Sunday 20 May 2012

Chũ "bị" và con đường Việt hóa các từ gốc Hán (Lê Xuân Mậu)

Tác-giả: Lê-Xuân-Mậu
(Tạp chí Tài hoa trẻ)
Một chút lai lịch
Đúng ra thì phải “vẽ” ra cái chữ Hán này để khỏi lầm với ít nhất là ba, bốn chữ khác cũng đọc là “bị” (theo các ông Đào Duy Anh và Nguyễn Văn Khôn) nhưng làm thế là không cần lắm với nhiều bà con mình. Cái chữ “bị” nói đến ở đây thực ra có đến ba nghĩa. Hai nghĩa khác ta không đưa vào tiếng Việt là: cái mềm, khắp đến. Còn nghĩa “chịu, mắc phải” xin được nói sau.
Một điều đáng nói nữa là cái chữ này có tới hai cách đọc khi sang Việt Nam theo phát hiện của ông Nguyễn Tài Cẩn (*). Đó là cách đọc “bị” và cách đọc “phải” mà ta thường cho là thuần Việt.
Một bước tiền trạm
Theo ông Nguyễn Tài Cẩn, xưa kia tiếng Việt chưa có hình thức diễn đạt sắc thái đánh giá tiếp nhận tốt xấu, hoặc may rủi. Người ta đã mượn của tiếng Hán yếu tố được một hình thức phát âm một chữ, sau này âm Hán Việt đọc là đắc (đắc thắng, đắc ý, đắc cử…) để diễn đạt sắc thái đánh giá “tốt, may”: được khen, làm được… Và họ mượn yếu tố phải để diễn đạt sắc thái đánh giá xấu, rủi: phải phạt, giẫm phải gai…
Sự việc đó diễn ra trước khi có âm Hán Việt (mượn từ thời Đường) nên thường các chữ “được”, “phải” đều coi như từ thuần Việt. Khi đã có anh em sinh đôi (phải) diễn đạt ý nghĩa đánh giá tiếp nhận “rủi, xấu” thì bị không được mượn vào tiếng Việt nữa (vì không cần). Bị chỉ được mượn vào tiếng Việt với tư cách là một từ tố nằm trong vài từ ghép như bị cáo, bị động, (số) bị trừ, (số) bị nhân…
Đến lúc phải vào
Đó là tình hình trước đây chừng vài ba thế kỷ, sau đó thì bị phải vào, tức là tiếng Việt phải mượn nó để diễn đạt ý nghĩa đánh giá sự tiếp nhận “xấu, rủi”. Tại sao có bước ngoặt ấy?
ấy là vì có sự quá tải của chữ “phải”! Phải làm nhiều việc quá, dễ sinh nhầm lẫn. Phải đã chỉ cái sắc thái chịu sự “rủi, xấu” lại còn phải thể hiện thêm ý nghĩa “cần thiết phải”, “buộc phải làm” (Tôi phải ra ga). Nó lại còn phải thể hiện ý “đúng” (Anh phải, nó trái).
Thế là để khỏi lầm, người ta chuyển giao trách nhiệm diễn đạt sắc thái tiếp nhận “xấu, rủi” sang cho bị là chính. Do đó ngày nay, chủ yếu sắc thái này được thể hiện bằng từ bị: bị phạt, bị đòn, bị đánh, bị ế, bị điểm xấu… Tuy nhiên, do bị ở chữ Hán chỉ đi trước động từ, danh từ… nên vào tiếng Việt nó cũng chỉ ở vị trí đó. Cho nên, “phải” vẫn còn được lưu giữ ở một vài cụm từ đã dùng quen như phải gió, phải biết, phải vạ, phải một bữa đó… Đặc biệt, trong những trường hợp đối ứng với được đi sau động từ thì phải vẫn phải có mặt như kiểu: ăn được/ ăn phải, vớ được/ vớ phải…
Thực sự hòa nhập
Khi đã vào tiếng Việt lâu dài, bị đã hòa nhập cùng cộng đồng ngôn ngữ Việt. Nếu không biết chữ Hán, mấy ai biết cái chữ bị quen thuộc này lại là ngoại lai! Thế cho nên, bị hoạt động cũng thoải mái lắm. Nó không chỉ đi trước các động từ, tính từ, danh từ… mà còn cả các cụm động từ – bổ ngữ, cụm chủ vị (bị đau chân, bị vỡ sọ, bị người ta chê cười, bị vợ ăn vạ…) nghĩa là tất cả kết cấu làm được bổ ngữ chỉ đối tượng trực tiếp của nó.
Chữ bị này hoạt động mạnh mẽ quá nên nhiều lúc dường như nó không còn là một động từ nữa, nó “hư hóa” đi. Nó chỉ như một yếu tố “ngữ khí”, nhấn mạnh cái sắc thái đánh giá: cái áo này bị xanh rồi, lòng luộc bị dai (bỏ đi, nội dung thông báo không khác)…
Đặc biệt gần đây, trong khẩu ngữ còn có lối nói đùa cợt thân mật, trẻ trung và cả hài hước nữa, khi người ta thể hiện một sự đánh giá theo hướng “tốt, may” như kiểu: Cô ấy hơi bị xinh đấy! Giọt nước hơi bị trong!… Chưa biết rồi đây, cộng đồng sử dụng tiếng Việt chúng ta có chấp nhận cái bước ngoặt nghịch ngợm này của chữ bị hay không, xin cứ tạm ghi nhận.
Đôi điều nhận xét
Dõi theo bước đường nhập Việt của cái chữ bị gốc Hoa này, ta có thể thấy có nhiều chữ gọi là “thuần Việt” nhưng thực ra cũng là từ mượn. Chả nên quá phân biệt đối xử để kỳ thị các từ mượn hợp lý. Có một điều rất lý thú là khi mượn từ, người Việt ta có sàng lọc: Không mượn các nghĩa không cần (bị cũng có nghĩa là cái mền), không để lẫn lộn sắc thái tốt, xấu như ở ngôn ngữ gốc (Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh còn ghi bị tuyển cử nhân = người được nhân dân tuyển cử).
Điều thứ hai dễ nhận là việc du nhập của các từ mượn được cộng đồng chấp nhận, sử dụng đều do nhu cầu nội tại của hệ thống tiếng Việt và tuân theo các quy tắc khá chặt chẽ (như cần thì mượn, không thì thôi, vừa phải tiết kiệm lại vừa phải phân công giữa các từ để tránh hiểu lầm, khó cho giao tiếp…).
Điều thứ ba là khi đã mượn từ, dân mình rất thoáng, không định kiến, coi bình đẳng như các từ khác để nó thỏa sức hoạt động như con dân tiếng Việt thực thụ.
Vì vậy, chẳng nên như một số trong chúng ta bị phong cách nhà nho gò bó, “chiếu trải không ngay ngắn không ngồi”. Khi gặp từ Hán Việt là giở sách cổ ra đối chiếu chê chỗ này chệch âm, chỗ kia sai nghĩa cũ, và để rồi không bao giờ chấp nhận những cách dùng khá hay, nhưng chưa được ghi vào từ điển, sách ngữ pháp. Rõ ràng như thế là không tôn trọng cái thực tiễn của các từ ngữ sống động trong đời sống.
Lê Xuân Mậu
(Tạp chí Tài hoa trẻ)

No comments:

Post a Comment