Saturday 1 February 2014

Mùa thu Cách mạng trong ký ức “người lính già đầu bạc” (Vũ Minh)


Kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9:
(GD&TĐ) - Vào những ngày thu tháng Tám năm 1945, họ là những thanh niên nhiệt huyết tích cực tham gia vào các hoạt động cách mạng ở Hà Nội, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Giờ đây, sau hơn 60 năm, những “người lính già đầu bạc” ấy vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử mà họ là những nhân chứng sống.
Ngày 19.8.1945, hơn 10 vạn quần chúng thủ đô Hà Nội đã tham gia mít tinh mở đầu cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh: T.L
Ngày 19.8.1945, hơn 10 vạn quần chúng thủ đô Hà Nội đã tham gia mít tinh mở đầu cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh: T.L
Trong câu chuyện của các cựu chiến binh - những cán bộ tiền khởi nghĩa, dù mỗi người không cùng thành phần xuất thân, không cùng hoàn cảnh, địa vị… nhưng thấy rất rõ ở họ một tinh thần sục sôi cách mạng, một ý chí quyết tâm thoát khỏi ách áp bức “một cổ hai tròng”, để sau đó họ trở thành những “ngòi nổ” mạnh mẽ trong các cuộc kháng chiến... 
Trung tướng Nguyễn Ân - nguyên Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Lục quân I (nay là Đại học Trần Quốc Tuấn):
Trung tướng Nguyễn Ân
Trung tướng Nguyễn Ân
Tôi xuất thân trong một gia đình nông dân ở xã Bố Hạ, bên bờ sông Thương thuộc huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Từ năm 1942 trở đi, quê tôi đã có phong trào Mặt trận Việt Minh phát triển đến huyện. Lúc đó tôi được nghe nói Mặt trận Việt Minh làm cách mạng đánh đuổi giặc Pháp và giặc Nhật, phá kho thóc cấp cho dân nghèo. Nghe thấy thế, lớp thanh niên quê tôi rất thích, chúng tôi thường bàn tán với nhau là làm thế nào để được đi theo Việt Minh…
Khi ấy, ở xã tôi giặc Pháp lập một đồn khoảng chừng 40-50 tên lính khố xanh. Người dân rất căm phẫn bọn lính ở đồn binh này vì ban ngày chúng thường xuống quấy nhiễu nhân dân, tối đến thì tới chòng ghẹo phụ nữ…
Hằng ngày, thanh niên chúng tôi được chứng kiến những cảnh bất bình ấy nên họp nhau lại, xác định phải tự tổ chức thành nhiều bộ phận và có tổ liên lạc với Việt Minh. Vào tháng 3-1945, khi Nhật hất cẳng Pháp, tinh thần cách mạng của phong trào thanh niên, học sinh quê tôi lên rất cao.
Ngày 18-4-1945, lực lượng tự vệ chiến đấu xã Bố Hạ có 40 tay súng do tôi phụ trách đã phối hợp cùng Trung đội Cứu quốc quân do đồng chí Cát Lượng chỉ huy bao vây đồn Bố Hạ. Khi lực lượng ta bao vây, gọi loa, địch hoảng sợ cử người ra nói với chúng tôi xin đầu hàng. Trận này ta thu được hơn 20 súng trường và 2 súng máy.
Tiếp đó, ngày 15-7-1945, chúng tôi nhận được tin tên Tri huyện cùng bọn Thừa phái lục sự và 7 tên lính từ huyện lị đi xuống xã tôi để đốc thuế, chúng tôi đã cho lực lượng tự vệ chiến đấu ra mai phục ở Dốc Đanh, cách huyện lị 2km, chờ địch lọt vào trận địa phục kích, lực lượng tự vệ đã xông ra bắn chết 4 tên lính và bắn bị thương tên Tri huyện Tường Văn Trang, số còn lại xin đầu hàng.
Việc trừng trị tên tri huyện Yên Thế đã làm nức lòng nhân dân, làm cho hàng ngũ tổng lý và quan lại trong tỉnh hoang mang dao động. Chớp thời cơ, đêm 16 rạng 17-7, toàn bộ quân ta đã tràn vào huyện lị, nhanh chóng chiếm kho vũ khí. Chỉ chưa đầy 30 phút, chúng tôi đã làm chủ huyện lị, thu toàn bộ vũ khí và giấy tờ quan trọng, toàn bộ số lính bị bắt sống đã tự nguyện xung phong gia nhập đội ngũ cách mạng.
Sau khi toàn bộ 5 phủ, huyện cũng như toàn vùng nông thôn, miền núi của tỉnh Bắc Giang được giải phóng, ngày 18-8-1945, quần chúng nhân dân đã tranh thủ thời cơ giành chính quyền cách mạng ở thị xã Bắc Giang. Ngày hôm sau, khi toàn quốc khởi nghĩa, tôi đã được chứng kiến hình ảnh nhân dân rầm rập kéo về thị xã Bắc Giang, đâu đâu cũng rợp cờ đỏ sao vàng và những tiếng hô vang: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm”… 
Đại tá Lê Trọng Nghĩa - nguyên Cục trưởng Cục Quân báo, nguyên Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám:  
Đại tá Lê Trọng Nghĩa.
Đại tá Lê Trọng Nghĩa.
Cuối tháng 5-1945, đồng chí Lê Đức Thọ giới thiệu tôi với anh Nguyễn Khang khi anh Khang đang là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp phụ trách Hà Nội. Gặp anh Khang lần đầu tiên, tôi có cảm nhận anh là một cán bộ lãnh đạo trẻ, hiền lành và dễ gần. Nhưng sau này, qua các biến cố, tôi đã có những ấn tượng sâu sắc về anh, người đã để lại những dấu ấn đậm nét trong việc đánh sập chính quyền tay sai và tạo dựng chính quyền nhân dân ở Hà Nội.
Ngày 15-8-1945, tại một cơ sở của Xứ ủy ở làng Vạn Phúc (Hà Đông), khi nghe tin phát xít Nhật đầu hàng đồng minh không điều kiện, Nguyễn Khang và các đồng chí Xứ ủy đã họp bàn và quyết định xúc tiến khởi nghĩa ở các tỉnh do Xứ ủy phụ trách.
Sau khi mang nghị quyết khởi nghĩa ra Hà Nội và được chứng kiến sức mạnh của quần chúng tại cuộc mít tinh nóng bỏng của Việt Minh ở Nhà hát Lớn thành phố, ngay chiều 17-8-1945, Nguyễn Khang đã trở về An toàn khu (ATK) Hà Đông trao đổi với Trần Tử Bình (khi đó đang trực Xứ uỷ) quyết định cho Hà Nội phát động khởi nghĩa.
Trong điều kiện phương tiện giao thông khó khăn, lệnh khởi nghĩa không thể truyền nhanh tới các địa phương, nhưng căn cứ vào bản Chỉ thị của Trung ương: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Nguyễn Khang đã quyết định cho Hà Nội đứng lên khởi nghĩa, quyết định ấy có thể coi như một sự sáng tạo, một cách chớp thời cơ để “vùng lên” giành chính quyền ngay từ khi mệnh lệnh chưa đến. Việc chớp thời cơ này còn “táo bạo” ở chỗ ta chỉ dựa vào sức mạnh của chính nhân dân Thủ đô với các tổ tự vệ chiến đấu mà chưa có sự hỗ trợ của đội quân giải phóng từ Trung ương và các chiến khu.
Sáng 17-8, Nguyễn Khang chỉ ra lệnh cho thanh niên xung phong phá cuộc mít-tinh của giới công chức do Chính phủ bù nhìn tổ chức, bởi khi đó anh còn ngại lực lượng của ta chưa thực sự sẵn sàng. Nhưng đến ngay chiều hôm đó, trước mắt tôi đã là một Nguyễn Khang khác hẳn. Về ATK báo cáo Xứ uỷ, anh đặt vấn đề: Tất cả đã chín muồi, phải khởi nghĩa ngay!
Ngày khởi nghĩa ở Hà Nội được Xứ ủy và thành ủy Hà Nội ấn định vào 19-8-1945. Sáng 19-8, khi quần chúng khởi nghĩa vào chiếm Trại Bảo an binh, quân đội Nhật đã trực tiếp can thiệp, đưa xe tăng cùng binh lính bao vây quanh Trại, đòi tước vũ khí. Vấn đề đặt ra lúc này là: đánh hay không đánh? Nguyễn Khang cùng Trần Tử Bình, Trần Đình Long lập tức giao cho tôi lấy xe ô tô trong Phủ, cắm cờ đỏ sao vàng, đàng hoàng đến gặp viên chỉ huy Nhật ở trước rạp Majestic (đối diện Trại, nay là rạp Tháng Tám), điều đình thương lượng. Cuộc điều đình diễn ra khá gay go nhưng cuối cùng viên chỉ huy Nhật đã chấp thuận rút quân.
Ta đã giải toả một cách êm thấm và tránh được cuộc đối đầu với quân đội chiếm đóng Nhật ngay khi họ bắt đầu ra quân. Trong ngày 19-8, ta đã kết thúc nhanh chóng việc chiếm các cơ quan đầu não chính trị, quân sự của chính quyền bù nhìn ở Thủ đô.
Tối 19-8, Nguyễn Khang quyết định giao cho tôi và anh Trần Đình Long với tinh thần thừa thắng xông lên phải chủ động tìm gặp Tổng tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật để nói cho họ biết rằng ta không đụng đến người Nhật và yêu cầu họ không can thiệp vào công việc của Việt Minh. Cuộc gặp đó đã diễn ra hết sức căng thẳng tại Tổng hành dinh quân đội Nhật (nay là số 33 Phạm Ngũ Lão), cuối cùng quân Nhật đã xác định thái độ không can thiệp vào công việc nội bộ của ta.
Ngay tối 19-8, tại Bắc Bộ Phủ, Uỷ ban quân sự cách mạng đã tổ chức cuộc họp nhằm chuẩn bị cho buổi ra mắt Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc bộ và Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội để giữ chính quyền non trẻ. Cuộc họp cũng quyết định cử cán bộ cấp tốc lên Khu Giải phóng báo tin mừng thắng lợi, mời các đồng chí Trung ương Đảng sớm về Hà Nội để tiếp tục lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước... 
Đại tá Phạm Xuân Phương - nguyên cán bộ Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị:
Đại tá Phạm Xuân Phương
Đại tá Phạm Xuân Phương
Tôi là người được sinh ra trong một gia đình viên chức có nghề thợ nhuộm ở phố Hàng Đào (Hà Nội). Khi Nhật đảo chính Pháp, tôi đang học trường Bưởi (Hà Nội). Ngày ấy, lứa chúng tôi hiểu rất rõ điều gì đã thôi thúc các cô, cậu học trò sớm trở thành những chiến sĩ Việt Minh, đó là vì dân ta chết đói quá nhiều, vì dân ta đang phải chịu ách áp bức “một cổ hai tròng” của Pháp, Nhật…
Cảnh tượng ấy đã thôi thúc chúng tôi đi theo cách mạng và nhiều người đã trở thành những “ngòi nổ” mạnh mẽ trong các cuộc kháng chiến. Hồi đó, tổ chức Thanh niên cứu quốc Hà Nội có chủ trương lựa chọn một số thanh niên có tinh thần hăng hái lên Chiến khu hoạt động, tôi nằm trong số hai chục thanh niên được chọn và là người ít tuổi nhất trong số 4 học sinh Hà Nội được biên chế vào trung đội Giải phóng quân.
Ấn tượng khó quên trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đối với tôi là được trực tiếp tham gia vào các cuộc khởi nghĩa ở huyện lị Lập Thạch và thị trấn Liễn Sơn (Vĩnh Phúc). Khi lệnh Tổng khởi nghĩa nổ ra, hàng ngàn quần chúng Lập Thạch với cờ đỏ sao vàng và vũ khí trong tay đã ào ạt xông lên tước súng của binh lính, tịch thu dấu, triện của các lý dịch, lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng ở các xã, thị trấn.
Sau đó, Đại đội của tôi do anh Kim Ngọc làm Chính trị viên được điều động lên tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở thị xã Vĩnh Yên. Tình hình Vĩnh Yên lúc bấy giờ khá phức tạp, lực lượng của Quốc dân Đảng do tên chủ đồn điền Đỗ Đình Đạo cầm đầu đã tổ chức cướp chính quyền trước Việt Minh. Khi đó lực lượng quần chúng phải lui về để tổ chức các trận đánh, song hỏa lực của Quốc dân đảng khá mạnh. Lúc này, Chính trị viên Kim Ngọc giao nhiệm vụ cho tôi dẫn anh về Hà Nội xin Trung ương tăng cường lực lượng vì anh biết tôi thạo đường phố thủ đô. Tôi và anh Kim Ngọc đi bộ hai ngày thì về tới Hà Nội, khi đó Hà Nội đã giành được chính quyền được ít ngày. Ngay sau đó, Trung ương đã cử lực lượng giải phóng quân của Hà Nội ở Hương Canh lên và lấy lại thị xã Vĩnh Yên từ tay Quốc dân đảng…
Những ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã giúp tôi từ một cậu học trò trường Bưởi trở thành một chiến sỹ Việt Minh, và khí thế sục sôi của cách mạng tháng Tám cũng đã giúp tôi thêm rắn rỏi khi vừa tròn 16 tuổi…
Bài, ảnh: Bùi Vũ Minh

No comments:

Post a Comment