Saturday 6 October 2012

Nghĩa gốc của đa trong cây đa là nhiều (Năng Lượng Mới số 18 , 12-5-2001)


Bạn đọc : Có người nói đa trong cây đacây đề là một từ gốc Hán nhưng có người lại nghi đó là một từ gốc Sanskrit (vì liên quan đến đạo Phật). Xin ông vui lòng cho biết thực hư ra sao. (Nguyễn Trung Sơn).
An Chi : Trước nhất, xin nói rằng cây đa còn có một cái tên xưa hơn nữa là dong, một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 榕, mà âm Hán Việt hiện đại là dung. Chữ này đã được Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng (Sài Gòn, 1975) giảng là: “Tên một loài cây cực lớn, tàn cây rất rộng, bóng cây che được cả ngàn người.” Cứ như lời giảng này mà lại đặt vào nội dung của các Phật thoại, không khéo có người sẽ ngỡ rằng dung (> dong) là một giống cây huyền thoại, trong khi nó là một giống cây có thực: Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh đã đối dịch chữ dung 榕 một cách chính xác và cực gọn là “cây đa”. Đa là một giống cây có thể phát triển đến mức siêu khổng lồ mà toàn bộ cành, nhánh, rễ có thể chiếm đến mấy héc-ta. Cây đa lớn nhất còn sống tại Pune (Ấn Độ) có đường kính tán tới 800 m xung quanh thân chính của nó.
 Về nghĩa đã như thế còn về âm thì ta có hàng loạt trường hợp tương tự cho nên bất tất phải hoài nghi : bao dung – bao dong ; dung mạo – dong mạo ; hình dung – hình dong ; thung dung – thong dong ; v.v..
Nói dong xưa hơn đa là hoàn toàn có lý do. Ta cứ giở Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa ra thì sẽ thấy. Đây là một loại từ vựng giảng Hán bằng Nôm theo một trong hai nguyên tắc : hoặc đối dịch (bằng Nôm) kèm theo miêu tả ngắn gọn, hoặc giữ nguyên chữ cần dịch kèm theo miêu tả, nếu đây là một chữ có thể dùng như Nôm. Đoạn hữu quan dưới đây trích từ thiên “Mộc loại, Đệ tam thập ngũ” :
 Ngô đồng tạc rối cây vông,
Lá thu lác đác bay không đã vàng.
Cổ dung cây cả giữa đường,
Vô hoa hữu quả rễ cùng chồi ngay.”
Hai liên lục bát này mỗi liên là một mục từ : mục trước là “ngô đồng” được đối dịch là “(cây) vông”; mục sau là “cổ dung”, không có đối dịch vì thời đó, dung đang là một từ thông dụng và không có từ Nôm đồng nghĩa. Nếu lúc bấy giờ danh từ đa xuất hiện rồi thì nó đã được dùng để dịch dung theo nguyên tắc thứ nhất. “Ngọc âm giải nghĩa” mà lại!
Vậy thì chữ đa này bắt nguồn từ đâu? Có người đã có sáng kiến cưỡng duyên nó với chữ đa trong đa la, thậm chí bối đa la nữa! Ép dầu, ép mỡ; ai nỡ ép … âm! Đó là còn chưa nói đến chuyện rắc rối là cảđa la và bối đa la thực chất là hai từ khác nhau nhưng từ trước lại đồng âm với hai âm tiết sau của từ sau. Nếu truy nguyên cho thật chặt chẽ và chính xác thì đa la 多羅 vốn là hai chữ Hán dùng để phiên âm danh từ tāla của tiếng Sanskrit; còn bối đa la 貝多羅 thì để phiên âm (cũng của thứ tiếng này) danh từ pattraDictionnaire sanskrit-français của N. Stchoupak, L. Nitti. L. Renou dịch tāla là palmier à vin, borasse éventail. A Sanskrit English Dictionary của M. Monier-Williams (Delhi, 1999) cho một lời dịch tương tự với quyển từ điển trên: the palmyra tree or fan-palm (Borassus Flabelliformis, producing a sort of spirituous liquor […]). Ta có thể nghĩ rằng đây là cây thốt nốt. Quả nhiên, Sổ tay tra cứu danh pháp khoa học của KS Nguyễn Đại Hương – KS Lê Thị Thuỳ Trang (Nxb Trẻ, 2002) đã dịch cho taBorassus Flabelliformis là “thốt nốt”.
Còn pattra thì sao? Thì chỉ đơn giản có nghĩa là lá (cây), cánh (hoa, chim); ở đây là lá làm nền để viết chữ lên đó. Thứ lá hữu quan ở đây chính là lá thốt nốt, trên đó người ta chép kinh Phật. Vì vậy nên mới có danh từ ghép tāla-pattra, nghĩa là lá thốt nốt, mà nếu phiên âm sang tiếng Hán, thì sẽ là đa la bối đa la 多羅貝多羅. Rắc rối là ở chỗ hai tiếng đa la trước chẳng có liên quan gì về nghĩa với hai tiếng đa la của từ sau nhưng lại đồng âm trong nhiều ngữ cảnh của kinh Phật nên dễ sinh ra nhầm lẫn.
                Cứ như trên thì đa trong cây đa chẳng có liên quan gì đến đa trước hoặc đa sau trong cụmđa la bối đa la. Nhưng nó có trực tiếp liên quan gì đến tiếng Sanskrit hay không? Ta thử xét xem. Thứ tiếng này có hai từ để chỉ cây đa là nyag-rodha và vaa. Từ ghép nyag-rodha có nghĩa gốc là “cây mọc (rodha) ngược (nyag)”. Từ này được phiên sang tiếng Hán thành ni-câu-đà 尼拘陀 hoặc nhiều cách khác (ni-câu-luật-đàni-cồ-đàni-câu-lô-đàni-câu-loại-đàni-câu-lâu-đà) nhưng âm tiết cuối đều là “đà” (nên khác đa). Còn vaa thì, theo nguyên tắc và truyền thống phiên âm từ Sanskrit sang Hán, phải là bà đa 婆多, nhưng không thấy dùng trong văn chương Phật giáo, để chỉ cây đa.
Vậy, rốt cục thì ta có thể tìm từ nguyên của danh từ (cây) đa ở đâu? Thưa đó là với danh ngữ đa căn thụ 多根樹, cây nhiều rễ, một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây đa một cách súc tích nhất có thể có. Chính là với danh ngữ dân dã này mà người ta đã dịch tên ngôi vườn Nyagrodharama gần thành Ca-tì-la là Đa căn thụ viên/多根樹園 (Vườn Đa), trong khi hình thức bác học là Ni-câu-đà viên 尼拘陀園.Vậy đa căn thụ hiển nhiên là cây đa. Nhưng vào đến tiếng Việt thì danh ngữ này dần dần được rút ngắn để chỉ còn giữ lại có âm đa, là âm tiết, cũng là hình vị, cũng là từ, diễn đạt sinh động nhất đặc trưng của cây đa.

No comments:

Post a Comment