Thursday 29 August 2013

Duyên nợ của Bác với báo chí (Hồ Chí Minh - Tuổi Trẻ)


Duyên nợ của Bác với báo chí (*)

20/06/2007 19:38 (GMT + 7)
Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ cho nhân dân. Mục đích của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hòa bình thế giới. Mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ... nên có đặc điểm của nó...

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở chiến khu Việt Bắc
Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí. Các cô, các chú đã có những ưu điểm như đã đóng góp vào cuộc kháng chiến thắng lợi, xây dựng hòa bình và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Nhiều đồng chí đã cố gắng làm việc. Gần đây, sau khi nghiên cứu chỉ thị của Trung ương, các đồng chí đã thấy rõ công việc báo chí là rất quan trọng, và đã thấy được những ưu điểm và khuyết điểm của mình. Như thế là tiến bộ.
Bệnh dùng chữ
Ưu điểm của các cô, các chú không ít. Nhưng khuyết điểm thì còn nhiều. Trong các đồng chí cũng còn có người hoặc ít hoặc nhiều chưa thoát khỏi ảnh hưởng tư sản và tiểu tư sản, cho nên nắm vấn đề chính trị được chắc chắn. Nói về văn nghệ, Bác thú thật có ít thì giờ xem các bài văn nghệ. Có lẽ vì thế mà có lúc xem đến thì thấy cách viết thường ba hoa, dây cà, dây muống; và hình như viết là để đếm dòng lấy tiền, có những bài nhạt nhẽo thế nào ấy.
Còn viết về chính trị thì khô khan và có hai cái tệ: một là rập khuôn, hai là dùng quá nhiều chữ nước ngoài. Cái bệnh dùng chữ, là phổ biến trong tất cả các ngành. Đáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó, nhưng trái ngược lại báo chí lại tuyên truyền cho cái tệ đó. Cố nhiên, có những chữ không thể dịch được thì ta phải mượn chữ nước ngoài. Ví dụ: những chữ kinh tế, chính trị... thì ta phải dùng. Hoặc có những chữ nếu dịch ra nếu dịch ra thì mất cả ý nghĩa, như chữ “độc lập”. Nếu “Việt Nam độc lập” mà nói “Việt Nam đứng một” thì không thể nghe được.
Nhưng có những tiếng ta sẵn có, thì tại sao lại dùng chữ nước ngoài. Ví dụ: vì sao không nói “đường to” mà lại nói “đại lộ”, không nói “người bắn giỏi” mà lại nói “xạ thủ”, không nói “hát múa” mà lại nói “ca vũ”?... Những ví dụ như vậy nhiều lắm, nhiều lắm. Các báo Nhân dân, Thời mới, Quân đội nhân dân... đều dùng chữ nhiều lắm.
Tóm lại chúng ta dùng chữ nhiều quá, có khi lại còn dùng sai nữa. Mong rằng báo chí cố gắng sửa đổi cái tệ ấy đi. Tiếng nói là một thứ của rất quý báu của dân tộc, chúng ta phải hết sức giữ gìn lấy nó, chớ để bệnh nói chữ lấn át nó đi.
Khoa học ngày càng phát triển, có những chữ mới mà ta chưa có, thì ta phải mượn. Ví dụ: ta phải nói “kilô”, vì nếu nói chữ “cân”, thì không đúng nghĩa là 1.000 gram. Song những chữ dùng tiếng ta cũng đúng nghĩa thì cứ dùng tiếng ta hơn. Có những người hình như sợ nói tiếng ta thì nói xấu hổ thế nào ấy! Họ làm cho các cháu học sinh cũng bị lây bệnh nói chữ, như “phụ đạo”, “giáo cụ trực quan”... Thật là tai hại!
Nghề báo - khó như mọi nghề khác
Mấy khuyết điểm nữa: Sau khi nghiên cứu chỉ thị của Trung ương về báo chí, có một số đồng chí tiến bộ, những cũng có một số vì trình độ văn hóa chính trị còn kém thì đâm ra bi quan và muốn đổi làm nghề khác. Họ không biết rằng nghề nào cũng khó, không có nghề nào dễ. Phải có ý chí tự lập, tự cường, kém thì phải cố mà học. Chúng ta phải làm thế nào để vượt được khó khăn, làm tròn nhiệm vụ. Người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn. “Không có việc gì khó, có chí thì làm nên”. Câu nói đó rất đúng.
Có người chỉ muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ” cơ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang. Bất kì việc gì mà mình là tròn nhiệm vụ đều là vẻ vang. Trong các anh hùng, chiến sĩ lao động có người là công nhân, là nông dân, có người làm thầy thuốc, có người đánh giặc giỏi… và có người dọn cầu xia cũng trở thành chiến sĩ. Tóm lại, trong lao động không có nghề gì là hèn, chỉ có lười biếng mới là hèn. Làm tròn nhiệm vụ thì công tác nào cũng vẻ vang.
Nói về Hội Nhà báo. Đó là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội nhà báo mới làm tròn nhiêm vụ của mình, và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng.
Viết báo - là viết cho nhân dân
Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Báo chí phải phục vụ ai?
Có người nói ở các nước tư bản có tự do báo chí và báo chí không có giai cấp. Nói vậy đúng không. Ví dụ: Các báo Pháp như báo Figaro, báo Nước Pháp buổi chiều... một mặt nó ru ngủ nhân dân, chia rẽ nhân dân, làm cho nhân dân mất chí khí phấn đấu, mất tinh thần đoàn kết giai cấp. Mặt khác, nó phục vụ giai cấp tư bản. Đó là những tờ báo chính trị. Lại còn những tờ báo “giật gân”, báo nói về ái tình, báo chuyên về lôi chuyện bí mật của những người có tiền ra để tống tiền... Tất cả báo chí ấy đều phục vụ lợi ích cho giai cấp bóc lột. Báo chí Pháp có thật tự do không? Không! Ví dụ  báo Nhân đạo thường bị bọn thống trị tìm mọi cách để phá: nào phạt tiền, nào cho bọn du côn phá phách, nào làm khó khăn về giấy in, nhiều khi báo bị tịch thu...
Báo chí của ta phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, vv.) phải cólập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng.
Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ cho nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu.
Mục đích chung của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hòa bình thế giới. Nhưng mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ... nên có đặc điểm của nó. Về hình thức thì không rập khuôn; rập khuôn thì báo nào cũng thành khô khan, làm cho người xem dễ chán.
Về trách nhiệm báo chí, Lênin có nói: báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập tốt chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công.
Trong nghề báo ta có những kinh nghiệm của ta, nhưng ta cũng cần phải học thêm kinh nghiệm của các nước anh em. Muốn thế, thì những người làm báo ít nhất cũng cần biết một thứ tiếng nước ngoài.
…Trên đây nói nhiều về người viết báo. Nhưng trong nghề làm báo còn có nhiều ngành khác, như ngành in mà các cô, các chú thích nói chữ gọi là ngành "ấn loát" cũng rất quan trọng. Bởi vì có những lúc không cẩn thận, in thiếu dấu, thiếu nét, hoặc in lờ mờ không rõ. Người viết bài thích dùng chữ, như gọi người đánh cá là "ngư dân", rồi người đi in lại in thiếu dấu ở chữ u, hóa ra "ngu dân". Đấy chỉ là một ví dụ để thấy rằng việc in cũng phải làm cho tốt.
Việc phát hành cũng rất quan trọng. Phải làm thế nào cho báo có nhiều người xem. Giá tiền báo cũng cần phải đúng mức. Trong công tác, người viết, người in, người sửa bài, người phát hành... đều phải khớp với nhau.
Bác học viết báo
Có đồng chí hỏi kinh nghiệm làm báo của Bác. Kinh nghiệm của Bác là kinh nghiệm ngược. Bác học viết báo Pháp trước, rồi học viết báo Trung Quốc, rồi sau mới học viết báo Việt Nam. Còn học thì một là học trong đời sống của mình, hai là học ở giai cấp công nhân.
Lúc ở Paris, tuy biết nhiều tội ác của thực dân Pháp, nhưng không biết làm thế nào để nêu được. Một đồng chí công nhân ở tòa báo Đời sống thợ thuyền (La vie ouvrière) cho Bác biết báo ấy có mục "tin tức vắn", mỗi tin chỉ năm ba dòng thôi, bà bảo Bác có tin tức gì, thì cứ viết, đồng chí ấy sẽ sửa lại cho. Từ đó, ngoài những giờ lao động, Bác bắt đầu viết những tin rất ngắn. Mỗi lần viết làm hai bản, một bản đưa cho báo, một bản thì giữ lại. Lần đầu tiên thấy tin được đăng thì rất sung sướng. Mỗi lần đều đem tin đã đăng trên báo so sanh với bài mình đã viết, xem sai chỗ nào. Về sau đồng chí ấy bảo Bác cố viết dài thêm vài dòng nữa, rồi lại vài dòng nữa... Cứ thế kéo dài đến 15, 20 dòng rồi đến cả một cột dài. Lúc đó đồng chí ấy lại bảo: "Thôi, bây giờ phải rút viết ngắn lại, cũng những việc như vậy nhưng phải viết cho rõ, cho gọn".
Các báo đăng bài của mình đều là báo phái "tả", đều nghèo, không trả cho mình đồng tiền nào. Mình ngày thì đi làm, tối đi mít tinh, tuy khá vất vả, nhưng vẫn cố gắng viết để nêu tội ác của bọn thực dân.
Khi đã biết viết báo, mình lại muốn viết tiểu thuyết. Nhưng lại e rằng biết chữ Tây võ vẽ như mình thì viết tiểu thuyết sao được. Tình cờ đọc một truyện ngắn của L. Tônxtôi thấy viết một cách rất giản dị, dễ hiểu, thì cho rằng mình cũng viết được. Từ đó mình bắt đầu viết truyện ngắn.
Lúc đó mình sống ở khu phố công nhân nghèo, hiểu rõ đời sống của họ, mình cứ viết những điều mắt thấy tai nghe. Viết xong đưa đến Nhân đạo và nói với đồng chí phụ trách về văn nghệ: "Đây là lần đầu tiên tôi thử viết truyện ngắn, nhờ đồng chí xem và sửa lại cho". Đồng chí ấy xem xong rồi bảo: "Được lắm, chỉ cần sửa lại một vài chỗ thôi". Cách mấy hôm sau, thấy mấy truyện ngắn của mình được đăng báo  thì sướng lắm. Sướng hơn nữa là nhà báo trả cho 50 phờrăng tiền viết bài. Chà! Lần đầu tiên được trả tiền viết báo! Với 50 phờrăng có thể sống 25 ngày không phải đi làm, tha hồ tham gia mít tinh, tha hồ viết báo, tha hồ đi xem sách....
Kinh nghiệm học viết báo của Bác là như thế.
Bác làm chủ bút
Có một thời gian mình làm cả chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành và bán báo của tờ báo Le Paria (Người cùng khổ). Các đồng chí thuộc địa Á - Phi viết bài và quyên tiền, còn bao nhiêu công việc mình đều bao hết. Cách bán báo; bán cho anh em công nhân Việt Nam, họ không biết chữ Pháp nhưng họ vẫn mua vì họ biết báo này chửi Tây, mua rồi họ nhờ anh em công nhân Pháp đọc cho họ nghe.
Một cách nữa là: ở Paris có những chỗ bán báo lấy hoa hồng. Là đồng chí với nhau cả, các anh chị ấy bán hộ cho mình mà không lấy hoa hồng, và họ bán được khá nhiều. Vì các số báo Le Paria vừa ra đều "được" Bộ Thuộc địa Pháp mua gần hết. Còn báo gửi đi các thuộc địa thì mấy chuyến đều bị tịch thu và người đưa báo thì bị bắt bỏ tù. Về sau, anh em thủy thủ Pháp bí mật chuyển hộ, thì không xảy ra việt gì. Nhưng rồi bọn thực dân cũng dò ra. Sau cùng phải dùng đồng hồ có chuông mà gửi. Cách gửi như vậy đắt lắm, nhưng báo đều đến được các thuộc địa.
Cách thứ tư: trong những cuộc mít tinh, mình đưa báo ra phát, rồi nói: "Báo này nói cho các đồng chí biết bọn thực dân áp bức chúng tôi như thế nào. Báo này để biếu thôi, nhưng đồng chí nào có lòng giúp cho báo, thì chúng tôi cảm ơn". Kết quả là: nếu đem bán thì 100 tờ báo được 5 phờrăng, nhưng "biếu không" thì có khi được tới 10, 15 phờrăng. Vì anh em công nhân có một, hai xu hoặc một, hai phờrăng cũng cho cả.
Khi đi qua Liên Xô đồng chí L. phóng viên báo Tiếng còi bảo mình viết bài và dặn phải viết rõ sự thật: việc đó ai làm, ở đâu, ngày tháng nào... và viết phải ngắn gọn. Cách đây mấy năm, mình trở lại Liên Xô. Đồng chí L. lại bảo mình viết. Nhưng L. lại bảo: chớ viết khô khan quá. Phải viết cho văn chương. Vì ngày trước khác, người đọc báo chỉ muốn biết những việc thật. Còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc.
Khi đến Hoa Nam, mình lại tập viết báo Trung Quốc. Mỗi lần viết xong, mình sửa đi sửa lại mấy lần rồi mới gửi đến Cứu vong nhật báo.... Thấy bài minh đã được đăng lại được đóng khung, điều đó khuyến khích mình tiếp tục viết. Nói tóm lại, mình phải học tập không ngừng và phải luôn luôn khiêm tốn.
Đến ngày Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ra tờ báo Thanh niên thì mình lại học viết tiếng ta. Lúc ấy, vấn đề khó khăn là làm thế nào để gửi báo về nước cho đến tay người đọc.
Năm 1941, mình bí mật về nước. Theo lời dạy của Lênin: tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo, cho nên mình cố gắng ra một tờ báo ngay, và phải làm rất bí mật vì luôn luôn có mật thám của Pháp, Nhật và Bảo Đại rình mò. Điều kiện sinh hoạt thì bữa đói, bữa no. Làm báo thì phải có đá in. Mấy đồng chí đi lấy trộm những tấm bia đá, rồi mài mấy ngày mới thành bản in. In thì phải viết chữ trái lên đá, thế là phải có một đồng chí phải hì hục tập viết chữ trái. Mấy số báo đầu, ba, bốn anh em cùng làm, nhưng in cứ toe toét, chỉ in được ít và xấu xí. Nhưng về sau cứ tiến bộ dần, mỗi lần in được gần 300 số. Phải đặt bia đá "nhà in" ở ba chỗ khác nhau. Khi động chỗ này thì chạy đến chỗ khác mà in, và báo vẫn ra đúng kì. Địch chịu không làm gì được.
Vấn đề giấy cũng gay. Lúc bấy giờ ai mua nhiều giấy địch cũng nghi, và theo dõi. Các chị em mỗi người đi chợ mua năm, mười tờ, nói dối là mua cho con cháu học, rồi góp lại để in báo.
In bản đá, muốn sửa chữa phải dùng a xít, Mà a xít thì mua đâu được? Có đồng chí đã nghĩ ra cách dùng chanh thay a xít. Chị em lại mua chanh để ủng hộ báo.
Còn việc phát hành: Để báo ở các hang đá bí mật Các đồng chí phụ trách cơ sở Việt Minh cứ đến đó mà lấy. Báo bán hẳn hoi, chứ không biếu.
Thế là mọi việc đều dựa vào quyết tâm của mình, dựa vào lực lượng và sáng kiến của quần chúng.
Đồng bào địa phương rất thích đọc báo, vì báo viết điều gì cũng thắm thía với họ. Đồng bào còn tự động tổ chức những tổ đọc báo và bí mật đưa tin tức cho báo. Đồng bào lại tìm đến cách tuyên truyền cho lính dõng đọc báo để làm "binh vận".
Đề tài duy nhất
Về nội dung viết, mà các cô, các chú gọi là "đề tài", thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một "đề tài" là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác với báo chí là như vậy đó.
Kết luận: kinh nghiệm của 40 năm là: không sợ khó, có quyết tâm. Không biết thì phải cố gắng học, mà cố học thì nhất định học được. Bây giờ các cô, các chú có điều kiện học tập dễ dàng hơn Bác trước kia. Mong các cô, các chú cố gắng và tiến bộ!
HỒ CHÍ MINH
Trích bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ hai Hội nhà báo Việt Nam, 16-4-1959
Hồ Chí Minh toàn tập

No comments:

Post a Comment