Sunday 29 July 2012

Văn minh kinh xáng (Nhâm Hùng)


Biên khảo: NHÂM HÙNG 
Mở đầu kế hoạch khai thác lớn ở miền Hậu Giang, người Pháp tiến hành đào kênh xáng Xà No xuyên qua cánh đồng hoang vu rộng, lớn nằm giữa 2 tỉnh Cần Thơ - Rạch Giá. Với việc thi công cơ giới bằng 4 chiếc máy xáng, chỉ trong vòng 3 năm (1901-1903) công trình thủy nông được cho là lớn nhất Nam kỳ đã hoàn thành, mang lại nhiều lợi ích. Tính theo độ dài 34 km, mặt kênh rộng 60 m, chỉ cần mỗi bên đưa nước tưới tiêu vô sâu 1 km, thì sẽ cần gần cả trăm ngàn mẫu (ha) được hưởng lợi từ dòng kênh này.

Kênh xáng Xà No ngày nay. Ảnh: HIỀN THANH

Khởi đầu từ phía Vàm Xáng, ngay cái nôi miệt vườn Phong Điền - bờ Tây sông Hậu; lại sát chợ Cái Răng, gần thủ phủ Cần Thơ nên kênh xáng Xà No có thêm điều kiện thuận lợi cho việc phát huy tác dụng. Trong một thời gian ngắn, đã làm thay đổi diện mạo một vùng đất úng ngập, ứ phèn quanh năm; sinh sôi biết bao giá trị mới trong phát triển kinh tế và nâng cao đời sống văn hóa.

Trong sách biên khảo “Tìm hiểu đất và người Hậu Giang” (NXB Phù Sa, 1959), Nhà Nam Bộ học Sơn Nam từng đưa ra khái niệm về “... một hình thức văn minh ngộ nghĩnh”, ông tạm gọi là “Văn minh kênh xáng” theo sau những dòng kinh mới đào bằng cơ giới. Xuất phát điểm của những nét “Văn minh kênh xáng” ấy, phải chăng từ vùng đất chịu ảnh hưởng của dòng nước Xà No, rồi lan tỏa khắp nơi?

Để góp phần làm sáng tỏ thêm vấn đề, ta hãy đi tìm những lý giải lần qua các “manh mối”:

* Văn minh trong mở mang kinh tế

Trước tiên là phương thức sản xuất nông nghiệp theo hình thức “điền”! Cần phân biệt rõ: kiểu đồn điền “thời đàng cựu” của Triều Nguyễn làm chức năng kinh tế kết hợp với quốc phòng (đồn + điền). Trong khi đó, hình thức “điền” dưới thời Pháp thuộc chỉ đơn thuần canh tác nông nghiệp, nó giống như “nông trại”, “trang trại” nhưng hầu hết đất đai đều khoán cho tá điền canh tác. kênh xáng Xà No đào xong, nhiều dạng điền theo đó ra đời như dân gian quen gọi:

- Điền Tây: vùng đất ruộng do người Pháp làm chủ, như: điền Tây Albert Gressier (nhiều người còn kêu là điền Tây Be, điền Ông Kho, điền Bảy Ngàn). Đây là điền lớn nhất trong vùng Xà No, canh tác gần 30.000 mẫu. Tại khu vực xã Nhơn Nghĩa, còn có điền Tây Duval và Guery sở hữu 2.500 mẫu.

- Điền hảng: tức khu vực đất ruộng do các công ty của Pháp đầu tư, quản lý, khai thác như điền của Công ty Đông Pháp, điền của Công ty Bat-tam-băng, điền của Ngân hàng Đông Dương v.v... diện tích chung khoảng 10.000 mẫu.

- Điền của người Việt, thường là ruộng đất của các ông Hội đồng, Phủ hàm, quan chức địa phương.

Mặc dù các chủ điền luôn có các thủ đoạn bóc lột, vơ vét nhưng có thể nói: hình thức canh tác trong các điền vùng kênh xáng Xà No, đã cho thấy những bước tiến mới, mang lại hiệu quả rõ nét:

Để mở rộng diện tích ruộng đất hai bên bờ kênh, các chuyên gia nông nghiệp Pháp cho đào tiếp: cứ cách 500 m, xẻ 1 kênh nhỏ; cách 1.000 m đào một con kênh lớn hơn theo lối đào “xôm lươn” để điều hòa dòng chảy. Vô sâu 1.000 m, đào nối bằng những con kênh sườn, khép kín các khu đất như những ô bàn cờ. Nhờ phương pháp thủy lợi này, việc tưới tiêu nhanh chóng, góp phần biến đất hoang thành đất thuộc, mở rộng thêm diện tích, gia tăng năng suất, sản lượng lúa.

Khi ổn định sản xuất, khoảng từ 5-10 năm sau ngày đào kênh xáng Xà No, các chủ điền mạnh dạn đầu tư cho ngành công nghiệp xay xát lúa gạo. Điển hình nhất là nhà máy xay lúa Ông Kho (Bảy Ngàn) với hệ thống kho lớn đặt trên diện tích rộng gần 2 mẫu, công suất xay mỗi ngày đến 300 tấn. Có tài liệu nói đây là Nhà máy xay xát lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ. Lần hồi các nhà máy xay Vàm Xáng, Vị Thanh tiếp tục ra đời. Đặc biệt, tại chợ Cái Răng - người Hoa kiều bỏ vốn lập hàng chục nhà máy xay bên cạnh các chành lúa khổng lồ, được mua gom từ phía Rạch Giá, Bạc Liêu và vùng lân cận theo kênh xáng Xà No đưa về xay xát, rồi chở lên Chợ Lớn xuất cảng. Do bước phát triển mới này - chợ Cái Răng trở thành một đô thị công nghiệp lúa gạo đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ đứng sau Chợ Lớn.

Nhịp nhàng với sự phát triển nông, công nghiệp - hoạt động thương mại gắn với kênh xáng Xà No cũng nhanh chóng lớn mạnh, theo xu thế kinh tế hàng hóa. Mỗi điền Tây, điền Ta đều có đoàn ghe chài, ghe tam bản luồn sâu vô làng, xóm mua gom lúa gạo. Riêng điền Tây Be có đến 30 ghe chài lớn. Từ chợ Cái Răng, các chủ nhà máy, chủ chành lúa, ghe chài, thương lái, nhân công có mặt khắp vùng nông thôn, theo kênh xáng Xà No đi mua gom lúa gạo, cạnh tranh với các điền.

Sinh hoạt mua bán lúa gạo nhộn nhịp, khiến một bộ phận nông dân tách ra làm công nhân, thợ thuyền, phu khuân vác; một bộ phận khác vừa sản xuất, lại vừa kiêm thêm nghề mua bán khi mạng lưới chợ hình thành. Chỉ tính dọc theo kênh xáng Xà No, đến giữa thế kỷ XX, đã xuất hiện nhiều khu chợ sung túc như: chợ Vàm Xáng (lập năm 1907), chợ Một Ngàn, chợ Bảy Ngàn, chợ Cái Nhum, chợ Hỏa Lựu v.v... Đáng kể là do nhu cầu kinh tế phát triển, chợ trên bờ quá tải đã thúc đẩy sự ra đời của chợ nổi Cái Răng, tiếp sau là chợ nổi Phong Điền. Lúc này, trên các sông, kênh, rạch quanh vùng... ghe thương hồ luôn có mặt, sẵn sàng cung ứng cho mọi người các hàng hóa thiết yếu. Tại các ngã ba, ngã tư sông, nơi dân cư đông đúc, nhiều ghe, xuồng đi bán đồ ăn, thức uống, chè, cháo, bánh, trái... tạo nên một nghề đặc trưng: nghề “bán vàm”!

Chỉ sau một thời gian ngắn, vùng kênh xáng Xà No đã trở thành một địa bàn chiến lược, đi đầu trong mở mang, phát triển miền Hậu Giang trên cả ba lĩnh vực gắn kết một cách liên hoàn giữa nông nghiệp, công nghiệp và thương mại - dịch vụ.

* Văn minh cư trú và lối sống người kênh xáng - Hậu Giang

Kênh xáng Xà No đào tới đâu, mọi người kéo nhau tới đó dựng lều, giành đất mặt tiền cất nhà ở để thuận tiện cho việc sinh sống, làm ăn. Khi các kênh ngang, kênh sườn đào tiếp sâu vô hai bên bờ, số người đến lập nghiệp càng đông đảo, tạo thành làng xóm ở dọc theo mặt tiền các con kênh, gọi là đất bờ xáng. Lần hồi, đất bờ xáng càng có giá trị, bởi sự “liền canh, liền cư”, lại cao ráo, thích hợp với nghề làm vườn, ít bị ngập lụt trong mùa mưa. Giá đất ở bờ xáng cao gấp nhiều lần so với đất ở bờ sông, rạch. Khi mặt tiền bờ xáng Xà No hết chỗ, người ta lấn sâu vô trong cất nhà ở đến 2, 3 lớp. Tại các ngã ba, ngã tư sông dân cư ở tập trung, mở chợ, xây đình, cất trường học mà đầu tiên là Vàm Xáng, xã Nhơn Nghĩa (1907).

Sự tập trung gia cư dọc theo đất bờ xáng tạo nên hình thức cộng đồng mới; một nét văn minh cư trú được kết nối từ những thành quả; bước tiến mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế. Nhiều tài liệu cho thấy: thời trước, các lớp người khẩn hoang thường đi sâu vô trong ruộng để dễ bề canh tác. Họ ở xa bờ sông rạch vì ở đó thường là rừng rậm, nhiều sấu, cọp, hiểm nguy. Đến khi các con kênh xáng được đào, đất được khai hoang thì kiểu cách cư trú trong ruộng, được dịch chuyển ra đất bờ xáng.

Hình thức cộng đồng mới bên bờ kênh xáng đã tạo nên nét sinh hoạt, lối sống, tính cách của “người kênh xáng”, hay còn gọi là “người Hậu Giang” mà trung tâm là vùng sản xuất nông nghiệp phát triển phía bờ Tây sông Hậu thuộc các tỉnh Cần Thơ, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu v.v...

Định cư nơi sông sâu nước chảy, đất ruộng thẳng cánh cò bay, nông dân - tá điền tuy có vất vả, nhưng cuộc sống cũng khá đủ đầy, có người cho rằng đất miền Hậu Giang tốt “làm chơi mà ăn thiệt” theo lối ruộng sạ bỏ đó, cuối mùa cũng gặt hái 5-7 giạ một công. Do vậy, họ không lo nghèo, sợ đói.

Người kênh xáng - Hậu Giang quan niệm “có làm phải có chơi”, nhất là dịp tết lúc nông nhàn, họ bày ra nhiều kiểu giải trí, “chơi bời” vừa lành mạnh lại vừa tiêu cực:

Giới địa chủ, phú nông, hương chức làng thường hay bày cuộc chơi đờn ca tài tử vào dịp cưới hỏi, giỗ quảy, thôi nôi, đầy tháng... vùng kênh xáng Xà No có Ban đờn ca tài tử Ái Nghĩa nổi danh, nhiều nghệ nhân tên tuổi.

Ban đêm đờn ca, ngày thì đá gà, đá cá lia thia; già, trẻ, lớn, bé, đều ưa thích. Tất nhiên, không ít người sạt nghiệp, trắng tay vì máu mê cờ bạc. Theo các vị cao niên: ở kênh xáng Xà No có “trường gà” thầy Tường là sòng đá gà nổi danh, thu hút nhiều tay chơi xa, gần.

Trong các dịp hội hè, hương chức làng thường tổ chức thi tài hò đối đáp giữa trai và gái, các vị bô lão, người sành điệu được mời chấm thi. Nhờ lối tổ chức ngày sinh hoạt hò đối đáp phát triển mạnh trên các kênh rạch. Trong làng không chỉ có “lò” đờn ca tài tử mà còn có thầy dạy hò tiếng tăm. Từ cách sinh hoạt, giải trí đa dạng nên lối sống, tính cách người kênh xáng - Hậu Giang rộng rãi, hào phóng nhiều khi khá “hào hoa”. Gặp khách phương xa tới nhà chơi, họ có thể nghỉ làm vài buổi để tiếp đãi, hàn huyên. Thấy người hoạn nạn, khốn khó hơn mình họ sẵn sàng ra tay “nghĩa hiệp” như cho mượn lúa, mượn gạo ăn tới mùa sẽ trả. Mặt khác, chuyện tình duyên đôi khi cũng khá giản đơn. Chỉ cần cảm nhau qua vài câu hò, lời ca tài tử họ có thể “gá nghĩa trăm năm”.


* Sự phong phú về địa danh và tiếng Việt Nam bộ

Kênh xáng Xà No, rồi các cụm kênh Ngã Bảy, Ngã Năm nối tiếp ra đời không chỉ kích thích các hoạt động kinh tế, mà còn góp thêm sự phong phú về địa danh và tiếng Việt Nam bộ.

Trong 100 năm hình thành, kênh xáng Xà No đã sản sinh nhiều địa danh dân gian khá thú vị:

Ngay đoạn máy xáng khởi đào nối rạch Cần Thơ, địa danh “Vàm Xáng” đã xuất hiện, lần hồi lại phát triển thêm tên chợ Vàm Xáng, nhà máy xay lúa Vàm Xáng v.v...

Khi xáng đào bứt đoạn rạch Xà No, dân gian lại có thêm địa danh “Xà No bứt”.

Đáng chú ý là từ chiếc máy xáng, kênh được đào trở thành kênh xáng. Rồi từ con kênh xáng, lại “nở” thêm nhiều địa danh, tên công trình công cộng có chữ xáng kèm theo:

- Cầu Xáng: cầu bắc ngang kênh xáng.

- Chợ cầu Xáng: chợ gần cây cầu Xáng.

- Xáng Mới: địa danh nơi kênh xáng vừa mới đào. Huyện Châu Thành A có ấp Xáng Mới gần chợ Rạch Gòi.

- Xáng Chìm: địa danh xóm, khu dân cư có chiếc xáng bị chìm.

- Xáng Nổ: địa danh xảy ra sự cố nổ máy xáng khi đang thi công đào kênh.

- Xáng Bộ: địa danh có con kênh thi công từ loại máy đào chạy trên bộ. Kênh xáng Bộ cắt ngang kênh xáng Lái Hiếu (ngã tư xáng Bộ, huyện Phụng Hiệp).

Lúc đầu, người ta gọi nguyên tên như kênh xáng Xà No, kênh xáng Lái Hiếu, kênh xáng Nàng Mau... về sau, họ nói rút gọn chỉ còn ba từ: xáng Xà No, xáng Lái Hiếu, xáng Nàng Mau...

Một điểm khác đặc biệt là sự xuất hiện của các địa danh bằng chữ số, dọc theo kênh xáng Xà No. Do cách đo đạc, tính toán lưu lượng dòng chảy phục vụ việc tưới tiêu - các chuyên gia nông nghiệp đã cho thi công: cách 500 m đào một kênh nhỏ, cách 1.000 m đào một kênh lớn hơn. Ở giao điểm các kênh đào này thường tập trung dân cư, đặt cơ sở làng hay trung tâm chợ, nhà máy... Từ đó nhiều địa danh chữ số ra đời, theo dấu mốc kênh đào ở một số cụm dân cư:

- Một Ngàn: con kênh Xà No ở dấu mốc (cây số) đầu tiên đưa nước tưới tiêu vô sâu trong ruộng. Sau này do cư dân đông đúc nên hình thành chợ Một Ngàn, nay là thị trấn, huyện lỵ - huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

- Bốn Ngàn: địa danh có khá nhiều dân cư sinh sống.

- Bảy Ngàn: địa danh trung tâm kênh xáng Xà No, nơi đặt nhà máy Ông Kho và “trụ sở” điền Tây Be, lớn nhất trong vùng.

- Tám Ngàn: cũng là điểm dân cư tập trung, cách điểm Bảy Ngàn 1 km. Ngày nay, Tám Ngàn một bên thuộc huyện Châu Thành A, một bên thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

- Mười Một Ngàn: điểm dân cư dọc theo kênh Mười Một Ngàn, một phần trên địa bàn xã Vị Thanh, một đoạn thuộc xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy.

- Mười Bốn Ngàn: điểm dân cư gần phía hạ nguồn kênh xáng Xà No... Nay thuộc xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Phát triển từ tên số các con kênh, dân gian còn đặt thêm nhiều địa danh khá ngộ nghĩnh như: Bốn Ngàn Rưỡi, Tám Ngàn Dài, Tám Ngàn Cụt... Việc hình thành các địa danh chữ số, do mọi người quen gọi, lâu dần thành địa danh dân gian, đôi khi được nâng nên thành địa danh hành chính. Đây cũng là một nét đặc trưng về văn hóa địa danh hiếm thấy ở Nam bộ.

Bên cạnh sự nở rộ của địa danh, tiếng Việt Nam bộ ở vùng kênh xáng cũng cho thấy sự phong phú. Nhiều lời ăn tiếng nói có kèm theo từ “xáng” trong sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày người ta vẫn hay sử dụng.

Khi các máy xáng thi công, tên “xáng” bằng tiếng Pháp lập tức được Việt hóa: tên máy xáng Loire được mọi người kêu là “Xáng La”; chiếc xáng Nantes, trở thành xáng “Năn”. Họ phân biệt kiểu đào kênh khá rõ qua các từ như: xáng cạp, xáng múc, xáng thổi, “sở xáng”, “hãng xáng” là công ty tàu cuốc chuyên đào kênh của Pháp.

Từ thực tế địa bàn, đời sống cư dân vùng kênh xáng Xà No - kiểu hình thành địa danh và tiếng Việt Nam bộ, gắn với kênh xáng dần lan tỏa ra nhiều vùng. Do đó nơi nào có đào kênh xáng nhất thiết sẽ ra đời những địa danh na ná như nhau. Trên đường Quốc lộ 1A từ TP.Hồ Chí Minh về miền Tây, qua địa bàn xã Long Định, huyện Châu Thành (Tiền Giang) có cây cầu Xáng khá dài. Ở Tri Tôn (An Giang) cũng có địa danh kênh xáng. Vùng Cà Mau có kênh xáng Đội Cường, kênh xáng Bà Kẹo. Thế nhưng, chỉ ở vùng Cần Thơ, Hậu Giang mới có nhiều địa danh gắn với chữ xáng, vì nơi đây có nhiều kênh xáng được đào.

* Văn nghệ dân gian theo dòng kênh xáng

Chuyện kể là hình thức văn học truyền miệng xuất hiện ngay khi kênh xáng Xà No mới đào.

Theo các vị cao niên, ở khoảng giữa chợ Một Ngàn và Vàm Xáng có một đoạn kênh hơi lệch gần 200. Vì sao? Là do lúc các chuyên gia Pháp phóng kênh trúng vô nhiều đất của một ông Hội đồng, nên ông này nhờ tay thông ngôn nói với viên quan Tây vẽ cho đoạn kênh này lệch qua. Nếu được ông Hội đồng sẽ gả con gái cho anh thông ngôn. Cuối cùng lấy lý do để giảm sức nước chảy, người thông ngôn đã thuyết phục được viên quan Tây. Tất nhiên, sau này anh ta trở thành chàng rể quý của ông Hội đồng.

Theo nhà “Nam Bộ học” Sơn Nam: gọi là kênh xáng Xà No bởi vì kênh khởi đào từ rạch Xà No; một khu xóm của bà con Khmer, cạnh xóm làng người Việt. Nơi đây, có nhiều cây điên điển, tiếng Khmer gọi là Snor (Xà No). Xa hơn về phía hạ nguồn, tại xã Tân Hòa (huyện Châu Thành A), nay vẫn còn một khu dân cư người Khmer sinh sống, có ngôi chùa phật tồn tại khá lâu.

Trong khi đó, trong các dịp “trà dư, tửu hậu”, lại có người kể rằng: chữ Xà No bắt nguồn từ câu chuyện vùng đất này khi xưa có một con mãng “xà” rất lớn. Ngày nọ, nó nuốt vào bụng cả một con nai to, đến “no nê”... nên người ta mới đặt luôn cho địa danh “Xà No”.

Cùng với chuyện kể, tục ngữ, ca dao là một hình thức văn học gắn liền với kênh xáng Xà No, mang nội dung hết sức phong phú:

Kênh xáng Xà No vừa đào, khung cảnh thi công nhộn nhịp, khiến người ta đã mượn ngay chuyện đào kênh để tỏ tình:

“Kênh xáng mới đào, tàu Tây mới chạy
Thương thì thương đại, bớ điệu chung tình
Con nhạn bay cao khó bắn, con cá ở ao Quỳnh khó câu”

Trước đó, vùng rạch Cần Thơ ai cũng quen câu ca dao: “Cái Răng - Ba Láng - Vàm Xáng - Phong Điền”. Đến khi đào kênh xáng Xà No, nội dung chùm ca dao trên nhanh chóng được biến đổi thành:

“Cái Răng - Ba Láng - Vàm Xáng - Xà No
Anh có thương em thì mua cho một chiếc đò
Để em lên xuống thăm dò ý anh”


Nhận biết được văn minh phương Tây, người kênh xáng - Hậu Giang lấy sự bền vững các phương tiện cơ giới để chứng tỏ cho lời hẹn thề trai, gái:

“Quả năm ngăn trong lòng son đỏ
Mấy lời to nhỏ bỏ bậu sao đành
Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành
Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành bỏ em”

Kênh xáng Xà No ra đời, nghề mua bán lúa gạo phát triển. Những đoàn ghe chài dọc ngang vô sâu trong điền mua gom lúa gạo, khiến một bộ phận nông dân chuyển sang làm bạn ghe, chèo ghe, vác lúa. Công việc quá cơ cực, nặng nhọc đến nỗi có lời ca dao khuyên can một cách tế nhị:

“Đừng ham hốt bạc ghe chài
Nhịp cầu cao (?) bao lúa nặng, tấm đòn dài khó đi”


Dân cư đông đúc tại các ngã ba, ngã tư kênh xáng nổi lên nghề bán vàm. Từ đây, lối rao hàng dần biến thành các điệu hò sông nước qua lời rao: “Ai ăn bánh bò không...” dần phát triển thành “Ai ăn bánh bò hông...” rồi “Ai ăn bánh bò hơ...”

Có người quanh năm suốt tháng gắn bó với nghề bán vàm:

“Tháng giêng, tháng hai tôi đi bán sương sa, sương sáo
Tháng năm, tháng sáu tôi đi bán bánh bò bông”

Trên dòng kênh xáng, nghề thương hồ cũng lắm lúc khó khăn khiến người ta buông câu than vãn:

“Bìm bịp kêu nước lớn ai ơi
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê”


Hoặc như:

“Chèo ghe đi bán cá vồ
Nước chảy ồ ồ chẳng thấy ai mua”

Bình thường, nói đến điền Ông Kho (Bảy Ngàn) ai cũng biết là lớn lao, đồng ruộng mênh mông bát ngát, ghe chở lúa gạo bán mua dập dìu. Vậy mà cũng có lúc điền chủ lao đao, tá điền lâm vào cảnh khốn khổ do mùa màng thất bát, khiến họ nhớ đời:

“Hỡi anh còn nhớ Bảy Ngàn
Củ co ăn với củ bàng thế cơm!”


Bên cạnh ca dao, nhiều tục ngữ về đời sống cũng gắn liền với từ xáng, như:

“Ăn như xáng múc
Làm như lục bình trôi”


Rõ ràng, từ khái niệm “máy xáng” rồi “kênh xáng” đã gợi mở cho dân gian “sáng tạo” nên những giá trị văn học bình dân đặc thù, có mặt thường nhật trong đời sống xã hội. Có lẽ, khởi đầu việc hình thành những giá trị này là từ vùng kênh xáng Xà No, bởi ở đây đào kênh xáng sớm nhất. Sau đó, nhân rộng đến vùng Ngã Bảy, Ngã Năm, rồi trở thành những nét văn hóa đặc trưng phổ biến rộng khắp miền Hậu Giang cho đến ngày nay. Từ truyền thống này, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đương đại vẫn nối tiếp ra đời theo dòng chảy kênh xáng Xà No, làm đẹp thêm cho gương mặt miền Hậu Giang xưa và Tây sông Hậu hôm nay.

* * *

Bàn về “văn minh kênh xáng” cũng là bước đi về nguồn, tìm hiểu và góp phần đúc kết những thành quả của các thế hệ tiền nhân ở nhiều chiều, nhiều dạng:

“Văn minh kênh xáng” bắt đầu từ việc cơ giới hóa khâu thủy nông, thúc đẩy hình thức sản xuất khép kín trong các điền - nét văn minh ấy còn mở ra bước tiến mới cho ngành công, thương, dịch vụ góp phần quyết định để miền Hậu Giang trở thành trung tâm lúa gạo lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ. Chỉ 5 năm sau ngày đào kênh xáng Xà No, lúa gạo miền Hậu Giang đưa đi xuất cảng tăng vọt: chiếm đến 900 ngàn tấn, trong tổng số 1 triệu 300 ngàn tấn của toàn Nam kỳ.

Những con kênh xáng còn tạo ra một dạng đời sống xã hội đặc trưng, qua nét văn hóa cư trú, văn hóa thương hồ mang đậm bản sắc sông nước miệt vườn. Từ đó, hình thành một cách rõ nét về lối sống, tính cách “người kênh xáng - Hậu Giang” trong cộng đồng cư dân Nam bộ - Đồng bằng sông Cửu Long.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
SÁCH - TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tự vị tiếng nói miền Nam, Vương Hồng Sển (NXB Trẻ TP.Hồ Chí Minh, 1999)
- Tìm hiểu đất Hậu Giang, Sơn Nam (NXB Phù Sa - Sài Gòn 1959)
- Tạp chí xưa và nay số 286 (2007)
- Cuộc đời, sự nghiệp các văn nghệ sĩ Cần Thơ, Sở VHTT TP.Cần Thơ (2006)
- Lịch sử Đảng bộ huyện Châu Thành, Huyện ủy Châu Thành (1999)
- Văn minh miệt vườn, Sơn Nam (NXB Văn Hóa, 1992).

NHÂM HÙNG

No comments:

Post a Comment