(VTC News) – Sau 25 năm, nhìn lại những bài viết về sự kiện hải chiến Gạc Ma 14/3/1988, mỗi người dân Việt Nam yêu nước không khỏi nao lòng.
Theo thông tin lưu lại của Lữ đoàn 125: “Sáng ngày 14/3, từ tàu HQ 604 đang thả neo tại Gạc Ma,  đồng chí Trần Đức Thông - Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 - phát hiện thấy bốn chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần.

Tổ 3 người gồm thiếu uý Trần Văn Phương và hai chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh được cử lên đá bảo vệ lá cờ Việt Nam đang cắm trên bãi. Phía Trung Quốc cử hai xuồng chở tám lính có vũ khí lao thẳng về phía đá. Chỉ huy Trần Đức Thông ra lệnh cho các thủy thủ từ tàu 604 tiến về bảo vệ bãi để hình thành tuyến phòng thủ, không cho đối phương tiến lên.
6h sáng, hải quân Trung Quốc thả ba thuyền nhôm và bốn mươi quân đổ bộ lên đá giật cờ Việt Nam. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương. Do hải quân Việt Nam không chịu rút khỏi đá, lúc 7 giờ 30 phút, Trung Quốc dùng hai chiến hạm bắn pháo 100mm vào tàu 604, làm tàu bị hỏng nặng. Hải quân Trung Quốc cho quân xông về phía tàu Việt Nam.
Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy quân trên tàu sử dụng các loại súng AK47, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu. Hải quân Việt Nam vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ. 
Trung Quốc tiếp tục nã pháo, tàu 604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Vũ Phi Trừ - thuyền trưởng, Trần Đức Thông - Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh cùng tàu 604 ở khu vực đá Gạc Ma”.
Trận chiến Gạc Ma: Đọc lại những bài báo 25 năm trước
Bài đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 18.3.1988 - Ảnh chụp lại đăng trênbáo Thanh niên )
Vào thời điểm đó, cuộc hải chiến này làm “nóng rẫy” các trang báo, bài viết trong và ngoài nước ta. Báo Nhân dân số ra ngày 18/3/1988 viết: “Việc nhà cầm quyền Trung Quốc từ hơn hai tháng nay, đẩy mạnh những hoạt động xâm lấn lãnh thổ và khiêu khích quân sự chống Việt Nam ở vùng quần đảo Trường Sa, đã và đang gây nên sự công phẫn trong nhân dân ta và mối lo ngại sâu sắc trong sư luận Đông Nam Á cũng như trên thế giới.
Sau khi dùng lực lượng quân sự chếm hai bãi đá ngầm Chữ Thập, Châu Viên và một số bãi ngầm khác tong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày 14-3 vừa rồi họ lại cho tàu chiến tiến công các tàu vận tải không có vũ trang của Việt Nam ở khu vực đảo Sinh Tồn trong quần đảo này.
Phía Trung Quốc không những ra sức bào chữa cho những hành động sai trái của họ mà còn tìm cách đổ lỗi cho chúng ta. Nhưng bất cứ ai tôn trọng lẽ phải đều hiểu Việt Nam không có ý muốn, càng không có chính sách tìm kiếm xung đột với Trung Quốc. 
Chúng ta dã lưu ý dư luận thế giới rằng những hành động nói trên của Trung Quốc là trái với luật pháp quốc tế, đi ngược xu thế thời đại, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Như bất cứ dân tộc nào, chúng ta coi việc bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của Tổ quốc như nghĩa vụ thiêng liêng của mình…”
Cũng trong ngày 14/3/1988, Bộ Ngoại giao nước ta ra Tuyên bố nêu rõ: “Sáng này 14-3-1988, các tàu chiến của Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã ngang nhiên nổ súng vào hai tàu vận tải của Việt Nam đang hoạt động bình thường ở bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc khu đảo Sinh Tồn. Tàu của ta đã buộc phải nổ súng để tự vệ. Trong khi đó họ lại đổi trắng thay đen vu cáo tàu của Việt Nam khiêu khích vũ trang tàu chiến của Trung Quốc.
Mọi người đều biết từ tháng 1-1998 đến nay, Trung Quốc đã không ngừng cho nhiều tàu chiến xâm nhập và khiêu khích quan sự ở các bãi đá ngầm Chữ Thập, Châu Viên và một số bãi đá ngầm khác ở khu vực đảo Sinh Tồn, trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trận chiến Gạc Ma: Đọc lại những bài báo 25 năm trước
Hình minh họa hải chiến đảo Gạc Ma 
Bất chấp sự phản đối của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và sự lo ngại của dư luận trên thế giới, trước hết là của các nước Đông - Nam Á, hành động trắng trợn nói trên bộc lộ rõ dã tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng an ninh của Việt Nam, phá hoại hòa bình ổn định và xu thế đối thoại ở Đông – Nam Á, thực hiện mưu đồ bành trướng ở biển Đông.
Nhân dân và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vô cùng phẫn nộ và kiên quyết lên án hành động khiêu khích quân sự của nhà cầm quyền Trung Quốc. Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyển của mình đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. 
Nhà cầm quyền Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hành động khiêu khích quân sự, rút ngay các tàu chiến của họ ra khỏi vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Họ phải chịu hòan tòan trách nhiệm về mọi hậu quả do hành động khiêu khích quân sự của họ gây ra…”
 Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định một lần nữa chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. Nhân dân và Chính phủ Việt Nam kiến quyết phản đối hành động khiêu khích quân sự và lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc đồng thời kiên quyết áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình…”
Ngày 15-3-1988, Bộ Ngoại giao ta gửi công hàm phản đối Trung Quốc cho tàu chiến bắn vào tàu vận tải Việt Nam. Công hàm nêu rõ: “Tiếp theo những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam diễn ra từ tháng 1-1988 ở hai bãi đá ngầm Chữ Thập, Châu Viên và gần đây nhất ở một số điểm khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày 14 tháng 3 năm 1988, nhà cầm quyền Trung Quốc lại cho nhiều tàu chiến tiến hành khiêu khích và bán vào tàu vận tải của Việt Nam ở bãi đá ngầm Gác Ma gần khu vực đảo Sinh Tồn. 
Các tàu chiến của Trung Quốc hoạt động trái phép còn ngăn trở việc đi lại bình thường của tàu vận tải Việt Nam trong vùng biển Việt Nam và trên hải phận quốc tế. 
Những điều nêu trong công hàm ngày 14 tháng 3 năm 1988 của Bộ Ngoại giao Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là hoàn toàn đổi trắng thay đen. Tuyên bố ngày 14 tháng 3 năm 1988 của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã vạch rõ và nghiêm khắc lên án những hành động sai trái của phía Trung Quốc…
Trên báo Lao động cũng đăng tải bức ảnh chụp một bài ghi chép đầy cảm động: “Như báo chí đã đưa tin, sáng 14-3, các tàu chiến Trung Quốc đã nổ súng bắn cháy và chìm ba tàu vận tải của ta (tàu 505, 506 và 605) đang làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực tiếp tế cho các chiến sĩ chốt đảo. 74 đồng chí đã hy sinh và bị mất tích. 11 đồng chí bị thương trong đó có bốn bị thương nặng hiện đang điều trị tại quân y viện 175. 
Phóng viên chúng tôi có mặt tại Bộ Tư lệnh Trường Sa và gửi về bài ghi chép dưới đây…”. Bài viết ghi lại lời kể của các chiến sĩ sống sót kể lại trận hải chiến và nỗi tiếc thương những người đồng đội đã ngã xuống bảo vệ chủ quyền thiêng liên của Tổ quốc.
Báo này cũng chụp tấm hình các thủy thủ và chú thích: “Hai mươi hai thủy thủ tàu 604 giờ đây chỉ còn lại năm thủy thủ, hai thủy thủ tình nguyện ở lại đảo Sinh Tồn…”
Báo Thanh niên (khi ấy còn là tuần tin) cũng đã có nhiều thông tin, bài viết vạch rõ mưu đồ bá quyền của Trung Quốc. Trong mục Điểm dư luận phương tây có bài “Trung Quốc là kẻ tội phạm trong vấn đề Trường Sa”. 
Bài báo này nêu rõ: “Xét về nguồn gốc lịch sử và căn cứ vào Công pháp quốc tế, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố căn bản để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dư luận rộng rãi trên thế giới hiểu rõ điều đó và đã lên tiếng xác nhận hai quần đảo này là của Việt Nam”.
Trận chiến Gạc Ma: Đọc lại những bài báo 25 năm trước
Bài báo đăng trên trang 4 Tuần tin Thanh Niên ngày 28/3/1988. Ảnh: Báo ThanhNiên 
Vẫn trong bài báo của Thanh niên: “Từ Pháp - nước mà trước kia từng chiếm và đô hộ Việt Nam suốt một thế kỷ - tờ báo khuynh hữu Thế giới (3.3.88) đã viết: "Kể từ thế kỷ 17, Việt Nam đã có chân về kinh tế cũng như chính trị trên các đảo này, và bằng chứng đưa ra là chính quyền thuộc địa Pháp đã sáp nhập vào Đông Dương cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Thật không có gì khôi hài, ngang ngược và xảo trá cho bằng những lý lẽ do Bắc Kinh đưa ra về vấn đề Trường Sa. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hai lần lớn tiếng nói rằng Trung Quốc chỉ tiến hành "các hoạt động khảo sát bình thường trên vùng biển thuộc lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc" (?). 
Có hai điều cần chú ý. "Khảo sát bình thường" với hàng lô lốc tàu chiến và binh lính đổ bộ ư? "Lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc" ở đây lại là vùng quần đảo Trường Sa sao? Với giọng điệu của kẻ vừa ăn cướp, vừa la làng, họ cho tàu chiến bắn cháy 3 tàu vận tải của Việt Nam rồi lại lu loa rằng Việt Nam đã tiến công họ.
Ngày 16.3, hãng tin Pháp AFP đã phát bài bình luận khẳng định Việt Nam là người vô tội, còn Trung Quốc là kẻ tội phạm. Hãng tin này viết: "Hành động của Trung Quốc rất vụng về, vì đã lợi dụng lễ tang (của ông Phạm Hùng) để thọc dao găm vào lưng người Việt Nam".
Bài báo của Thanh niên tiếp tục thông tin: “Báo Thụy Điển Xvenxca Đac-blađet (17.3) cũng viết rằng: "Đa số các nhà bình luận đều nhất trí nhận định rằng chính Trung Quốc đã khiêu khích để gây ra các vụ xung đột trong những ngày vừa qua ở quần đảo Trường Sa". Và còn nhấn mạnh thêm: "Trung Quốc đã cố ý khích động sự phản ứng quyết liệt của Việt Nam".
Tờ Thời báo Ấn Độ đã liên tiếp đăng tin, bài vạch trần tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông và tố cáo ý đồ mở rộng vùng lãnh hải của họ ra tới 90% diện tích của vùng biển này.
Ngay cả tờ báo Mỹ Người hướng dẫn khoa học Thiên Chúa giáo (17.3) cũng nhận xét: "Cuộc xung đột gần đây giữa Trung Quốc và Việt Nam ở biển Hoa Nam đối với quần đảo Trường Sa làm rõ những tham vọng hải quân ngày càng lớn của Bắc Kinh trong vùng biển chiến lược quan trọng này".
Ngày 18.3.1988, phóng viên của đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) vừa đi thăm Hải Nam về viết bài cho biết hoạt động hải và không quân trên đảo này đang trở nên nhộn nhịp hơn. Đây là một căn cứ tàu ngầm của hạm đội Nam Hải. Các nhà phân tích cho rằng các tàu chiến Trung Quốc đang gây hấn ở Trường Sa đã xuất phát từ Hải Nam.
Đài BBC (London 21.3.1988) bình luận rằng: "Việc hải quân Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, cũng như quyết tâm của họ muốn duy trì sự có mặt thường xuyên về quân sự tại quần đảo Trường Sa này không những chỉ làm cho Việt Nam, mà còn làm nhiều quốc gia khác thuộc hiệp hội ASEAN như Indonesia, Malaysia và Philippines phải lo ngại... 
, dù cho Trung Quốc quả có đạt được lợi điểm quân sự nào đi nữa trong việc có quân đội hiện diện thường xuyên tại vùng Trường Sa, thì việc này xem ra cũng sẽ không đủ để bù lại những thiệt hại to lớn về mặt ngoại giao trong các mối quan hệ của Trung Quốc đối với các nước trong vùng".