Thursday 10 May 2012

Con chuột nào được ăn bởi con mèo?


Nhớ hồi cấp II học tiếng Pháp, một trong những nội dung trọng tâm kỳ thi nào, năm nào cũng gặp là voix passive (thuật ngữ hiện nay gọi là thái bị động), học sinh tha hồ sai. Năm lớp 8 thoát được nỗi sợ truyền kiếp đó nhờ học với cô giáo Liên luyện cho đổi tới đổi lui, đổi xuôi đổi ngược rồi cứ bám theo câu tiếng Pháp mà ghi nhớ mẹo luật. Hễ chiều này là Con mèo ăn con chuột thì chiều kia phải là Con chuột được ăn bởi con mèo. Được có thể thay thành bị nhưng cứ nhớ ít cho dễ. Bắt buộc phải có bởi; nếu không, lúc viết câu tiếng Pháp, thiếu từ par, sẽ sai. Phức tạp hơn một chút, và thường gặp trong đề thi, là động từ ở thì này thì nọ: Con mèo đã ăn con chuột tương đương với Con chuột đã được ăn bởi con mèo... Cắc cớ hơn nữa có thể có dạng phủ định hoặc  nghi vấn hoặc cả hai: Con chuột đã không bị ăn bởi con mèo phải không?
Nếu chỉ là chuyện xài tiếng Việt để ghi nhớ cấu trúc tiếng Tây thì cũng chưa có gì đáng nói mấy. Cả khi dịch xuôi từ tiếng Pháp ra tiếng Việt cũng phải bám lấy cái cấu trúc ấy. Chỉ có thể dịch Con chuột đã được ăn bởi con mèo, hay cùng lắm là Con chuột đã bị ăn bởi con mèo chứ Con chuột đã bị con mèo ăn là không sát, càng không thể dịch Con chuột bị con mèo ăn mất rồi.
Ba bốn chục năm qua, từ bởi đã trở nên quen mắt đến nỗi dường như viết một câu văn mà thiếu nó là không xong: Chương trình này được tài trợ bởi Nokia... Chương trình kia được thực hiện bởi các bộ có liên quan của các nước.... Cho nên một câu như Quyển sách này do giám đốc nhà máy sản xuất giày dép thành phố Hồ Chí Minh viết mới bị chê là không thuận tai, được sửa thành Quyển sách này được viết bởi giám đốc nhà máy sản xuất giày dép thành phố Hồ Chí Minh, cứ như thể là không có bởi thì không còn cách nào viết lại cái câu bị chê kia.

No comments:

Post a Comment