Saturday 22 September 2012

Vắn tắt về nguồn gốc địa danh Sài-Gòn (Trịnh Quốc Thuận)

Vắn tắt về nguồn gốc địa danh Sài-Gòn

Lâu nay tôi vẫn nghĩ rằng nguồn gốc địa danh Sàigòn đã nói rành mach trong quyển "Sài Gòn năm Xưa" 1962, của cụ Vương Hồng Sển (1902-1996). Nếu có ai thắc mắc thì dỡ lại sách cũ, sẽ thấy giải thích thỏa đáng.

Gần đây tôi có đọc bản dịch "Gia Định Thành Thông Chí" 1822 , của Trịnh Hoài Đức (1765-1825). Quá thích thú, tôi xin mạo muội được vắn tắt góp ý về nguồn gốc địa danh Sài Gòn. 


Cù Lao Phố, tiền thân của “Thày-ngòn” Đề-Ngạn 

Bát lộ kỳ binh Mãn Thanh phá tan quân Lý Tự Thành ở Sơn Hải quan, chiếm lấy Bắc Kinh lập ra nhà Thanh năm1644. Nhưng vùng Hoa Nam nước Tàu , nhà Thanh phong đất cho do ba di thần nhà Minh cai trị, Ngô Tam Quế ở Vân Nam vàQuảng Tây, Thượng Khả Hỉ ở  Quảng Đông,  Cảnh Tinh Trung ở Phúc Kiến. Sử gọi đó là Tam Phiên Vương. Thượng Khả Hỉ chết năm 1677, và Ngô Tam Quế 
chết năm 1678, đến năm 1681, nhà Thanh mới dẹp được tàn quân Vân Nam, thống nhất nước Tàu. 

Trần Thượng Xuyên, người Quảng Đông, tổng binh 3 châu, Cao-Lôi-Liêm, cùng với phó tướng Trần An Bình đến Đàng Trong đầu chúa Nguyễn năm 1679. 
Được chúa Nguyễn cho vào lập nghiệp ở miền Nam. Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình mang bản bộ binh mã cùng thê tử , chiến thuyền vào cửa Cần Giờ, đến đóng ở Bàn Lân , cù lao Phố Biên Hòa. 

Trần Thượng Xuyên là một danh tướng giúp chúa Nguyễn mở mang bờ cỏi. Còn là nhà chánh trị, có óc tổ chức, cai trị, và buôn bán  ông đã lập phố xá ở Bàn Lân Biên Hòa, gọi là Nông Nại (農奶) Đại Phố, Nông Nại  phiên âm tiếng ĐồngNai. (phải chăng Cù Lao phố có tên từ Nông Nại Đại Phố, xây dưng trên một cù lao ? Thời buổi đó miền Nam chưa chính thức thuộc quyền Chúa Nguyễn, dân cư thưa thớt, chắc chưa có cái cù lao tên Phố trước khi Trần Thượng  Xuyên đến). 

Trần Thượng Xuyên mất năm 1720. Lúc sống được Chúa ban" Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt", Sau khi mất được vua Minh Mạng sắc phong "Thượng Đẳng thần". 


“Thày-ngòn” và Sài-gòn 


Năm 1777 quân Tây Sơn tràn vào Nam truy sát Nguyễn Vương, và tàn phá Cù Lao Phố. Khoảng năm 1778 người Hoa sống xót chạy dọc dòng sông Bến Nghé, dời vô vùng đất Chợ lớn ngày nay, đắp đất bồi đê lập phố buôn bán, đặt tênlà Đề Ngạn 堤岸, nay thuộc khoảng đường Triệu Quang Phục (trước 1975), mà ba má tôi khi xưa thường gọi là đường Quảng Đông- người Tàu gọi là Cửn Tăng 
coi (Tiều), hay Cỏn Túng cái (Quảng), từ bến Hàm Tử chạy đến cầu Chà Và , vùng Bưu điện  Chợ lớn. 
Đề Ngạn堤岸: Đề là đê, ngạn là bờ, nghĩa là trên bờ sông, bờ đê -ở đây chỉ sông Bến Nghé, hay Tân Bình-,下馬步堤岸, 上船拜吾兄 ,xuống ngựa bước trên bờ sông, lên thuyền thăm ngô huynh –Hàn Dũ 
Người Hoa lúc đó và sau nầy chỉ gọi vỏn vẹn là Đề Ngạn, chớ không gọi Đề Ngạn Đại Phố, có phải vì sợ phô trương và chuốt họa diệt vong như Nông Nại Đại Phố chăng?  Nhưng một lần nữa, năm 1782, quân Tây Sơn lại tràn vào cướp bócphố Tàu, giết người gần như sạch sành sanh. 
Đê Ngạn 堤岸, đọc âm Quảng Đông là “Thày ngòn” mà Tây dịch âm : Tai- ngon (từ âm Quảng Đông ), hay TIN-gan (từ âm Quan thoại) . Ông Vương Hồng 
Sển có dẫn trang sách của Francis Garnier@ (1866) nói về Chợ Lớn, tôi chỉ xin trích lại đây đoạn nào liên hệ đến tên Saigon: "... Ceux-ci abandonnèrent Cou-lao- pho, remonterent de fleuve de Tan-Binh, et vinrent choisir la position actuelle de ChoLen. Cette création date d'envinron 1778. Its appelèrent leur nouvelle résidence Tai-Ngon, ou Tin-Gan. Le nom transformé par les Annamites en celui deSaigon fut depuis appliqué à tort, part l'expédition francaise, au Saigon actuel dont la dénomination locale est Ben-Nghe ou Ben-Thanh....” 1 
Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định Thành Thông Chí ” 1822 có viết về Sài gòn như sau: 
"Phố chợ Sài Gòn.
...phố xá liền mái nhau, người Việt và người Tàu ở chung lộn dài độ 3 dậm… Đầu phía bắc đường lớn của bổn phố có miễu Quan Đế va 3 hội quán lớn: Phúc Châu, Quảng Đông, và Triều Châu chia đứng 2 bên tã hữu; phía tây ở giữ đườnglớn có miếu Thiên Hậu...."2. 
Rõ ràng đây là tả phố xá Chợ Lớn trong vùng khoảng đường Triệu Quang Phục, Đồng Khánh, Nguyễn Trãi ngày nay (trước 1975) 
Gia định Thành Thông Chí viết xong khoảng năm 1822. Hòa ước Nhâm Tuất 1862, mất 3 tỉnh miền Đông. Trích dẫn sách của Francis Garnier nói về Chợ Lớn xuất bản vào năm 1866.
Căn cứ vào niên biểu thứ tự trên thì Sài-gòn là do người Việt đọc âm tiếng Quảng Đông "Thầy ngòn" của chữ Hán 堤岸 đúng như Francis Garnier nói về 
Chợ Lớn (chớ không phải do Tây đọc âm Thầy-ngòn, ra Tai-Ngon, và Việt theo đó phát âm , sau nầy viết ra quốc ngữ là Sài-Gòn) 

Như vậy theo cụ Vương Hồng Sển thì địa danh Sài-gòn có nguồn gốc từ âm 
tiếng Quảng Đông "Thầy-ngòn", của chữ Hán堤岸 theo tôi thì phải thôi. 

Sài-gòn, Tây-cống, Chợ-lớn 

Sài-gòn thì được Tây và Việt nói và dùng trong văn kiện, giấy tờ. Do vậy theo người Hoa thì Sài-gòn là phố xá người Việt ở. Và người Hoa đọc âm Sài-gòn 
ra Sai-cụn(Tiều) hay Sấy cun (Quảng) và viết 西 貢âm Hán Việt là Tây-Cống. 
Danh từ “Thày-ngòn” phổ biến ở người Hoa, dành cho phố xá mà Tây viết là Cho-Len, và Việt gọi là Chợ Lớn. 
Người Việt không gọi phố người Tàu là Thày-ngòn, mà gọi là Chợ-Lớn. Có lẽ vì trẹo lưỡi, nói không quen tiếng Thày-ngòn vã lại  lúc xưa ở vùng Bưu điên Chợ-Lớn có cái chợ rất lớn vào thời buổi đó. Do đa phần là người Hoa buôn bán, nên người Việt gọi Chợ Lớn là phố xá ngưới Tàu, sau lớn dần, phát triển ra Thành Phố Chợ Lớn. Sau nầy cái chợ đó bị dẹp đi và ông Quách Đàm giúp tiền xây một cái chợ mới trên đó chừng 2 miles trên đường Hậu Giang, gọi đó là Chợ Lớn Mới, hay chợ Bình Tây. Nhưng Chợ Lớn vẩn là địa danh của Thầy-ngòn, mà chúng ta vẫn dùng ngày nay. 

Sài-gòn và Sài-côn (xin đọc thêm ở phần chú thích): 

Không như các địa danh khác như Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, Phiên An ... là từ Hán Việt. Sài-gòn vì là chữ phiên âm, Sài thì coi như có âm chữ Hán, còn Gòn là âm Nôm. Theo Vương Hồng Sển, vì “gòn” không có âm tương tự trong chữ Hán. Nên quan lại miền Nam phải tìm âm na ná để viết trong tấu chương trình lên triều đình Huế. Vì vây mà có danh từ Sài-Côn 柴 崑 hay 柴棍. (cũng như Đồng Nai (nôm)  đã đươc người Hoa ở Cù Lao Phố phiên âm ra Nông Nại 農奶).  Theo thuyết cụ Sển, thì Sài-côn phải ra đời sau Sài-gòn. 
Nhưng Gia Định Thành Thông Chí có đề cập tới Sài-côn khoảng 100 năm trước khi người Hoa lập nghiệp ở “Thầy-ngòn” Đề-ngạn3. Như vậy Sài-côn có trước Sài-gòn trên 100 năm. 
Nói là ông bà ta vì bí quá mà phải dùng chữ Hán có na ná âm Việt đễ dịch âm chữ “Gòn”  ra “Côn” thì không ổn lắm. Khi người Hoa dời vô Đề-ngạn lâp 
phố (1778 - 1788) buôn bán thì chữ Nôm đã trưởng thành, phát triển. Chinh Phụ Ngâm Khúc đã được bà Đoàn Thị Điễm (1705-1748) diễn nôm trước đó khoảng trên 40 năm. Thì không lẽ gì mà quan lại thời bấy giờ không viết được “gòn” là 棍. 
Nhưng đây mới là chổ khúc mắc. Người Việt lấy chữ 棍 (chữ Hán, âm côn, lại có bộ mộc đễ chỉ cây gổ) đễ đọc âm, viết cho chữ “gòn” cây gòn. Khi người 
viết ghép 2 chữ 柴棍 lại, đễ chỉ Sài-Gòn. Thì người đọc hay người dịch có thể nói đó là Sài-Gòn hay Sài-Côn, đều trúng cả. Vì chữ 柴棍 là chữ Hán (âm Hán Việt: Sài-Côn). 


Nguồn gốc đia danh Sài-Gòn đó đây. 

1. Tây Cống. 
Nguồn gốc Tây Cống thì đã giải thích như trên. Nếu ai đó cứ ép nói Tây Cống là nguồn gốc Sài-gòn, thì tui xin nói rằng, anh hãy thử giải thích nguồn gốc 
New York qua lối triết tự, giải thích ý nghĩa 2 chữ Hán Nửu-Ước cho người Mỹ. 


2. Sài-Côn, gốc gác Sài-Gòn là từ Sài-Côn.
Có cơ sở là Gia Định Thành Thông Chí có nhắc đến Sài-Côn (vào năm Giáp Dần, 1674) khoảng 100 năm trước phố xá “Thầy-gòn” được người Hoa thành lập3. Nếu Sài-Côn và Sài-Gòn là cùng một địa danh thì thuyết “Thầy-ngòn” là nguồngốc của Sài-gòn cần phải nghiên cứu lại. 


3. Sai-Gong, Sài-Gòn có nguồn gốc từ âm “Sai-Gong”. 
Tôi có đọc bài "Nguồn gốc địa danh Sàigòn" của nhà văn Bình-Nguyên Lộc. Ông căn cứ trên một quyển sách của người Mỹ ở California, ông cho rằng 
nguồn gốc Sàigòn là từ chữ Sai-gong. Theo ông thì tác giả quyển sách nói đó là tiếng thổ âm của người Quảng Đông. Sai-gong là âm của chữ Tây Giang. Sông Tây Giang ở tỉnh Quảng Đông. Người Quảng Đông ở vùng Saigon vì nhớ quê hương mà đặt tên Sai-gong, sau nầy ra Saigon. 
Thuyết của Bình-Nguyên Lộc có yếu điễm (要點) cần lưu ý: 
Sai-gong là do một người Mỹ ở California phiên âm một thổ âm Quảng Đông, nếu lấy đó giải thích là nguồn gốc tên Saigon ở Việt Nam thì có nhiều kẻ hở về ngữ âm. Người Mỹ hay người Pháp phiên âm tiếng Tàu  khác xa với người Việt phiên âm tiếng Tàu. Tây Giang 西 江, theo giọng Quảng Đông thì người mình viết là "Sấy Cón" chớ không phải "Sai-gong", như người Mỹ đọc. 
Nếu Sài-gòn xuất xứ từ Sai-gong (Tây Giang) thì tại sao trong cộng đồng người Hoa ở Saigon- Chợlớn không có giấy tờ, sách vở hay báo chí đề cập Sai- 
gong, hay Sàigòn là Tây Giang. Nếu là nỗi hoài hương của người Quảng Đông mà đặt tên Sai-gong, thì cộng đồng người Hoa phải nhắc nhiều đến Tây Giang, chớ nào đâu có chữ Tây Cống, với  Đề Ngạn. Nên biết, đia danh Sán Đầu 汕頭 “Soa Tháo” * ở Quảng Đông, có nói tới trong “Saigon năm xưa”, mà hầu hết người Triều Châu ở vùng Đông Nam Á, dù là người  sanh đẻ tại chỗ đều biết đến, và nhắc nhở. Còn Tây Giang "Sấy Cón", hay “Sai-gong” không nghe một ngườiQuảng Đông nào trong Chợ Lớn nhắc đến. 
Như vậy lịch sử và sinh hoạt của cộng đồng người Hoa ở Saigon Chợ lớn đã phủ nhận thuyết Tây Giang của ông Bình-Nguyên Lộc. 
Lúc trước ở Saigon  có người đọc tên đường Võ Tánh ra Vũ Tính (chính tai tôi nghe một ông thầy dạy Anh văn ở trường Bồ Đề Chợ Lớn nói với học trò trong lớp). Không phải người Bắc di cư lúc đó không đánh vần được Võ Tánh, mà vì họquen với vũ, tính, đọc vậy cho rằng mình đúng. Võ Tánh sanh đẻ ở miền Nam, thì cha mẹ đặt tên con phải theo phát âm miền Nam. Nếu người Việt không nên đọc 
tên Võ Tánh ra Vũ Tính thì phải càng nên thận trọng khi dẫn từ Sai-gong, phiên âm của một người Mỹ về âm Quảng Đông, Tây Giang, nói đó nguồn gốc của tên Sài Gòn. 


4. Có người nói Sài Gòn là có nguồn từ Sen và Gòn. 
Sen là bông sen, theo thuyết nầy thì do công chúa Ngọc Vạn mang vào Nam khi bà được chúa Nguyễn Phước Nguyên giá gả cho vua Chân Lập Chey Chetta II, Bà mang sen vào trồng ở vùng Prei Kor (tức vùng Chợ Lớn ngày nay). Còn gòn làcây gòn, đã có ở vùng Pre Kor lâu đời. Khi đọc thuyết nầy, tôi không thấy có trích dẫn, nên không đễ ý nguồn và tên tác giả. Nhưng từ Sen ra Sài thì nó xa vời vợi. 


Tôi nguyên sanh đẻ ở đường Frère Louis, nay là đường Nguyễn Trãi. Nhau rún ở vùng Bào Sen, Chợ Quán. Thì Sen và Gòn tôi không có lạ.Tôi còn nhớ khi nhỏ ba má tôi có cất một ngôi nhà ngói ở xóm Bào Sen, sau chánh phủ căn cứ trên khuôn viên nhà ba má tôi, phân lô cất ra nhiều dãy nhà tôm. 
Sau mặt hậu nhà tôi có dãy nhà chánh phủ, sau đó là lò đúc, sau lò đúc là một cái bào. Ba má tôi có nói là bào có nhiều sen. Nhưng khi tôi biết, thì, sen thì ít, mà rau muống thì nhiều. Nhưng dần dần rau muống cũng nhường cho xà bần, thiên hạ lấn đất xây chuồng heo, cất nhà. Tôi còn nhớ có một năm mưa lớn, nước lụt trào ra bào, tội mấy dãy nhà ở mé thấp, nước ngập. Thiên hạ lấy rổ vớt cá, kho tiêu, ăn đượcmấy bữa. 
Xóm sau nhà ba má tôi có khoảng đất trống, có 3, 4 cây gòn già không biết ai trồng từ bao giờ. Hàng năm tới mùa gòn chín vàng, trái gòn nứt dọc, bông gòn theo gió bay phơi phới vui vui. Có năm anh tôi đi mót được vài trái gòn rụng đem về cho má tôi dồn gối (bông gòn đây khác với bông gòn của cây bông vải). Chéo lên khoảng đất trống đó có cây me, có một thầy hù (thợ hớt tóc) lúc đầu ông treo một 
tấm kiếng, bắt  cái ghế đẩu dưới gốc cây, hớt tóc con nít. Sau ông xin phép bà con trong xóm cất lên cái chòi hớt tóc tại gốc me. Ở luôn đó, cu ky một mình không vợ con gì. Nghe nói quê ổng ở miền Trung, nhưng giọng nói như người trong xóm. Có 
lần ông khoe chai rượu  bổ "Tam tinh hải cẩu" của ổng. Đó là chai la de con cọp hiệu trái khớm, chai ngâm chuột con đỏ ói với rượu đế. Ông có giải thích chỉ có ổ chuột nào lứa nhỏ, nhét lọt qua miệng chai la de thì ngâm mới bổ. Con nít nghe sao tin vậy đời nào dám thử thuốc bổ của ổng. 
Qua hai xóm nửa là  thành 72  rồi đại lộ Trần Hưng Đạo. Tôi còn nhớ ở góc đường có cây me keo già, bên đó là dãy nhà gạch mặt tiền ra đường Trần Hưng Đạo. Căn thứ hai là nhà của Út Trà Ôn. 
Tôi nói xa đà dòng do kỷ niệm thơ ấu với sen với gòn. Nhưng tôi không thấy liên hệ gì giữa sen, gòn với nguồn gốc địa danh Sài-gòn. 


Tóm lại 

Tạm nói địa danh Sài-gòn do người Việt đọc lại phát âm tiếng Quảng Đông “Thày-ngòn” của chữ 堤岸, mà âm Hán-việt là Đề-ngạn. Tây nói và viết Sai- 
gon trong  giao dich hàng ngày và giấy tờ hành chánh. Sau nầy người mình viết ra quốc ngữ là Sài-gòn.
Còn Tây cống là người Hoa (Triều Châu) đọc âm Sài-gòn ra  “Sai-cọn” chữ Hán là 西 貢 âm Hán-việt là Tây cống 




Ts Trịnh Quốc Thuận
26 tháng Chạp năm Tân Mão 2011 





Chú thích 
Sài Côn, một phần đất của Chân Lập được Trịnh Hoài Đức nói đến trong Gia Định Thành Thông Chí.  Năm sớm nhất được nhắc đến là Giáp Dần 1674: 
“Tháng 2 mùa xuân năm thứ 27, Giáp Dần (1674) (Lê Gia Tông, niên hiệu Đức Nguyên năm đầu, Đại Thanh Khang Hy thứ 13), Nặc Đài (Neac Ang Dai) 
nước Cao Miên (sách Nam Việt chí của Nguyễn Bảng Trung chép là Nặc Ô Đài, sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép là Nặc Đài) đánh đuổi vua nước ấy là Nặc Ong Non; Nặc Ong Non chạy sang ta tránh, vua sai tướng Dương Lâmhầu ở dinh Thái Khang (nay là trấn Bình Hòa) làm Thống suất, Tham mưu Diên Phái hầu làm Hiệp lý biên vụ, đưa quân tiến đánh. Mùa hạ tháng 4 phá được ba lũy: Sài Côn (nay là đất trấn Phiên An), Gò Vách và Nam Vang, Nặc Đài thua chạy rồi chết. Nặc Thu xin lạy hàng…4 
…Tháng 6 mùa hạ được tiệp báo, triều đình nghị sự chuẩn cho Nặc Thu là nhánh đích được làm Cao Miên Chính quốc vương, đóng dinh ở thành Vũng 
Luông; Nặc Non làm Phó quốc vương, đóng dinh ở thành Sài Côn,”5 
Và năm gần đây nhất mà Sài Côn được nhắc đến đến trong Gia Định Thành Thông Chí là năm Canh Ngọ 1690: “tháng ba mùa xuân năm thứ 4 Canh 
Ngọ (1690) (Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa thứ 11, Đại Thanh Khang Hy thứ 29), Hào Lương hầu đánh thắng Cao Miên, bắt vua Cao Miên là Nặc Thu đem về Sài Côn rồi nghỉ quân, Cao Miên từ đó mới bình định.”6 
Sau khi Cao Miên được bình định 1690, địa danh Sài Côn  không còn nhắc đến trong Gia Định Thành Thông Chí.  Như vậy Sài Côn là tên một vùng đất của sứ Cao Miên. 
Khi Trịnh Hoài Đức soạn bộ Gia Định Thanh Thông Chí thì Sài Côn đã được cải tên là trấn Phiên An –“Sài Côn (nay là đất trấn Phiên An)”-, và được tả lại như sau: 
“Trấn Phiên An đất rộng việc nhiều, đường thủy đường bộ thông thương. Phía bắc giáp với trấn Biên Hòa, phía trên từ sông Đức Giang (tục gọi là sông 
Thủ Đức) đến Bình Giang (thuộc huyện Bình Dương, tục gọi là sông Bến Nghé) chuyển rẽ xuống ngã ba cửa Phù Gia (tục gọi là ngã ba sông Nhà Bè) rồi đổ thẳng ra cửa biển Cần Giờ , bờ nam của sông là địa giới trấn Phiên An. Phíanam giáp trấn Định Tường, trên từ Quang Hóa, Quang Phong, về phía tây đến Vàm Dừa, Rạch Cỏ, đến sông Bát Chiên, chuyển xuống đông đến Vũng Gù, qua Tra Giang rồi ra cửa biển Lôi Lạp (Soi Rạp), dùng bờ bắc bắc của sông này làm địa giới trấn Phiên An. Trấn Phiên An phía đông là biển, phía tây giáp đất Cao Miên, ngăn chặn người man núi, gối vào chằm phá đông tây cách nhau 352 dặm, nam bắc cách nhau 107 dặm. Trấn này buổi đầu mới lập gọi là dinh Phiên 
Trấn, trông coi 1 huyện 4 tổng, lỵ sở đóng tại thôn Tân Lân, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương ngày nay.”7 
Trịnh Hoài Đức cũng có nói tới sự hình thành của dinh Phiên Trấn vào năm Mậu Dần 1698 như sau: 
“Mùa xuân năm thứ 8, Mậu Dần (1698) thời Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế (Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu), (Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa thứ 19, Đại 
Thanh Khang Hy thứ 37), triều đình sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu họ Nguyễn (Hữu Cảnh) sang kinh lược đất Cao Miên, ông lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh TrấnBiên (lỵ sở nay là thôn Phước Lư), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (quận sở nay gần Tân Đồn).” 8 
Như vậy vùng đất có tên là Sài Côn của Cao Miên đã chính thức được xóa bỏ, và được đổi lại là dinh Phiên Trấn vào năm 1698. 

Thế rồi còn Sài Gòn, địa lý và hình thành như thề nào? Sài Gòn được đề cập trong    Gia Đinh Thành Thông Chí vào năm 1782. Năm(5) năm sau khi người Hoa dọn ra Cù Lao Phố (Đinh Dậu) 1777. Sài Gòn thường được viết liền với chữ phố hay phố chợ. 
“Mùa xuân tháng 3 năm Nhâm Dần, (1782) quân giặc Tây Sơn do Nguyễn Văn Nhạc đem binh thủy bộ vào cướp phá, Gia Định thất thủ. Tháng 4 thì bộ 
binh Tây Sơn từ trấn Biên Hòa do thượng đạo đến trấn Phiên An. Lúc ấy quan binh là Tiết chế Hữu chưởng dinh Dụ Quận công Nguyễn điều biệt tướng ở Bắc Hà là Tự Thuật hầu và tướng quân đạo Hòa Nghĩa là Chương Mỹ hầu Trần Công Chương về toan khôi phục. Khi gặp toán tiền quân giặc Tây Sơn vừa đến vùng Vườn Trầu, bèn phục binh trong rừng đánh úp quân Tây Sơn, hai hầu Tự và Chương giết được đại tướng Tây Sơn là ngụy Hộ giá tên Ngạn, chẳng ngờ lúc ấy đại binh ngụy Tây Sơn kéo đến, quan quân phải rút lui. Ngụy Nhạc được báo tin, 
rất thương tiếc cái chết của Ngạn, mất Ngạn như mất cả hai cánh tay mặt, trái. Sau biết quân Hòa Nghĩa đều là người Tàu, Nhạc bèn giận lây, nên phàm người Tàu không kể mới cũ, binh lính hay thương buôn , đều bị giết tất cả hơn10.000 người, từ Bến Nghé đến Sài Gòn, thây nằm chồng chất ngổn ngang, xác quăng xuống sông làm nước nghẽn không chảy được nữa! Trải qua 2, 3 tháng người ta không dám ăn cá tôm dưới sông này. Còn hàng hóa của Tàu nhưsa, lụa, trà, thuốc, hương, giấy (nói chung bất cứ vật gì của người Tàu), ai có trong nhà cũng đều đem quăng ra đường, mà chẳng ai dám lấy. Qua năm sau, thứ trà xấu một cân giá bán lên đến 8 quan, 1 cây kim bán đến 1 mạch còn các hàng hóa khác cũng đều cao giá, nhân dân đều khổ theo.”9 
Năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung vì đại nghĩa, giải quyết cái họa mất nước phương bắc, tạm hoản việc bình định Đàng Trong, mang đại quân ra Bắc 
Hà phá quân Thanh. Năm 1790 Nguyễn Ánh lợi dụng lúc vua Quang Trung bận việc giao hảo với nhà Thanh, cải cách triều chính, kinh tế… Bắc Hà, mà  xây dưng kinh thành Gia Định ở đất Phiên Trấn đễ lo kế lâu dài đối phó nhà Nguyễn Tây Sơn.  Gia Định Thành Thông Chí có viết như sau: 
“Ngày 4 tháng 2 năm Canh Tuất thứ 13 (1790), tại chỗ gò cao thôn Tân Khai thuộc đất Bình Dương, ngài mới cho đắp thành bát quái như hình hoa sen, mở ra 8 cửa, có 8 con đường ngang dọc, từ đông đến tây là 131 trượng 2 thước ta, từ nam đến bắc cũng như thế, bề cao 13 thước ta,  chân dày 7 trượng 5 thước ta, đắp làm ba cấp, tọa ngôi Càn, trông hướng   Tốn. Trong thành, phía trước bên tả 
dựng Thái miếu…. …Ngoài thành đường sá chợ phố ngang dọc được sắp xếp rất thứ tự, …. đầu từ cửa Tốn Thuận qua chùa Kim Chương, từ phố Sài Gòn đến cầu Bình An qua gò chùa Tuyên đến sông Thuận An. Bến đò Thủ Đoàn đưa qua sông 
Hưng Hòa, trải qua gò Trấn Định rồi đến gò Triệu. Đường rộng 6 tầm, hai bên đều trồng cây mù u và cây mít là những thứ cây thích hợp với đất này. Cầu cống thuyền bến đều luôn được tăng gia việc tu bổ, đường rộng suốt phẳng như đá mài, gọi là đường thiên lý phía nam” 10 
“PHỐ CHỢ SÀI GÒN 
Cách trấn về phía nam 12 dặm ở hai bên tả hữu đường cái quan, là đường phố lớn, thẳng suốt 3 đường, giáp đến bến sông, một đường ngang ở giữa, một đường đi dọc theo sông. Các đường ấy đan xuyên nhau như chữ điền, phố xá liềnmái nhau, người Việt và người Tàu ở chung lộn dài độ 3 dặm. Hàng hóa trong phố bày bán có: gấm, đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu trang sức, hàng sách vở, tiệm thuốc, tiệm trà, tiệm hủ tíu. Hai đầu nam bắc bến sông không gì là không có. Đầu phía bắc đường lớn của bổn phố có miếu Quan Đế và 3 hội quán: Phúc 
Châu, Quảng Đông, và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu; phía tây ở giữa đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía tây có hội quán Ôn Lăng, đầu phía nam đường phố lớn về phía tây có hội quán Chương Châu. Gặp ngày tốt, đêm trăng, như Tam nguyên, rằm, mùng một thì treo đèn đặt án, tranh đua kỳ xảo trông như là cây lửa, cầu sao, thành gấm, hội quỳnh, kèn trống huyên náo, nam nữ dập dìu, thật là một phố lớn nơi đô hội náo nhiệt. …. Giữa phố về phía đông đường lớn có chợ Bình An bán đủ sản vật quý ở núi biển và thổ sản các nơi, ban đêm còn thắp 
đèn mua bán.”11 

Tóm lại, trích dẫn từ Gia Định Thành Thông Chí cho thấy Sài Côn và Sài Gòn khác xa nhau trên hai phương diện. Một là thời gian, hai là địa lý đất đai. 
Địa danh Sài Côn là một vùng đất rộng mênh mông của Chân Lạp(Cao Miên) từ năm 1690 trở về trước, được Nguyễn Hữu Cảnh đặt là dinh Phiên Trấn năm 
1698, sau nầy  Nguyễn Ánh  đổi lại là trấn Phiên An năm 1802 (?) 
Địa danh Sài Gòn là tên một phố chợ thành lập sau năm 1777, do người Hoa chạy từ Cù Lao Phố, dời lên bờ sông Tân Bình ở vùng Chợ Lớn ngày nay, và gọi đó là "Thày Ngòn", âm tiếng Quảng Đông chữ Đê Ngạn. Sài Gòn là tiếng Việt phiên âm của Thày Ngòn theo như  cụ Vương Hồng Sển viết trong “Sài Gòn Năm Xưa”. 






1 Saigon năm xưa, 1962, Vương Hồng Sển 

@ Francis Garnier, một nhà du khảo, thám hiểm kỳ cựu, có nhiều uy tính ở thời 
buổi đó 

2, 11 Gia Định Thành Thông Chí 1822 , Trịnh Hoài Đức. 
Hậu học Lý Việt Dũng dịch, 2004, bản internet 
Quyển 6, Thành Trì Chí, trang 11 


3, 4 Quyển 3, Cương Vực Chí, trang 2 : 
Năm Giáp Dần, 1674,…  Mùa hạ tháng tư phá được 3 lũy: Sài-Côn (nay là trấn 
Phiên An), Gò vách và Nam Vang… 
Không biết Sài-Côn ở đây dịch từ chữ  柴崑 hay chữ 柴棍 
Không thấy trong chú thích của bản dịch. 

5 Quyển 3, Cương Vực Chí, trang 3 

6,8 Quyển 3, Cương Vực Chí, trang 4 

7 Quyển 3, Cương Vực Chí, trang 20 

9 Gia Định Thành Thông Chí 1822 , phần 1 
Hậu học Lý Việt Dũng dịch, 2004, bản internet, Trang 48 

10 Quyển 6, Thành Trì Chí, trang 1 


* “Hán Việt Từ Điển” 1966, tái bản lần 2, Thiều Chửu. 
Nhà in Hưng Long, Sài-Còn 
Các nguồn tham khảo khác trên internet: 
“Việt Nam Sử Lược,” Lệ Thần Trần Trọng Kim, bản internet. 
“Hán Việt Tự Điển Trích Giảng” , Hội Khai Trí Tiến Đức, bản internet 
Copyright: Đặng Thế Kiệt, Paris 2006-20012. 
Vikipedia…và đây đó… 

No comments:

Post a Comment