Thursday 3 April 2014

Nói thêm về “Vụ Nhã Thuyên” (NPV - Học Thế Nào)


Nói thêm về “Vụ Nhã Thuyên” – Học Thế Nào


Sau khi Học Thế Nào đăng bài Kỳ án Nhã Thuyên, một số bạn đọc mà họ là những nhân vật chứng kiến ít nhiều một số sự kiện liên quan gửi thư tới nhóm biên tập với mong muốn nói lại, nói thêm hoặc bổ sung một số chi tiết mà bài viết đề cập. Học Thế Nào tổng hợp các ý kiến này thành bài viết ngắn dưới đây:
Về sự kiện ngày 27/7/2013
Sau loạt bài phê phán trên báo chính thống, lãnh đạo trường chỉ đạo Ban Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn triệu tập họp hội đồng khoa học khoa (mở rộng) chứ không phải hội thảo khoa học như được gọi tên trong bài viết “Kỳ án Nhã Thuyên”. Học Thế Nào xin đính chính lại chi tiết này.
Thành phần mở rộng là các giáo sư đã nghỉ hưu, thêm PGS TS Lê Quang Hưng, Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tham gia với tư cách phản biện. Không ai ở hội đồng chấm luận văn Nhã Thuyên năm 2010 được mời. PGS TS Nguyễn Thị Bình được mời với tư cách là thành viên hội đồng khoa học của khoa. Tất cả bốn vị Ban Giám hiệu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có mặt.
Tại cuộc họp, PGS TS Nguyễn Thị Bình giải trình ngắn gọn một số nội dung, cụ thể:
1/ Nghiên cứu những hiện tượng của đời sống văn học đương đại là nhiệm vụ của Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại.
2/ Luận văn được thực hiện đúng quy trình theo những quy định ở thời điểm đó.
3/ Người hướng dẫn làm việc với học viên theo tinh thần đối thoại chứ không áp đặt.
Sau trình bày của PGS TS Nguyễn Thị Bình là phần nêu ý kiến của ba phản biện (tại cuộc này gọi là ¨đọc sâu¨): GS TS Trần Đăg Xuyền, PGS TS Lê Lưu Oanh, PGS TS Lê Quang Hưng.
Sau phần “đọc sâu”, rất nhiều người đã phát biểu sau đó. Có những va chạm được cho là khá gay gắt xung quanh các tiêu chí thẩm mĩ, và cuối cùng vẫn nhất trí ghi vào biên bản kết luận là: đề tài có thể nghiên cứu được, luận văn không có sai phạm về động cơ chính trị
Khoảng một tuần sau lại có cuộc họp của hội đồng khoa học cấp trường, gồm các giáo sư đương nhiệm và các trưởng đơn vị. Đại diện Khoa Ngữ Văn chỉ có Chủ nhiệm khoa PGS TS Đỗ Hải Phong. GS TS Trần Đăng Xuyền và PGS TS Lê Quang Hưng vẫn là  hai trong số ba vị tham gia với vai trò phản biện. Trong cuộc họp này đã có sự tranh luận gay gắt. Sau khi PGS TS Đỗ Hải Phong đọc kết luận của Hội đồng Khoa học Khoa Ngữ Văn thì có hai luồng ý kiến trái chiều. Một số vị cho rằng chỉ hội đồng chuyên môn mới đủ thẩm quyền phán xét và đề nghị hội đồng khoa học cấp trường tôn trọng các kết luận đã có. Một số vị khác cho rằng luận văn nghiên cứu một đối tượng không xứng đáng và có cái nhìn cực đoan.
Về việc bổ nhiệm Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại
Trong cuộc thăm dò ý kiến do Ban Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn thực hiện, TS Chu Văn Sơn đạt 8/9 phiếu đồng thuận. Nhưng trường không lại ra quyết định bổ nhiệm PGS TS Vũ Thanh (chuyên gia phần Văn học Việt Nam Trung đại, lúc đó là Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn) phụ trách bộ môn dù gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các cán bộ giảng dạy. Về sau, PGS TS Vũ Thanh cũng từ chối nhiệm vụ này và ngay lập tức xin chuyển cơ quan. Hiện nay PGS TS Vũ Thanh là Phó Viện trưởng Viện Văn học.
Về việc dạy chuyên đề Văn học Việt Nam ở hải ngoại
Xung quanh việc dạy chuyên đề VHVN ở nước ngoài, có những diễn biến khá phức tạp, không hoàn toàn đơn giản như một đôi câu tóm tắt trong bài viết “Kỳ án Nhã Thuyên”.
Cách đây khoảng 5 năm, khi mà GS TS Trần Đăng Xuyền còn là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và thầy Lã Nhâm Thìn còn là trưởng Khoa Ngữ Văn, nhà trường tổ chức xây dựng lại chương trình khung theo học chế tín chỉ. Với sự tham vấn của một số giáo sư, chương trình của Khoa Ngữ Văn có thêm  một số chuyên đề, trong đó có chuyên đề Văn học Việt Nam ở nước ngoài. Đến nhiệm kỳ PGS TS Đỗ Việt Hùng làm Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn thì chương trình được đưa ra thẩm định ở hội đồng khoa học khoa và hội đồng đã chấp nhận đề xuất này và trình lên Ban Giám hiệu nhà trường. Khoa Ngữ văn giao cho Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại phụ trách chuyên đề này và năm 2010 là năm đầu tiên thực hiện. Vì thuộc hệ thống chuyên đề tự chọn nên nó được quay vòng 2 năm/ lần. Vì thế đến 2012, nó tiếp tục được giảng dạy cho sinh viên. Trưởng Bộ môn là PGS TS Nguyễn Thị Bình đã phân công 3 cán bộ, giảng viên dạy đồng thời ba lớp: TS Nguyễn Phượng, TS Đặng Thu Thuỷ, Th.s Đỗ Thị Thoan. Nội dung và cách thức lên lớp chuyên đề này được thống nhất thực hiện trong nhóm ba cán bộ, giảng viên này. GS TS Trần Đăng Xuyền tuy là Phó Hiệu trưởng nhưng có thể vì bận công tác lãnh đạo, GS không có điều kiện quan tâm tới hoạt động chuyên môn tại khoa nên không hề biết có việc này.
Sau khi đến tuổi nghỉ quản lý, GS TS Trần Đăng Xuyền tiếp tục giảng dạy tại Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Khoa Ngữ Văn. Khoảng đầu tháng 4/2013, Bộ môn Văn học Việt Nam tổ chức xêmina về chuyên đề Văn học Việt Nam ở hải ngoại. Sau khi TS Nguyễn Phượng đại diện cho nhóm trình bày báo cáo (có sự bổ sung của TS Đặng Thu Thuỷ và Th.s Đỗ Thị Thoan, GS TS Trần Đăng Xuyền bày tỏ sự ngỡ ngàng. GS Trần Đăng Xuyền phản đối, cho rằng không nên quan tâm mảng này. Các cán bộ, giảng viên trong bộ môn giải thích cho GS Trần Đăng Xuyền rằng, học phần này nằm trong chương trình khung do chính Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ban hành, nhiệm vụ của Khoa Ngữ Văn hiện giờ là nghiên cứu, giảng dạy tốt học phần đó chứ không còn là lúc bàn bạc chuyện nên hay không nên.
GS Trần Đăng Xuyền cho rằng cho dù chương trình khung là của trường ban hành nhưng việc đề xuất chắc phải là của Bộ môn. Sau đó GS Trần Đăng Xuyền còn chất vấn ai là người đầu tiên nêu ý tưởng? PGS TS Nguyễn Thị Bình khẳng định bản thân bà chưa bao giờ đưa ra đề xuất này, tuy nhiên bà bỏ phiếu ủng hộ khi nó được thảo luận ở hội đồng khoa học của khoa. Và khi được Ban Chủ nhiệm khoa giao nhiệm vụ, bộ môn đã tiến hành tổ chức nghiên cứu và giảng dạy.
Theo lý lẽ của GS Trần Đăng Xuyền, nhiệm vụ cơ bản của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là trường đào tạo nghề nghiệp, theo đó phạm vi nội dung kiến thức được đưa vào giảng dạy ở Khoa Ngữ Văn chỉ nên bó hẹp ở những kiến thức được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông. Tuy nhiên, lý lẽ này không thuyết phục được các cán bộ, giảng viên của bộ môn. Có cán bộ còn dẫn nội dung Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và cho rằng, việc đưa học phần Văn học Việt Nam ở hải ngoại vào giảng dạy tại Khoa Ngữ Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là phù hợp chủ trương của Đảng. Do chỉ là một buổi sinh hoạt chuyên môn nên không có kết luận. Nhiều cán bộ, giảng viên chỉ nghĩ rằng những trao đổi trong buổi sinh hoạt chỉ là những va chạm quan điểm có tính học thuật thông thường nên vẫn tiếp tục tổ chức và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy học phần Văn học Việt Nam ở hải ngoại cho sinh viên.
Các ghi chép phía trên của chúng tôi có thể có những sai sót nhỏ ở chi tiết, nhưng đại thể sự việc được chúng tôi ghi lại trung thực theo các thông tin tin cậy có được.
Về các dư luận ngoài lề khác, theo chúng tôi là hơi nặng “thuyết âm mưu”, nhưng cũng xin ghi lại dưới đây.
Theo dư luận ở Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, những cán bộ phản đối việc dạy học phần Văn học Việt Nam ở hải ngoại nghi ngờ PGS TS Nguyễn Thị Bình chính là người đầu tiên đề xuất đưa học phần này vào chương trình khung; và động cơ của đề xuất nhằm “kéo” Nhã Thuyên về giảng dạy tại khoa. Thậm chí, một số đồn đoán thỉnh thoảng còn được “tung” ra trong dư luận ở khoa, rằng rằng PGS TS Nguyễn Thị Bình và Nhã Thuyên có “quan hệ mờ ám” với người nước ngoài.
 Đường link dẫn tới Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài:
 Học Thế Nào

No comments:

Post a Comment