Sunday 18 March 2012

“Vu lan” (lễ Vu lan) có nghĩa là gì? (Kiến Thức Ngày Nay số 399, ngày 10-9-2001)

ĐỘC GIẢ: Xin cho biết hai tiếng “Vu lan” (lễ Vu lan) có nghĩa là gì. “Vu” là gì, “lan” là gì?
AN CHI: “Vu lan” chỉ là hai tiếng vô nghĩa dùng để phiên âm mà thôi. Trong bài “Sự tích Rằm tháng Bảy và xuất xứ của hai tiếng vu lan”, (KTNN số 89, 1-8-1992, tr.41-44), Huệ Thiên đã viết như sau:
Vu lan là dạng tắt của Vu lan bồn. Đây là ba tiếng dùng để phiên âm danh từ Sanskrit ullambhana. Từ này thoạt đầu đã được phiên âm bằng bốn tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt là Ô lam bà na (...). Về sau, Ô lam bà na được thay thế bằng dạng phiên âm mới là Vu lan bồn trong đó vu thay thế cho ôlan cho lam và bồn cho bà-n(a). Vì Vu lan bồn chỉ là ba tiếng dùng để phiên âm cho nên từng tiếng một (vu, lan, bồn) hoàn toàn không có nghĩa gì trong Hán ngữ cả. Do đó, tách bồn ra mà giảng thành “cái chậu đựng thức ăn” như hai tác giả Thích Minh Châu và Minh Chi đã làm (trong Từ điển Phật học Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr.795) là hoàn toàn không đúng.
Ullambhana có nghĩa là sự giải thoát. Danh từ Sanskrit này có ba hình vị: tiền tố ud (trở thành ul do qui tắc biến âm sandhi khi d đứng trước l), căn tố LAMBH và hậu tố ana (...) Tiền tố ud chỉ ý phủ định hoặc đối lập (...). Căn tố LAMBH là hình thái luân phiên với LABH, có nghĩa là lấy, chiếm lấy, nắm bắt. Vậy ul – LAMBH có nghĩa là giải thoát. Hậu tố ana chỉ hành động có liên quan đến nghĩa mà tiền tố và căn tố diễn đạt. Vậy ullambhana có nghĩa là sự giải thoát. Ullambhana được phiên âm sang Hán ngữ bằng ba tiếng đọc theo âm Hán Việt là Vu lan bồn. Vu lan bồn được nói tắt thành Vu lan. Vậy Vu lan là sự giải thoát”. (Bđd, tr.44)
Tiếc rằng cho đến nay vẫn còn nhiều tác giả giảng sai về xuất xứ và nghĩa gốc của hai tiếng vu lan. Vì khuôn khổ nên sau đây chúng tôi chỉ nêu một trường hợp làm dẫn chứng mà thôi.
Trong Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du (bản in lần thứ hai, An Tiêm, Paris, 1995), Hoàng Xuân Hãn đã viết như sau:
“Phạn-ngữ ullambana nghĩa là cực khổ tột bực. Nghĩa lại chuyển thành cứu khỏi cực khổ. Phiên âm Hán ngữ đã có nhiều cách; một cách là Vu-lan-bồn, nói tắt: Vu-lan”.
(Sđd, tr.14)
Không biết Hoàng Xuân Hãn đã căn cứ vào nguồn thư tịch nào về Phật học và về tiếng Sanskrit (Phạn ngữ) mà lại khẳng định rằng “ullambana là cực khổ tột bực”, rồi “nghĩa lại chuyển thành cứu khỏi cực khổ”. Để cho rõ vấn đề, trước nhất, xin nhấn mạnh rằng trong tiếng Sanskrit thì ullambhana vàullambana là hai từ khác hẳn nhau về nghĩa gốc của căn tố.
Căn tố của từ trước là LABH/ LAMBH, như đã phân tích, còn căn tố của từ sau thì lại là LAMB. Cũng như từ trước, ullambana có ba hình vị: tiền tố ud (trở thành ul vì lý do đã nêu), căn tố LAMB và hậu tốana. Ngoài nghĩa nêu trong đoạn đã dẫn của Huệ Thiên, ud (>ul ) còn chỉ hướng chuyển động từ dưới lên. LAMB là treo (vậy ul – LAMB là treo lên) còn ana là hậu tố chỉ hành động có liên quan đến nghĩa mà tiền tố và căn tố diễn đạt, như đã thấy. Vậy ullambana là sự treo lên và tất cả chỉ có thế. Từ này hoàn toàn chẳng có liên quan gì đến ý “cực khổ tột cùng”, càng không phải là “cứu khỏi cực khổ”. Chúng tôi mạo muội đoán mò rằng chẳng qua Hoàng Xuân Hãn chỉ căn cứ vào những lời giảng sai về mấy tiếng “vu lan (bồn)” trong thư tịch của Trung Hoa rồi lấy cái nghĩa đó mà gán cho danh từ Sanskritullambana, tự nó vốn cũng chẳng có liên quan gì đến mấy tiếng “vu lan (bồn)”.
Mathews’ Chinese – English Dictionary đã chú một cách ngắn gọn và chính xác về xuất xứ của ba tiếng “vu lan bồn” như sau:
From the Sanskrit ullambhana, deliverance”. (Do tiếng Sanskrit ullambhana, (có nghĩa là) sự giải thoát).
Gần đây nhất, nhà nghiên cứu Phật học Nguyên Huệ, trong bài “Lễ Vu lan – Rằm tháng bảy qua sự ghi nhận nơi một số tác phẩm biên khảo về văn hóa, phong tục, tín ngưỡng” (Nguyệt san Giác ngộ, số 65, 8-2001, tr.28-30), cũng đã chú rõ rằng “Kinh Vu lan bồn”, tiếng Sanskrit là Ullambhana sútra (sútra = kinh).
Vậy cái nghĩa “cứu khỏi cực khổ” mà Hoàng Xuân Hãn cho là nghĩa phái sinh (“chuyển”) của ullambanachính là cái nghĩa đích thực của ullambhana (sự giải thoát, sự cứu nạn,...) còn “cực khổ tột bực” chẳng những không phải là nghĩa gốc của từ này mà cũng chẳng phải của từ ullambana do Hoàng Xuân Hãn nêu ra.

No comments:

Post a Comment