Tuesday 1 October 2013

Những tình cảm tri ân (Huy Thắng & Khải Hoàn - Nhân Dân)

Tin tức
Ðúng vào dịp kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Ðoàn đại biểu Việt Nam do Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền tại CH Pháp Dương Chí Dũng dẫn đầu đã đến thăm hỏi những người bạn Pháp lâu năm như bà Ma-đơ-len Ri-phô, Hăng-ri Mác-tanh. Chứng kiến những cuộc gặp  ân tình, chúng tôi, các phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, càng thêm xúc động trước những tình cảm sâu nặng của những người bạn thủy chung, son sắt.
Nữ anh hùng luôn đồng hành cùng Việt Nam
Chúng tôi đến thăm bà Ma-đơ-len Ri-phô tại nhà riêng ở quận 3, Thủ đô Pa-ri. Qua ba tầng cầu thang nhỏ, hẹp, xoáy trôn ốc của ngôi nhà chung cư cổ, chúng tôi đến được căn hộ nhỏ xinh xắn của người nữ anh hùng lừng danh trong cuộc kháng chiến chống phát-xít Ðức của nhân dân Pháp trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nổi bật trong phòng khách là bức tranh với dòng chữ "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" treo trang trọng ở giữa nhà. Giá sách đầy ắp các cuốn sách cũ của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng.
Bước sang tuổi 87, đôi mắt của bà Ma-đơ-len Ri-phô không còn nhìn rõ nữa. Nhận diện các bạn Việt Nam qua giọng nói và dáng hình, Ma-đơ-len Ri-phô kể lại cuộc đời tham gia kháng chiến chống phát-xít Ðức và những kỷ niệm sâu sắc trong sự nghiệp làm báo, viết văn, làm phóng viên thường trú Báo Nhân Ðạo, cơ quan ngôn luận của Ðảng CS Pháp ở An-giê-ri và sau đó làm phóng viên chiến trường bảy năm ở Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từng làm liên lạc viên, chỉ huy đội du kích khu vực trung tâm nội thành Pa-ri, Ma-đơ-len Ri-phô đã dũng cảm trừng trị một tên chỉ huy Ðức quốc xã ngay giữa ban ngày ở Thủ đô Pa-ri. Sau đó, chị bị bắt và bị bọn mật thám Ghét-xta-pô của Ðức tra tấn dã man và bị kết án tử hình. Ðược các đồng chí giải cứu trong tù trước thời gian thi hành án, Ma-đơ-len Ri-phô lại trở về tham gia cùng đồng đội chiến đấu cho tới ngày Pa-ri hoàn toàn giải phóng.    
Duyên nợ đã đưa người con gái quả cảm Ma-đơ-len Ri-phô tới nghề viết báo và viết văn. Nữ nhà văn, nhà báo, nhà thơ Ma-đơ-len Ri-phô trẻ trung, xinh đẹp ngày ấy đã lăn lộn khắp các mặt trận ác liệt ở An-giê-ri, Việt Nam viết nên những thiên phóng sự nổi tiếng ngợi ca tinh thần anh dũng của các dân tộc bị áp bức quyết vùng lên giành độc lập, tự do, đòi quyền sống.
Trong câu chuyện dài của bà, kỷ niệm trong những lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh được bà kể lại với những tình cảm kính yêu vô hạn. Sang Việt Nam, bà vô cùng sung sướng được gặp Bác Hồ, được Người trìu mến gọi bà là con gái. Bà rưng rưng nhắc tới ngày 2-9 năm nay, kỷ niệm 42 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Với bà, nhân cách lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh hết lòng hết sức phụng sự dân tộc, phục vụ nhân dân, tình yêu thương con người, tấm lòng bao dung và tình đoàn kết quốc tế của Bác Hồ là tấm gương sáng để bà suốt đời học hỏi và noi theo.
Những năm gần đây, dù sức khỏe yếu, mắt kém, bà vẫn nhiệt tình tham gia các hội nghị quốc tế, các cuộc biểu tình ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam tổ chức ở Pa-ri. Bà kể: "Trong những năm lăn lộn ở chiến trường miền nam Việt Nam, tôi thường để đầu trần để giặc Mỹ có thể phát hiện ra và biết là người nước ngoài với mục đích bảo vệ đồng đội. Trong những lần hành quân và sống ở vùng chiến trường ác liệt ấy, có thể tôi đã bị phơi nhiễm chất độc da cam. Gần đây, tôi mắc nhiều chứng bệnh lạ. Có lần tôi đưa kết quả xét nghiệm cho người bạn thân Việt Nam xem, người bạn giật mình vì kết luận xét nghiệm của tôi giống hệt kết quả xét nghiệm của người bạn được xác định là bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì dòng máu mình hiện nay cũng có chung căn bệnh giống như người bạn Việt Nam anh hùng của tôi. Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu để đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ðó là cuộc đấu tranh vì tinh thần nhân đạo cao cả cho những nạn nhân của một cuộc chiến tranh phi nghĩa và tàn bạo".
Sáng mãi tên tuổi Hăng-ri Mác-tanh
Tới thăm Hăng-ri Mác-tanh, người anh hùng từng tham gia phản chiến ở quân cảng Tu-lông phản đối chính quyền Pháp tham chiến ở Ðông Dương hơn 60 năm về trước, chúng tôi không nén nổi xúc động, nghẹn ngào. Ông vừa trải qua cơn bạo bệnh. Sức khỏe ông còn yếu, giọng nói nhỏ, phải đoán mới hiểu hết ý. Ông nở nụ cười tươi đón các bạn  Việt Nam.
Ðã từ lâu, tên tuổi của Hăng-ri Mác-tanh và Ray-mông Ðiêng trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng quốc tế cao cả nhất. Tới Việt Nam ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công với nhiệm vụ là thợ máy thứ hai trên con tàu chiến của Pháp, Hăng-ri Mác-tanh và các đồng đội được lệnh sang Ðông Dương để giải giáp quân Nhật. Nhưng những gì diễn ra trong thực tế lại trái hẳn với những điều mà quân đội Pháp thường xuyên tuyên truyền trước đó. Quân đội Pháp hành quân tới đâu là giết hại người dân vô tội, đốt phá làng mạc của người Việt Nam. Hăng-ri Mác-tanh đã được chứng kiến cảnh TP Hải Phòng bị tàn phá vào tháng   11-1946. Ông muốn xuất ngũ ngay lúc đó nhưng bị từ chối. Trở lại quân cảng Tu-lông, Hăng-ri Mác-tanh liên lạc với chi bộ Ðảng CS Pháp ở tỉnh Va để rải truyền đơn kêu gọi thủy thủ phản chiến. Ông bị bắt ngày  13-3-1950 và bị tòa án quân sự Pháp kết án năm năm tù vì tội tuyên truyền kích động cuộc chiến tranh Ðông Dương. Ngay lập tức, các cuộc vận động, biểu tình do Ðảng CS Pháp và các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới nổ ra đòi trả tự do cho Hăng-ri Mác-tanh, Ray-mông Ðiêng nổ ra với sức mạnh khủng khiếp. Trước sức ép khổng lồ của lương tri, chính quyền Pháp buộc phải trả tự do cho Hăng-ri Mác-tanh vào ngày 2-8-1953 sau gần ba năm rưỡi giam giữ.
Ra tù, Hăng-ri Mác-tanh tham gia tích cực các hoạt động của Ðảng CS Pháp và trở thành một trong những nhà lãnh đạo nhiệt thành nhất. Trong suốt những năm tháng diễn ra Hội nghị hòa bình Pa-ri, ông và các đảng viên cộng sản Pháp đã tận tình giúp đỡ Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cả về vật chất và tinh thần cho tới ngày toàn thắng.
Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hăng-ri Mác-tanh và Ray-mông Ðiêng được mời sang thăm Việt Nam với tư cách là những nhân chứng của lịch sử. Chứng kiến sự đổi thay của Việt Nam trên con đường phát triển, ông vui mừng khôn xiết. Sống giữa những tình cảm gắn bó, tham gia nhiều cuộc gặp, giao lưu xúc động với sự góp mặt của nhiều thế hệ, ông càng thêm yêu mến Việt Nam, một dân tộc anh hùng sống nghĩa tình, luôn trân trọng những sự giúp đỡ quý báu, những tình cảm tốt đẹp của bạn bè quốc tế.     
Ðược chứng kiến sự chăm sóc tận tình, chu đáo của người bạn đời Ác-lét, chúng tôi chúc ông sức khỏe và nhiều may mắn. Với chúng tôi, những cuộc gặp gỡ xúc động cùng những người bạn thủy chung như Ma-đơ-len Ri-phô, Hăng-ri Mác-tanh thật thiêng liêng. Và những bó hoa tươi thắm của Ðại sứ Dương Chí Dũng tặng các bạn nhân ngày Quốc khánh năm nay thay cho những lời tri ân cất lên tự đáy lòng.
HUY THẮNG và KHẢI HOÀN Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

No comments:

Post a Comment