Saturday 25 January 2014

TỪ MỘT “VỤ ÁN” ĐÃ SÁNG TỎ (Phạm Tôn)


TỪ MỘT “VỤ ÁN” ĐÃ SÁNG TỎ

(Bài này lên Blog PhamTon tuần 2 tháng 10 năm 2012, đến ngày 25/6/2013 đã được 9.886 lượt người truy cập)

                                                      Thủy Trường

Lời dẫn của Phạm Tôn: Trong những ngày kỷ niệm Cách Mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay, chúng tôi cảm động nhận được bài của bạn Thủy Trường viết về một trong những con người đã một lòng trung với Nước, hiếu với Dân, nhưng có thời gian đã không được hiểu đúng, thậm chí còn bị nghi là phản dân hại nước, nhưng họ vẫn giữ vững một tấm lòng son với Dân với Nước, lặng lẽ chờ đợt sự phán xét công minh của Nhân dân, của Lịch sử. Có lẽ, đó cũng là một nét anh hùng của con người Việt Nam chúng ta…

—o0o—

Biết tôi có quen biết với gia đình anh Quang Đạm, nguyên ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân, nhiều nhà báo, kể cả ở báo Nhân Dân, đôi ba thế hệ hỏi: “Tại sao ông Đạm, tri phủ Hà Trung (Thanh Hóa) thời chính phủ ngụy thân Nhật Trần Trọng Kim, “chui vào Đảng”, bị khai trừ, mà con lại “leo” lên được Uỷ viên Trung ương Đảng? Thế là Đảng mất cảnh giác à?”

Thật là những câu nói sai trái, thiếu hiểu biết, độc ác.

Và câu chuyện “mất cảnh giác” ấy hiện vẫn còn lưu hành đâu đó. Đã đến lúc cần làm sáng tỏ.

Những năm 1939-1949, tôi sống ở làng Vạn Hà, huyện lỵ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Là học trò của cô giáo Nguyễn Thị Sâm, tôi biết chồng cô là “Thầy lục sự” Tạ Quang Đệ (Lục sự là một chức danh chính quyền cũ, lo liệu việc văn thư, hành chính, giấy tờ, yêu cầu phải biết chữ quốc ngữ, Pháp văn, chữ Hán, chữ Nôm…). Nhà tôi ở cạnh nhà cô Sâm nên vẫn thường qua lại. Năm 1941, tôi vào “Xì cút” – Hướng Đạo sinh, đoàn Vạn Hà do thầy giáo Nguyễn Chương (sau này là vệ sĩ của Bác Hồ) và thầy Đệ phụ trách.

Trước Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, từ một đề nghị nào đó của “các anh” bên đoàn thể – có thể có ý kiến của Tạ Quang Bửu – anh ruột Tạ Quang Đệ (Tạ Quang Bửu là người được Đảng ta giữ liên lạc, yêu cầu lãnh đạo “Xì cút” đứng về phía Việt Minh), Tạ Quang Đệ được bổ nhiệm làm tri phủ Hà Trung, giáp ranh hai tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình.

Tại sao không làm quan đầu một huyện, phủ khác? Sau này, anh Đạm* mới cho biết là “ý của “các anh” đưa mình về Hà Trung là nơi có chiến khu Hòa – Ninh – Thanh (Hòa Bình – Ninh Bình – Thanh Hóa), rồi chiến khu Ngọc Trạo.”

Làm tri phủ “đệm”, nên trước ngày 19/8/1945, tri phủ Tạ Quang Đệ đã liên hệ với Việt Minh, bàn giao “triện”, sổ sách, vũ khí và ra Hà Nội sau đó mấy hôm, theo một “lệnh” nào đó.

Đến Thủ đô, Tạ Quang Đệ đi dạy học ở trường Thăng Long, rồi nhận công tác ở phòng Tham mưu do Hoàng Văn Thái (sau này là Đại tướng) làm trưởng phòng. Ngày 3/9/1945, Trưởng Ban Thông tin liên lạc của Phòng Tham mưu là Hoàng Đạo Thúy (bạn Hướng Đạo của Tạ Quang Bửu) chỉ định Tạ Quang Đệ làm Tổ trưởng Tổ Mật mã, có nhiệm vụ “biên soạn một luật mật mã mới về vô tuyến điện cho quân đội ta”.Tạ Quang Đệ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được coi là “ông tổ mật mã của quân đội ta”. Công trình khoa học này, gần đây đã được nhà nước trao tặng giải thưởng Khoa học Quốc gia cho Tạ Quang Đệ cùng cộng sự.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Theo cơ quan lên Việt Bắc, Tạ Quang Đệ viết báo tường nội bộ. Bài báo của Tạ Quang Đệ đã “lọt vào mắt xanh” của đồng chí Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh. Sau đó, Tạ Quang Đệ được điều động về báo Sự thật với bút danh Quang Đạm, nổi tiếng với những bài xã luận, những bài tranh luận về pháp luật với Vũ Đình Hòe. Anh dịch tài liệu của Đảng Cộng Sản Pháp, Đảng Cộng Sản Liên Xô bằng chữ Pháp sang tiếng Việt, do một đài vô tuyến điện của ta được chính phủ Diến Điện (Miến Điện) cho đặt ở Rangun, thu rồi phát về Việt Nam. Anh còn dịch nhiều tài liệu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc ra tiếng Việt phục vụ Trung ương Đảng, Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh (như Trì cửu chiến – đánh lâu dài, Thực tiễn luận – bàn về thực tiễn). Anh là người duy nhất dịch được các chữ Hán cổ Bác Hồ viết theo lối tốc ký.

Năm 1954, về Hà Nội, Quang Đạm nhận nhiệm vụ ủy viên (thường trực) Ban Biên tập Báo Nhân Dân, là người về sau cùng của tòa soạn, sau khi báo đã xuống nhà in, cũng là người đến sớm nhất để thay mặt tòa soạn ghi nhận những ý kiến nhận xét của Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh về tờ báo mới in xong. Là đại biểu Đảng Lao động Việt Nam dự Đại hội Đảng Xã Hội Thống Nhất Đức, anh đã đọc bài tham luận có tựa đề Đổi mới là sáng tạo, chân lý là cụ thể. Anh đã tham gia phái đoàn Hoàng Quốc Việt, sang thăm Triều Tiên khi Triều Tiên  đang “kháng Mỹ”.

Trong những năm cuối thập kỷ 60 thế kỷ trước, anh bị “người ta” cho là “đã dẫn nhà chức trách lùng bắt cộng sản ở Thiệu Hóa”. Theo lời anh kể cho tôi: “Có việc ấy, những đáng lẽ dẫn người đi thẳng đến thôn, nơi có cộng sản họp, anh lại cho ô tô bóp còi, đi vòng vèo để cộng sản biết mà chạy thoát”. Người có công, mang tội, anh bị chi bộ “khai trừ, lưu Đảng” – “bằng miệng”. Sự kiện được đưa lên Liên chi ủy báo Nhân Dân, Tổng Biên tập – Hoàng Tùng – Ủy viên Trung ương, thấy không phải việc nhỏ, nên đã cử người lên xin ý kiến đồng chí Trường Chinh, thay mặt Trung ương phụ trách mảng Tuyên huấn lúc bấy giờ.

Người được cử đi về nói lại rằng: “Theo anh Năm (bí danh đồng chí Trường Chinh) quyền là ở cơ sở, phải làm đúng thủ tục tổ chức Đảng. Đề nghị các anh lên xin ý kiến anh Ba (đồng chí Lê Duẩn)”. Người đi báo cáo với anh Ba về nói: “Đồng ý với đồng chí Trường Chinh. Tùy chi bộ”.

Tin đưa về đến tòa soạn thì Đảng viên Quang Đạm đã được nghỉ công tác, nghỉ sinh hoạt Đảng một thời gian rồi. Thế là việc khai trừ, lưu Đảng coi như đã xong.

Không có công tác, tiền lương bị hạ, không được sinh hoạt Đảng… anh Quang Đạm buồn lắm và rất đau khổ. Nhưng có lẽ người đau khổ nhất là vợ anh, cô giáo Sâm, cô kể cho tôi nghe: “Gia đình anh Bửu là nơi mà cô Liên, ông Cả (anh chị ruột Bác Hồ) thường đến nghỉ ngơi, trốn tránh khi có khó khăn. Mẹ anh Bửu, Đạm là nữ sĩ Sầm Phố, đã chăm nom cô Liên, ông Cả rất chu đáo. Có lần, trên Việt Bắc, Bác Hồ gặp anh (Quang Đạm) hỏi: “Bà cụ hồi này còn làm thơ nữa không? “Chắc là họ nhầm thôi”.

Có thể nói, “làm như vậy” là không được đúng, nên sau 1975, anh có được đi họp cuộc này, cuộc nọ, “mời dự các buổi thời sự” ghi rõ trong giấy là “dành cho cán bộ cao cấp”.

Cuốn sách Nho giáo, anh viết theo gợi ý của đồng chí Trường Chinh, mấy năm mới xong không được phép xuất bản vì Nho giáo là “hủ nho”, “phong kiến”, “phản động”. Sống thanh đạm, gia đình anh vẫn tin tưởng Đảng, không một lời kêu ca, oán trách.

Năm 1989, biết tôi là đồng đội với Đặng Xuân Kỳ – con trai đồng chí Trường Chinh, anh Đạm nhờ tôi gửi “Anh Năm” (đồng chí Trường Chinh) một thư viết tay trên một mảnh giấy nhỏ vài dòng. Tôi nhờ Đặng Xuân Kỳ chuyển, Đặng Xuân Kỳ nói:

- Hôm sau, cụ tới đây, anh cứ đưa trực tiếp thư của chú Đạm.

Hôm đồng chí Trường Chinh đến nhà Đặng Xuân Kỳ ở khu Giảng Võ, Kỳ kéo tôi ra cụ Năm:

- Đây là đồng chí bạn Lục quân của con, được chú Đạm nhờ chuyển bức thư.

Đồng chí Trường Chinh mở bức thư không dán, đọc ngay rồi bảo tôi:

- Đồng chí bảo Đạm cứ yên tâm. Đại hội (Đảng) xong tôi sẽ giải quyết dứt điểm cho Đạm. Tôi là một trong hai người giới thiệu Đạm vào Đảng, tôi có trách nhiệm.

Việc chưa xong thì đồng chí Trường Chinh đã “đi theo Bác”.

Tôi hỏi Tạ Quang Ngọc, con trai anh Đạm, bấy giờ đã là Thứ trưởng Bộ Thủy sản.

-          Ai là người thứ hai giới thiệu?

-          Chú Mười Hương

Nhân chuyến đi công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh, tôi xin đến gặp đồng chí Mười Hương, xin đồng chí cho biết một số việc và trình bày sự việc của anh Đạm.

Ngồi trầm ngâm một lát, “ông trùm tình báo Việt Cộng Mười Hương” nói:

-          Sắp tới tôi ra Hà Nội, sẽ làm rõ việc này.

Một ngày khoảng năm 2000-2001 gì đó, Tạ Quang Ngọc đón tôi đến khu nghỉ Hồ Tây gặp đồng chí Mười Hương, người Đảng viên lão thành nói giọng buồn rầu:

-          Hôm trước, tôi và đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến Ban Tổ chức Trung ương Đảng, lục tìm quyết định khai trừ cậu Đạm, bằng văn bản, nhưng không có, hoàn toàn không có. Quyết định miệng, không có văn bản, thủ tục khai trừ – chi bộ – liên chi bộ họp bao giờ, bao nhiêu đảng viên dự, ý kiến ra sao, tỷ lệ đồng ý, không đồng ý là bao nhiêu, chủ tịch, thư ký là ai ký vào… tất cả đều không có. Đã không có thì làm sao phục hồi được.

Tôi và Tạ Quang Ngọc ra về.

Ít lâu sau, Tạ Quang Ngọc được bầu vào Trung ương Đảng, rồi giữ chức Bộ trưởng Bộ Thủy sản. Nhớ tới câu đồng chí Lê Đức Thọ nói với vợ một cán bộ cao cấp (B.C.T.) bị quy kết oan sai, rằng: “Đảng không thể ra văn bản sửa sai được, mà chỉ sửa bằng sự việc cụ thể thôi…”, tôi nghĩ trường hợp này của anh Đạm có thể cũng là như vậy. Tôi nhân đó cũng nói đôi lời với Tạ Quang Ngọc; Tạ Quang Ngọc nói: “Cậu mợ tôi, trước khi mất vẫn tin rằng mình không có gì sai, vẫn tin tưởng Đảng”.

Trường hợp này, khiến tôi liên tưởng đến “vụ án” Phạm Quỳnh.

Không có biên bản, tòa án, không rõ ai là chánh án, thẩm phán, thư ký tòa, có hay không có luật sư, hay là có biên bản nhưng đã “mất”, “thất lạc”… Dù ba tháng sau khi Phạm Quỳnh mất đã công bố trên báo chí, nhưng nay, nếu thấy là chưa phải, chưa đúng, cần “giải oan” cho người bị oan, cũng chẳng có cơ sở pháp lý gì để xem xét lại.

Cũng giống như các vụ “Nhân văn – Giai phẩm”, “Vụ chống Đảng” (có cả Lê Trọng Nghĩa – một trong những nhà lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội) đã được sửa sai: cho in thơ, tặng giải thưởng, cho phục hồi danh dự… nhưng chưa có (hay đã có mà công luận không biết) văn bản.

Bằng việc cho tái bản sách của Phạm Quỳnh, in sách về Phạm Quỳnh, chấp nhận “Phạm Quỳnh là nhà văn hóa lớn”, thiết nghĩ đó đã là “văn bản” trả lời vụ việc rồi. Chưa kể đến những động tác khác rất đáng hoan nghênh, “nhân nghĩa”, ân tình của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Và như vậy, “có thể” coi như vụ án Phạm Quỳnh đã khép lại. Thượng Chi ở dưới suối vàng đã “nhàn du tiên cảnh”. Con cháu Phạm Quỳnh theo lời Bác Hồ dặn, cũng đã “vững tâm đi theo cách mạng” vì “Cụ Phạm – lời Bác Hồ – là con người của lịch sử sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này” – họ đã cùng với các nhà khoa học, chính trị, lịch sử, văn hóa có thể thưa với Bác Hồ rằng: “Thưa Bác, theo lời Bác dặn, lịch sử đã đánh giá đúng Cụ Phạm, xin Bác vui lòng”.

T.T.

———————–

(*) Tên thường gọi là Tạ Quang Đệ. Khi lên Việt Bắc những năm kháng chiến chống Pháp, Tạ Quang Đệ công tác ở báo Sự Thật với đồng chí Trường Chinh. Một lần bài đưa đến nhà in, bị mưa xóa nhòa tên tác giả, biết là bài của anh Đệ, là em anh Tạ Quang Bửu, tòa soạn đặt luôn tên tác giả là Quang Đạm. Đạm là chữ có từ cách “nói lái” các chữ Lam (tên con gái), Ngọc (tên con trai) và Đệ (tên bố). Từ Lam Ngọc Đệ thành Lê Ngọc Đạm.

No comments:

Post a Comment