Sunday 23 February 2014

Lịch sử vẻ vang của Tiểu đoàn 307 (kỳ 11) (Lê Thị Hiếu Dân - Cà Mau)

Lịch sử vẻ vang của Tiểu đoàn 307 (kỳ 11) 
Cập nhật ngày: 06/01/2011
Trong hàng ngũ cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 307 có một cựu chiến sĩ Hồng quân Liên Xô, quê ở Kiev. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, trận Khar-cốp của cuộc vệ quốc, Platôn bị bắt làm tù binh. Phát xít Đức giam cầm, đọa đày anh hết trại tù binh này đến trại tù binh khác. 
Cuối cùng, trước giờ thua trận, phát xít Đức ngấm ngầm chuyển tù binh sang cho Anh. Cùng phường xâm lược với nhau, Anh giao số tù binh này cho Pháp để bổ sung vào đội quân Lê Dương xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Thế là thay vì được trở về quê hương Xô Viết, Platôn cay đắng bị đẩy xuống tàu sang Đông Dương.
Đường về Tổ quốc của Platôn bị đẩy lệch đi đến nửa vòng trái đất, nhưng dòng máu Hồng quân và trái tim Xô Viết không loạn nhịp. Khi nghe tiếng súng kháng Pháp của nhân dân Việt Nam, anh đã hiểu ý nghĩa cuộc đấu tranh chống áp bức của kẻ thù xâm lược, đó chính là cuộc kháng chiến chính nghĩa. 
Thế là Platôn vượt dòng sông Cái Cối đến vùng kháng chiến. Platôn tham gia Ban công tác số 1 thị xã Bến Tre với cái tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thành. Platôn thường cùng với anh em đột nhập vào thị xã hoạt động, cải trang thành sĩ quan Pháp thành lính Partisan, vào đồn giả bộ kiểm tra, tước vũ khí, bắt trói lính, chiếm lấy đồn mà bọn địch không ngờ được.
 
 Platôn Nguyễn Văn Thành (hàng đứng, thứ ba từ phải sang) với anh em đại đội trợ chiến Tiểu đoàn 307.                                                                                                                      Ảnh tư liệu
Với nguyện vọng của Platôn, anh được Bộ Tư lệnh Khu 8 đưa vào Trung đoàn Cửu Long, sau đó về Tiểu đoàn 307. Từ Tiểu đội phó anh được đề bạt Tiểu đội trưởng rồi Trung đội phó, Đại đội trợ chiến của Tiểu đoàn 307. Platôn tham gia chiến đấu trong hầu hết các trận đánh của tiểu đoàn.
Bước chân anh cùng đơn vị hành quân băng đồng vượt suối khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ Đồng Tháp Mười đến Mũi Cà Mau. Platôn sử dụng súng lớn 12 ly 7, cối 60. Trong trận Long Sơn - chiến dịch Trà Vinh, anh dùng súng 30 ly do binh công xưởng tự tạo, bắn sập đồn Long Sơn. Trong trận đánh đồn Bảy Ngàn, khẩu 12 ly 7 của anh đối lửa với khẩu Lewis của địch, kiềm chế hỏa lực địch trên lồng cu và buộc tên Remy phải bỏ khẩu Lewis xuống đầu hàng.
Chiến tích ưu tú của Platôn trong Tiểu đoàn 307 đã đưa anh đứng vào hàng ngũ Đảng Lao động Việt Nam. Nhưng do tình hình chiến sự ác liệt nên lễ kết nạp anh rất đơn sơ. Phải chờ đến khi tập kết ra Bắc, Trung ương mới chính thức làm lễ kết nạp anh lần thứ hai tại Thủ đô Hà Nội.
Những năm tháng sống với Tiểu đoàn 307, Platôn đã hòa đồng với anh em trong đơn vị, cùng anh em đi cắm câu, thả lưới, giậm cù bắt chuột, cũng mắm muối tương chao, áo cổ vuông, quần đùi hàm ếch, cũng hút thuốc tàn ở lỗ chân trâu trong đêm hành quân bí mật. 
Bà con vùng Cái Cối đã vun vén cho cuộc hôn nhân của Platôn với chị Nguyễn Thị Mai, một hoa khôi của xã. Ngôi nhà nhỏ lợp bằng lá dừa nước đã ấp ủ hạnh phúc của vợ chồng anh và kết quả là cháu Janine ra đời. Bế con được mấy ngày, Platôn phải theo đơn vị hành quân.
Mãi đến ngày đình chiến, bà ngoại cháu mới bế Janine xuống tàu đưa cho cha cháu cùng đi tập kết ra Bắc. Ra Hà Nội, Janine (còn có tên Việt là Hồng Minh) được cùng với các cháu thiếu nhi Liên Xô con của cán bộ ở đại sứ quán vào Bắc Bộ phủ thăm Bác Hồ. Bác Hồ cho kẹo và hỏi thăm cháu bằng tiếng Nga, Janine không hiểu, cô bảo mẫu thưa chuyện của Platôn cho Bác nghe, Bác Hồ vô cùng xúc động khi biết có một người Nga chiến đấu trong hàng ngũ Việt Nam ở chiến trường Nam Bộ.
Mười bốn năm kể từ trại tập trung và quân đội Lê Dương bỏ sang hàng ngũ Việt Nam, Platôn đã trở về quê hương bằng con đường vòng thông minh. Sống và làm việc ở Maxcơva, Platôn vẫn tha thiết nhớ về Việt Nam và Tiểu đoàn 307 mà anh đã nhiều năm gắn bó để chiến đấu cho chính nghĩa. Platôn đã nuôi con gái bằng tấm lòng Việt Nam với cái tên Hồng Minh trìu mến.
Năm 1987, sau 33 năm rời Việt Nam, Hồng Minh trở về quê ngoại thì em được biết bà ngoại và mẹ đều qua đời. Trong niềm đau xót, Hồng Minh được bù lại bằng tình thương mến của các bác, các chú ở Tiểu đoàn 307, nơi Platôn đã sinh ra em. Họa sĩ Diệp Minh Châu đã vẽ tặng Hồng Minh bức tranh cha Platôn Nguyễn Văn Thành đang bế em lúc em 5 tuổi. Janine - Hồng Minh đã làm cuộc hành trình về thăm Bến Tre quê ngoại.
Lịch sử bài hát Tiểu đoàn 307
Ai đã từng đi qua sông Cửu Long giang
Cửu Long giang sóng trào nước xoáy
Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn
Tiếng Tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy...
Đó là một đoạn trong bài hát Tiểu đoàn 307, một bài hát mà trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhân dân Nam Bộ đã đặt ra để ca ngợi bộ đội cách mạng của mình. Trải qua cuộc kháng chiến lâu dài, chống Pháp, chống Mỹ dẫn đến thắng lợi lịch sử vẻ vang, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bài hát Tiểu đoàn 307 vẫn còn vang vọng mãi trong lòng người Việt Nam yêu nước. Bộ đội hát, nhân dân hát... và mỗi khi hát lên, âm vang sôi nổi giục giã lòng người. Có lẽ nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương là người hát bài Tiểu đoàn 307 thành công nhất.
Tiểu đoàn 307 được thành lập năm 1948. Bài hát ra đời sau đó một năm. Trong đó, với hai chiến công vang dội ở Mộc Hóa, tỉnh Tân An và La Bang, tỉnh Trà Vinh, mỗi trận diệt một tiểu đoàn địch, đã làm quân thù khiếp đảm, nhân dân cảm phục. 
Nhà thơ Nguyễn Bính lúc đó công tác ở vùng tiểu đoàn hoạt động, dựa vào những ý tưởng lưu truyền trong nhân dân mà viết thành thơ, sau đó nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc thành bài "Tiểu đoàn 307". Năm 1952 bài hát đã được giải thưởng âm nhạc, văn nghệ Cửu Long.
Bài hát ra đời, tiểu đoàn không hay biết nhưng khi đồng chí cán bộ chính trị ghi được đem về, bài hát lập tức được phổ biến trong đơn vị và lan ra khắp vùng đóng quân. Lúc đó tiểu đoàn đóng trên bờ sông Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa. 
Lời ca hùng tráng từ đó vang lên khắp xóm làng. Khi đơn vị sinh hoạt tập trung, khi bộ đội chung vui với dân, khi tiểu đoàn xuất quân chiến đấu hay khi chiến thắng trở về thì âm thanh sôi nổi hào hùng ấy lại vang lên, tràn ngập trên mặt sông, vườn cây, ruộng lúa.
Tiểu đoàn 307 rất được nhân dân thương yêu đùm bọc. Hình ảnh các chiến sĩ tiểu đoàn qua thực tế và bài hát đã in sâu vào tâm thức của nhân dân qua bao thế hệ. Nhớ chiến sĩ tiểu đoàn bà con hát bài 307, nghe bài hát 307 bà con lại nhớ tiểu đoàn.
Do bài hát được viết bằng máu của chiến sĩ và tình thương yêu của nhân dân đối với tiểu đoàn nên bài hát càng ngày càng có sức cổ vũ mạnh mẽ cho tinh thần chiến đấu chẳng những cho Tiểu đoàn 307 mà còn cho chiến sĩ giải phóng nói chung./.
Lê Thị Hiếu Dân

No comments:

Post a Comment