Wednesday 10 October 2012

Về từ nguyên của cặp từ «chết - giết» (An Chi / Huệ Thiên)

Về từ nguyên của cặp từ «chết - giết»

by An Chi on Saturday, July 7, 2012 at 1:55pm ·
Huệ Thiên

 Từ năm 1953, sau khi A. G. Haudricourt đưa ra cặp từ chết - giết để xem đây là chứng tích trong tiếng Việt hiện đại của một phương pháp tạo từ bằng phụ tố đặc trưng cho các ngôn ngữ Nam Á [1] thì nhiều nhà Việt ngữ học đã mặc nhiên xem vấn đề như không có gì còn phải bàn cãi [2]. Hình như không có ai để ý rằng ngay trong bài viết của mình thì chính Haudricourt cũng đã phải dè dặt mà nói như sau: «Dĩ nhiên, người ta có thể phản bác rằng hai từ Việt đó đều cùng được vay mượn, chẳng hạn ở tiếng Phong»[3]. Còn chúng tôi thì cho rằng đó là hai từ Việt gốc Hán: chết mượn ở một từ ghi bằng chữ 折 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là chiết còn giết thì mượn ở một từ ghi bằng chữ 殺 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là sát.
Chiết có nghĩa là chết yểu và về mặt ngữ nghĩa học thì sự «thu hẹp» nghĩa của chiết (so với chết) hoặc sự «mở rộng» nghĩa của chết (so với chiết) là một hiện tượng thông thường. Về ngữ âm thì mối tương ứng -êt -iêt cũng là hiện tượng thấy được qua hàng loạt thí dụ:
– bết (trong lết bết) ~ biết 蹩 (= thọt chân);
– hết hiết 歇 (cùng nghĩa), điệp thức (doublet) của kiệt (cũng cùng nghĩa);
– phết (= phẩy) ~ phiết 碣 (= nét phết, hoặc = phẩy, phủi);
– tết tiết 節;
– thết (đãi) ~ thiết 設 (đãi); v.v...
Vậy chết chiết là một mối quan hệ đã được chứng minh. Còn giết sát thì sao? Trước nhất, về mặt ngữ nghĩa thì  ta có thể hoàn toàn yên tâm vì sát có nghĩa là giết. Về ngữ âm thì sát là một chữ thuộc vận bộ hạt 黠 mà nhiều quyển từ điển Hán Việt quen thuộc vẫn phiên thành hiệt. Vậy mối tương ứng về vần giữa giết và sát hoàn toàn có thể giải thích được. Huống chi, về mối quan hệ -át -iêt, người ta còn có những chứng cứ khác như:
– cát 吉 cũng đọc là kiết;
– nát bàn = niết bàn...
Về phụ âm đầu, người ta cũng có hàng loạt thí dụ cho mối tương ứng gi- s-:
– giấm (chua) - sẩm (cùng nghĩa) mà sảm là một biến thể;
– giấu (giếm) - sưu 廋 (cùng nghĩa);
– giẻ - sế (= vải vụn);
– gièm (pha) - sàm 讒 (cùng nghĩa);
– (gà) giò - sồ 雛 (= chim non);
– giò (= nhánh non) - sồ (nhánh lúa);
– giường - sàng (cùng nghĩa)...
Vậy giết sát 殺 cũng là một mối quan hệ đã được chứng minh.
Tóm lại, chết giết là một cặp từ Việt gốc Hán và ý định dựa vào chúng để chứng minh cho sự tồn tại của một phương thức tạo từ bằng phụ tố trong tiếng Việt cổ là một điều không thực tế.[4] ●
                                                                                                 Tháng 8-1998.
* Đăng lần đầu tiên trên tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, Thừa Thiên Huế, số 3(21). 1998.
* In lại trong NHỮNG TIẾNG TRỐNG QUA CỬA CÁC NHÀ SẤM, Nxb TRẺ, 2004, trang 233-236.


[1] A.G. Haudricourt, La place du vietnamien dans les langues austroasiatiques, BSLP, t.49, 1953, fasc.1. no 138, pp.122-128 - Hai từ được nêu, nếu đúng như Haudricourt gợi ý, chỉ là chứng tích của một phương thức tạo từ bằng phụ tố (affixation) chứ không phải là hai hình thức liên quan với nhau nhờ biến cách (déclinaison) của từ. Vì vậy nên danh từ "flexion" (biến tố) mà tác giả dùng ở đây (p.124) là hoàn toàn không thích hợp: đó thực chất chỉ là affixe (phụ tố). Phan Ngọc (Ngôn ngữ số 4, 1978, tr.81) dịch mấy tiếng relation causative của Haudricourt thành «quan hệ nhân quả» cũng là không rõ ràng. Cụm từ này của Phan Ngọc chỉ thích hợp để dịch relation causale (liên quan đếncausalité) còn causatif lại là tên của một cách (cas) trong cú pháp và đó là cách nguyên nhân.

[2] Gần đây nhất, Hoàng Thị Châu cũng đã nhắc đến hai từ này khi nói về «Kiểu tạo từ phái sinh bằng tiền tố theo kiểu Mon-Khmer». Bà viết: «Những cặp từ như: giết - chết, xếp - nếp, kẹp - nẹp, đệm - nệm... giờ đây chỉ hiện diện như là chứng tích của nguồn gốc ban đầu: cơ tằng Mon-Khmer» (Ngôn ngữ, số 3, 1998, tr.43). Nhưng, như đã chứng minh, chết và giết là những từ Việt gốc Hán. Kẹp cũng thế và bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 筴 mà âm Hán Việt hiện đại là giáp, còn phụ âm đầu xưa cũng là k- và vần xưa cũng là -ep, có nghĩa là kẹp, là đũa, ... Nẹp bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ mà âm Hán Việt hiện đại là niệp (Quảng vận: «nô hiệp thiết»), có nghĩa là cái kìm, cái kẹp, cái nẹp. Đệm bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 簟 mà âm Hán Việt hiện đại là điệm, có nghĩa là  chiếu bằng nan tre. Nệmbắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 衽 mà âm Hán Việt hiện đại là nhậm, có nghĩa là đệm, nệm.... Vậy đây không thể là những «chứng tích của cơ tằng Mon-Khmer» được. Huống chi trong lĩnh vực Hán Việt thì đ ~ n là một mối tương ứng thú vị và rất đáng chú ý, chẳng hạn: đa 多 ~ no, mà nghĩa gốc cũng là nhiều, là đầy đủ.... (Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh của A. de Rhodes).

[3] Bđd., tr.125 - khả năng về một sự vay mượn từ tiếng Phong mà Haudricourt nêu lên là rất mơ hồ. Một sự vay mượn những từ cơ bản ở một ngôn ngữ cùng gốc (như tiếng Phong), về mặt lý thuyết, là không cần thiết nếu không có lý do hoàn toàn đặc biệt. Huống chi, người ta tuyệt nhiên không biết được gì về mối quan hệ cụ thể giữa ngôn ngữ này với tiếng Việt. Còn cũng về mặt lý thuyết thì một sự vay mượn của tiếng Phong ở tiếng Việt là hợp lý hơn. Nhưng tạm gác mối quan hệ Phong-Việt lại để xét tiếp về lý thuyết thì việc thay thế hàng loạt từ cơ bản của tiếng Việt cổ bằng những từ tương ứng của một ngôn ngữ «mạnh» hơn (của những kẻ thống trị ngoại bang) là hoàn toàn có thể xảy ra và thực tế đã xảy ra với sự du nhập ồ ạt của tiếng Hán thời Bắc thuộc. Vì vậy mà việc tiếng Việt mượn của tiếng Hán hai từ chết và giết không phải là chuyện đáng lấy làm lạ.

[4] Người ta đã rất sai lầm mà mặc nhận rằng chỉ có các ngôn ngữ Môn-Khmer và Nam Á mới có phương thức tạo từ bằng phụ tố còn tiếng Hán thì không. Thật ra ngữ âm học lịch sử đã phát hiện được nhiều chứng tích của phương pháp này trong Hán ngữ cổ đại.
Nguồn Facebook An Chi (Huệ Thiên)

No comments:

Post a Comment