Friday 27 September 2013

Nguyễn Thị Lợi, nữ Anh hùng Công an nhân dân (Thuận Thảo & Phương An - An Giang)


Nguyễn Thị Lợi, nữ Anh hùng Công an nhân dân
Cập nhật ngày: 21/08/2013 20:39:21
Ngày đất nước ta giành được chính quyền (19-8-1945) cũng là ngày lực lượng Công an nhân dân (CAND) ra đời với nhiệm vụ cao cả là bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân. Đây là ngày mà mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an tự hào về lớp lớp thế hệ cha anh mưu trí, dũng cảm, không quản ngại gian khổ, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ghi vào lịch sử những chiến công bất diệt. Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi là một trong những chiến sĩ CAND tiêu biểu.
 
 Tượng đài Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Lợi dựng trong khuôn viên Công an tỉnh Thanh Hóa. Ảnh:

Anh hùng Nguyễn Thị Lợi, sinh năm 1911, quê quán An Giang. Sau khi kết hôn, bà sống ở miền Bắc với chồng và hai người con, một gái, một trai. Được một thời gian, trên đường về Nam, bà hứng chịu nỗi đau quá lớn trước sự ra đi vĩnh viễn của người con trai mới sinh chưa lâu. Bà dừng chân tại Thanh Hóa, được gia đình đồng chí Hoàng Đạo (lúc bấy giờ là Tổ trưởng Tổ Điệp báo A13) cưu mang. Nhận thấy đây là người phụ nữ bản lĩnh, thông minh, kiên trung, có tố chất của một chiến sĩ điệp báo, đồng chí Hoàng Đạo quyết định kết nạp Nguyễn Thị Lợi vào Tổ Điệp báo do ông phụ trách.
Chiến dịch Việt Bắc, Thu – Đông 1947 thất bại đánh dấu sự phá sản của chiến lược đánh nhanh thắng nhanh mà thực dân Pháp đặt nhiều kỳ vọng. Chính phủ bù nhìn Bảo Đại được thực dân Pháp quan tâm lập ra âm mưu dùng người Việt trị người Việt, hòng lôi kéo, mua chuộc các thế lực phản động chống phá cách mạng, gây chia rẽ, suy yếu Mặt trận dân tộc thống nhất. Nắm được âm mưu của địch, Ty Điệp báo Trung ương chủ động, khéo léo đưa điệp viên thâm nhập vào bộ máy Chính phủ Bảo Đại. Trong vai trò Quốc vụ khanh, đồng chí Hoàng Đạo đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ được giao, xâm nhập và đứng vững trong bộ máy Chính phủ Bảo Đại. Để dễ dàng khống chế, địch chủ động đề nghị Quốc vụ khanh Hoàng Đạo đưa phu nhân ra Hà Nội chung sống. Thực dân Pháp cho chiến hạm Amyot D'Inville, một trong những Thông báo hạm lớn nhất của Pháp trong khu vực Thái Bình Dương, đón phu nhân Quốc vụ khanh.
Trước tình hình mới, cấp trên lệnh cho đồng chí Hoàng Đạo kết thúc nhiệm vụ trong hàng ngũ địch để nhận nhiệm vụ khác. Đồng thời, qua phân tích tình hình, ta quyết định đánh bom Amyot D'Inville nhằm tiêu diệt nặng nề sinh lực địch, giáng đòn mạnh mẽ vào tinh thần xâm lược, làm phá sản âm mưu chiến tranh của thực dân Pháp. Điệp báo Hà Nội và Thanh Hóa được giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhưng rất nguy hiểm này. Nhân vật cốt yếu đảm bảo cho thắng lợi là người đóng vai phu nhân Quốc vụ khanh. Trước nhiệm vụ vinh quang, Nguyễn Thị Lợi đã chủ động nói với đồng chí Hoàng Đạo: “Tôi hiểu rất rõ ý nghĩa của trận đánh này, tôi xin nộp cho tổ chức một bức thư tình nguyện cảm tử, mong tổ chức chấp nhận lời đề nghị của tôi”. Trong thư, bà viết: “Tôi Nguyễn Thị Lợi quê Phú Châu – Châu Đốc. Chiến sĩ tình báo xin tình nguyện hy sinh cho Tổ quốc, rửa nhục cho thù nhà…”. Phần tái bút, bà dành riêng cho Hoàng Đạo: “Cảm ơn anh đã cưu mang em, đưa em từ một người con gái bất hạnh về với cách mạng và vinh dự được đứng trong đội ngũ điệp báo. Có thể cuộc chia tay này là sự ra đi mãi mãi nên em có lời cầu mong anh sau này… hãy tìm lại người con gái đầu tiên của em và thay em nuôi dạy nó nên người ”. Xúc động nghẹn ngào trước tấm lòng và ý chí quyết tâm của người đồng chí, Hoàng Đạo nắm chặt tay Nguyễn Thị Lợi và nói: “Cảm ơn em - nữ đồng chí kiên trung. Ngày mai bắt đầu vào trận đánh, nếu như trận này thắng lợi thì đó là chiến công lịch sử mà em là người quyết định cho thắng lợi này”.
Trong vai phu nhân của Quốc vụ khanh, đêm 26-9-1950, đồng chí Nguyễn Thị Lợi (bí số A16) đàng hoàng lên tàu Amyot D'Inville. Lấy lý do sức khỏe, phu nhân Quốc vụ khanh vào phòng nghỉ mang theo 30kg thuốc nổ được đựng trong một chiếc valy mà thực dân Pháp cứ ngỡ là thuốc phiện. Khoảng 30 phút sau, chiến hạm Amyot D'Inville nổ tung, đem theo mạng sống của hơn 200 sĩ quan địch, cùng với hàng trăm tấn thuốc nổ mà thực dân Pháp dự định chi viện cho quân đội Pháp ở Việt Nam và làm phá sản âm mưu của thực dân Pháp. Đồng thời, khiến uy tín của quân đội Pháp ở Việt Nam cũng như uy tín của giới cầm quyền ở Pháp bị sụt giảm nghiêm trọng. Đó cũng là một trong những chiến công vang dội của lực lượng tình báo Công an nhân dân trong thời kỳ đầu mới thành lập, góp phần thắng lợi cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Ghi nhận chiến công của bà, ngày 3-8-1995, Nhà nước ta truy tặng cho nữ điệp viên Nguyễn Thị Lợi danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân. Tượng đài Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Lợi được dựng trong khuôn viên Công an tỉnh Thanh Hóa với niềm tin luôn phù hộ cho cán bộ, chiến sĩ Công an tiếp nối truyền thống, lập nhiều chiến công. Thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) có một trường cấp ba và con đường mang tên Nguyễn Thị Lợi.
Quê hương An Giang tự hào sinh ra, nuôi dưỡng và đóng góp cho cách mạng nói chung, lực lượng CAND nói riêng, người nữ anh hùng tiêu biểu. Tên bà đã ghi vào lịch sử, vào truyền thống hào hùng của lực lượng CAND Việt Nam, soi đường cho lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ cả nước nói chung, cán bộ, chiến sĩ Công an An Giang nói riêng tiếp bước.           
Th.S THUẬN THẢO- Th.S PHƯƠNG AN
 (Trường Chính trị Tôn Đức Thắng)

No comments:

Post a Comment