Saturday 18 May 2013

Đặc điểm ngữ âm phương ngữ Nghệ-Tĩnh với việc nghiên-cứu lịch sử tiếng Việt (Nguyễn Hoài Nguyên)

1. Dẫn nhập
Các kết quả nghiên cứu lịch sử tiếng Việt cho thấy các nhà ngữ học đã tiếp cận vấn đề theo nhiều hướng khác nhau. Có thể xuất phát từ mảng từ Hán- Việt để tìm hiểu diễn biến của hệ thống âm đầu tiếng Việt như H. Maspero (1912), Nguyễn Tài Cẩn(1977, 1995). Có thể tiếp cận từ tiếng tiền Việt- Mường đến tiếng Việt hiện đại như A.Haudricourt(1953, 1954), M.Ferlus(1975, 1981, 1995), Phạm Đức Dương (1979, 1983), Trần Trí Dõi (1987, 1991, 2005). Có thể xuất phát từ các thư tịch cổ, trước hết là các tư liệu chữ Hán, chữ Nôm như Lê Quán(1973), Vương Lộc(1989, 1995), Nguyễn Ngọc San(1985, 2003). Cũng có thể xuất phát từ các ngôn ngữ họ hàng với tiếng Việt như tiếng Mường, tiếng Thổ, tiếng Cuối, tiếng Chứt…và các ngôn ngữ Môn-khmer khác như cách làm của H.Maspero(1912),A.Haudricourt(1953,1954),M.Ferlus(1981),N.K.Xokolovskaja(1976, 1978). Có thể xuôi dòng lịch sử: từ nguyên sơ, tức là từ ngôn ngữ tiền Việt- Mường đến tiếng Việt hiện đại theo cách của H.Maspero(1912), M.Ferlus(1981), Trần Trí Dõi(2005). Cũng có thể ngược dòng lịch sử, từ hiện đại trở về nguyên sơ như cách của Nguyễn Tài Cẩn(1995), Nguyễn Ngọc San(2003). Cùng với những hướng tiếp cận trên, có thể nghiên cứu lịch sử tiếng Việt từ góc độ phương ngữ học.
Phương ngữ học Việt đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử phát triển tiếng Việt qua những nghiên cứu, đối chiếu các hiện tượng ngôn ngữ giữa các vùng, các miền đất nước. Sự tồn tại và đang hành chức của một phương ngữ và giữa các phương ngữ có một mối liên hệ về lịch sử bởi vì Lịch sử tiếng Việt tìm thấy trên bản đồ phương ngữ sự ánh xạ trong không gian của sự diễn biến của nó trong thời gian [3, tr. 28]. Dĩ nhiên, cái hình ảnh lịch sử qua không gian chỉ là một khái niệm tương đối thể hiện những đặc điểm nào đó của các thời kì khác nhau của một ngôn ngữ chứ không phải thể hiện một cách trọn vẹn các giai đoạn khác nhau ấy. Nhưng trong điều kiện tư liệu quá ít ỏi thì những yếu tố bảo lưu còn vương lại ở những mảnh biến thể địa phương của tiếng Việt đương đại cũng có thể cho phép người nghiên cứu tái lập những dạng ngôn ngữ ở các thời điểm phát triển đã có trong diễn trình tiếng Việt. Vậy là, trong các phương ngữ Việt, phương ngữ Nghệ Tĩnh(PNNT) là một trong vài phương ngữ hiếm hoi còn bảo lưu nhiều yếu tố cổ, thậm chí rất cổ của tiếng Việt ở các giai đoạn trước đây. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã xác nhận điều đó: Trong các vùng phương ngữ Việt, vùng phương ngữ Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Trị Thiên có một vị trí đặc biệt: đây là vùng hiện còn giữ rất nhiều nét cổ. Có thể coi đây là một kho tàng cứ liệu có thể giúp ích được rất nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt giai đoạn khá xa xưa( cách đây năm trăm năm trở lên) [1, tr. 14]. Bài viết này nêu vài suy nghĩ về lịch sử ngữ âm tiếng Việt từ các đặc điểm ngữ âm PNNT.
2. Vị trí của phương ngữ Nghệ Tĩnh trong các vùng phương ngữ Việt
Việc xác định các vùng phương ngữ Việt đã có lịch sử một thế kỉ nếu tính từ những khảo sát của L.Cadiere(1902). Tuy cuộc tranh luận về vấn đề phân vùng phương ngữ chưa có tiếng nói thống nhất nhưng vẫn phải chấp nhận một cách phân định các vùng phương ngữ để xác định PNNT thuộc vùng phương ngữ nào. Chúng tôi ủng hộ giải pháp của Hoàng Thị Châu [3] phân chia tiếng Việt thành ba vùng phương ngữ gồm phương ngữ Bắc(PNB), phương ngữ Trung(PNT) và phương ngữ Nam(PNN); theo đó, PNNT là một phương ngữ tiểu vùng cùng với phương ngữ Thanh Hóa( PNTH) và phương ngữ Bình Trị Thiên( PNBTT) thuộc vùng PNT. Nếu thừa nhận tính chất cổ là nét đặc trưng của vùng PNT thì trung tâm là tiểu vùng nào? Dựa vào các đặc trưng ngữ âm PNNT, tiến hành so sánh đối chiếu với PNTH, PNBTT và các phương ngữ khác, chúng tôi cho rằng PNNT thể hiện đầy đủ tính chất trung tâm, tiêu biểu cho vùng PNT. Điều đó phù hợp với những nhận định của Vương Hữu Lễ( 1974), Hoàng Thị Châu(1989, 2004), Nguyễn Tài Cẩn(1995) nhưng các tác giả chưa có điều kiện chứng minh.
So với cái mã chung là tiếng Việt văn hóa(TVVH) vẫn có những sự khác biệt làm nên tiếng nói của từng vùng cụ thể mà mỗi người nói tiếng Việt đều có thể cảm nhận được. Nói đến PNNT, người các địa phương khác dễ nhận ra bộ mặt ngữ âm qua cách định danh giọng Nghệ gắn với nét đặc trưng trầm, nặng, trọ trẹ được thể hiện trong ba bộ phận cấu thành âm tiết Nghệ Tĩnh là âm đầu, phần vần và thanh điệu.
Hệ thống âm đầu PNNT có 23 đơn vị vì còn bảo lưu âm đầu /p/ hiện nay không tồn tại trong TVVH và các phương ngữ khác. Theo Phan Ngọc( 1953), âm /p/ đã từng tồn tại trong tiếng Việt thế kỉ X( bằng chứng trong tiếng Mường có /p/) nhưng mất đi vào khoảng thế kỉ XII. Khác với PNB, PNNT có ba phụ âm quặt lưỡi / ƫ, ʂ, ʐ / có mặt trên toàn địa bàn. Các phụ âm có cấu âm quặt lưỡi được hình thành trong tiếng Việt thế kỉ XVII( được A.de.Rhodes ghi lại trong Từ điển Việt- Bồ- La) được bảo tồn nguyên vẹn trong khi đó PNB mất hẳn các âm quặt lưỡi, còn PNN chỉ có / ƫ/ và /ʐ/ vì theo Huỳnh Công Tín( 1999), âm /ʂ/ đã nhập với /s/. Trong PNBTT, theo Võ Xuân Trang [10], ba phụ âm quặt lưỡi không có mặt trong 30/ 94 điểm điều tra; còn trong PNTH, trừ một vài thổ ngữ ở nông thôn, nhìn chung tình hình giống như PNB. So với PNB và PNN, PNNT vẫn giữ nguyên vẹn dãy các phụ âm tắc bật hơi / p’, t’, k’/ đối lập với các phụ âm không bật hơi / p, t, k / của tiếng Việt thế kỉ XVII trở về trước( được ghi lại trong Từ điển Việt- Bồ- La). Trong TVVH và các phương ngữ khác, dãy phụ âm tắc bật hơi này chỉ còn lại /t’/( th), còn /p’/ > / f/( ph), /k’/ > /x/( kh) kết quả của quá trình xát hóa. ở PNTH, dãy bật hơi cũng chỉ còn lại /t’/, còn PNBTT tồn tại /p’/ nhưng chỉ có ở một thổ ngữ/ xin xem Võ Xuân Trang [10]/.
Trong phát âm, PNNT còn lưu giữ nhiều nét ngữ âm rất cổ của tiếng Việt thế kỉ XV- XVII. Một số thổ ngữ Nghệ Tĩnh như Nghi Ân, Nghi Đức(Nghi Lộc), Thanh Yên(Thanh Chương), Đức An, Đức Lập(Đức Thọ), Cương Gián(Nghi Xuân) còn tồn tại thấp thoáng các âm đầu tiền thanh hầu hóa [?b, ?d] của tiếng Việt cổ. Những dấu vết về tổ hợp phụ âm như [tl], cách cấu âm tắc, hữu thanh/ vô thanh ngạc hóa mạnh [dj], [bj], [cj] vốn có trong tiếng Việt thế kỉ XVII vẫn tồn tại trong nhiều thổ ngữ Nghệ Tĩnh. Trong cách phát âm của PNNT, [dj] tương ứng với [z]( d), [bj] tương ứng với [v], [cj] tương ứng với [z]( gi) trong TVVH. Những cách phát âm này không tìm thấy trong PNTH và các phương ngữ khác nhưng vẫn tồn tại trong một số thổ ngữ Quảng Bình thuộc PNBTT. Miêu tả một cách phát âm cụ thể, chẳng hạn, âm /z/( d) trong TVVH được người Nghệ Tĩnh phát âm [dj]. Cách phát âm này lưu giữ dấu vết của tiếng Việt trung đại mà A.de Rhoder ghi lại trong Từ điển Việt- Bồ- La: dea(da), deải( dải), deạy(dạy), dẹam(dạm)…. Các tác giả Nguyễn Tài Cẩn(1995), M.Ferlus(1985), Vương Lộc(1995) đều thừa nhận de là biến thể của d và đã miêu tả như một âm tắc đầu lưỡi. Trong những nghiên cứu gần đây, Nguyễn Văn Lợi(2005) cho đó là phụ âm tắc, hữu thanh thở, tác giả ghi bằng kí hiệu [dh], còn Đoàn Văn Phúc(2005) lại khẳng định đây là cách phát âm tắc, đầu lưỡi tiền thanh hầu hóa, ghi bằng kí hiệu /d/. Thế nhưng, quan sát cách phát âm của người Nghệ Tĩnh(đặc biệt ở những người già) chúng tôi nhận thấy có hiện tượng thanh môn mở, đầu lưỡi đưa lên lợi tiếp ngạc tạo cảm giác lưỡi căng do bị kéo lùi về phía sau, luồng hơi đi qua thanh môn làm dây thanh rung mạnh. Đây là cách cấu âm của một phụ âm tắc, hữu thanh, ngạc hóa mạnh; vị trí cấu âm đầu lưỡi- lợi tiếp ngạc [dj]. Chúng tôi đã thu thập được 50 từ mà phần đầu âm tiết có cách cấu âm như đã miêu tả.
Từ thực tế phát âm, chúng tôi nhận thấy PNNT đã phản ánh một cách khá trọn vẹn các đặc trưng có ở phần đầu âm tiết của PNT. Xu hướng cấu âm của người Nghệ Tĩnh tiêu biểu cho lối cấu âm của PNT, đó là cách cấu âm nghiêng về chọn một bộ vị thích hợp cho phát âm phần đầu âm tiết, tức là các phụ âm. Thói quen cấu âm của người Nghệ Tĩnh là tận dụng tối đa phần gốc lưỡi. Các âm có chỗ cản tính từ răng đến gốc lưỡi có xu hướng nhích về phía sau làm cho phần cuối của khoang hầu, kèm theo đó là phần cuối của khoang miệng bị thu hẹp lại một cách đáng kể. Lối cấu âm này chỉ có ở vùng PNT, khác hẳn lối cấu âm của vùng PNB, ở đó gốc lưỡi hầu như ít hoạt động. Lối cấu âm của người Nghệ Tĩnh làm cho âm tiết bị phủ một màu tối, trầm đục hơn so với việc tận dụng tối đa khoang trước của miệng của người miền Bắc. Có lẽ do thói quen cấu âm lấy khoang sau của miệng làm trung tâm nên người Nghệ Tĩnh mới bảo lưu trọn vẹn ba âm quặt lưỡi cũng như việc thể hiện rõ ràng các âm tắc bật hơi so với các phương ngữ trong vùng.
Hệ thống vần PNNT cũng mang đặc trưng của vùng PNT. Khác với PNB, PNNT có sự phân biệt các vần ɯw(ưu)/ iw(iu), ɯɤw(ươu)/ iew( iêu), tận dụng tối đa các vần ɯn(ưn)/ ɯt(ưt), bảo lưu một lối tiếp hợp lỏng giữa đỉnh vần và kết vần như e:η(êêng)/ e:k(êêk), ɛ:η(eng)/ ɛ:k(ec), u:η( uung)/ u:k(uuc), o:η(ôông)/ o:k(ôôc), ɔ:η(oong)/ ɔ:k(ooc) và cả ɤ:η(ơng)/ ɤ:k(ơc), i:η(ing)/ i:k(ic). Khác với PNN, phần vần PNNT gần như giữ được trọn vẹn các yếu tố phụ âm tính ở kết vần. Các yếu tố phụ âm tính làm nhiệm vụ kết vần trong sự kết hợp với các yếu tố nguyên âm tính không chịu một sự tác động chặt chẽ như ở PNB hay một phần như ở PNN mà chúng vẫn còn là một sự sao phỏng không hoàn toàn các phụ âm có ở phần đầu âm tiết. Điều đó nói lên rằng những bộ vị cơ bản của phụ âm có ở phần đầu âm tiết đã được giữ nguyên khi sao phỏng ở phần cuối âm tiết và yếu tố nguyên âm tính đỉnh vần không có sự đối lập về trường độ. Do đó, nếu trong TVVH và các phương ngữ khác số lượng vần có trong thực tế ít hơn rất nhiều so với sự hình dung lí thuyết thì vần PNNT có số lượng tối đa(159 vần). Các vần ɯn(ưn), ɤw(ơu), ɤη(ơng) và cặp vần ɯm(ưm)/ ɯp( ưp) vừa có trong hệ thống vừa có trong thực tế phát âm. Các vần ɤw, ɤη có giá trị âm vị học vì chúng có tư cách là những đơn vị cấu tạo vỏ âm tiết làm thành từ thực tế như phơu, phơu bở, (rú) Bờng. Nhìn chung, phần vần PNNT có đặc điểm của lối cấu âm vùng PNT nhưng thể hiện một cách cực đoan và đa dạng hơn PNTH và PNBTT. Từ thực tế phát âm, có thể xác định những đặc trưng mang tính chủ đạo ở vần PNNT là: xét từ phía đỉnh vần, có thể nhận thấy các nguyên âm đỉnh vần trong TVVH có độ nâng lưỡi cao thì PNNT có độ nâng lưỡi thấp( đôi khi có hiện tượng ngược lại). Như vậy, khẩu độ của nguyên âm đỉnh vần trong PNNT theo hướng mở và trầm, kể cả các nguyên âm chuyển sắc. Nếu có các tiếp hợp giữa đỉnh vần và kết vần thì PNNT có xu hướng tiếp hợp lỏng.
Hệ thống thanh điệu Nghệ Tĩnh là yếu tố có vai trò hết sức quan trọng làm nên đặc trưng giọng Nghệ. Đặc trưng nổi bật là PNNT chỉ có 5 thanh, trong đó thanh ngã và thanh nặng tương ứng với thanh nặng trong TVVH. Cũng là hệ thống 5 thanh nhưng ở PNTH và PNBTT, thanh ngã nhập với thanh hỏi như PNN. Qua phân tích ngữ âm và xác lập hệ thanh Nghệ Tĩnh có thể thấy rằng hệ thanh điệu Nghệ Tĩnh mang màu sắc tiêu biểu cho vùng PNT. Các thanh điệu được thể hiện trong vùng âm vực hẹp nên không có dấu hiệu khu biệt rõ ràng. Đường nét các thanh quá nghèo nàn và có xu hướng hỗn nhập các thanh như ngã với nặng, hỏi với nặng, sắc với hỏi…thể hiện một tình trạng rối loạn trong hệ thống thanh điệu. Phải chăng, lối cấu âm của người Nghệ Tĩnh không tận dụng các khoang cộng hưởng vùng miệng như người miền Bắc(toàn thân lưỡi nghiêng về phía trước) làm hẹp phần thoát của khoang hầu(do toàn thân lưỡi dồn về phía sau) nên đã hạn chế sự thể hiện các đặc trưng điệu tính có ở các nét ngữ âm của hệ thống thanh điệu?
Trở lên là những nét đặc trưng của sắc thái ngữ âm tạo nên sự khác biệt giữa PNNT với TVVH và các phương ngữ khác, khẳng định PNNT là trung tâm của vùng PNT, lưu giữ được nhiều dấu vết khá xa xưa của tiếng Việt, nhờ nó mà tính chất cổ của vùng PNT được khẳng định. Bởi vậy, PNNT có một vị trí nhất định trong phản ánh không gian của tiến trình phát triển theo thời gian của tiếng Việt, là một chứng tích trong việc nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt.
3. Vài suy nghĩ về lịch sử ngữ âm tiếng Việt từ những đặc trưng ngữ âm phương ngữ Nghệ Tĩnh
Mối quan hệ giữa phương ngữ học với lịch sử tiếng Việt mà cụ thể ở đây là các tư liệu đang có ở PNNT có giá trị gì cho việc nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt? Trước hết, với lối cấu âm tiêu biểu cho PNT cùng với hệ thống âm đầu PNNT cho phép ta hình dung các xu hướng biến đổi của hệ thống âm đầu tiếng Việt ít nhất từ thế kỉ XVII đến nay. Qua phân tích và miêu tả chúng tôi khẳng định rằng PNNT gần như bảo tồn nguyên vẹn hệ thống âm đầu tiếng Việt thế kỉ XVII. Từ tư liệu âm đầu PNNT, bằng phương pháp so sánh đối chiếu có thể hình dung ở một mức độ nhất định các xu hướng biến đổi của hệ thống âm đầu tiếng Việt từ thế kỉ XVII đến nay.
Qua những mô tả về hệ thống âm đầu PNNT phần nào giúp chúng ta hình dung có một cơ chế cấu âm các phụ âm dùng phần gốc lưỡi hay phần sau của mặt lưỡi, phải chăng đó là một cơ chế cấu âm cổ đang bảo lưu trong PNNT? Sự tồn tại dãy các phụ âm tắc bật hơi gợi ý về một quá trình bật hơi hóa: p > p’, t > t’, k > k’ xẩy ra trong tiếng Việt, theo Vương Lộc [5] nó đã hình thành từ thế kỉ XV- XVI. Dựa vào hệ thống âm đầu PNNT có thể hình dung từ thế kỉ XVII đến nay, hệ thống âm đầu tiếng Việt có bốn xu hướng biến đổi sau đây:
- Xu hướng hữu thanh hóa
Hàng loạt phụ âm vô thanh đã biến đổi thành phụ âm hữu thanh trong các phương ngữ hiện nay. Quá trình hữu thanh hóa kết thúc sớm hơn đối với âm môi và có phần muộn hơn đối với âm đầu lưỡi. Bằng chứng, sang thế kỉ XVIII, trong Từ điển Việt- La(1772) và Sách sổ sang chép các việc(1822) không còn các âm đầu môi vô thanh nhưng đến thế kỉ XIX, trong Đại Nam quấc âm tự vị vẫn còn các âm gốc lưỡi vô thanh chưa hoàn thành quá trình hữu thanh hóa. Ta có: p, p’ > v; k, k’ > ɣ, ƫ > z hoặc j( z ở PNB, còn j ở PNN).
- Xu hướng xát hóa
Các phụ âm tắc vô thanh/ hữu thanh biến đổi thành các phụ âm xát vô thanh/ hữu thanh tương ứng. Quá trình xát hóa xẩy ra trước thế kỉ XVII nhưng đến thế kỉ XVII quá trình này vẫn chưa hoàn thành, phải sang thế kỉ XVIII mới kết thúc. Cách phát âm các âm đầu TVVH / v, z, ɣ / trong PNNT góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc các phụ âm xát tiếng Việt. Đó là quá trình p, p’ và b, bj > v; dj và cj > z; k, k’, g > x, ɣ.
- Xu hướng biến mất các âm quặt lưỡi
Từ thế kỉ XVII đến nay, các âm quặt lưỡi bị biến mất, đặc biết là âm / ƫ /. Các âm quặt lưỡi biến đổi thành các âm mặt lưỡi phẳng hoặc âm đầu lưỡi phẳng, cấu âm đơn giản hơn. Quá trình này xẩy ra vào cuối thế kỉ XIX ở vùng PNB. Đó là ʂ > s, ʐ > z, j; ƫ > c, z, j. Các âm quặt lưỡi được bảo tồn nguyên vẹn trong PNNT.
- Xu hướng đơn hóa các tổ hợp phụ âm
Qua cách phát âm của người Nghệ Tĩnh, có thể hình dung các tổ hợp âm đầu tl, bl, ml diễn biến rất phức tạp. Từ chúng đến các phụ âm tương ứng như ngày nay thường có các phụ âm trung gian. Đó là bl, tl > ƫ > c, z, t; ml > ɲ, l.
Các đặc trưng ở phần vần PNNT cũng là những cứ liệu có giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử phần vần tiếng Việt. Như đã trình bày, PNNT có các nguyên âm dài [e], [ɛ], [o], [ɔ] trong các vần êng/ êc, eng/ ec, ôông/ ôôc, oong/ ooc. Cách phát âm mà đỉnh vần và kết vần có dạng tiếp hợp lỏng ở PNNT chính là cách phát âm của tiếng Việt trong lịch sử. Các vần êng/ êc, eng/ ec, ôông/ ôôc, oong/ ooc từ xa xưa người Việt cũng phát âm như người Mường. Các vần được ghi lại là anh/ ach, ong/ oc xuất hiện sau; chúng là kết quả biến đổi ngữ âm trong PNB, xẩy ra sau thế kỉ XVII nhưng chắc phải đến cuối thế kỉ XVIII mới hoàn thành vì trong Từ điển Việt- La(1772), Sách sổ sang chép các việc(1822) chúng còn xuất hiện. Trong PNN, các vần trên cũng gần như biến mất, chỉ còn từ méc(= mách). Như vậy, dựa vào các vần có nguyên âm dài trong PNNT cho phép ta hình dung sự biến đổi của vần tiếng Việt trong lịch sử: êng/ êc > ênh êch, eng/ ec > anh/ ach, uung/ uuc > ung/ uc, ôông/ ôôc > ông/ ôc, oong/ ooc > ong/ oc.
Cuối cùng là giá trị của cứ liệu PNNT cho việc nghiên cứu thanh điệu tiếng Việt. Đặc điểm nổi trội của PNNT là sự hòa nhập hai thanh ngã và nặng trong TVVH thành một thanh tương tự như một thanh đi xuống, ngắn nhưng không xuất hiện hiện tượng tắc họng kèm theo. Ngoài ra, hai thanh hỏi và sắc của TVVH cũng được thể hiện thành một thanh đi lên, hai thanh ngang và huyền cũng được thể diện thành một thanh hơi đi xuống. Vậy là, cùng với việc thể hiện đến mức rất phong phú các màu sắc, cung bậc của các yếu tố nguyên âm đỉnh vần, sự thể hiện một cách nghèo nàn các thanh điệu có trong PNNT dường như gợi ý rằng có một thế bù trừ giữa cấu chất của vần và sự thể hiện thanh điệu. Nếu cho rằng thanh điệu Việt có nguồn gốc từ các yếu tố chiết đoạn thì rõ ràng khi nói đến điều kiện để xuất hiện thanh điệu Việt, nhìn từ góc độ PNNT có thể thấy các đặc điểm điệu tính có trong hệ thanh Việt ngoài các nhân tố có từ âm đầu còn có sự góp sức khá quan trọng của các nguyên âm đỉnh vần. Sự chuyển sắc của các nguyên âm từ độ nâng thấp hơn đến độ nâng cao hơn trong một dòng đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc làm cho âm tiết bị trầm xuống, thuộc về âm vực thấp trong việc hình thành thanh điệu.
4. Kết luận
Phương ngữ Nghệ Tĩnh dù có những khác biệt so với các phương ngữ khác như đã trình bày ở trên song vẫn là một biến thể và dạng tồn tại của tiếng Việt trong sự phát triển lịch sử của nó. Song với diện mạo như hiện nay, chúng ta không thể có một PNNT nguyên vẹn như cổ xưa mà chỉ là một phương ngữ trong sự bảo lưu, tiềm tàng của nó. Vì vậy, khi nghiên cứu PNNT, trước hết cần quan tâm đúng mức đến tiến trình phát triển của tiếng Việt trong lịch sử mà PNNT là một chứng tích, đồng thời phải quan tâm đến tính đa dạng vốn có của tiếng Việt trên các vùng đất nước.
Từ những cách phát âm của người Nghệ Tĩnh giúp ta hình dung một lối cấu âm khá cổ của người Việt- lối cấu âm tập trung phần gốc lưỡi và họng. Chính đặc điểm của lối cấu âm này tạo nên: a/ một danh sách âm đầu đầy đủ nhất mà tình trạng phương ngữ Việt đương đại có thể bảo lưu được, b/ sự nối kết chưa hoàn toàn chặt chẽ giữa nguyên âm đỉnh vần với yếu tố kết vần nảy sinh đối lập về trường độ của nguyên âm đỉnh vần và một dạng tiếp hợp lỏng giữa đỉnh vần với kết vần, c/ lối cấu âm làm hẹp phần thoát của khoang hầu đã hạn chế tối đa sự thể hiện các đặc trưng điệu tính có ở nét ngữ âm của hệ thanh điệu. Những nét đặc trưng ngữ âm của PNNT đã góp thêm nhiều tư liệu cho việc nghiên cứu phương ngữ Việt cũng như tiến trình phát triển của hệ thống ngữ âm tiếng Việt trong lịch sử.
Tài liệu tham khảo
  1. Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H. 1995.
  2. Nguyễn Tài Cẩn, Bàn thêm về quá trình xát hóa âm đầu tiếng Việt, Kỉ yếu hội thảo quốc tế lần thứ 5 về ngôn ngữ học và ngôn ngữ liên á, tập 1, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, H. 2004.
  3. Hoàng Thị Châu, Phương ngữ học tiếng Việt, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, H. 2004.
  4. Phạm Văn Hảo, Mấy phụ âm đặc biệt trong thổ ngữ Quảng Trạch, Quảng Bình, Ngữ học trẻ 2004, Hội ngôn ngữ học Việt Nam, H. 2004.
  5. Vương Lộc, An Nam dịch ngữ, giới thiệu và chú giải, Trung tâm từ điển học- Nxb Đà Nẵng, H. 1995.
  6. Nguyễn Văn Lợi, Phụ âm tắc hữu thanh thở và vấn đề các phụ âm xát tiếng Việt(trên tư liệu phương ngữ BTB), Bản đánh máy, 2005.
  7. Nguyễn Hoài Nguyên, Xác định vị trí phương ngữ Nghệ Tĩnh trong các phương ngữ Việt, Ngữ học trẻ 2004, Hội ngôn ngữ học Việt Nam, H. 2004, tr.106- 109.
  8. Nguyễn Hoài Nguyên, Phương ngữ Bắc Trung Bộ với vấn đề các phụ âm xát trong tiếng Việt, Ngữ học trẻ 2006, Hội ngôn ngữ học Việt nam, H. 2006, tr.84- 91.
  9. Đoàn Văn Phúc, Vài đặc điểm âm đầu và thanh điệu các thổ ngữ An Lộc, Thịnh Lộc với nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, Ngữ học trẻ 2005, Hội ngôn ngữ học Việt Nam, H. 2006, tr.80- 85.
  10. Võ Xuân Trang, Phương ngữ Bình Trị Thiên, Nxb Khoa học xã hội, H.1997.

No comments:

Post a Comment