có nghĩa tương tự với từ ullambita, nhưng tuyệt nhiên ta không tìm thấy từ ullambana trong những tác phẩm này. Giáo sư K. Chen cho rằng danh từ ul­lambana chỉ là một từ giả định vì rằng các bộ từ điển Phạn ngữ không hề đề cập đến nó.
Khuynh hướng giải thích thứ hai cho rằng Vu Lan Bồn là phiên âm của chữ avalambana.6 Theo học giả St. Julien, trong Phạn ngữ, quá khứ phân từ của hình thái ud-lamb là ullambita cùng mang nghĩa tương đương với từ avalambana là bị treo lơ lửng. Bàn về từ avalambana, giáo sư Caland đã trích dẫn một đoạn trong bộ sử thi nổi tiếng của Ấn Độ là Mahābhārata như sau: sau khi phạm giới tà dâm, Jaratkāru chợt thấy “những người cha” đang bị treo trên một cái hố, đầu trút xuống và sắp bị rơi xuống hố vì một con chuột đang gặm những sợi cỏ còn lại đang buộc quanh chân họ. Lúc đó Jaratkāru liền hỏi: “Các ông là ai, ai đang bị treo (avalambana) vậy?” Visser, tác giả của bộ Ancient Buddhism in Japan cho rằng có lẽ dịch giả của bản kinh Vu Lan Bồn đã dựa trên đoạn văn này và nghĩa mơ hồ của thuật từ “đảo huyền” (treo ngược) mà Mạnh Tử thường dùng rồi suy diễn rằng đây là một trường hợp đặc biệt chỉ cho trạng thái đau khổ của những người quá cố để từ đó dịch thuật ngữ Vu Lan Bồn là “treo ngược”. Visser còn cho biết thêm rằng theo sự tìm hiểu của tiến sĩ Rahder trong sáu đoạn của Ngạ Quỉ Sự (Peta-vat­thu) và trong bản luận giải của ngài Pháp Hộ về tác phẩm này có nhiều từ được phát sinh từ gốc olamb và những từ này đều có nghĩa là treo. Visser cũng nêu lên ý kiến của giáo sư Przyluski là thuật ngữ Ô Lam Bà Nã trong Hoa ngữ vốn là phiên âm của từ olambana trong Pāli và avalam­bana trong Phạn ngữ.
Học giả Nhật Bản J. Takakusu thì cho rằng Vu Lan Bồn là phiên âm của chữ ullumpana trong tiếng Pāli. Là một danh từ phát sinh từ ullumpati. Ullumpana có nghĩa là cứu độ hay từ ái. Khi được giới thiệu đến xứ Tây Vức, thuật ngữ ullumpana bị hiểu lầm là ullambana. Và như thế từ gốc của Vu Lan Bồn không phải là ullambana mà là ullumpana.
Rahder cũng đồng thuận với Takakusu về lối suy diễn này. Danh từ ullumpana được tìm thấy trong hai bộ Sumaṅgalavilāsini (Luận giải Trường Bộ kinh) của ngài Phật Âm và Paramatthadīpanī (Luận giải bộ Ngạ Quỉ Sự) của ngài Pháp Hộ. Bản Luận giải của ngài Phật Âm nói rằng đức Phật là người đã từ bỏ dục lạc thế gian, tâm Ngài luôn từ ái (ullumpanam) khi thuyết giảng giáo pháp để quảng bá thiện pháp và nuôi lớn tình thương với tất cả chúng sanh. Bộ Paramatthadīpanī thì thuật câu chuyện một peti (nữ quỉ, San­skrit: preta) thưa với một trưởng lão rằng: “... vốn là vợ của một người chồng chịu nhiều đau khổ trong một ngôi làng nọ. Vì bản tính hay ghen tuông và cũng vì tạo nghiệp bất thiện nên con bị đọa trong cảnh ngạ quỉ. Cầu xin ngài hãy đến nhà con để chồng con được cúng dường ngài. Xin ngài hãy hoan hỷ nhận phần cúng dường đó và chú nguyện để con sớm thoát cảnh ngạ quỉ này.” Khi nghe những lời cầu thỉnh như thế, vì thương tưởng cho nữ quỉ và vì lòng bi mẫn vô biên (ullumpana sabbhāva-saṇthitā) các vị trưởng lão bèn đến nhà người chồng khất thực. Vừa lúc thấy những vị trưởng lão đến nhà mình, người chồng mừng rỡ ra đón và sau khi các vị ấy an tọa, anh ta bèn dâng cúng những món ăn đượm vị. Sau khi thọ trai, các vị trưởng lão bèn kể cho người chồng những gì họ đã nghe và thành tâm chú nguyện cho nữ quỉ. Ngay lúc ấy, nữ quỉ kia liền thoát khỏi cảnh khổ, được thân xinh đẹp và đêm đó nàng về báo tin cho chồng mình.
Trong Phật giáo, danh từ preta (Sanskrit) hay peta (Pāli) thường được dùng để chỉ cho những người quá cố, vong hồn của những người đã khuất, các loài ma hay hương hồn tổ tiên trong nhiều đời. Đoạn văn trên trong Paramatthadīpanī cho ta thấy rằng truyền thống cúng dường chư Tăng hầu cầu đảo cho những người quá cố đã được nói đến ngay trong các văn bản Phật giáo Nguyên thủy và Vu Lan Bồn là một lễ hội Phật giáo thuần túy chứ không phải là một sự kết hợp giữa lễ Dīpālī của Ấn giáo thường diễn ra vào ngày 25 tháng 10 dương lịch và lễ tự tứ trong Phật giáo như Visser hay J. Edkins đã từng suy diễn.
Theo Phật giáo Trung Hoa, thuật ngữ Vu Lan Bồn được biết đến đầu tiên khi ngài Trúc Pháp Hộ dịch kinh Vu Lan Bồn vào đời Tây Tấn. Trong bản dịch này, ngoài tựa đề kinh thuật ngữ này được nhắc đến ba lần khi tôn giả Mục-kiền-liên bạch đức Phật rằng trong đời sau hàng đệ tử của đức Thế Tôn có thể thiết lễ Vu Lan Bồn (phụng Vu Lan Bồn) để cứu độ cha mẹ tại thế và trong bảy đời được chăng? Đức Phật dạy rằng tất cả mọi hạng người như Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-­ni, quốc vương, thái tử... cho đến những thường dân nên đựng thức ăn trăm món trong bồn Vu Lan và dâng cúng cho chư Tăng mười phương trong ngày tự tứ (Dĩ bách vị ẩm thực an Vu Lan Bồn trung thi thập phương tự tứ Tăng). Cuối bản kinh, đức Phật lập lại rằng vào ngày rằm tháng bảy tất cả những người đệ tử hiếu thảo của Ngài nên thiết lễ Vu Lan Bồn dâng cúng đức Phật và chư Tăng để báo đáp thâm ân dưỡng dục đầy từ ái của cha mẹ (vi tác Vu Lan Bồn thi Phật cập Tăng dĩ báo phụ mẫu trưởng dưỡng từ ái chi ân). Như vậy, căn cứ vào đoạn kinh thứ hai ở trên, ngoài ý nghĩa là một lễ cúng dường Vu Lan Bồn còn mang nghĩa là cái bồn, hay nói đúng hơn, là bình bát đựng đồ cúng dường. Có lẽ vì căn cứ vào điểm này nên một số tác giả Trung Hoa đời sau lý giải rằng chữ Bồn trong Vu Lan Bồn là vật đựng thức ăn hay để đựng vật phẩm cúng dường trong lễ Vu Lan.
Khi viết Sớ giải kinh Vu Lan Bồn, ngài Tông Mật (780-841) giải thich rằng Vu Lan là thuật ngữ của Tây Vức, Trung Hoa dịch là ‘đảo huyền’ (treo ngược). Bồn là âm của xứ Đông Hạ (thuộc Trung Hoa) có nghĩa là vật cứu độ (cứu khi). Thông thường, toàn bộ thuật ngữ này có nghĩa là bồn hay vật để cứu những ai đang bị treo ngược. Sách Pháp Uyển Châu Lâm cũng dùng từ Phật bồn và Tấn bồn khi bàn về lễ cúng dường vào ngày rằm tháng bảy. Trong Phật Thuyết Báo Ân Phụng Bồn kinh, một bản kinh được dịch vào thời Đông Tấn, chữ Bồn cũng mang nghĩa là vật đựng đồ cúng dường. Ngài Pháp Vân, tác giả bộ Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập cũng có cách giải thich hợp với quan điểm của ngài Tông Mật.
Tuy nhiên, trong tác phẩm Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa, ngài Huyền Ứng (TK VII) lại đưa ra một lối giải thich khác. Theo ngài, Vu Lan Bồn là lối phiên âm sai và cách phiên âm đúng phải là Ô Lam Bà Nã, nghĩa là treo ngược. Đây là nghi lễ của các nước phương Tây (của Trung Quốc) được tổ chức vào ngày tự tứ của chư Tăng. Những ai đã tạo tội lỗi nếu lúc qua đời không có con cháu cúng tế thường phải chịu nỗi khổ bị treo ngược trong cảnh ngạ quỉ. Việc thiết lễ cúng dường đức Phật và chư Tăng vào ngày cuối của mùa an cư nhằm mục đich cứu vớt những vong hồn đó ra khỏi nỗi khổ trên. Ngài Huyền Ứng còn cho rằng nếu hiểu Vu Lan Bồn là vật chứa thức ăn thì đó là một sự lầm lẫn. Như thế theo cách giải thich này, thuật ngữ Vu Lan Bồn hay Ô Lam Bà Nã không mang nghĩa là vật cứu độ hay vật đựng thức ăn để dâng cúng Đức Phật và chư Tăng như cách giải thích của các tác giả Trung Hoa khác mà nghĩa của nó là sự cứu độ (cho những ai đang chịu đựng nỗi khổ bị treo ngược).
Trong Vu Lan Bổn Sớ Tân Kí, ngài Nguyên Chiếu (1048-1116) một luật sư Phật giáo đời Bắc Tống cho rằng thuật ngữ Vu Lan Bồn có nghĩa là “treo ngược” hay “bị lơ lửng” và chữ Bồn chỉ là phiên âm của chữ bana trong thuật ngữ avalambana. Những kiến giải trên của ngài Huyền Ứng và ngài Nguyên Chiếu có phần hợp với quan điểm của ngài Ngộ Vinh, tác giả của bộ Vu Lan Bồn Kinh Sớ Hiếu Hoành Sao. Ngài Ngộ Vinh cho rằng theo các dịch giả đời Tống, Vu Lan Bồn là lối viết tắc sai của một từ trong Phạn ngữ. Cách đọc đúng phải là Ô Lam Bà Nã và từ này có nhiều nghĩa khác nhau như hiếu thảo, vâng lời, dâng tặng, yêu thương, treo ngược hay trạng thái lơ lửng. Chữ bồn cũng là một lối viết tắt sai vì cách đọc xưa là Bồn Tả Na, cách đọc mới là Môn Tả La hay Môn Tả Nãng, tức là bồn cứu độ. Nghĩa của toàn bộ thành ngữ này là cái bồn để cứu những ai đang trong trạng thái lơ lửng. K. Ch’en cho rằng Môn Tả La hay Môn Tả Nãng có thể là phiên âm của chữ muñcana hay muccana. Song những chữ này không có nghĩa là bồn hay chậu mà là giải thoát hay thả ra. Tuy nhiên Bồn Tả Na thì có âm rất giống với từ bhājana, nghĩa là bình bát hay vật đựng.
Yukihiro Murase (1748?- 1818), một trong những học giả trứ danh của Nhật Bản trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa Trung Hoa và Nhật Bản đã đưa ra một giả thuyết khá thú vị về thuật ngữ Vu Lan Bồn. Theo ông, Vu Lan Bồn không phải là phiên âm của từ ullambana trong Phạn ngữ mà là một từ ghép có nghĩa là một cái rổ bằng tre có hình dáng như một cái khay. Tác phẩm Lão Học Am Bút Ký nói rằng vào tiết Trung Nguyên người ta thường dâng cúng thức ăn lên tổ tiên và họ thường dùng cái khay bằng tre để đoán ước về thời tiết của mùa Đông sắp đến. Lễ nghi này có tên là Vu Lan Bồn. Murase còn trich dẫn cách cắt nghĩa của sách Mông Hoa Lục về chữ Vu Lan Bồn. Theo sách này, Vu Lan Bồn là cái bệ đèn bằng tre có ba chân, cao khoảng bốn hay năm bộ. Căn cứ vào hai bộ sách này, Murase đưa ra giả thuyết rằng từ Vu Lan Bồn trong tiếng Trung Hoa khác với cách phiên âm của từ ullam- bana. Vu Lan Bồn là từ để chỉ cho cái rổ có hình khay được làm bằng tre dùng để đoán ước và từ này không có liên hệ gì đến lễ ullambana trong Phật giáo. Cách giải thich này của Murase thực ra cũng chưa thuyết phục vì rằng lễ Vu Lan trong Phật giáo diễn ra đúng vào ngày và tháng của tiết Trung Nguyên nên có một sự trùng hợp ngẫu nhiên về danh xưng như trên. Bên cạnh đó, một số tác giả Phật giáo ở Trung Hoa còn diễn dịch rằng Vu Lan Bồn có nghĩa là bồn Vu Lan, tức vật đựng đồ cúng dường trong lễ Vu Lan.
Những lối giải thich khác nhau nói trên về thuật ngữ Vu Lan Bồn hay Ô Lam Bà Nã có thể phát xuất từ cách suy diễn của các tác giả Trung Hoa giữa hai gốc động từ ud-lamb (treo) và chữ ud-lump (cứu). Khi đọc đến thuật ngữ này một số tác giả bèn liên tưởng đến những hình thái phát sinh từ gốc động từ ud-lamb như là avalambana, ullambita hay olambana rồi diễn dịch ý nghĩa các từ này là treo ngược. Tuy nhiên, nghĩa thứ hai và có lẽ nghĩa chinh của thuật ngữ này là cứu độ và nghĩa này có liên hệ đến gốc động từ ud-lump. Cả hai ngài Tông Mật và Ngộ Vinh đều đề cập đến nghĩa này khi bàn về thuật ngữ Vu Lan Bồn. Nghĩa thứ hai này rất quan trọng vì rằng nội dung chinh của kinh Vu Lan Bồn đề cập việc thiết trai cúng dường để cứu độ những chúng sanh trong cõi tối tăm và giúp họ thoát khỏi đọa xứ. Có lẽ vì nhận ra tầm quan trọng của nghĩa này nên cả Takakusu và Rahder đều cho rằng Vu Lan Bồn là phiên âm của từ ullumpana, một thuật ngữ phát sinh từ gốc ud-lump, nghĩa là cứu vớt. Đề xuất này của Takakusu và Rahder mang tinh thuyết phục hơn các học giả khác.
Các tác giả Trung Hoa cũng có những quan điểm khác nhau về chữ bồn trong thuật ngữ Vu Lan Bồn. Sự khác biệt này bắt nguồn từ cách hiểu của họ về chữ bồn trong nội dung bản dịch kinh Vu Lan của ngài Trúc Pháp Hộ. Như đã nói ở trên, thuật ngữ Vu Lan Bồn xuất hiện ba lần trong nội dung bản kinh và chữ bồn được hiểu theo hai nghĩa: 1) là phiên âm của hai âm vị bana (hoặc pana), và 2) là bình bát hay vật để đựng thực phẩm dâng cúng trong lễ Vu Lan. So với ý kiến của ngài Huyền Ứng, cách lý giải của ngài Ngộ Vinh mang tinh thuyết phục hơn khi ngài cho rằng bồn là từ viết tắt của chữ Bồn Tả Na (bhājana), nghĩa là cái bồn hay bình bát. Như thế, nếu căn cứ vào quan điểm của ngài Ngộ Vinh và đề xuất của Takakusu thì nguyên văn của thuật ngữ Vu Lan Bồn hay Ô Lam Bà Nã trong Phạn ngữ hay Pāli ngữ có thể là ullumpana hoặc ullumpana-bhājana.22
Thích Đồng Thành
(Nguồn: TS. Pháp Luân số 29)
 _______________________________

[1] Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh, T16n685, tr. 779c.
[2] J. Eitel, Handbook of Chinese Buddhism, Hongkong, 1888, tr. 185. B. Nanjio, A Cata­logue of the Chinese Translation of the Bud­dhist Tripitaka, Oxford: The         Clarendon Press, 1883, p. 78. Phật Quang Đại Từ Điển, tr. 3454. W.E. Soothill & L. Hodous, A Diction­ary of Chinese Buddhist Terms, Delhi: Motilal Banarsidass, 2003. W.E. Soothill và L. Hodous còn cho rằng Vu Lan Bồn hay Ô Lam Bà Nã là phiên âm của các từ Lambana hoặc Avalamba, tr. 274.
[3] M.W.D. Visser, Ancient Buddhism in Ja­pan, Leiden: E.J. Brill, Vol.1, 1935, p. 62.
[4] Sđd, tr. 62.
[5] Rhys Davids and William Stede, Pali – English Dictionary, New Delhi: Munshiram Manohalal, 2001, p. 170.
6 K. Chen “Filial Piety in Chinese Bud­dhism”, Harvard Journal of Asiatic Studies,Vol. 28 (1968), p. 86.
7. K. Chen, Sđd.
8. Visser, Sđd, tr. 62.
9. Visser, Sđd, tr. 64.
10. E. Ashikaga, “Notes on Urabon (“Yu Lan P’en, Ullambana”), Journal of The Amarican Oriental Society, Vol. 71, No. 1 (Jan. – Mar., 1951), p. 72.
11. Visser, Sđd, tr. 67.
12. J. Edkins, Chinese Buddhism, Varanasi: Chaukhamba Amarabharati Prakashan, 1975, p. 268.
13. Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh, tr. 779c.
14. Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh Sớ, Quyển Hạ, T39n1792, tr. 506c.
15. T53n2122, tr. 750a-b.
16. T16n686, tr. 780a.
17. T54n2131, tr.1112c.
18. T54n2128, tr. 535b.
19. Visser, Sđd, tr. 61.
20. K. Chen, Sđd, p. 88.
21. E. Ashikaga, Sđd, tr. 73.
22 Theo từ điển của Rhys Davids and Wil­liam Stede, ullumpana có nghĩa là cứu, giúp.Xem Rhys Davids and William Stede, tr. 156.

No comments:

Post a Comment