Thursday 27 March 2014

Người Anh hùng sau “viên đạn nóng” trên cao nguyên (Trúc Lâm - Thanh Tra)



Người Anh hùng sau “viên đạn nóng” trên cao nguyên
Cập nhật: 29/01/2012 00:54
(Thanh tra) - Sau “viên đạn nóng” trên Cao nguyên ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm, là những lời khai ly gián, dẫn đến cuộc đảo chính giết chết anh em Diệm - Nhu. Nhắc đến chiến tích này, không ai có thể quên Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Văn Điền - người anh Mười Thương của những chiến sĩ tử tù và Lịch sử tình báo cách mạng Việt Nam…
  • Người Anh hùng sau “viên đạn nóng” trên cao nguyên
Anh hùng LLVT Phan Văn Điền với những tư liệu hoạt động cách mạng
Thành người cách mạng
Mười Thương tên thật là Phan Văn Điền, sinh ngày 18/8/1935 tại xã Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An. Thân sinh ra ông là cụ Phan Văn Đồng, từng bị bắt đi lính cho Pháp nhưng sau làm binh biến và hy sinh trong Cuộc khởi nghĩa Đô Lương. 

Năm 10 tuổi, một lần lính Nhật ở Diễn Châu rủ Mười Thương đi chơi Vinh, nhưng lại đẩy ông lên xe chạy thẳng vô Sài Gòn. Trong thời gian ở với quân Nhật, chúng thường sai Mười Thương đi mua thức ăn, nhờ vậy ông quen và được ông Đinh Văn Châm người Thái Bình nhận làm con nuôi với tên mới Đinh Văn Lộc. 

Khoảng tháng 10/1946, ông Châu Văn Viễn người của cơ sở cách mạng nói với Mười Thương: “Mày có muốn đánh Tây thì mai khi chuông Nhà thờ Vũng Tàu đổ, anh dẫn đi kháng chiến”. Hai năm sau, thấy Mười Thương thông minh và gan dạ, Ban Quân báo tỉnh đội Bà Rịa cho đi học lớp Thiếu sinh quân, rồi trở về làm cận vệ cho Chính ủy Trung đoàn 307 thuộc Quân khu Miền Đông. 

Khi quân đội giáo phái Cao Đài thân Pháp từ Tây Ninh về  đóng quân ở Bà Rịa, Mười Thương được phái trở lại làm “liên lạc đặc biệt” giữa Thiếu úy Phạm Ngọc Chẩn, Trưởng đồn Bờ Đập với Ban chỉ huy Quân báo Tỉnh đội. Nhưng khi đó Phó đồn Bờ Đập là Chuẩn úy Danh, nghi Thiếu úy Chẩn là người của Việt Minh nên báo cho chỉ huy Pháp, và Bộ tư lệnh Cao Đài rút Thiếu úy Chẩn về Tây Ninh. Mười Thương cũng được tổ chức bố trí theo Thiếu úy Chẩn về Tây Ninh, nhưng khi vừa đến nơi, cả hai đã bị quân Cao Đài bắt giữ. Thiếu úy Chẩn là em ruột Tư lệnh Cao Đài miền Tây, Trung tá Phạm Ngọc Trấn, cũng là thầy của Tư lệnh Cao Đài miền Đông Trịnh Minh Thế, nên Trịnh Minh Thế ra lệnh thả Thiếu úy Chẩn và Mười Thương. 

Biết Trung tá Trấn là người của Giáo chủ Cao Đài Phạm Công Tắc, được điều sang giữ chức Chỉ huy trưởng Lực lượng Cơ thánh bảo vệ Trung ương Cao Đài, Mười Thương đổi tên thành Phạm Công Phú như một hàm ý bà con của Giáo chủ, và được Trung tá Trấn đưa về nhà ở, rồi cho đi học. Hàng ngày, luôn bên cạnh hầu trà Trung tá Trấn trong các buổi tiếp Sĩ quan Pháp, quan chức ngụy quyền, và chức sắc giáo phái, Mười Thương nghe và nắm hết âm mưu của địch. 

Đầu năm 1949, lấy cớ xin về Vũng Tàu “tìm người nhà”, Mười Thương theo Đội trưởng Công an xung phong Tây Ninh ra chiến khu học tập lớp cách mạng. Do đã tạo được mối quan hệ với gia đình ông Trấn và Giáo chủ Phạm Công Tắc, nên sau lớp học tập, Mười Thương được Công an Châu Thành phái trở lại Cao Đài tiếp tục hoạt động.
  
Thoát họa nhờ con gái Tỉnh trưởng
Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève năm 1954 được ký kết, trong lúc chờ Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, thì Đế quốc Mỹ trở mặt, dựng nên Chính phủ tay sai Ngô Đình Diệm, với ý đồ biến miền Nam thành căn cứ quân sự, tấn công miền Bắc hòng chiếm nước ta. Nắm được âm mưu này, Đảng đã chủ trương một bộ phận cán bộ trung kiên ở lại miền Nam bám đất, bám dân, lãnh đạo quần chúng đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định. Là Ủy viên Ban địch tình, Mười Thương được người của cơ sở đưa vào làm Phó ty Thông tin tỉnh Tây Ninh, ở trong gia đình cách mạng Sáu Lan, tiếp tục bám Cao Đài cùng ngụy quyền Sài Gòn và các đảng phái. 

Được một thời gian, Mười Thương tình cờ gặp Nguyễn Văn Đèo, vốn cùng hoạt động trước đây đầu hàng theo địch và bị tên này nghi, nên từ đó sau giờ làm việc Mười Thương không dám về nhà mà ngủ lại ngay trong Dinh Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Vàng. Thấy Mười Thương đẹp trai và hát hay, cô con gái Tỉnh trưởng tên là Nguyễn Kim Loan vừa học xong Trường Marie Curie ở Sài Gòn đem lòng yêu mến. Tên Đèo biết vậy nên không dám bắt, mà báo cho Tổng nha Cảnh sát ở Sài Gòn ra lệnh bắt Mười Thương, nhưng trong Tổng nha lại có người của ta báo về, nên ông được bố trí rút vào bí mật. 

Trước tình thế địch ra sức phá hoại Hiệp định Genève, Trung ương Đảng đề ra “Đường lối cách mạng Miền Nam”, chủ trương “đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang diệt ác” bảo vệ cơ sở Đảng, không cho địch phá hoại phong trào cách mạng. Mười Thương được giao nhiệm vụ theo dõi, lên kế hoạch diệt Tổng thống Ngô Đình Diệm. 

Theo quy luật, cứ Noel hàng năm, Diệm cùng gia đình từ Dinh Độc lập ra Nhà thờ Đức Bà mừng lễ Giáng sinh. Tổ chức bố trí Mười Thương cùng Lê Văn Cửu, là người của ta đưa đi học Anh văn về làm phiên dịch cho Cố vấn Mỹ, vào Nhà thờ để lên phương án. 

Thường mỗi lần Giáng sinh tại nhà thờ Đức Bà, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu, Trần Lệ Xuân và Tổng giám mục địa phận Sài Gòn ngồi ở hàng ghế đầu, sau đó là các Bộ, thứ trưởng, và chức sắc giáo phái. Theo kế hoạch trong đêm ngày Noel 1956, Mười Thương và Lê Văn Cửu, mỗi người một khẩu súng ngắn 9 li đứng cách Diệm 6 hàng ghế. Khi Tổng giám mục rung chuông làm lễ, thì 2 khẩu súng nhằm vào đầu và ngực của Diệm nổ súng. Còn 2 người hỗ trợ bên ngoài, đứng tại 2 trạm biến thế (ở đường Tự Do và Duy Tân - nay là đường Đồng Khởi và Phạm Ngọc Thạch) sẽ cúp cầu giao điện và tung lựu đạn khói, khi đó, Mười Thương và Lê Văn Cửu sẽ thoát ra ngoài. Kế hoạch được bố trí rất hay, xong trước giờ hành lễ khoảng 15 phút, Tổng thống Ngô Đình Diệm không tới. Năm đó, Diệm dự lễ Noel tại Khu trù mật Đức Huệ, nơi tập trung của Thiên Chúa giáo di cư ở Long An. 

Tiếng súng trên Cao nguyên
Được tin tình báo, ngày 22/02/1957, Tổng thống Ngô Đình Diệm sẽ dự lễ cắt băng khánh thành Hội chợ kinh tế Cao nguyên, nhưng thực chất là lên dàn xếp với tổ chức ly khai người Thượng, chống lại Giáo phái Cao Đài thân Pháp. 

Nhận nhiệm vụ giết Diệm, Mười Thương lên Đak Lak, tìm hiểu rồi về Sài Gòn lên phương án báo cáo. Được cơ sở bố trí, Mười Thương giao cô Cao Thị Nhung ở Đoàn văn công vụ Chuẩn bị giấy tờ hợp pháp để vô lễ đài, theo dõi cách bố trí của địch vào giờ chót, và hẹn ngày Khai mạc hội chợ. Ngày 22/02/1957, Mười Thương ém vũ khí trong người, cùng nữ giao liên Nguyễn Thị Vân lên Ban Mê Thuột, đến quán cà phê hẹn trước với cô Nhung nhận thư mời và huy hiệu vào hội chợ. Lúc này Tổng thống Ngô Đình Diệm đang trên đường đến Khu trung tâm hội chợ... 

Trong vòng vây cảnh sát và mật vụ dày đặc, Mười Thương đã tiếp cận Ngô Đình Diệm ở khoảng cách khoảng 10 mét. Khi đến giờ hành lễ, Mười Thương đưa súng nhắm ngực trái của Diệm nổ viên đạn đầu tiên. Viên đạn lẽ ra trúng Ngô Đình Diệm chính xác, nhưng tên Bộ trưởng Bộ Canh nông hám danh cặp kè bên Tổng thống Đỗ Quang Công đã hứng thay và gục ngay tại chỗ. Những viên đạn tiếp sau không nhảy được lên nòng, dù súng đã được Mười Thương thử ngọt 10 viên đạn ở nhà trước đó. Thì ra khi chuẩn bị từ ngày hôm trước, Mười Thương đã nạp trọn 22 viên đạn để dự phòng khi bắn trượt viên này còn viên khác, nên vô tình đã làm lò so hộp tiếp đạn bị liệt. 

Mười Thương lên cơ bẩm định bắn tiếp, thì bị một tên Thượng sĩ vừa hoàn hồn chụp tay bẻ lui, ngáng chân ông té xuống, và mười mấy tên khác đè lên. Mười Thương hô to “Tau cho tụi bây chết chung cùng lựu đạn”, chúng tưởng thật bung ra, ông xách súng nhào tới lần nữa, nhưng sau đó bị bọn cảnh sát bắt giữ. Lập tức Ngô Đình Nhu, Cố vấn chính trị Phủ Tổng thống ra lệnh “Tịch thu hết máy ảnh, máy quay phim của thông tấn báo chí trong, ngoài nước”, và ra lệnh “không được tường thuật, chỉ đưa tin xảy ra vụ mưu sát nhưng Tổng thống thoát nạn, hung thủ bị bắt”. 

Ly gián thắng lợi
Bọn địch đưa Mười Thương về Tiểu khu Ban Mê Thuột.  Câu đầu tiên Ngô Đình Nhu hỏi: “Ai tổ chức cho mày giết Tổng thống?”. Theo phương án ly gián đã định, Mười Thương khai: “Thiếu tướng Mai Hữu Xuân và Liên minh Cao Đài”. Giám đốc mật vụ Phủ tổng Thống Trần Kim Tuyến lập tức ghi tên những Sĩ quan có mặt, đề phòng có người mật báo cho Mai Hữu Xuân. 

Sau 15 phút, Mười Thương được giải về Ty Cảnh sát đánh đập tra khảo suốt đêm. Người hỏi cung Mười Thương sáng hôm sau là Trung tá Đặc ủy tình báo Ngụy Tạ Thành Long, người từng là Giáo viên dạy Mười Thương khi ở Tây Ninh. 

Trung tá Long: “Mày học trường nào?”. Mười Thương: “Học đạo đức Trường Lê Văn Trung”. Trung tá Long hỏi tiếp “Giám đốc là ai?”. Đáp: “Nguyễn Hữu Lương lấy cô Hồ Kim Quang, Phó Giám đốc là thầy Phán, em cố Trung tá Phạm Ngọc Trấn chỉ huy trưởng Cơ thánh vệ”. Nghe khai một mạch, Trung tá Long không hỏi nữa và bỏ đi. 

Đêm hôm sau chúng lại đưa Mười Thương lên hỏi cung. Vừa bước vào Văn phòng Trưởng ty Cảnh sát, Mười Thương thấy bảng tên “Thiếu tướng Mai Hữu Xuân”. Bất ngờ và đang suy nghĩ “Sao khai vậy mà tụi nó lại đưa chính Mai Hữu Xuân từ Sài Gòn lên tra khảo”, thì Xuân đưa tấm ảnh 4x6 ra hỏi: “Mày khai người tổ chức ám sát Tổng thống, vậy biết đây là ai không”. Mười Thương nói ngay: “Là Thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh, Phó tư lệnh Liên minh Quốc gia, em rể cố Trung tướng Trịnh Minh Thế”. Nghe vậy, Mai Hữu Xuân bỏ tấm ảnh vào túi, đứng dậy đi luôn. Ngày hôm sau, Mười Thương được đưa về biệt giam tại Sở mật vụ Sài Gòn, sau đó trở thành tù chính trị Côn Đảo, đến năm 1965 thoát ngục trở về tiếp tục hoạt động cách mạng. 

Vấn đề là, trong Phủ Tổng thống Ngụy thời kỳ đó có hai phe: Phía Diệm Nhu do Mỹ dựng lên, còn hàng ngũ tướng tá quan chức khác lại do Pháp để lại. Nên khi Mười Thương khai Thiếu tướng Xuân và Liên minh Cao Đài tổ chức giết Diệm, thì Ngô Đình Nhu cũng bố trí những tên có quan hệ với Cao Đài hỏi cung để kiểm chứng, và cuối cùng Diệm - Nhu tin là người của Liên minh Cao Đài tổ chức ám sát Diệm.

Ngay sau đó, Thiếu tướng Mai Hữu Xuân, Giám đốc Nha an ninh quân đội bị điều làm Đại sứ Philippine, Trung tướng Dương Văn Minh, Tư lệnh Biệt khu thủ đô bị điều sang Tổng thư ký Bộ quốc phòng. Trung tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Văn Đôn, người có mặt trong chuyến lên Cao nguyên “nhảy đầm” với Trần Lệ Xuân, bị đưa ra Huế làm Tư lệnh Vùng I. Còn Nguyễn Hữu Châu, Bộ trưởng Phủ Tổng thống chạy sang Pháp. 

Từ đó trong nội bộ địch, mâu thuẫn giữa các phe thân Pháp và Mỹ ngày càng sâu rộng, đỉnh điểm là cuộc đảo chính năm 1963 lật đổ Ngô Đình Diệm. Phó Chủ tịch Hội đồng đảo chính Mai Hữu Xuân, khi bắt giữ và trên đường áp giải Diệm - Nhu về từ Nhà thờ Cha Tam, Chợ Lớn, đã điện hỏi Dương Văn Minh, Chủ tịch hội đồng quân nhân: “Xử lý thế nào?”. Minh nói: “Tùy ông”. Và Mai Hữu Xuân đã giết luôn anh em Diệm - Nhu. 

Quả là “Diệm không chết bằng viên đạn nóng trên Cao nguyên, nhưng chết vì viên đạn ngầm” bởi lời khai ly gián của Mười Thương. 

Sau này, các đồng chí Mai Chí Thọ, Trần Quốc Hương, Cao Đăng Chiếm, những người đã từng lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam đánh giá: “Viên đạn diệt Diệm ở Ban Mê Thuột thực sự có giá trị kích thích phong trào”. Bởi từ năm 1954 đến 1957 địch ráo riết bắt giết cán bộ Đảng viên và đàn áp phong trào cách mạng, nhưng ta không được nổ súng. Khi có “Đường lối cách mạng Miền Nam” kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang diệt ác, mà đỉnh cao là từ tiếng súng diệt Diệm trên Cao nguyên, thì phong trào cách mạng lại bùng lên mạnh mẽ.

Đóng góp vào những chiến công chói lọi, cùng với hàng chục tấm Huân chương cao quý nhất, nhân Kỷ niệm 30 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Phan Văn Điền với những bí danh hoạt động trong lòng địch như Đinh Văn Lộc, Phạm Công Phú, Mười Thương đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Trúc Lâm

No comments:

Post a Comment