Sunday 7 July 2013

Cái Mơn khởi nguyên của nông nghiệp kỹ thuật cao (Công Khanh & Như Thuần - Sài Gòn Tiếp Thị)



SGTT.VN - Ở nơi áp dụng khoa học nông nghiệp đầu tiên trong cả nước, nông dân ra nước ngoài học kỹ thuật nông nghiệp, giờ đại công xưởng cây giống này đã có lịch sử lâu đời hàng trăm năm gắn bó sâu sắc giữa người trí thức cả Tây cả Việt và những nông dân khao khát tự do.
cha Gernot Quí, người có công lớn với họ đạo Cái Mơn, coi xứ này suốt 48 năm (1864 – 1912).
Năm 1702, ba gia đình ông Nguyễn Văn Tấn, ông Phan Văn đại và Lê quang Lê bỏ quê nhà ở miền Trung (Phú Yên, Bình định) vượt biên xuôi Nam, vào vùng đất của vua Thuỷ chân Lạp, mang theo sự cần cù và một ước mơ: tự do tín ngưỡng. Đó là những người mở trang lịch sử của cái Mơn.
Vào những năm 40 của thế kỷ trước, xứ đạo Cái Mơn đã được cả nước biết tới bởi nghề chơi cây kiểng và trồng cây ăn trái. Nhưng thế hệ những người nổi tiếng và tiên phong trong lĩnh vực trồng cây kiểng cổ Cái Mơn giờ đây chỉ còn lại ít người như ông Tám Sông – Nguyễn Văn Sông, trên 80 tuổi ở ấp Đông Nam, xã Vĩnh Thành. Trong ký ức ông bây giờ chỉ còn lại mỗi sự oanh liệt: cặp mai kiểng có hoành gốc 2,5m của ông từng bán vào nửa cuối những năm bảy mươi trị giá 60 cây vàng.
Gặp chúng tôi vào một ngày cuối năm, ông Sông tâm sự: “Chỉ sợ nghề làm kiểng cổ rồi đây sẽ mai một vì giờ không còn mấy ai theo nữa”. Những thế hệ sau ông nhờ áp dụng các kỹ thuật chiết cành, ươm giống, đã cho ra hàng loạt cây giống theo phương thức bán công nghiệp, bán đi khắp nước và cả xuất khẩu đi nước ngoài như ông Năm Công, Ba Tài… thu lợi mỗi năm hàng trăm triệu. Ông Ba Tài còn nhớ vào thời kỳ thiếu đói cuối thập niên 70, rất nhiều nghệ nhân hoa kiểng Cái Mơn đã nản chí phá bỏ vườn cây, vườn kiểng để chuyển sang trồng lúa, khoai lang cứu đói. Có nơi chủ vườn đứt ruột đốn bỏ hàng loạt gốc cây ăn trái lâu năm. Mãi đến cuối thập niên 80, nghề vườn Cái Mơn mới bắt đầu trở mình hồi sinh nhờ cơ chế thị trường.
Cái Mơn giờ được biết đến là một trong những địa phương đầu tiên của đất Nam bộ đưa nông dân ra nước ngoài tham quan, học tập mô hình canh tác, sản xuất và nhân giống, rồi quay lại xuất khẩu sản phẩm cùng dịch vụ chăm sóc. Nhưng ít ai nghĩ mô hình kết hợp kỹ thuật ghép, sàng lọc những giống cây ăn trái của nước ngoài, lai tạo với những giống cây trồng có sẵn tại địa phương để tạo nên một giống cây mới cho quả ngọt trái lành đã có mặt tại đây hàng trăm năm trước.
Phải chăng sự gắn kết của cộng đồng giáo dân chiếm 85% dân số hình thành từ 300 năm qua trên dãy đất cù lao này đã tạo nên một sức mạnh tiềm tàng để Cái Mơn vực dậy một làng nghề?
Lịch sử một làng nghề
Nhà thờ Cái Mơn
Tàng thư ghi nhận từ đầu thế kỷ 18, những nhóm dân người Việt đã đặt chân đến vùng đất Bến Tre do cuộc bắt đạo Thiên Chúa dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu trên quy mô khắp nước từ ngày 13.3.1700 (1). Lúc đầu ba gia đình đầu tiên đến Ba Giồng, sau sang Cái Mơn định cư khởi nghiệp. Người đi trước trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy để người đi sau từ miền Trung tìm vào. Sự cần cù của họ trên vùng đất mới phì nhiêu – như cá gặp nước: lúc bấy giờ “chợ Ba Vát ở thôn Phước Hạnh, lỵ sở của huyện Tân Minh, phố xá đông vui, thuyền bè tấp nập…” theo ghi nhận của Đại nam nhất thống chí.
Phải đến những năm 60 thế kỷ 19, linh mục người Pháp Gernot mới bắt đầu mở rộng hoạt động Công giáo tại Cái Mơn. Nhiều ghi chép trong họ đạo Cái Mơn còn lại cho biết, địa danh này do các cha thừa sai người Pháp đặt ra. Cái Mơn, đọc gần giống âm tiếng Pháp của Caïman – con sấu mõm dài, ám chỉ là xứ có nhiều cá sấu. Sử liệu ở giáo xứ này khẳng định chính các ông cha thừa sai là người đem các giống cây như càphê, cacao, măng cụt, v.v. và nhiều giống cây nhiệt đới về nhân giống phát triển tại đây, mở ra một truyền thống cho những trí thức ở xứ này tiếp nối.
Nhiều nguồn sử liệu đề quyết ông Trương Vĩnh Ký và ông Nguyễn Duy Lưu về sau nối tiếp nhau chọn lọc và du nhập các giống cây như bòn bon, sapôchê, măng cụt, chôm chôm, sầu riêng, v.v. từ Malaysia, Thái Lan về.
Những cựu học sinh ngôi trường mang tên Trương Vĩnh Ký còn ưu ái khẳng định chính ông là người đem nghề chiết cành gây giống, lai giống, ghép cây về phổ biến ở quê nhà. Nhưng sử liệu rõ ràng hơn lại ghi chính xác vào năm 1937, người Cái Mơn mới biết ghép cây, từ xưa phiên âm từ tiếng Pháp greffer thành “rép”. Lúc đó cha sở giáo xứ Phan Thiết đã đưa hai anh em ông Phạm Văn Trí và Phạm Văn Trị và hai anh em ông Mai Văn Tư và Mai Văn Khánh vào trường canh nông Nha Rây học ghép cây, cốt là để biết ghép cây cao su và theo nghề này. Học xong, không chịu nổi sự cay cực của nghề cao su đồn điền, các ông về lại quê nhà, thử ghép các loại cây khác. Sản phẩm nổi tiếng còn truyền tụng của các ông là ghép chôm chôm địa phương với chôm chôm Java.
Gốc sầu riêng cái mơn?
Những người được trao giống cây mới này đầu tiên ở Cái Mơn là hai anh em của ông Nguyễn Văn Hiếu (hội đồng Hiếu sinh năm 1883) và Nguyễn Văn Thuận (tức cai Thuận sinh 1887 – 1975). Truyền nhân của những người này đến nay còn sở hữu gốc cây giống sầu riêng cơm vàng hạt lép nổi tiếng như ông Ba Ký ở Vĩnh Thành. Có hai luồng ý kiến. Một luồng cho rằng chính Trương Vĩnh Ký là người du nhập các giống cây từ Malaysia và Indonesia như bòn bon, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, sakê, v.v. trong suốt thời gian sáu năm ông du học ở chủng viện Penang, Malaysia, và trở về nước vào lúc Pháp vừa chiếm Việt Nam năm 1858. Nhưng trong tự điển Pháp Việt của Trương Vĩnh Ký (1884) không có từ durian hay sầu riêng.
Một luồng ý kiến khác – từ con cháu – cho rằng chính ông Nguyễn Duy Lưu – khi ông Ký về nước ông này mới được một tuổi – là người sưu tập các giống sầu riêng ngon của Campuchia trong thời gian ông làm thái phó (thầy dạy học) cho con vua xứ này, đem về trồng trong vườn nhà bên bờ sông Cái Mơn, cách nhà thờ Cái Mơn hơn 100m. Vườn ông Lưu, nằm sát nhà ông Trương Vĩnh Ký, trồng một cách có khoa học gồm toàn các loại cây ăn trái đặc sản: sầu riêng, bòn bon, măng cụt và dừa. Những người cao tuổi kể rằng, những gốc sầu riêng ở nhà ông trước năm 1975 to đến hai người ôm. Có người còn đồ rằng một trong những cây sầu riêng giống đầu tiên mang về từ Campuchia của ông phó Lưu, có một cây rất đặc biệt được ông đặt tên là “sầu riêng sữa bò” chính là cụ kỵ của giống sầu riêng cơm vàng hạt lép sau này.
Sách Monographie de la province de Ben Tre ghi Cái Mơn lúc bấy giờ thuộc tổng Minh Lý.
Cũng có luồng ý kiến thứ ba cho rằng trái cây này do Hoa kiều thời Trương Vĩnh Ký buôn từ Malaysia về và đọc trại tên durian địa phương thành sầu riêng.
Sách Monographie de la province de Ben Tre (Bến Tre chí) xuất bản năm 1903, không ghi một dòng sản lượng nào về sầu riêng Cái Mơn. Như vậy giống cây này khó có thể do Trương Vĩnh Ký du nhập nửa cuối thế kỷ 19.
Theo đà này, Cái Mơn trở thành một trong những địa phương tiên phong đưa nông dân đi học kỹ thuật nông nghiệp và về sau đưa ra nước ngoài học nghề. Những cái tên nông dân nổi tiếng hiện nay như Chín Hoá – người tạo nên thương hiệu sầu riêng Chín Hoá, Ba Tài – người nông dân lập website hoa kiểng Cái Mơn, Sáu Ri – cây giống Sáu Ri…
Có thể nói Cái Mơn là một trong những nơi áp dụng khoa học nông nghiệp đầu tiên của Nam bộ. Nhờ có sự định hướng của những ông Tây từ đầu thế kỷ 19, Cái Mơn biết phát huy lợi thế của đất và người, họ giàu nhanh và chú trọng đầu tư cho giáo dục, để nắm bắt kỹ thuật cao.
Đại công xưởng cây kiểng
Nghề ghép cây học từ người Pháp hồi đầu thế kỷ được truyền theo trực hệ trước hết là con cháu trong gia đình, sau đó đến hàng xóm, rồi lan ra khắp vùng Chợ Lách, hình thành nên một ngành sản xuất cây giống nhiều triển vọng.
Có thể xâu chuỗi tiến trình phát triển về kỹ thuật cao trong nông nghiệp ở Cái Mơn như sau: nhập giống mới, nhân giống, chiết cành để rút ngắn thời gian cho trái, ghép cành, nghiêng về cung cấp giống (kỹ thuật cao) so với cung cấp trái cây, chuyên cung cấp các loại cây mới, chuyển đổi sang phát triển hàng cao cấp – cây kiểng. Đến những năm đầu thập niên 90, người nông dân Chợ Lách chỉ mới biết kỹ thuật ghép bo da, chiết cành thì ngày nay đã hoàn chỉnh kỹ thuật ghép xương, ghép mắt, ghép đọt, ghép cành… Đặc biệt, kỹ thuật ghép cành cho tỷ lệ cây sống rất cao, đã được ứng dụng vào sản xuất cây kiểng góp phần đưa Chợ Lách trở nên một vùng chuyên canh cây kiểng hàng đầu Việt Nam ngày nay.
Hiện nay, toàn huyện Chợ Lách có khoảng 5.000 hộ chuyên sản xuất cây giống, hoa kiểng. Nhiều gia đình theo nghề này tới 3 – 4 thế hệ. Theo tài liệu của tỉnh Bến Tre, trong vòng mười năm qua, huyện Chợ Lách đã có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế, từ kinh tế vườn chủ yếu chuyên canh chuyển sang phát triển thâm canh có lựa chọn, đẩy mạnh việc sản xuất cây giống và cây hoa kiểng. Giờ đây, khi mà lợi nhuận một mẫu kiểng gấp mười lần một mẫu vườn cây ăn quả thì Cái Mơn hầu như trở thành đại công xưởng cây kiểng. Cơn bão số 5 cách đây năm năm dường như đặt dấu chấm hết cho những cây ăn quả cổ thụ khi đi qua xứ này và quật ngã những gốc măng cụt hai người ôm của bà Huỳnh Thị Kỷ.
Ông Phan Văn Hiếu, phó bí thư xã Vĩnh Thành, cũng là một nông dân thứ thiệt cho biết, hiện nay xã Vĩnh Thành đã hình thành được mười làng nghề chuyên sản xuất cây giống và cây kiểng. Từ đây, chính quyền xã sẽ kiến nghị lên huyện, tỉnh hỗ trợ người nông dân các kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến, tiến tới thành lập hợp tác xã bậc cao phối hợp với xây dựng thương hiệu và mô hình du lịch sinh thái để làng nghề phát triển bền vững.
CÔNG KHANH - NHƯ THUẦN

No comments:

Post a Comment