Friday 28 March 2014

Mấy mươi năm thầm lặng một anh hùng (Ngô Thanh Hằng - Văn Nghệ Công An)


Mấy mươi năm thầm lặng một anh hùng
7:44, 02/08/2005

Ông Phan Văn Điện.
Ngày 22/2/1957, tại lễ khai mạc Hội chợ kinh tế cao nguyên ở Buôn Ma Thuột, Ngô Đình Diệm chưa kịp ngồi yên chỗ trên khán đài để khai cuộc, thì một viên đạn đã nhắm vào ông ta. Người bắn viên đạn đó là một chiến sĩ công an: ông Phan Văn Điện.

Tôi biết ông Điện (tức Hà Minh Trí, Phạm Công Phú, Triệu Thiên Thương - thường gọi là Mười Thương) trước khi ông có mặt trong cuộc giao lưu “Gương công an sáng trong lòng dân” tại Hà Nội tháng 5/2005. Vóc dáng hiền lành của ông không gợi liên tưởng nào tới những chiến tích anh hùng. Ấn tượng về ông chỉ là sự chậm rãi đến cẩn trọng, nối chiếc chân giả bằng những miếng vải đệm cho đỡ đau khi bước, trước khi nói chuyện với tôi.
Sau này, tôi mới biết, chiếc chân giả của ông đã được An ninh miền Nam đề nghị Bộ Công an làm từ miền Bắc gửi vào, khi ông trúng bom trên đường công tác năm 1967. Vậy mà… trong cuộc đời cách mạng, Mười Thương đã hai lần được giao nhiệm vụ đặc biệt và cả hai lần đều bị giặc bắt giam, tra tấn dã man, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung với Đảng.
Năm 1948, mới 13 tuổi, ông đã là nhân viên Ban Quân báo Bà Rịa. Trong lần làm liên lạc đặc biệt, ông đã bị sa vào tay giặc. Mưu trí và dũng cảm, ông đã thoát hiểm và được bố trí làm “em nuôi” trong một gia đình sĩ quan cao cấp Cao Đài, để thu thập tin tức về các mối quan hệ giữa Cao Đài với Pháp và ngụy quyền. Vỏ bọc này đã giúp ích cho ông rất nhiều về sau, không chỉ đưa ông ra khỏi nhà tù Mỹ - ngụy mà còn được đồng chí Nguyễn Tài (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) đánh giá là “Bộ từ điển về địch tình tôn giáo, đảng phái phản động ở miền Nam”.
Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất.

Năm 1955, Mười Thương cùng một số đồng chí bố trí kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm tại nhà thờ Đức Bà, nhưng đêm đó, Diệm không đến. Không từ bỏ mục tiêu, tháng 2/1957, Đội trưởng Đội diệt ác Mười Thương lại được đồng chí Năm Xếp, Trưởng ban Địch tình Tỉnh ủy Tây Ninh giao nhiệm vụ lập kế hoạch tiêu diệt Ngô Đình Diệm khi hắn lên Buôn Ma Thuột khai mạc Hội chợ kinh tế cao nguyên. Ai cũng hiểu, việc hy sinh hoặc bị bắt khi nổ súng là rất lớn và hầu như không có khả năng chạy thoát, nhưng Mười Thương đã xung phong. Và rồi, chọn vị trí cách Ngô Đình Diệm chỉ 20 mét, ông rút súng nhắm vào Tổng thống Ngụy, nhưng tiếc thay, viên đạn đi chệch.
Mười Thương bị địch bắt giữ và tra tấn rất dã man ngay tại chỗ. Nhưng dù bị giam cầm với đủ mọi đòn roi hiểm ác, tàn bạo nhất, kẻ địch vẫn bất lực. Trước sau, người tù ấy chỉ một lời khai là do tướng Mai Hữu Xuân (phụ trách An ninh quân đội ngụy) và Cao Đài liên minh trao lệnh… Lời khai này khiến Ngô Đình Nhu có mặt giám sát khi đó lập tức ra lệnh phải “tuyệt mật”.
Lời khai của Mười Thương đã gây chia rẽ sâu sắc trong chính quyền ngụy; đồng thời, bảo vệ được các cơ sở cách mạng của ta. Bọn địch thất kinh trước các lời khai của ông, đến nỗi phải thành lập ngay “Hội đồng thẩm vấn của Chính phủ” để điều tra. Mười Thương bị biệt giam và phải nếm đủ mọi ngón đòn tra tấn của kẻ thù: liên tục nhiều ngày liền ông bị đánh bằng dùi cui, tầm vông, đổ nước trộn ớt bột, xà bông cho chết ngộp, bị ghim đinh vào các đầu ngón tay và bắt đứng dưới 2 bóng đèn 500W nóng cháy da mặt… hòng làm lung lay tinh thần mà khai ra đồng đội. Bọn địch liên tục thay nhau hàng tiếng, mỗi ca 5 tên, hành hạ ông cả thể xác lẫn tinh thần suốt ngày đêm...
Cùng bị giam với ông còn có các đồng chí Phạm Văn Thịnh (tức Nguyễn Đức Thuận - người đã viết cuốn hồi ký nổi tiếng “Bất khuất”), Hoàng Duy Khương (Xứ ủy Nam Bộ), Hoàng Tam Kỳ (Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Định), Lê Minh Quới (thư ký của đồng chí Lê Duẩn), Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Một…
Có những lúc bị tra tấn dã man đến mức, cái chết đã lởn vởn trong đầu ông, nhưng tấm gương kiên trung của những con người “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã tiếp thêm sức mạnh cho ông trong cuộc tranh đấu với kẻ thù. Không khuất phục được Mười Thương, kẻ thù đã kết án tử hình rồi đày ông ra Côn Đảo cùng 41 đồng chí khác. Giữa lao tù, ông tiếp tục móc nối với đồng đội để đấu tranh với địch, duy trì phong trào cách mạng.
Năm 1965, sau khi Diệm bị lật đổ, đồng chí Trần Quốc Hương, phụ trách tình báo Trung ương hướng dẫn ông cách làm đơn đề nghị nhóm đảo chính trả tự do với lý do là người của Cao Đài diệt Diệm; đồng thời vận động báo chí Sài Gòn viết bài đòi trả tự do cho ông. Tháng ba năm đó, Mười Thương đã được ra tù và đưa ra căn cứ kháng chiến.
Thường vụ Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã đánh giá cao đóng góp của Mười Thương: viên đạn trên cao nguyên đã gây hoang mang cho bọn Diệm - Nhu, những lời khai của ông còn góp phần ly gián kẻ thù, đồng thời bảo vệ vững chắc màng lưới cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch. Sau đó, ông được bố trí công tác tại Ban An ninh khu Sài Gòn - Gia Định do các đồng chí Cao Đăng Chiếm và Nguyễn Tài phụ trách.
Tiếp tục công việc còn dang dở từ gần mười năm trước, Mười Thương báo cáo chi tiết lý lịch, tình hình nợ máu của các tên ác ôn đầu sỏ và đề xuất tiêu diệt tên Nguyễn Chữ (Giám đốc Nha Công an Trung phần đã tiếp tay cho Diệm trả thù những người cách mạng và gây ra vụ thảm sát Duy Xuyên, Chợ Được, Hương Điền (Khu V) và tên Nguyễn Văn Thành (cựu Trung tướng quân đội Cao Đài, phần tử chống phá cách mạng). Sau đó, hai tên này đều bị lực lượng biệt động tiêu diệt.
Cho đến khi đất nước thống nhất, với nhiệm vụ nghiên cứu công tác địch tình ở Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Mười Thương đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc theo dõi diễn biến phân hóa xu hướng chính trị các tôn giáo, đảng phái để đề xuất đối sách thích hợp, phục vụ kháng chiến. Với cương vị là Thường vụ Thường trực Đảng ủy Công an tỉnh Tây Ninh, Phó ban Nội chính, Phó ban Dân vận, rồi Trưởng ban Tôn giáo Tây Ninh, ông đã có cơ hội cống hiến cho đất nước những hiểu biết về tôn giáo, mà ông đã tích lũy suốt mấy mươi năm thành kinh nghiệm quý báu, để ổn định tình hình chung, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên quê hương.
Ngay khi ra tù (năm 1965), Mười Thương đã được một nữ phóng viên Báo Quân giải phóng “thương”. Và rồi, năm 1967, đám cưới của hai người đã được tổ chức giản dị giữa căn cứ, với sự chứng kiến của những đồng chí, đồng đội. Hai năm sau, vợ ông được chuyển sang ngành công an, hoạt động tại tờ báo An ninh miền Nam. Đất nước thống nhất, bà tiếp tục công tác tại Công an Tây Ninh, với cấp bậc Thượng tá, Trưởng phòng Công tác chính trị, phụ trách tờ tin nội bộ. Họ có 5 người con đều đã trưởng thành.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một chiến sĩ công an, năm 1998, Mười Thương được nghỉ hưu. Ông cùng người vợ thảo hiền trở về với cuộc sống bình dị ở mảnh đất Tây Ninh mà ông đã trọn đời cống hiến. Với giọng dễ thương, bà dịu dàng kể: “Cuộc sống của chúng tôi cũng tạm ổn. Ngày ngày, ngoài chăm sóc cháu nội, chúng tôi còn cùng nhau lên rẫy, chăm sóc rừng cây và nuôi vài con heo làm vui tuổi già”.
Bà tuyệt đối không phàn nàn về những vất vả đã và đang phải trải qua, dù rằng ông là thương binh 2/4, lại thêm hậu quả từ những trận tra tấn của kẻ thù trong những năm tù đầy nên sức khỏe rất yếu. Mỗi khi trái nắng trở trời, bệnh tật lại hành hạ ông. Khi ấy, bàn tay bà, tình yêu thương của bà lại nâng đỡ ông, cùng ông vượt qua đau đớn, như ngày xưa, bao đồng chí của ông đã tiếp cho ông nghị lực và niềm tin, để bước qua cái chết, trở về một cách vẻ vang!
Hơn 30 năm sau ngày toàn thắng, người cán bộ trinh sát an ninh vũ trang vẫn sống khiêm nhường như thế. Khi viết những dòng cuối này, chúng tôi đã nhận được tin vui: Đảng và Nhà nước đang làm thủ tục để phong danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho người chiến sĩ công an Phan Văn Điện

  Ngô Thanh Hằng

No comments:

Post a Comment