Wednesday 11 September 2013

Vài ý kiến nhận xét thư trả lời Phạm Thị Hoài của Phan Ngọc (Phạm Việt Vinh - Talawas)


1.1.1990
Phạm Việt Vinh
Tự xen vào cuộc đối thoại của người khác là một điều khá vô duyên. Nhưng ở đời, ai cũng duyên dáng cả, thì sẽ rất buồn! Sau khi có lý do bào chữa như vậy, tôi mới dám dũng cảm đưa ra một vài nhận xét sau đây về bài trả lời Phạm Thị Hoài của Phan Ngọc. Rồi tôi lại giật mình: làm việc này, còn là một sự "dại" nữa. Mất thời gian nói về những điều mà ai cũng biết, thậm chí,có lẽ cả đối tượng mà mình muốn cùng tranh luận cũng thừa hiểu như vậy, thì rõ ràng là "dại". Tôi tin mình như thế, vì nghĩ:" Chẳng lẽ một người như Phan Ngọc mà không nhận thấy rằng: tất cả những ý trả lời của ông đều không hề trúng đích?".

Ngay lúc đầu, khi cho rằng:"Cái khó ở đây không phải là nội dung của câu chuyện mà ở thái độ: nói thế nào để khỏi mang tiếng là người "hộ đoản", tác giả của bài trả lời đã nhầm lẫn nặng. Nếu đã đọc nhận xét của Phạm Thị Hoài thì không ai có thể kết luận rằng bàn về "nội dung của câu chuyện" này là một sự dễ. Nhưng điều làm giật mình nhất ở đây là Phan Ngọc coi thái độ "nói thế nào để không mang tiếng" trọng hơn phần học thuật. Trong thế giới ngày nay, bàn về khoa học mà cứ nơm nớp "tiên lễ, hậu văn", sao có thể gọi là sáng suốt ?

Tôi không thể tin rằng Phan Ngọc lại ngờ nghệch đến mức bảo vệ cách dịch và thuật ngữ dịch của mình bằng những câu:"Cách dịch này không phải của tôi", hay:"Phần lớn các thuật ngữ này tôi lấy của...". Chẳng lẽ Phạm Thị Hoài chỉ nên "gay gắt" với Phan Ngọc, còn khi nghe tới Trương Tửu, Trần Ðức Thảo hay Chu Quang Tiềm thì tốt hơn hết là phải "kính nhi viễn chi", vì chỉ có khùng điên, hỗn hào, mới dám cãi lời "thánh" dạy? Tuy nhiên, người "ngoan cố" vẫn cứ tưởng mình đang được tìm hiểu Hegel. Còn nếu như cứ phải tâm niệm đây là Hegel của Trương, của Trần, của Chu hay của Phan, thì chắc sẽ đến lúc chữ "Hegel" sẽ trở lên thừa vướng.

Phan Ngọc đã dùng một phần lớn bài trả lời nhằm chỉ ra cái quấy khi Phạm Thị Hoài chê bai cụm từ "tha hóa". Khó có thể tin được là Phan Ngọc khi dùng chữ chỉ quan tâm đến nghĩa gốc, nghĩa khởi thủy, còn khi chữ đó sau bao cuộc bể dâu nay mang thêm ý mới, diện mạo mới, thì là điều ông không chấp nhận. Nếu như vậy, liệu rằng Phan Ngọc có dám gọi một cô nhân viên mậu dịch là kẻ "tiểu nhân"? Tôi nghi là Phan Ngọc không hề có cảm giác "may" khi nói rằng Phạm Thị Hoài hiểu chữ "tha" hay "tha hóa" như "nhiều người cho rằng...". Có thể, khi dùng "Chú thích" để đưa ra cách nghĩ của "nhiều người", sự khiêu khích của Phạm Thị Hoài đã đi quá xa và làm mờ đi tính thuyết phục; nhưng kết luận được như Phan Ngọc thì quá là giản tiện.

Chưa cần biết Phạm Thị Hoài bình luận chí lý đến đâu, nhưng qua hơn một trang giấy, Phan Ngọc đã hình như cố tình đưa thêm minh chứng cho những lời phê phán. Ðọc câu: "Cho nên các bản dịch (...) đều có những điểm không theo bản tiếng Ðức" chắc chắn nhiều người sẽ chới với: Dịch Hegel mà không theo bản tiếng Ðức thì theo ai? Hay là có những phát biểu của Hegel chỉ được chép lại bằng tiếng Nga, tiếng Hán? Tiếp theo, câu:" Phần lớn những lời chị chê trách tôi nhìn chung đều có trong các bản dịch kể trên." rõ ràng là một đòi hỏi tư duy cao. Ở đây, ta lại được nghe một câu sấm. Tôi cũng không thể tin được rằng sau khi đọc câu:"...công bỏ ra cho đến khi hiểu nổi Hegel trong nguyên tác chắc chắn không bằng công đọc bản dịch của Phan Ngọc trong tiếng Việt", Phan Ngọc lại kết luận là Phạm Thị Hoài"cho rằng chỉ cần biết tiếng Ðức thông thường là hiểu được Hegel". Hay có lẽ, Phan Ngọc cho rằng, sự hiểu tiếng Ðức của Phạm Thị Hoài chỉ ở bậc "thường"?

Hình như, nguyên do những cú "trật đường ray" liên tục của Phan Ngọc nằm ở chính "thái độ cần phải có" hoàn toàn mang tính chính trị, tính ý thức hệ của ông khi "làm việc" với Hegel.Chẳng lẽ Phan Ngọc không thể nhận ra rằng, từ xưa tới nay, chiếc kính chiết màu ý thức hệ hoàn toàn không có khả năng phản ánh một cách trung thực một tác phẩm khoa học nhân văn. Dùng kính đó vào việc dịch, nơi mà tính trung thực là tiêu chí tối cao, thì sự thất bại là lẽ dĩ nhiên.

Ðó là những ngờ vực mà tôi cứ dại dột nêu ra. Với những ngờ vực này, trong chúng ta, hầu như ai cũng đã rõ câu trả lời. Nhưng phần đa chúng ta sẽ không nói. Im lặng, biết mà không nói, mà điều nói ra cũng không nhất thiết phải trùng với điều mình nghĩ- đang là sự khôn ngoan, là tính trí sỹ thời thượng hiện nay. Chỉ có điều : nếu tiếp tục mãi, thì sẽ đến lúc trí thức Việt nam ai cũng tưởng người khác "khôn ngoan" giống mình.Và chúng ta cứ tiếp tục vui vẻ chơi trò ú tim với nhau, trước mắt là trí thức, sau cùng là toàn dân tộc! Ðương nhiên, người mình cũng có những bậc "chân tu"; và có những người lầm lỗi một cách thật lòng.

Mặc dù không thể tin rằng Phan Ngọc không biết phân rõ phải sai, nhưng tôi không muốn nghĩ là ông đã cố tình lừa dẫn chúng ta vào một trận đồ bát quái. Cách ông kết thúc bài trả lời bằng một hình ảnh liêm chính, đạo đức chứng tỏ ông thành thực tin vào những điều mình nói.
Nhưng chính phương pháp kết thúc đó, chính sự thành tâm đó, lại mang đến cho tôi một nỗi buồn nặng nề, khó tả. 

No comments:

Post a Comment