Thursday 18 October 2012

Thế nào là trịch thượng văn hóa?



Cao Việt Dũng dùng thuật ngữ trịch thượng văn hóa để dịch từ ethnocentrisme của tiếng Pháp (http://vnn.vietnamnet.vn/vanhoa/chuyende/2005/12/526939/). Đỗ Thuận Khiêm dịch là chủ nghĩa dĩ tộc vi trung (http://lichsuphatgiao.wordpress.com/2011/06/22/tri%E1%BA%BFt-ly-ngo%E1%BA%A1i-giao-c%E1%BB%A7a-vi%E1%BB%87t-nam-d%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-vatican/): ethnocentrisme culturelchủ nghĩa dĩ tộc vi trung trên trên mặt văn hóa. Từ ethnocentrisme nguyên thủy được dùng để chê bai những người mang đầu óc thực dân coi châu Âu như trung tâm văn hóa nhân loại. Về sau người ta có những từ ngữ chính xác hơn như eurocentrisme (dĩ Âu vi trung), sinocentrisme (dĩ Hoa vi trung)... vì cái thói dòm văn hóa khác qua lăng kính của văn hóa tộc người mình không phải là tội của riêng giống dân nào. Ông bà ta ngày xưa chê Tây mày tao chi tớ với cả cha mẹ, ấy là một biểu hiện của thói trịch thượng văn hóa. Tây chê tiếng Việt nghèo nàn (thiếu từ ngữ trừu tượng, chỉ có những từ ngữ cụ thể), thiếu chính xác (không có thì động từ, không có giống cái, giống đực) thì đó cũng là trịch thượng văn hóa.
Cũng như nhiều nết xấu khác của nhân loại, thói trịch thượng văn hóa sống dai dẳng cùng với xã hội loài người. Sự tăng cường giao lưu giữa các nền văn hóa không giúp người ta hiểu thêm về nhau bao nhiêu nhưng lại tạo ra triệu triệu con người tha hóa, vong bản. Có những người Việt quay ra chê dân mình nói năng, viết lách sao không giống tiếng Anh:
Người Việt cười Tây, Tây có nhột không? Tây cười chê ta, bất tất ta phải đeo cái mặc cảm tư ti mà ngượng ngùng, quýnh quáng làm gì? Nhưng trước hết, người Việt có quyền chê một danh thiếp Tây không có chức vụ, không có danh hiệu nào không? Không, tại vì khi cần nói chuyện bằng tiếng Tây, người Việt không cần phải gọi người Tây bằng chức vụ hay danh hiệu. Tùy mối quan hệ thân sơ mà ở Pháp mình có thể gọi người kia là vous hay tu. Nói tiếng Anh càng dễ: từ tổng thống xuống phó thường dân đều là you hết. Nhưng ở Việt Nam, các thông tin về chức vụ, danh hiệu là hữu quan vì chúng giúp cho người Việt giao tiếp với nhau một cách hiệu quả. Không có danh thiếp, không đọc bìa sách, không đọc tên ký dưới bài báo, người Việt vẫn phải tìm kiếm hoặc trình bày thông tin về chức vụ, danh hiệu bằng cách này hay cách khác để tiện việc xưng hô.
Không thể căn cứ vào việc người Việt phô bày và tìm kiếm thông tin về danh xưng ở mọi nơi, mọi lúc mà bảo là người Việt háo danh và chỉ người Việt háo danh. Mỗi giống dân, mỗi nền văn hóa có cách khoe danh của mình. Không ký giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn T ngay trên bài viết nhưng ở một chỗ khác gần đấy lại bảo tôi dạy học và nghiên cứu ở viện G, đại học NSW, ấy cũng là khoe danh giáo sư, tiến sĩ, nhưng theo cách của Tây. Bảo rằng chỉ có người Việt háo danh vì khoe danh không giống ai (hiểu: không giống cách của Tây), ấy chính là trịch thượng văn hóa.

1 comment:

  1. Hay! Nói đúng bản chất của người viết rồi đấy Minh ạ.

    ReplyDelete