Tuesday 22 October 2013

Viên tướng Pháp muốn rắc tàn tro xác mình xuống lòng chảo Điện Biên Phủ (Nguyễn Văn Thọ - An Ninh Thế Giới Cuối Tháng)

Trang nhất > An Ninh Thế Giới Cuối Tháng > Sổ tay
Viên tướng Pháp muốn rắc tàn tro xác mình xuống lòng chảo Điện Biên Phủ
4:07, 27/07/2010

Đại tướng Marcel Bigeard.
Ngày 18/6/2010, Đại tướng Pháp Marcel Bigeard đã qua đời tại nhà riêng. Gia đình ông quyết định tuân theo di chúc của người quá cố: Rắc tro xác của ông xuống lòng chảo Điện Biên Phủ. Vì sao?
Sinh năm 1916 tại vùng Toul, Pháp, sang Việt Nam tham chiến giữa thập niên 40 của thế kỷ trước, Bigeard nguyên khởi đường binh nghiệp từ lính nhảy dù, vốn được coi là lực lượng thiện chiến nhất của quân đội viễn chinh Pháp.
Cuốn Lịch sử cách mạng Yên Bái, không cụ thể chi tiết, ghi nhận: Ngày 18/10/1952, quân Pháp nhảy dù xuống Tú Lệ nhằm ứng cứu cho Nghĩa Lộ bị thất thủ, đội du kích Cao Phạ đã phối hợp với bộ đội chủ lực của ta chốt chặn và chiến đấu quyết liệt với quân địch ở đèo Khau Phạ… Bigeard chính là viên sĩ quan đã thực hiện cuộc nhảy dù xuống vựa lúa nếp nổi tiếng, cánh đồng Tú Lệ, nhằm giải cứu cho lực lượng Pháp còn sót lại, sau thất bại thảm hại của Pháp tại Nghĩa Lộ, Văn Chấn.
Thực sự, số quân Pháp trong chiến dịch này, đã không bị bộ đội Việt Namtiêu diệu hoàn toàn. Bigeard từ chỗ nhảy xuống Tú Lệ nhằm giải cứu, chuyển thành cầm cự rồi tháo lui cứu vãn lực lượng. Cuộc tháo chạy trong trùng điệp vòng vây của địa hình hiểm trở và lực lượng kháng chiến ViệtNam kéo dài hơn 100 cây số. Bigeard vượt qua được phục kích của du kích và quân chủ lực Việt Nam, qua được đèo Cao Phạ đầy nguy hiểm.
Với nhãn quan quân sự thuần tuý, đây là một sở đoản đáng khâm phục của Bigeard khi ở tư cách một sĩ quan chỉ huy phá vây. Điểm nhấn lịch sử cá nhân của ông và quân đội Pháp trong thất bại này, thực sự vừa là bi kịch của chiến tranh, vừa nói lên tính can trường của người lính Bigeard... Tỏ ra là một sĩ quan giàu kinh nghiệm chiến đấu, Bigeard cùng cánh tàn quân làm cuộc hành quân dài hơn 120 cây số.
120 cây số là đơn vị chiều dài không giản đơn, khi ông dẫn một đoàn quân tháo chạy, vừa bị đánh tơi bời, phải lui binh giữa vùng núi non hiểm trở, luôn bị đối phương bao vây bằng sức mạnh tổng hợp của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương là người dân địa phương Yên Bái, những người vốn rất quen thuộc địa hình. Điều đó thực quả không hề dễ dàng thoát hiểm. Song Bigeard đã tổ chức cuộc rút lui khá an toàn tính mạng về phía Tây - Tây Bắc…
Sau cuộc tháo chạy thảm bại này của tiểu đoàn lính dù Pháp do Bigeard cầm quân, về phía kháng chiến quân Việt Nam là sự giải phóng hoàn toàn vùng Yên Bái, lấy đó làm khu hậu cần khổng lồ, đường tiếp vận chủ yếu cho chiến dịch Điện Biên Phủ ngay sau đó 1 năm.
Trên thao trường như trong chiến trận.

Song về phía Pháp, lại là cơ hội để giới chính trị sa-lon ở chính quốc và giới quân sự Đông Dương Pháp, lên dây cót cho tinh thần quân đội Pháp và lính đánh thuê Lê Dương đang hết sức lúng túng và bị động trước sự điều binh khiển tướng chiến lược của Việt Minh trên toàn chiến trường Đông Dương nói chung và trên mặt trận chính là miền Bắc Việt Nam. Bigeard lập tức được báo giới chính quốc bấy giờ thổi phồng, tuyên truyền, coi như việc tháo chạy khỏi Yên Bái như hành vi anh hùng của quân đội Pháp tại Đông Dương…
Nhưng quá khứ quan trọng nhất, có lẽ thực sự gây ám ảnh suốt đời Bigeard sau này, để ông về cuối đời đã 7 lần qua lại Việt Nam và xác lập nguyện vọng đốt xác, rắc nắm tro của ông xuống cánh đồng, lòng chảo Điện Biên Phủ, chính là nơi ông thực hiện cuộc nhảy dù cuối cùng trong chiến tranh tại Việt Nam, khi bộ đội Việt Nam đã khép chặt vòng vây và Điện Biên Phủ đang ở thời điểm giao tranh khốc liệt nhất trong chiến tranh Pháp - Việt và Bộ chỉ huy quân đội Pháp do Nava chỉ huy hết sức lúng túng, bị nhiều bất ngờ khi đối phó với các lực lượng quân sự chính quy của Việt Nam ở điểm trọng yếu này.
Phía Pháp phải ném vào lòng chảo đang ngun ngút khói lửa vị sĩ quan tài ba nhất của họ tại Đông Dương. Thiếu tá là cấp bậc của Bigeard trước khi ông nhảy dù xuống Điện Biên.
Hồi kí của nhiều nhân chứng Pháp và Việt, kể cả người của chính quyền bù nhìn Bảo Đại, hồi kí của chính Bigeard đều mô phỏng hết sức chi tiết và không khác nhau lắm về giai đoạn này. Đặc biệt ở lịch sử Yên Bái, tuy không ghi chi tiết về cá nhân sĩ quan Bigeard, song hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại ghi nhận rõ từng thời kì, nhiều điểm cuộc đời binh nghiệp Bigeard.
Giai đoạn Bigeard chiến đấu tại Điện Biên, thực hiện cuộc nhảy dù với hai khẩu pháo 105 li và sau đó lập tức chiến đấu hết sức liều lĩnh, cùng lính dù Pháp và Thái do ông ta chỉ huy ngày 16-3-1954, để tăng cường và khích lệ lực lượng phòng thủ đã suy yếu, gần như tuyệt vọng. Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi nhận sự xuất hiện của Bigeard đã mang lại một chút phấn chấn cho quân đồn trú...
Bigeard ngay sau khi nhảy dù được thăng cấp trung tá, lập tức chỉ huy lực lượng phản kích, gồm năm tiểu đoàn với sự yểm trợ của tối đa không quân và pháo binh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng ghi nhận ở hồi ký của ông về trận phản kích của Bigeard được quân viễn chinh coi là thắng lợi, một chiến thắng hầu như duy nhất tại Điện Biên Phủ trong suốt thời gian này.
Các nhà chiến lược quân sự Pháp hẳn có nhiều dụng tâm khi ở giai đoạn gay cấn nhất trên trận Điện Biên Phủ, lại thả con xe điều xuống Điện Biên, lò lửa Đông Dương này. Và đáng buồn thay, sự kiện trên - theo tài liệu của chính Lịch sử quân lực của chính quyền Sài Gòn ghi rằng: Đêm hôm 15 tháng 3 đã có một số binh sĩ Thái trốn khỏi cứ điểm, và vào ngày 17 tháng 3 đại bộ phận của Tiểu đoàn 3 Thái, một phần đào ngũ theo Việt Minh, một phần bỏ ngũ về với gia đình.
Mặc dù đã có Tiểu đoàn Dù thuộc địa số 6 dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Marcel Bigeard, một sĩ quan thuộc loại cừ khôi vào bậc nhất của Pháp ở Đông Dương. Như vậy dù Bigeard có mặt, cũng không lên được dây cót cho một đội quân ở Điện Biên lâm vào cái thế không thể thay đổi, đã hoảng sợ trước sức mạnh như bão táp của các sư đoàn quân Việt Nam.
Bigeard đã bị bắt làm tù binh và sau năm 1954, đã được chính phủ Việt Nam trao trả cho chính phủ Pháp. Paris mặc dầu vậy vẫn đánh giá cao, thừa nhận, coi ông là sĩ quan có tài, nên lại tiếp tục ném Bigeard vào cuộc chiến mới tại Algeria, để ông tiếp tục bảo vệ quyền lợi của nhà nước thực dân Pháp.
Nhưng chính ông, ở hồi ký của mình, đã nhận ra rằng, mọi cố gắng khi đó, của ông và quân đội đồn trú ở Điện Biên chả có tính anh hùng ca bất tử. Sự hồi tưởng ám ảnh của Bigeard trên cánh đồng Mường Thanh năm đó, là sự thức tỉnh có tính giác ngộ, khi chính người anh hùng Bigeard đã coi chiến công này chỉ là: Ngọn lửa rơm (Bigeard, 1975, tr. 167).
Chỉ ba từ Ngọn lửa rơm, Bigeard đã nhìn ra sự thật, cái tất yếu của chiến cuộc, mà phần thắng không gì cưỡng nổi thuộc về người Việt. Chi tiết tự nhận ra bản chất thật ý nghĩa đời sống binh nghiệp này của Bigeard, phần nào lí giải cho ý nguyện của ông, khi năm 1988 quyết định ở di chúc: sau khi chết, tro bụi xác thân được rải xuống Điện Biên Phủ. Về nghĩa đen, tức là ông muốn xác ông quay lại nơi ông từng tham chiến.
Nếu theo như truyền thống văn hoá Pháp và luật Pháp nước Pháp: là Đại tướng, Bigeard phải được danh dự tang lễ và chôn xác ở tổ quốc. Việc mong ước mang chính tro xác mình ra đi, ở hẳn nơi xứ người, có nghĩa là ông không chỉ trở về với nơi đã rút lui, bỏ lại hơn 100 xác chết mà còn là việc ông từ chối sự vinh danh mà nước Pháp dành cho ông, tức là chối bỏ điều ông tin tưởng ngày xưa.
Sự quay trở lại nơi ông đã từng đồng cam cộng khổ với đồng đội - theo cá nhân tôi, cũng là một người lính - còn là sự tự đánh giá hành vi cá nhân ở mỗi giai đoạn lịch sử mang tính ngộ (chữ theo ý nghĩa nhà Phật) thừa nhận một lần nữa, một cách khách quan nhất, tài năng địch thủ của ông, những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Có câu “Con người sinh ra từ cát bụi lại trở về cát bụi”. Nhưng sự kiện Đại tướng bốn sao Marcel Bigeard, từng là cựu Thứ trưởng Quốc phòng (1975), với sở nguyện cuối cùng của mình (mà chính phủ Pháp ở quá khứ không muốn như ông di chúc - Tổng Thống Pháp Giscard d'Estaing trước kia khi được báo giới hỏi ý kiến về di chúc "rải tro" đã trả lời là không đồng ý).
Và, hôm nay, sau khi viên Đại tướng Marcel Bigeard qua đời, chính phủ đương nhiệm Pháp lại yên lặng trước quyết định của gia đình ông. Như vậy, hẳn thời đại, lịch sử thế giới đã và đang sang trang rất mới, trong đó con người ta, tuy không thể làm lại lịch sử, song có thể hàn gắn nó, những vết thương cũ của lịch sử còn lại, để cho các dân tộc tiến bộ trên địa cầu này có thể hiểu nhau mà xích lại gần nhau hơn nữa.
Nó cũng là lời cảnh báo cho các lực lượng hiếu chiến rằng, ở một thời điểm nào đó, ai có thể lừa bịp được dân chúng, đẩy họ đi vào các cuộc chiến trên thế mạnh về vật chất, song sự thật của lịch sử, thì không thể nào lừa bịp được các dân tộc, khi những chứng nhân có danh dự, lương tri sẽ có một ngày cất tiếng…
Sở cầu của viên Đại tướng Pháp hẳn trùng với câu ngạn ngữ của người Việt: Tiếng chim hót trước khi chết là tiếng chim khôn
  Nguyễn Văn Thọ

No comments:

Post a Comment