Sunday 14 July 2013

Nghiên cứu tên riêng trong các truyền thuyết thời kỳ dựng nước (Trần Quốc Vượng)




Nghiên cứu tên riêng trong các truyền thuyết thời kỳ dựng nước


thoi ki giu nuoc

TỪ VIỆC NGHIÊN CỨU MỘT SỐ TÊN RIÊNG TRONG CÁC TRUYỀN THUYẾT NÓI VỀ THỜI KỲ DỰNG NƯỚC

Trần Quốc Vượng
Trên tập san Nghiên cứu Văn học số 3-1962, kết luận bài nghiên cứu dài “Qua việc nghiên cứu các danh từ riêng trong một số truyện cổ tích“, Đinh Gia Khánh viết: “Vấn đề danh từ riêng trong truyện cổ tích có liên quan đến những vấn đề nguồn gốc của truyện, vấn đề kết cấu của truyện, vấn đề hình tượng của truyện… Khi nghiên cứu truyện cổ tích dân gian, cần quan tâm đến vấn đề danh từ riêng trong đó, vì việc đi sâu vào vấn đề này không phải là không bổ ích, trái lại nhờ đó mà ta có thể giải quyết được một số vấn đề khác”. Gần đây trongNghiên cứu Lịch sử số 102 (9-1967) Hoàng Thị Châu đã áp dụng phương pháp ngôn ngữ học để “Tìm hiểu từ “phụ đạo” trong truyền thuyết về Hùng Vương” (được ghi trong Lĩnh Nam chích quái). Trong bài nghiên cứu nhỏ này, chúng tôi sẽ nghiên cứu một số tên riêng trong các truyền thuyết nói về thời Hùng Vương – An Dương Vương – thời kỳ dựng nước của lịch sử Việt Nam – đặng rút ra một vài kết luận về quá trình phát triển của truyền thống lịch sử và về tiếng Việt cổ.
I. Truyện Lý Ông Trọng
Sách Việt điện u linh chép rằng: Vương họ Lý tên là Ông Trọng, người huyện Từ Liêm (xem bản dịch Nxb. Văn hóa Hà Nội 1960 tr. 28). Lĩnh Nam chích quái chép: “Cuối đời Hùng Vương có người ở xã Thụy Hương huyện Từ Liêm, đất Giao Chỉ, họ Lý tên Thân (Bản dịch Nxb. Văn hóa Hà Nội 1960 tr. 50) và sau khi kể chuyện Lý Thân, sách này chép thêm: “Tần Thủy Hoàng lấy làm lạ mới đúc đồng làm tượng, đặt hiệu là Ông Trọng”. Sách Từ Nguyên lại chép: “Nguyễn Ông Trọng, đời Tần, người Hải Nam”.
Về họ tên nhân vật của truyện, như vậy có hai sách (Việt Nam) chép họ là Lý, một sách (Trung Quốc) chép họ là Nguyễn. Chắc Từ Nguyên đã căn cứ vào một tài liệu của ta viết về đời Trần vì, như mọi người đều biết, nhà Trần đã bắt dân chúng đổi họ Lý ra họ Nguyễn[1]. Song một nhân vật đời Hùng Vương có họ là Lý cũng có một điều đáng ngờ vì tên những người Việt cổ mà sử sách đã ghi (Dịch Hu Tống, Đô Kê, Đô Lương, Trưng Trắc, Thi Sách…) không mang những họ Lý, Trần, Lê, Nguyễn… như ngày nay. “Họ” hiểu theo nghĩa hiện đại là một điều khá mới, thường thành hình từ một danh từ chung chỉ nguyên quan, nghè nghiệp hay một tính từ chỉ đặc điểm bên ngoài hay tính cách[2]. Chúng ta nên nhớ rằng ở đầu thời kỳ chúng ta quen gọi là Bắc Thuộc, sử sách phong kiến thường gọi dân nước ta là dân Lý (Lãi, Lão…) và thường tự tiện gán cho người nước ta họ Lý; hoặc cũng có thể họ gọi nhân vật này theo phương thức chỉ nguyên quán: Lý Ông Trọng nghĩa là ông Trọng người Lý. Còn tên nhân vật, hai sách cho Ông Trọng là tên, một sách cho Ông Trọng là tên hiệu (tên thực là Thân). Đinh Gia Khánh trong bài nghiên cứu nói trên quả quyết rằng: “nhận vật lịch sử có tên thật là Lý Thân, nhưng ngày nay người ta chỉ nhớ cái biệt hiệu Ông Trọng”. Ông Trọng có phải là nhân vật lịch sử không, hay trước sau chỉ là một nhân vật truyền thuyết cũng còn là vấn đề phải bàn; cũng như việc cho Ông Trọng là biệt hiệu chứ không phải là tên thực theo ý tôi là một kết luận vội vã. Nhân dân làng Trèm (quê hương và là nơi có đền Lý Ông Trọng) chỉ gọi là Lý Ông Trọng chứ không gọi là Lý Thân. Việt điện u linh viết trước Lĩnh Nam chích quái cũng không chép tên Lý Thân. Vả lại. theo ý tôi, Ông Trọng là một cái tên “Việt Nam” hơn và có lẽ nên viết là Ông Trọng mới đúng: giai đoạn dân gian thường có những tên giản dị kiểu như thế: ông Đổng, ông Gióng, ông Đùng (bà Đà). Truyền thuyết Mường, một nhánh bà con gần gũi của người Việt, cũng dùng những tên như vậy, ví dụ trong bài mo Đẻ đất đẻ nước ta gặp các tên: Đá Cài Đá Cần, Dạ Dẩn, Dạ Dâm, Dạ Rủ… mà có nhà nghiên cứu trước đây đã tưởng là những tên đôi, kỳ thực đá (hay tá)[3] tiếng Mường nghĩa là ông (tỏ ý kính trọng), dạ tiếng Mường nghĩa là bà (tỏ ý kính trọng)[4].
Tên người xin bàn qua như vậy, bây giờ tôi xin chuyển sang bàn về tên đất. Ông Trọng thường được gọi là đức thánh Trèm. Ở làng Trèm hiện còn đền thờ ông và nhân dân ở đó coi ông là người cùng làng. Trèm thuộc huyện Từ Liêm, sách vở xưa chép ông Trọng người Từ Liêm. Tên Từ Liêm xuất hiện lần đầu tiên trong sử sách ở thế kỷ IX, trong sách Nguyên hòa quận huyện chỉ (806-820, đời Đường) và trong các sách địa lý viết về đời Đường khác nhưCựu Đường thư, Tân Đường thư… Theo các sách trên, huyện Từ Liêm được đặt từ năm 621 và con sông chảy qua huyện đó (tức sông Nhuệ) cũng được gọi là sông Từ Liêm. Sách An Nam chí lược (của Lê Trắc đời Trần thế kỷ XIV) và Việt Kiệu Thư (của Lý Văn Phượng đời Minh – chép theo sách trước) cho rằng sở dĩ có tên Từ Liêm là vì tiên tổ nhà Lý đời đời ở đất ấy, có tiếng là nhân từ, liêm khiết. Kỳ thực đó là một cách giải thích vô căn cứ, hay nói theo thuật ngữ ngôn ngữ học, đó là một hiện tượng từ nguyên học dân gian[5], nghĩa là một cách giải thích bằng lối suy diễn, tạo ra một truyền thuyết mới nhằm giải thích một tên riêng mà người thời sau không còn hiểu cái gốc gác ban đầu của nó.
Thực ra tên Từ Liêm chỉ là một trong vô số trường hợp dùng từ chữ Hán hay Hán Việt phiên âm một địa danh vốn là từ “nôm” (tức từ Việt cổ) với những hiện tượng biến âm hay thêm bớt âm có tính quy luật kèm theo quá trình này. Ta biết rằng âm “tr” uốn lưỡi là một dạng thức mới (không sớm hơn thế kỷ XVII) của tl hay bl (Xem A.de Rhodes Diction-narium Annamiticum lusitanum et latium 1651). Dạng cũ (trước thế kỷ XVII) của tiếng Trèm phải là tlem (hay blem), “Từ Liêm” ắt là cách phiên âm tên “trèm” ở dạng cũ đó. Tiếng Hán ở thế kỷ IX (cũng như tiếng Hán hiện đại) không có tổ hợp phụ âm kiểu tl, bl cùng âm tiết. Do đó, tổ hợptl tất phải được tách ra hai âm tiết và phụ âm t được phiên âm bằng một âm tiết có t đứng đầu “từ”. Điều này lại phù hợp với xu hướng chung, song âm tiết của các địa danh Trung Quốc khác với xu hướng chung của các địa danh Việt cổ vốn đơn âm tiết (có kèm theo một từ chỉ đơn vị địa lý có nghĩa là “làng” “sông” “núi” “chợ”…).
II. Truyện Trầu cau
Lĩnh Nam chích quái chép truyện Trầu cau nói rằng: “Thời thượng cổ có một vị quan lang sức vóc cao lớn, nhà vua ban tên là Cao cho nên lấy Cao làm họ. Cao hạ sinh được hai người co trai, con cả tên là Tân, con thứ tên là Lang. Hai anh em theo học đạo sỹ Lưu Huyền. Tân lấy con gái họ Lưu. Sau khi chết Lang biến thành cây cau, Tân biến thành hòn đá và người con gái họ Lưu biến thành giây trầu không.
Ở đây ta không bàn đến việc người chép truyện cho rằng thời thượng cổ (thời Hùng Vương) nước ta đã có đạo sĩ và Đạo giáo, đó là một sự nhầm lẫn hiển nhiên về thời điểm. Đến như họ tên các nhân vật của truyện cũng có vấn đề. Âm “cao” từa tựa âm “cau”, “tân”, “lang” ghép lại thì có nghĩa là cây cau, vợ người anh thuộc họ Lưu, mà phù lưu thì có nghĩa là “cây trầu không”. (Đinh Gia Khánh, tài liệu đã dẫn).
Tân lang cũng như phù lưu là hai từ Hán chỉ cau và trầu. Hai tên ấy xuất hiện trong sử sách từ thế kỷ thứ I sau Công nguyên và được ghi lại trong các sách Dị vật chí (của Dương Phù đời Đông Hán), Nam phương thảo mộc trạng (của Kế Hàm đời Tấn), Giao châu ký, Quảng Châu ký (của Bùi Uyên đời Tấn), Ngô lục Thục ký, Tề dân yếu thuật (của Giả Tư Nghiệp đời Hậu Ngụy) v.v… Theo các sách đó trầu cau là một đặc sản của phương Nam, của miền đất nước ta. Và việc ăn trầu cau, việc dùng trầu cau trong hôn nhân cũng như dùng trầu cau để tiếp đãi khách khứa (“khách đến chơi trước tiên phải mời trầu, nếu không mời người ta oán giận nhau”)… đã là một phong tục cổ truyền tốt đẹp của dân tộc ta. Vậy đặt phong tục đó xuất hiện từ thời Hùng Vương là một điều hợp lý. Cau và trầu là những loại cây đặc sản của phương Nam, còn phương Bắc thì bấy giờ chưa có. Người Bắc nhìn thấy cây cau cho là một cây quý lạ lắm. Du Ích Kỳ người quận Dụ Chương (Giang Tây Trung Quốc) đời Ngô, trong khi du lịch phương Nam có viết thư cho Hàn Khang Bá rằng: “trong khi Nam du, duy có cây cau (tân lang) là đáng xem hơn cả, quả rất phi thường, cây cũng đặc biệt kỳ lạ. Nhưng tính không dạn sương, không thể đem trồng ở miền Bắc” (Nam phương thảo mộc trạng). Vậy một vấn đề đặt ra là: Tân Lang và tên Phù Lưu chỉ hai cây không có ở phương Bắc, là danh từ do người Hán mới đặt ra hay là tên phiên âm theo địa phương khi ấy? Tôi cho đay là hai từ phiên âm theo tiếng địa phương, cụ thể là tiếng Việt cổ ở đầu Công nguyên (và trước đó). Người Mường hiện tại dùng từ nang để chỉ “cau”. Người Mã Lai, người Chàm (ngữ hệ malayopolynésien) cũng gọi cau là pinang (từ song âm tiết). Người Êđê gọi cau là mơ-nang.
Trong tiếng Việt hiện đại có từ nang, tuy không dùng độc lập nhưng có ý nghĩa xuất hiện rõ rệt trong tổ hợp mo nang (tức “mo cau”) và trong tổ hợp cau nang (tương đương với loại xe cộ, tre pheo, áo xống, gà qué v.v…) nghĩa là có ý nghĩa tương đồng rõ rệt với cau. Tân lang (pin-lang) có lẽ là cách phiên âm từ nang này (trong đó n được thay bằng một phụ âm rất gần gũi với nó là l). Ta thấy n và l đều là hai âm vang đầu lưỡi, âm hưởng rất giống nhau và dễ chuyển thành nhau (so sánh tiếng Mường: Kăl, băl và tiếng Thanh hóa cắn (gáy) bắn (bay), cũng xem cách phát âm của một số diễn viên tuồng cổ : “song thât” (song thân). Trong nhiều phương ngôn của tiếng Việt hiện đại, hai âm n và l vẫn bị lẫn lộn hoặc đồng nhất hóa với nhau. Trần Phu, sứ nhà Nguyên sang kinh đô Thăng Long năm 1291 còn ghi lại trong Sứ Giao chân tập là người Việt khi ấy gọi nước (thủy) là “lược”, tức là một từ có vận mẫu ước và thành mẫul. Vậy nang có thể có dạng cũ là lang và từ Hán “tân lang” chỉ là phiên âm của từ // – lang của tiếng Việt cổ đầu Công nguyên với một tiền tố (prefixe) (ký hiệu là //-) có thể là p. Tóm lại từ chỉ “cau’ trong tiếng Việt cổ đầu Công nguyên trở về trước có thể là //-lang (hay //-nang) là một từ có hai âm tiết.
Thế còn tiếng “phù lưu” có phải là phiên âm của tiếng trầu (giầu), không? Trên miền Bắc Việt Nam hiện nay có nhiều tên đất (tên làng) gồm một tên Hán Việt và một tên nôm: làng Phù Lưu – Tế (Hà Đông cũ) có tên nôm là làng Giầu, làng Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh cũ) cũng có tên nôm là làng Giầu (chợ làng đó gọi là chợ Giầu, gần Đình Bảng). Từ giầu hay trầu theo từ điển A. de Rhodes, 1651 và cuốn Histoire du royaume Toquin cũng của A. de Rhodes, trong tiếng Việt thế kỷ XVII ghi là “blầu” (blầu cau); chữ nôm ghi là “lâu” theo cách phát âm Hán Việt hiện đại. Vào khoảng trước sau thế kỷ XV, từ blâu ắt phải có dạng bliu hayblu (xem các phương ngôn cổ ở Bắc phần Trung Bộ: chin (chân), nhít (nhất), tru (trâu), chí (chấy) v.v… Mặt khác cách phát âm lưu với vần ưu là một cách phát âm hiện đại chỉ có thấy trong một số từ Hán Việt. Đường âm của vận mẫu những từ này là ju (hay iw). Vậy yếu tố lưutrong phù lưu trước kia phải có dạng lju (hay liw)[6].
Còn về yếu tố phù, có thể sử dụng kết luận sau đây của Hoàng Thị Châu trong khi nghiên cứu từ “phụ đạo” trong truyền thuyết về Hùng Vương: “Kết quả phân tích ngôn ngữ học cho phép chúng ta khẳng định mối liên hệ giữa từ phụ đạo trong truyền thuyết về Hùng Vương với các tên gọi Pơtao, mơtao, patao, bađao, tạo (phìa tạo), đạo chỉ chức thủ lĩnh ở một số dân tộc ít người ở Việt Nam”. Theo tôi, kết luận đó là hợp lý, tuy Hoàng Thị Châu còn chưa khôi phục được nguyên hình từ gốc (prototype) của từ “phụ đạo”. Tiếng Hán hiện nay có phụ âm xát môi vô thanh ph mà tiếng Hán cổ phát âm là b’j ví dụ từ “phiền” buồn từ điển phân tích tiếng Hán của B. Karlgreh ghi là (b’jion), “phàm” buồm ghi là “b’jiwom) v.v…
Phụ âm Hán cổ b’j đã chuyển thành phụ âm /f/ trong các từ Hán Việt và trong tiếng Hán hiện đại. Mặt khác nó đã chuyển thành /b/ (hay ít hơn, thành /v/) trong những từ Việt gốc Hán không phải là từ Hán Việt (nghĩa là những từ vay mượn của tiếng Hán theo con đường “bình dân”, hội thoại không phải là “bác học” (sách vở”. Do đó ta thấy có sự tương ứng đều đặn (có tính quy luật) giữa âm /f/ Hán Việt với âm /b/ nôm: (phàm – buồm, phiền – buồn, phòng – buồng, phóng – buông, phược – buộc, (quả) phụ – (góa) bụa v.v…[7].
Như vậy giá trị cũ của yếu tố phù là bu (b’ju theo B. Karlgreh) và tên Phù lưu (nguyên dạng du – ‘lju hay bu-liw) là một cách phiên âm khá trung thành của tên trầu (ở dạng blui). Sự khác nhau đáng kể duy nhất (sự có mặt của nguyên âm u sau b trong tiếng Hán) nảy sinh một cách tất yếu do đặc điểm của cấu trúc âm tiết trong hai ngôn ngữ. Dù sao chăng nữa thì phù(bu) cũng là âm tiết thích hợp nhất đối với việc phiên âm b. Ta thấy có hiện tượng tương tự trong địa danh Phù Nam mà người Trung Quốc dùng để gọi đất cũ của người Khơme. Trong bài nghiên cứu về nước Phù Nam (BEFEO) P.Pellio căn cứ vào các sách cổ Phù Nam ký của Khang Thái (đời Ngô, thế kỷ thứ III), Phù Nam của Trúc Chi v.v… đã đi đến kết luận: Phù Nam là phiên âm tiếng Khơ-me cổ Bnam (Pnom = núi) như Pnom Penh ngày nay.
Sự tương ứng ưu – âu trong các từ Hán Việt và các từ “nôm” tương ứng hiện đại xác nhận thêm cách phục hồi trên: ngưu (lang) – (chàng) Ngâu, sưu – xâu, Hán-Việt cửu và Quảng Châu: cẩu.
Việc nghiên cứu tên tên riêng trong truyện Trầu cau cho phép ta phát hiện ra một số từ Việt cổ ở đầu Công nguyên (và có thể trước đó nữa), những từ đó hoặc là song âm tiết gồm một tiền tố có lẽ có ý nghĩa phân loại và một căn tố có mang trọng âm, hoặc là những từ có tổ hợp phụ âm đầu tl, bl. Về mặt văn học dân gian, nó cho ta biết người chép truyện ngày sau - biết chữ Hán song không còn hiểu mối quan hệ giữa từ Việt cổ và từ Hán gốc Việt – đã thêm vào câu chuyện cổ một số tình tiết mới căn cứ vào kết cấu cũ của truyện và hiện trạng xã hội dương thời.
III. Truyện người anh hùng làng Gióng
Trong thời gian gần đây, Cao Huy Đỉnh cũng như Vũ Tuấn Sán đã tập hợp được nhiều tài liệu mới và quý về sự tích người anh hùng làng Gióng. Cao Huy Đỉnh tìm ra ông “Đổng cha”, bố của ông Đổng con hay thánh Gióng. (Tạp chí Văn học số 7-1967 và Truyền thống thủ đô số 6-1968). Sách Lĩnh Nam chích quái trong bài tựa của Vũ Quỳnh (1492), trong bài hậu tự của Kiều Phú (1493) và trong truyện, gọi người anh hùng của chúng ta là Đổng Thiên Vương (trang 31) nhưng cũng họi là Phù Đổng thiên vương (trang 33). Cũng sách đó (trang 32-33) gọi quê hương người anh hùng là làng Phù Đổng. Thiên nam ngữ lục gọi là Kẻ Đổng. Trong dân gian ngày nay, các tên Phù Đổng, Kẻ Đổng, Gióng (làng Gióng, Gióng – mốt và trước đây còn có tên tổng Gióng tức tổng Phù Đông thuộc huyện Tiên Du) đều thông dụng. Có mối liên quan gì giữa ba tên đó về ngữ âm cũng như về ngữ nghĩa? Trước hết hãy xét về mặt ngữ âm học. Không riêng gì tên Phù Đổng, mà cả một vùng Bắc sông Đuống quanh Phù Đổng có rất nhiều tên làng (tên Hán Việt) bắt đầu bằng âm “phù”: Phù Ninh, Phù Dực, Phù Chẩn, Phù Lập… Bên trên khi nghiên cứu chữ Phù lưu cũng như chữ Phù nam, chúng ta đã thấy rằng “phù” là phiên âm của tiền tố b hay phụ âm đầu của tổ hợp bl. Trong tiếng Việt (và Khơ-me) cổ ở một thời kỳ mà trong tiếng Việt không chỉ có những từ đơn âm tiết mà còn có những từ song âm tiết hay có một tổ hợp phụ âm đầu. Phù Lập có tên nôm là Sộp. Chữ nôm ghi các từ ngày nay có phụ âm đầu S bằng từ có phụ âm I. Trong nhiều phương ngôn tiếng Mường, những từ có phụ âm đầu S của tiếng Việt có từ tương ứng bắt đầu bằng tổ hợp phụ âm đầu fl, chẳng hạn trong phương ngôn Hung (một nhánh) của người Mường: Sau (v) – flau (4).
Vậy Phù Lập là phiên ngôn của tiếng nôm Sộp ở thời kỳ mà tiếng nôm ấy phát âm làflôpu hay blôp. Phù Chẩn tên nôm là làng Cháy. Truyền thuyết nói về ngựa sắt của ông Gióng thét ra lửa, cháy cả một bãi rộng nay là làng Cháy, cạnh Phù Đổng. Đây là lối giải thích theo từ nguyên học dân gian như phần trên đã nói. Ch là biến âm của trtr là biến âm của blay là biến âm của ănăn hay ân của phương ngôn Thanh Hóa: (tàu bay – tàu băn, cày cấy – cần cấn) hayâl của tiếng Mường (bay – bâl…). Vậy từ thế kỷ XVII về trước, tên làng đó không thể phát âm là cháy mà là Blăn. Từ Phù Chẩn là phiên âm của từ này.
Phù Ninh tên nôm là làng Nành. Nành là tên rất tường gặp trong tên đất, tên đền, chùa (làng Nành, đền Nành, chùa bà Nành…) ở Bắc Việt Nam. Cũng ở đây gặp khá nhiều tên đất có âm tiết sau là ninh: Gia Ninh, Quân Ninh, Vũ Ninh, Căn Ninh (huyện thời Ngô thế kỷ thứ III), Phù Ninh (huyện và làng)… Hẳn từ thế kỷ thứ XVII trở về trước, tên nôm còn có tiền tố b. Nay đã mất. Đay cũng là trường hợp của từ Phù diễn, được ghi nhiều lần trong Thiền Uyển tập anh (thời Trần), Tùy thư (thế kỷ VII) ghi là Ô-diên, nay là Diễn (Cầu Diễn, Phú Diễn, Đức Diễn… thuộc Từ Liêm Hà Nội).
Gióng – Cao Huy Đỉnh viết là Dóng. Hiện nay ít người phân biệt được là d và gi. Thế kỷ thứ XVII về trước “gióng” đọc là “bjóng” (xem từ điển A. de Rhodes: blầu – giầu, blanh – gianh, blo – gio, blun – giun…)
Âm Phù trong “Phù Đổng” hẳn nhiên là phiên âm tiền tố b mà về sau mất đi từ Phù Đổng chỉ còn lại âm Đổng. Còn Đổng và Dóng thì dễ chuyển hóa sang nhau là vì hai phụ âm đ và d đều là những phụ âm đầu luỡi hữu thanh, một cái là âm tắc, cái kia là âm xát.
Quá trình chuyển từ “tắc” sang “xát” là một hiện tượng biến âm khá phổ biến trong nhiều ngôn ngữ và đã lộ rõ tác dụng trong tiếng Hán, tiếng Việt – Mường và tiếng Việt.
Tên Phù Đổng được ghi đầu tiên trong Thiền Uyển tập anh và Việt điện u linh (đời Trần) nhưng nói là dẫn từ Báo cực truyện (có lẽ ở thời Lý). Theo Thiền Uyển tập anh, năm 820 (đời Đường) sư Vô Ngôn Thông tu ở chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng (xin nhớ hương từ Lý Trần trở về trước to hơn làng, tương đương tổng, thậm chí huyện ngày nay) trước đó thiền sư Cảm Thành đã tu ở đó. Vậy tên Phù Đổng ít ra đã có từ đời Đường và là phiên âm (theo Đường âm, thời đó tiếng Hán vẫn còn phụ âm đầu d và đ, nay đã mất) một tên nôm blóng hayblống (blỏng hay blổng). Sự dị biệt giữa hai thanh “hỏi” và “sắc“ có thể được coi là không đáng kể, vì hai thanh này vốn rất gần gũi nhau (đều là thanh trắc uốn lên và đều thuộc loại “phù”. Các từ có thanh sắc trong tiếng Việt hiện đại đều mang thanh hỏi trong tiếng Mường (theo cách miêu tả và phiên âm của phần đông các nhà ngôn ngữ học).
Tên quê hương và tên người anh hùng truyền thuyết trong trường hợp này là một. Vậy tên đất đẻ ra tên người hay tên người đẻ ra tên đất? Thật khó mà khẳng định, tuy trên văn bản và theo logíc tự nhiên thì tên đất có trước tên người.
Căn cứ vào kết cấu và môtíp thần thoại, Cao Huy Đỉnh đã liên hệ tên Đổng với các tên Đùng, Tùng, Dông chỉ sấm sét, mưa hè. Đó là một giả thuyết đáng lưu ý, tuy nhiên nếu nói vì có thần thoại ông Đổng (cha) nên làng Dóng mang tên là Kẻ Đổng thì chưa có gì chắc chắn. Còn cách giải thích rằng “cậu bé sinh ra đã ba năm không biết cười không biết nói, cả ngày chỉ nằm trên thúng tre treo trên gióng, do đó mà thành tên” (Vũ Tuấn Sán)thì rõ ràng là một cách giải thích suy diễn, theo từ nguyên học thông tục. Theo ngữ âm học lịch sử thì phụ âm đầu d trong tiếng Việt hình thành trong khoảng thế kỷ XV-XVII (H.Maspéro).
  1. I.       Truyền thuyết An Dương Vương và thành Cổ Loa
Trên tạp chí Nghiên cứu Văn học (1-1965) tôi đã bàn về tên riêng Mỵ Châu của truyền thuyết và lịch sử, nêu ra lối đặt tên người của người Việt cổ khác với lối đặt tên người kiểu Hán. Hôm nay xin bàn về tên đất Cổ Loa.
Nhà sử học Đào Duy Anh căn cứ vào công trình nghiên cứu của Từ Tùng Thạch (xemViệt giang lưu vực nhân dân sử) về những địa danh mở đầu bằng chữ “cổ” đã có lý khi bác thuyết truyền thống cho rằng “Cổ Loa thành” là thành Loa cổ. Ông vẫn giữ ý kiến hco rằng Loa là một từ Hán, nghĩa là ốc. Loa thành là cái thành mà tập truyền cho là được xây theo hình xoáy trôn ốc (Đất nước Việt Nam qua các đời Nxb. Khoa học Hà Nội 1964). Theo Lĩnh Nam chích quái (truyện Rùa vàng) thì: “thành này trải rộng nghìn trượng, quanh co như hình ốc nên gọi là Loa thành”.
Những tên đất có tiền tố “kẻ” vốn rất phổ biến ở Việt Nam. Nhưng Kẻ Loa (theo giả thuyết của Đào Duy Anh) là tên duy nhất có tiền tố kẻ cấu tạo với một từ căn Hán Việt. Tính chất lệ ngoại của tên đất giả dịch này đã hoàn toàn đủ cho ta nghi ngờ tính xác đáng của một lối phục hồi không nhất quán như thế. Hơn nữa Đào Duy Anh dựa vào chỗ Cựu Đường thư địa lý chí  Thái bình hoàn vũ ký (Sách địa lý học về đời Đường) chỉ chép là “An Dương Vương thành” và tên Cổ Loa đến thế kỷ XV mới xuất hiện trong sách An Nam chí nguyên, từ đó ông cho rằng Cổ Loa là tên do người đời Tống đặt cho thành ấy. Và Lê Văn Hòe trong bài Góp ý với ông Đào Duy Anh về vấn đề Loa thành (Nghiên cứu lịc sử, số 86) đã có lý khi ông không chịu tin rằng ở đời Tống, trong khi nước ta đã độc lập mà người Tống lại đặt tên cho thành Việt Nam, và người Việt Nam lại chịu nhận một cái tên do người nước ngoài đặt và giữ mãi nó cho đến ngày nay. Nhưng Lê Văn Hòe lại tin theo tập truyền, quay về với chủ trương “cổ loa” là Loa thành xưa và cho đó là tên thời thuộc Minh (1407-1427) do bọn xâm lược Minh đặt cho thành trì chúng xây dựng trên nền cũ Loa thành.
Theo tôi, nếu cứ suy nghĩ quanh quẩn về tên đất dựa vào mặt chữ Hán như vậy sẽ không tài nào hiểu nổi gốc gác tên đất Cổ Loa (cũng như nhiều tên đất khác) và qua đó hiểu được quá trình phát sinh và phát triển của truyền thuyết về thành Cổ Loa. Tôi đi tìm một hướng nghiên cứu khác.
Cổ Loa là một địa danh mới xuất hiện từ thế kỷ XV trở về sau, bắt đầu từ Dư địa chí của Nguyễn Trãi (nhưng Nguyễn Trãi không hề nói rằng vì thành đó quanh co như hình ốc nên gọi là Loa thành). Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, An Nam chí của Cao Hùng Trưng,Việt kiệu thư của Lý Văn Phượng – là những sách sử – và Lĩnh Nam chích quái – là sách ghi truyện dân gian. Còn trong tất cả các scahs từ thế kỷ XIV trở về trước, bắt đầu từ Thủy kinh chú (thế kỷ thứ VI) qua Đường thư, Thái Bình hoàn vũ ký đến An Nam chí lược (thế kỷ XIV) ghi chép truyện An Dương Vương đều chỉ dùng từ chung “thành cũ của An Dương Vương” và nhất là dùng từ “Việt Vương thành” (thành của vua Việt). Riêng An Nam chí lược (mục tích cổ) hé mở cho ta biết một cái tên dân gian của thành này: “Việt Vương thành” tục gọi là thành Khả Lũ.
Cùng với xuất hiện tên Cổ Loa ở thế kỷ XV cũng xuất hiện truyền thuyết “thành xây hình xoáy ốc” khiến ta ngờ rằng truyền thuyết này mới được đặt ra và được chép thêm vào gốc truyện cũ, nhằm giải thích tên đất Cổ Loa. Đó là lối giải thích theo từ nguyên học thông tụcmà ta vẫn thường gặp. Thật ra nếu không bị ám ảnh bởi truyền thuyết và quan sát di tích hiện tại của thành Cổ Loa một cách khách quan, ta không hề thấy thành Cổ Loa được xây dựng theo hình xoáy trôn ốc tuy lũy thành có chạy quanh co (vì phải theo điều kiện địa hình). Tất nhiên cái hình dáng quanh co của thành cũng chỉ là một cứ liệu mà người ta dựa vào để hư cấu ra truyền thuyết trên.
Ngoài tên Khả Lũ, Cổ Loa đất này còn mang một tên nữa: “trang Kim Lũ”. Tên này thấy trong bản ngọc phả đền An Dương Vương do Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ I (1572). Ngọc Phả cho biết Cổ Loa là trại Phong Khê (tên huyện đời Hán – TQV) sau đổi là trang Kim Lũ, sau đổi là trang Cổ Loa. Trang là một đơn vị xã hội thời Lý Trần và đầu đời Lê. Có lẽ tên Kim Lũ cũng được lưu hành trong khoảng thời gian đó.
Giữa ba tên này có mối liên quan gì với nhau không? Cả ba tên “Hán Việt” này, nhất là âm tố sau, phát âm na ná giống nhau khiến ta ngờ rằng chúng đều bắt nguồn từ một tên thứ tư, mà là một tên nôm. Huyện Thanh Trì cũng có làng Kim Lũ, tên nôm là làng Lủ. Kim Lũ là phiên âm của Lủ được thêm chữ Kim ở đầu tên cho văn vẻ và có nghĩa lý. Đây cũng là một nguyên tắc rất căn bản của việc chuyển tên làng Việt Nam, vốn là tên nôm từ đơn âm tiết, sang tên Hán Việt từ song âm tiết. Tỉnh Hà Nam cũ có làng Ngọc Lũ (nơi phát hiện được trống đồng Ngọc Lũ nổi tiếng thế giới), tên nôm là làng Chủ. “Chủ” (cũng như trủ) từ thế kỷ XVII trở về trước được phát âm là //-lủ với một tiền tố b, t, k, p, g… Còn chữ “ngọc” cũng như chữ “kim” chỉ là một chữ mới thêm vào trong quá trình chuyển từ nôm sang tên Hán Việt. Chữ nôm khi các ghi các từ có phụ âm đầu tr đều ghi âm bằng chữ Hán có phụ âm l:
trăm có âm lâm
trâu có âm lâu
trai có âm lai… v.v…
Như vậy chứng tỏ rằng các tiếng “trăm”, “trâu”, “trai”… ít nhất từ thế kỷ XVII vốn phát âm là tlam, tlâu, blai… hoặc tlai. (Xem A. de Rhodes và H. Maspéro: sách đã dẫn). Vì các từ trăm, trâu, trai rõ ràng là hài thanh với các chữ Hán có phụ âm l chứ không hài thanh với các từ Hán có phụ âm tr.
Trở lại tên “Cổ Loa”, vì nó đã đi sau vào lịch sử, thấm sâu vào tâm lý tình cảm của nhân dân cho nên tên nôm của làng Cổ Loa đã bị phai mờ. Chỉ sau hai năm (1966-1967) đã đi hỏi nhân dân, đặc biệt là các cụ phụ lão Cổ Loa và vùng chung quanh, chúng tôi mới phát hiện được tên nôm của làng này.
Cổ Loa ngày trước là một trung tâm hành hương lớn. Đến ngày hội hàng năm, dân ở các vùng xa gần đều trẩy về đây. Các cụ già hành hương đến đây còn nhớ lại lời dặn của cha ông là tới kỳ hội làng cần phải đi lễ ở Chạ Chủ (hay Kẻ Chủ). Ta có thể thấy rõ ngay rằng tên Chủ này tương ứng với “Kim Lũ” hay “Khả Lũ” cũng hoàn toàn giống như tên làng Chủ tương ứng với Ngọc Lũ. Thế nhưng Chạ là gì? Trong tiếng Việt hiện đại, Chạ chỉ xuất hiện trong một vài thành ngữ như chung chạ (ăn chung ở chạ), lang chạ (nằm lang ngủ chạ). Yếu tố chạ này được xử lý như một bộ phận từ ghép đẳng lập (ngang hàng) tương đối độc lập (nó có thể tách ra khi bổ nghĩa cho một từ ghép đẳng lập khác như ăn ở: ăn ở chung chạ – ăn chung ở chạ, theo mẫu của từ ghép đẳng lập gồm hai yếu tố cùng nghĩa hoặc cùng phạm trù ngữ nghĩa. Như vậy Chạhẳn trước là một từ độc lập như han (trong hỏi han) mà ta thấy được dùng độc lập trong tiếng Việt ở thế kỷ XV. Cách sử dụng độc lập này còn có thể thấy rõ trong tên chùa Ba Chạ, một ngôi chùa vốn của ba làng Mạch Tràng, Xép và Sằn hiện nay còn giữ lại cái nền và cái tên gọi cũ – và trong bài giáo trò của Từ Đạo Hạnh đời Lý được Lương Thế Vinh (thế kỷ XV) ghi lại trong cuốn Hý phường phả lục[8] (tờ…a,b).
Trình làng trình trạ
Thượng hạ tây đông
Tư cảnh hòa chung
Nghe tôi giáo trống
Trường không phong động
Cũng bởi trống tôi
Làng đã vào ngồi
Tôi xin diễn tích.
Cách dùng độc lập này cũng thấy có trong các bài giáo trò múa rối[9]: “cầu cho chạbằng an được mùa”.
Những văn cảnh này cho thấy chạ là một danh từ chỉ một đơn vị xã hội tương đương với làng hay xã, tức là chỉ cái khối cộng đồng (chung – chạ) mà ngày nay ta gọi là công xã nông thôn. Chạ Chủ tức là cái công xã ngôn thôn tên là Chủ, hay xưa hơn, là klủ (xem chú thích nói về tên cây trám (klam), Klủ chính là nguyên hình từ gốc của cả ba từ Khả Lũ, Kim Lũ, Cổ Loa[10].
Truyền thuyết dân gian kể về những yếu tố phá hoại công cuộc xây thành của An Dương Vương ngoài việc cung cấp thêm một số chi tiết thú vị như tinh con gái vua Hùng đêm đêm biến thành con lợn sề, dũi đất phá thành còn nói đến bến đò Lo, sông Sọ, sông Sau. Dân gian giải thích rằng gọi là sông Sọ vì dưới sông có rất nhiều sọ người bị yêu quái giết hại vứt xác xuống nước, gọi là bến đò Lo vì xưa kia qua đò vào chạng vạng tối rất lo ”yêu quái hiện lên làm hại”… Vượt lên trên lối giải thích theo nguyên từ dân gian ấy, ta thử tìm hiểu mấy địa danh đó. Sọ là tên dân gian vùng Đông Anh, Đa Phúc chỉ sông Cà Lồ. Dân gian Hà Bắc gọi sông Cà Lồ là sông Trọ (Chọ). Tên Hán Việt của sông này là sông Phù Lỗ và nay còn địa điểm Phù Lỗ bên bờ sông. Tỉnh Phúc Yên cũ có tên là tỉnh Phù Lỗ, Lo (đò Lo), Cà Lồ, Sọ, Trọ (Chọ), Phù Lỗ có liên quan gì với nhau? Ta rất dễ dàng giải thích những điều đó căn cứ vào những tài liệu ngữ âm học lịch sử đã nhiều lần nhắc đến ở trên: Trọ (Chọ ) từ thế kỷ XVII trở về trước phát âm là //-lọ, hoặc blọ hoặc klọ. Phù Lỗ chính là phiên âm của Blo. Tên Phù Lỗ xuất hiện trong sử sách thời Lý Trần (Lĩnh Nam chích quái). Tên quận Bình Lỗ (xem Thiền uyển tập anh và Việt điện u linh cũng bắt nguồn từ (blo) chứ không phải có nghĩa là “dẹp giặc” như thường giải thích xưa nay. Cà Lồ là biến âm của (Klo). Còn sọ? Những từ tiếng Việt có phụ âm đầu S đều có những từ tương ứng trong nhiều phương ngôn tiếng Mường có tổ hợp phụ âm đầu /kl/xl/(khl)[11]. Tổ hợp phụ âm đầu /kl/ trong quá trình biến hóa có thể trở thành S (sọ) có thể chuyển thành tr (trọ) (chính vì vậy mà có thể gọi là gà sống hay gà trống). Còn sông Sau của dân gian là sông Cầu. Cầu và Sau có liên quan gì với nhau? Điều này phải tìm gốc gác trong nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme: Ví dụ:
Việt
Khơ-me
Môn
Ba-na
Stieng
Kha
Cháu (con cháu)
Chim
Chây (chí)
sai
kau
kau
sâu
sâu


kai

kuy



ka

sem



Sih sa

sim
     Như vậy trong các ngôn ngữ Môn-Khơme các phụ âm và k và ch đều có thể chuyển hóa lẫn nhau.
     Bài nghiên cứu nhỏ này đã áp dụng một cách tổng hợp các phương pháp và tài liệu sử học, ngôn ngữ học, văn học dân gian… để nghiên cứu một số tên riêng trong các truyền thuyết dân gian. Có thể rút ra mấy kết luận sau đây:
     1. Về văn học dân gian: Truyền thuyết dân gian có quá trình phát sinh và phát triển của nó. Trên nền tẳng một kết cấu ban đầu thô sơ, trong quá trình phát triển của xã hội, truyện lưu hành truyền miệng trong dân gian được phát triển thêm những tình tiết mới. Khi truyền thuyết được ghi lại thành văn, bằng chữ Hán thì nhà Nho lại sửa chữa, thêm bớt. Rồi câu chuyện đã được “tái tạo” này một lần nữa lại dân gian hóa. Trong kho tàng truyền thuyết, có thể tách ra một loại truyền thuyết nhằm giải thích một số tên riêng (tên đất, tên người), giải thích theo lối suy diễn, nói theo thuật ngữ ngôn ngữ học là giải thích theo từ nguyên học dân gian hay từ nguyên học thông tục.
     2. Về sử học: Truyền thuyết không phải là lịch sử mà chỉ lấy lịch sử làm nền chi hư cấu. Nhà làm sử cần và có thể sử dụng tài liệu truyền thuyết song phải hết sức thận trọng. Nhà làm sử cũng như nhà nghiên cứu văn học dân gian phải làm sáng tỏ lịch sử phát triển của truyền thuyết dân gian. Phải có ý thức phê phán đối với những tri thức truyền thuyết mới nảy sinh về sau. Tài liệu truyền thuyết cũng như bất cứ tài liệu nào khác, và hơn bất cứ tài liệu nào khác, nếu không phân tích cặn kẽ thì không sử dụng được vào khoa học.
      3. Về ngôn ngữ học: Tên riêng trong truyền thuyết là một nguồn tài liệu quý đối với ngôn ngữ học lịch sử, nhất là trong điều kiện thiếu di tích văn tự như đối với các giai đoạn lịch sử như trước thế kỷ X ở nước ta – nếu những tên riêng ấy được xác minh thêm bằng những cứ liệu văn tự có niên đại chính xác và những sự kiện lịch sử – địa lý xác thực.
      Một số sự kiện dẫn trên cho ta thấy rằng có nhiều trường hợp những từ “ngoại lai” chính là những từ Việt được người ngoại quốc vay mượn. Điều này chứng minh một cách chắc chắn tác dụng quyết định của các cứ liệu “ngôn ngữ chi ngoại” (extra linguistiques), đối với ngôn ngữ học lịch sử hay ít nhất là đối với việc tìm tòi nguồn gốc của từ ngữ.
      Việc khôi phục dần dần, ít nhất là vốn từ vựng cơ bản và hệ thống ngữ âm tiếng Việt cổ trước thế kỷ X là việc có thể làm được.
       Kết luận cuối cùng có thể rút ra: Trong nghiên cứu khoa học, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành, của nhiều nhà khoa học thuộc những lĩnh vực khác nhau. Nếu như đã có sự phối hợp chặt chẽ như vậy thì bài này chắc hẳn đã có thể đưa ra một số điều khẳng định dứt khoát hơn là những giả thiết (nhiều khi có tính chất nước đôi) mà tôi dành trình bày cả ra để các nhà chuyên môn có thể lựa chọn trên những cơ sở đầy đủ hơn.
       Nhân bàn đến danh từ riêng trong các truyền thuyết có liên quan đến thời Hùng Vương chúng tôi thấy cũng cần nói thêm rằng:
       1. Tiếp tục nghiên cứu theo phương hướng đó, nghĩa là một mặt dựa vào ngữ âm học lịch sử, một mặt nghiên cứu các tài liệu lịch sử thành văn có niên đại chính xác trong đó có ghi lại một số từ Hán gốc Việt (xưa nay người ta chỉ nói đến từ Việt gốc Hán), ta có thể phát hiện được nhiều từ Việt cổ trước thế kỷ thứ X, đây là một công việc thích thú và rất quan trọng vì cho đến nay, các nhà ngôn ngữ hcoj chỉ nắm được từ hội tiếng Việt cổ sau thế kỷ X (dựa vào chữ nôm, cuốn hoa di tịch ngữ, thơ quốc âm Nguyễn Trãi, từ điển A.Rhodes… ). Nhằm bước đầu cung cấp cho các nhà ngôn ngữ học Việt Nam một số tài liệu tham khảo về từ Việt cổ trước thế kỷ thứ X, tôi xin phép nêu ra dưới đây một số từ chỉ cây cỏ rút từ cuốn Nam phương thảo mộc trạng (Báo cáo tình hình cây cỏ phương Nam) thế kỷ thứ III và Tề dân yếu thuật thế kỷ IV-VI. Hai cuốn này lại dãn nhiều tài liệu từ thế kỷ I-III.
1. “Già” = cà (cà “ông Đổng hái cà” Dóng ăn bảy nông cơm ba nong cà).
Căn cứ vào Hoa di dịch ngữ trước thế kỷ XV tiếng Việt cổ chưa có phụ âm đầu lưỡi ngạc, xát hữu thanh /j/ (biểu hiện bằng gi). Hoa di dịch ngữ phiên âm là /kya/. Đến thế kỷ XVII từ điển A. de Rhodes mới ghi phụ âm j (gi) (cà: Nam phương thảo mộc trạng ghi rõ là cây cỏ của vùng Giao Quảng). Cà đầu công nguyên phát âm là /ka/.
2. “Tô phang” (âm Hán Việt): ở Cửu Chân (Thanh Nghệ) dùng nhuộm vải, tức là cây vang. Trên ta đã biết âm b’j Cổ Hán ngữ (f Hán Việt) chuyển sang v hoặc chuyển sang b (Việt). Nhưng ngữ âm học lịch sử cho biết phụ âm v chỉ xuất hiện sau thế kỷ XVII (từ điển A. de Rhodes: bua – vua). Vậy ở đầu công nguyên tiếng Việt cổ là ///-ban/, ///-bang// với một tiền tố t (tơ) nay đã mất.
3. “Da” = dừa. Dừa cũng như cau là loại cây phương Bắc không có, Nam phương thảo mộc trạng  quyển hạ nói đến việc uống nước dừa, làm rượu bằng nước dừa uống say của người Việt và người Chàm và ghi lại một truyền thuyết về quả dừa như sau: “Quả dửa tục gọi là đầu vua Việt. Xưa vua Lâm Ấp có oán thù với vua Việt, đã sai hiệp khách hành thích vua Việt, cắt lấy đầu treo lên cây, đầu đó sau hóa ra quả dừa. Vua Lâm Ấp nổi giận sai bổ ra lấy gáo dừa làm đồ uống rượu. Người Nam cho đến nay vẫn bắt chước làm như vậy. Lúc bị cắt đầu, vua Việt đang say mèm, vì vậy nước dừa uống say như rượu”. Âm tố ưa tiếng Việt cổ phát âm là a (lửa) lả, (nưa) – nút – Na. (Xem Truyền kỳ mạn lục) mưa (Việt ) – kơ ma (stieng).
Vậy da là âm cổ của dừa. Theo ngữ âm học lịch sử trước thế kỷ XV tiếng Việt chưa xuất hiện phụ âm /z/ (d). Cũng như phương ngôn Nam Bộ, tiếng Việt cổ trước thế kỷ XV phát âm “Da” là (ya) (y là bán nguyên âm khép trước).
4. “Quất” = quít / kwit/ cũng như
5. cam (kam) là loại quả đặc sản của phương Nam, cho đến thế kỷ thứ III vẫn là đối tượng cống nạp cho phong kiến phương Bắc. Quất được chép trong thiên Vũ cống và Chu thư(tác phẩm thời chiến quốc) là những sản vật quý của phương Nam truyền sang phương Bắc trước tiên (xem Vân đài loại ngữ). Vậy “quất” chỉ là phiên âm của “quít” chứ không thể là ngược lại.
Quít (kwit) là một từ thấy có ở trong tiếng Khơme và tiếng Khạ (ngữ hệ Môn-Khơme).
“Cảm lãm” = Trám. Trong di chỉ thời đại đồng thau Việt Nam, Đồng đậu Vĩnh Phúc đã tìm thấy hạt trám. Tề dân yếu thuật viết: “Cảm lãm quả to như trứng gà, Giao Châu dùng nhắm rượu”. Nam phương thảo mộc trạng viết: “Thời Ngô (Giao Châu) hàng năm cống để ban cho các bề tôi hầu cận, bản triều (Tấn) từ sau thời Thái Khang cũng làm như vậy. Rõ ràng trám là một loại đặc sản của phương Nam và “cảm lãm” chỉ là phiên âm tiếng Việt cổ. Giữa “cảm lãm” và “trám” có những trạm chuyển biến mà hiện nay chưa tìm thấy di tích xác đáng. Tuy nhiên, những trạm chuyển biến này có thể được phục hồi căn cứ vào những tính quy luật biến âm chung của tiếng Việt. Ở đây có thể nêu hai giả thiết: 1/ trong tiếng Việt ở thế kỷ III (thời củaNam phương thảo mộc trạng) từ chỉ “trám” có dạng “kam lam” trong đó kam là tiền tố không có trọng âm. Về sau tiền tố này rút gọn lại thành một phụ âm k và từ đó có dạng klam (thanh điệu không rõ là thanh điệu gì, nhưng chắc chắn không phải thanh “ngã” như trong âm Hán Việt vì ở đầu công nguyên tiếng Việt chưa có thanh này). Tổ hợp phụ âm kl vốn không thấy có trong tiếng Việt ở thế kỷ XVII, nhưng lại có trong tiếng Mường đã cho phụ âm “tr” của tiếng Việt hiện đại, hẳn là thông qua trạm tl ở thế kỷ XVII. 2/ Ngay từ thế kỷ III từ này đã có dạng klam. Sở dĩ người Trung Quốc phiên âm thành “cảm lãm” thứ nhất là vì trong tiếng Hán không có tổ hợp kl và do đó k được phiên âm thành một âm tiết (xem phần trên trang 4) lẽ ra âm tiết này cũng có thể là cổ, là khả, là kim, là kỳ v.v… Nhưng “cảm” phù hợp với xu hướng láy lại vận mẫu của căn tố có trọng âm: âm sắc của phụ âm đầu /k/ vốn chịu ảnh hưởng của âm sắc nguyên âm vận mẫu (cách cấu âm bổ sung của phụ âm).
7. “Phiếu”: Được ghi trong các sách Dị vật chí (thế kỷ I), Trúc phả (của Đái Khải Chiđời Tấn thế kỷ III) được coi như một “biệt danh” gọi tre gai của người nước ta và được mô tả như một loại tre to như cán giáo mà cứng rắn “người Giao Chỉ” vót nhọn dùng mà mâu rất tốt. Đoạn văn này không những cho ta biết hình ảnh “gậy tầm vông vạt nhọn” của người nước ta từ đầu công nguyên mà còn cho ta biết nguyên hình của từ pheo chỉ tre trong tiếng Mường và còn lưu lại ở tiếng Việt hiện đại trong từ tre treo. Điều rất lý thú là bên cạnh từ pheo, sáchTrúc phả, bộ sách nghiên cứu về tre rất sớm và rất công phu – tác giả có đến miền đất ta vừa tự mình xem xét vừa thăm hỏi nhiều cụ già về các loại tre – đã ghi được cả từ “măng” (tiếng Hán “duẩn” măng - Trúc phả ghi chữ manh bên cạnh chữ duẩn). Hiện tại xin hãy tạm nêu một số tiếng Việt cổ như vậy. Tương lai nghiên cứu tiếp, số lượng từ Việt cổ sẽ còn được biết nhiều hơn nữa.
      II. Bài mo lớn “Đẻ đất đẻ nước” là một tập hợp của nhiều thần thoại và truyền thuyết Mường dưới hình thức là thơ. Ta thấy nhân vật YIT YANG (hay GIT GIANG = DỊT DÀNG) người đầu tiên xưng BUA (vua) ở Ke chợ (Kẻ chợ) và được xem là con trai của cô nàng KIT (kít) và DẠ CÂN (hay Tá Cân – Đá Cần = ông Cần) người anh hùng văn hóa của thần thoại Mường (Đá Cân và cô nàng Kít là hai anh em ruột). Người Mường thường đồng nhất BUA YIT YANG với Hùng Vương (xem J. Cuisinier Les Mường, Paris 1946 trang 447-118) hoặc An Dương Vương (xem Quách Điêu Hòa Bình quan lang sử lược) YIT YANG hay DIT DANG tiếng Mường nghĩa là gì? Bản thân tôi cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác về dân tộc Mường đã dò hỏi rất nhiều người Mường ở nhiều địa điểm khác nhau và đều được trả lời là: không biết. Gần đây suy nghĩ xung quanh hai tiếng YIT YANG này, tôi thấy có đủ căn cứ để ước đoán rằng YIT YANG là một dạng cổ của từ Việt Mường (vua Việt). Đối với một người đã quen thuộc với sự tương ứng đều đặn “v (Việt) – b (Mường), một dạng thức Mường YIT YANG của Việt Vương có thể có vẻ kỳ lạ, lẽ ra phải là bit bang hay một cái gì tương tự như vậy. Tuy nhiên sự tương ứng có tính quy luật của vận mẫu it-ang-iết ương là một sự kiện có quá nhiều sức cám dỗ, khiến ta khó từ bỏ ức đoán này. Dù sao cũng cần lưu ý rằng từ yit yang tồn tại có tính cách một thần danh trong một bài mo, nghĩa là một từ mang rất nhiều tính chất ma thuật, mà những từ ngữ mang tính chất này, nếu không pahir là những từ có nghĩa rõ ràng đối với một người bản ngữ thì không thể biến âm như những từ bình thường được bởi những người bản ngữ chăm chú giữ gìn nguyên vẹn giữ âm của nó, sợ rằng cái ma lực họ gán cho cái nguyên dạng ấy sẽ mất đi khi từ liên quan biến âm. Có lẽ do đó mà cái tên “Việt Vương” của người Mường đã giữ một dạng cổ hơn hẳn các từ khác. Nếu chấp nhận giả thiết này ta sẽ dễ dàng giải thích được sự có mặt của hai phụ âm y ở đầu hai từ: ở đây tiếng Mường đã giữ một dạng từ rất gần với âm Hán cổ/ yut wyang/[12] chứ không gần với tiếng Hán Việt hiện đại (Việt Vương). Việc người Mường không hiểu nghĩa hai tiếng YIT YANG, coi nó như một thần danh, xác nhận giả thiết trên. Giả thiết này có thể coi là hoàn toàn vững vàng vì ta có đủ tài liệu cho thấy rằng hai tiếng này có một diện mạo âm bất thường đối với tất cả phương ngôn Mường có dùng nó. Và diện mạo ấy không có sự dị biệt đáng kể từ phương ngôn này đến phương ngôn khác. Tính chất ma thuật và bất biến của hai tiếng đó có thể coi là hoàn toàn xác thực.
      Có “lời nói thêm” này vì đối tượng nghiên cứu của bài là những tên riêng trong truyền thuyết dân gian nói về thời kỳ dựng nước – tức thời đại Hùng Vương và An Dương Vương. Mà theo sự nghiên cứu của tôi, dưới thời Hùng Vương, Việt Mường là một chứ chưa phân thành hai dân tộc.
Nguồn: Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, NXB. Văn học, H., 2003.

[1] Việt sử lược, Nxb. Văn Sử Địa, H., 1960, tr.50.
[2] Xem A.Dauzat, Les nomss de personnes. Origine et évolutio, Pari, 1925, tr.19-23.
[3] /đ/và/t/ là một cặp phụ âm tắc, đầu lưỡi, /t/ vô thanh và /đ/hữu thanh.
[4] Ở Nam – Nguyễn, Tùng Thiện (Sơn Tây cũ) có một gò đất tương truyền là mộ bà Man Thiện, mẹ hai Bà Trưng, dân gian gọi là mả dạ. Có người giải thích là chỗ đó gò đất cao, khô ráo, hay phơi rơm rạ nên có tên thế. Kỳ thực “dạ” là một tiếng Việt cổ chỉ một bà già được kính trọng.
[5] Ở đây có một phần tiếp theo tôi tạm dùng thuật ngữ này theo một nghĩa có phần ước định “ngôn ngữ chi ngoại“. Từ nguyên học dân gian trong ngôn ngữ là một hiện tượng tuy bắt nguồn từ một cách giải thích sai về ngôn ngữ học lịch đại nhưng lại có tính chất quy phạm trong một trạng thái ngôn ngữ, nó có tác dụng quyết định đối với các hình thái ngôn ngữ và phải được nhà ngôn ngữ học đồng đại thừa nhận là đúng, vì nó phản ánh cách hiểu chủ quan của người bản ngữ là cách hiểu duy nhất đúng với hệ thống ngôn ngữ đang họat động (muốn nói và hiểu đúng, người bản ngữ phải chấp nhận từ nguyên học dân gian chứ không cần và không được chú ý đến từ nguyên học khoa học. Ngược lại nhà ngôn ngữ học lịch sử phải gạt bỏ tứ từ nguyên học đó vì nó không phản ánh nguồn gốc thực của từ ngữ mà chỉ phản ánh cách hiểu chủ quan của người bản ngữ vốn chỉ có giá trị đối với hoạt động đồng đại của ngôn ngữ.)
1. Cũng xin chú ý rằng theo André G. Haudricourt (De I’orgine des tons en Vietnamien Journal Asiatique, T. CCXLII 1945 fase I PP, 69-82) thì khoảng đầu Công nguyên tiếng Việt cũng như tiếng Thái, tiếng Hán… không có thanh điệu.
2. Xem H. Maspéro Études sur la phonétique historique de la langue Annamite. B.E.F.E.O.T.XII, 1912, tr. 37.
1. Sách này in năm Cảnh Thống nguyên niên (1501) là một tài liệu rất quý về lịch sử chèo. Đồng chí Hà Văn Cầu đã cho tôi mượn đọc.
1. Do đồng chí Nguyễn Huy Hồng (đoàn Rối trung ương) sưu tầm được ở Thái Nguyên, Sách chữ nôm.
2. Ở đây cũng như rất nhiều trường hợp khác, ta thấy trong hai âm tiết Hán dùng để phiên âm tên nôm cổ, âm tiết thứ hai mô phỏng trung thành cái vận mẫu làm gốc cho tên nôm hiện đại, và do đó giữa các cách phiên âm khác nhau (do nhiều tác giả ở nhiều thời đại khác nhau) có sự thống nhất tương đối, còn ở âm tiết thứ nhất thường chỉ bó hẹp trong phụ âm đầu, còn vận mẫu thì bất kỳ. Điều đó là một bằng cứ chắc chắn để ức đoán rằng: hoặc d, tên nôm cổ chỉ có một âm tiết (mà vận mãn được phiên âm trong âm tiết thứ hai) bắt đầu bằng một tổ hợp phụ âm trong đó phụ âm thứ nhất có thể là một tiền tố hay là di tích của một tiền tố, hoặc nếu không, tên nôm gồm hai âm tiết, trong đó âm tiết thứ hai (từ căn) mang trọng âm, còn âm tiết thứ nhất không có trọng âm phát âm rất nhẹ với một nguyên âm không rõ âm sắc (một nguyên âm trung hòa kiểu “ơ” chẳng hạn).
Về âm hưởng của từ Loa dạng cũ là (lwo) hay cổ hơn nữa là (lwu). Quá trình biến âm của từ Hán Việt “Loa” đã làm cho nó khác khá nhiều với nguyên hình, tuy nó vẫn giữ tính chất “hợp khẩu” của thanh mẫu gốc. Ở dạng hiện đại nó có thanh bằng (phủ bình) nhưng ở dạng cổ nó vốn có thanh khác, hay nói đúng hơn nó có một âm tắc thanh hầu ở cuối và phụ âm này (nếu ta tin A.G.Haudricourt) chính là tiền thân của một số thanh “trắc” hiện đại. Nói chung quá trình diễn biến lịch sử đã đưa đến hệ thống thanh điệu hiện đại cần phải nghiên cứu rất nhiều.
1.Xem Hoàng Thị Châu. Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông. Thông báo khoa học (văn học – ngôn ngữ) tập II, Nxb. Giáo dục Hà Nội, 1966, trang 94-106.
1. /U/ chỉ âm /i/ tròn môi (u tiếng Pháp); /y/ âm xát mặt lưỡi (d tiếng Nam Bộ).

No comments:

Post a Comment