Friday 30 March 2012

Ấn tượng Hán Việt là gì?


Ấn tượng Hán Việt là mức độ đậm nhạt của nguồn gốc Hán của một từ ngữ Việt trong nhận thức của người Việt.  Khái niệm và thuật ngữ ấn tượng Hán Việt được nhóm nghiên cứu dưới sự lãnh đạo của ông Bùi Khánh Thế sử dụng lần đầu trong công trình Mấy vấn đề về tiếng Việt hiện đại (nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001). Nhóm này (Nguyễn Hoài Thu Ba & Trần Thị Kim Anh, sđd. tr. 151-175) tiến hành điều tra trên 285 sinh viên năm thứ hai khoa Ngữ Văn Anh (Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh, sau đây sẽ gọi là “nhóm sinh viên”) và 167 học sinh lớp 10 trường Phổ Thông Trung Học Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, sau đây sẽ gọi là “nhóm học sinh trung học”) thì thấy:
- 52% học sinh trung học và 74,2% sinh viên cho rằng xa lộ là một từ Hán Việt. Trong danh sách 15 từ ghép được đưa ra khảo sát, xa lộ là từ tạo được ấn tượng Hán Việt cao nhất ở cả hai nhóm. Đồng hạng 2 ở cả hai nhóm là ngôn ngữ (48% học sinh trung học và 74% sinh viên).
-Thường xuyên là một từ Hán Việt chân chính nhưng số người chọn câu trả lời đúng không nhiều: 17,9% học sinh trung học (xếp hạng 13/15) và 29,8% (?) sinh viên (xếp hạng 9/15).
-Hiện naybắt đầu được xếp hạng giống nhau ở cả hai nhóm. Chỉ 5,3 % học sinh trung học và 8,7% sinh viên cho rằng hiện nay là từ Hán Việt (đồng hạng 14/15). Trong khi đó 3% học sinh trung học và 4% sinh viên thấy bắt đầu là một từ Hán Việt (đồng hạng 15/15).
Nói chung, các từ được xếp hạng giống nhau khá nhiều: thủ môn (đồng hạng 4), chương trình truyền hình (đồng hạng 10), lý do (đồng hạng 11), yêu thương (đồng hạng 12). Sự chênh lệch, nếu có, thường không đáng kể: tiêu dùng xếp hạng 6 ở nhóm học sinh và hạng 5 ở nhóm sinh viên; vận động viên hạng 5 ở nhóm học sinh xuống hạng 6 ở nhóm sinh viên; điểm yếu hạng 7 ở nhóm học sinh nhưng xuống hạng 8 ở nhóm sinh viên.
- Có 12,5%  học sinh trung học nghĩ rằng tham gia là một từ Hán Việt (xếp hạng 8) trong khi chỉ 9,8% sinh viên đồng ý với điều này (hạng 13/15). Chênh lệch hạng cũng đáng chú ý ở từ nguyên nhân (hạng 3 ở nhóm học sinh trung học và hạng 7 ở nhóm sinh viên), thế giới (hạng 9 ở nhóm học sinh trung học và hạng 3 ở nhóm sinh viên).

No comments:

Post a Comment