Tuesday 10 June 2014

Báo cáo tình hình Nam Bộ năm 1950 (Văn Kiện Đảng Toàn Tập - Tập 11 (1950))

Báo cáo tình hình Nam Bộ năm 1950 
Văn kiện đảng toàn tập
Tập 11 (1950) - Phụ lục
09:00 | 24/05/2003
I- Quân sự
A- Âm mưu và hoạt động của địch
Chính sách quân sự của Pháp nhằm vào việc tổ chức ngụy quân, tǎng cường chủ lực, ra sức phá kế hoạch chuẩn bị tổng phản công của ta. Hoạt động mạnh ở chiến trường chính (Khu 8) và cố giữ vùng cǎn cứ ở Mên.
1. Tổ chức ngụy quân, tǎng cường chủ lực
- Để giải quyết vấn đề quân số, địch xúc tiến mạnh việc tuyển mộ ngụy quân. Đáng chú ý là việc ngụy binh hóa quân Cao Đài và Hòa Hảo. Chúng đã nắm chắc được bộ đội này nhờ chính sách mua chuộc bọn lãnh tụ và cho bọn mật thám chui vào để tách quân đội khỏi ảnh hưởng bọn lãnh tụ. Việc lập nguỵ binh công giáo cũng tiến hành ráo riết. Các đơn vị lưu động bảo vệ các họ đạo (unités mobiles de défense des chrétiens) là đoàn ngụy binh hung hǎng và nguy hiểm hơn cả.
Thêm vào đó, chúng tập trung 14.000 Quốc dân Đảng Trung Hoa ở Phú Quốc để làm dự trữ quân số, âm mưu uy hiếp Khu 9 (nhưng chúng gặp trở ngại là bọn này vì sống khổ sở nên có thái độ chống lại chúng).
- Đi đôi với việc tổ chức nguỵ quân, chúng tập trung lính Âu - Phi thành lập những đội ứng chiến mạnh để đối phó lại các chiến dịch của ta và để đưa một số ra Bắc.
2. Đóng thêm đồn bốt, bảo vệ các đô thị
Để thực hiện âm mưu cắt Nam Bộ ra từng mảnh và để bảo vệ các châu thành, ngoài việc tǎng gia bố phòng và hoạt động mật thám ở nội thành, chúng đóng thêm đồn bốt (so 1949 thì 1950 tǎng gấp đôi 4.081).
3. Hoạt động mạnh ở chiến trường chính Khu 8 và biên giới Mên ? Việt
- Nǎm nay, hoạt động chính của địch là ở Khu 8, chúng chú trọng nhất là Sài Gòn - Chợ Lớn và các vùng phụ cận bằng cách tǎng cường do thám và những cuộc hành quân nhằm mục đích phá vùng quân giới của ta, phá hoại kinh tế, giao thông, cơ sở chính trị của ta và thực hiện âm mưu cắt đứt Khu 7 (nơi thiếu ǎn) và Khu 9 (thừa lúa).
Tuy thế địch cũng không hoàn toàn nắm quyền chủ động mà trái lại trong các chiến dịch của ta (Cầu Kè, Bến Tre...), địch đã mất quyền chủ động.
- Đối với cǎn cứ Mên thì chúng tǎng cường quân lực, đóng thêm đồn bốt làm thành dãy hành lang cắt đôi đông - nam và tây - nam Mên. Ngoài ra, chúng tǎng gia hoạt động ở biên giới Mên - Việt, mục đích phá phong trào cách mạng Mên và triệt đường tiếp liệu của ta (từ ngoài qua Mên vào Nam Bộ).
Tóm lại, nǎm qua tuy địch hoạt động mạnh, nhưng nhược điểm của địch vẫn là đóng quân dàn ra làm cho sức phòng thủ yếu. Tinh thần quân lính sút kém, không tin được ở ngụy binh (đã xảy ra nhiều vụ đánh lại Pháp như Cao Đài, Dân Xã). Nội bộ ngụy binh lại mâu thuẫn. Thêm vào đó việc tranh giành nắm khối ngụy quân giữa Mỹ và Pháp cũng là một nhược điểm cǎn bản của địch.
B- Chủ trương và hoạt động của ta
1. Giành quyền chủ động, đẩy mạnh du kích chiến tranh
Nhờ chủ trương (Hội nghị quân sự tháng 9-1949) điều chỉnh lại cán bộ, biên chế và bố trí lại bộ đội hợp với chiến trường, thống nhất chỉ huy giữa Nam Bộ và các khu tập trung được chủ lực mạnh trên chiến trường, đã biết phối hợp giữa các khu, chính quy và du kích nên ta đã đạt được nhiều thành tích và tiến bộ khá. Ta đã giành được phần nào quyền chủ động trong mấy chiến dịch có quy mô (nhất là hai chiến dịch Trà Vinh), đẩy mạnh được du kích chiến tranh, làm cho địch thiệt hại nặng. Nhưng vì cán bộ chưa nắm vững phương châm tiêu diệt sinh lực địch, chưa chống được các đội ứng chiến của địch, nên tương quan lực lượng giữa ta và địch không thay đổi lớn, do đó, tinh thần khối ngụy binh chưa tan rã.
2. Xây dựng lực lượng
a) Chủ lực: Những kết quả trên, chứng tỏ sự cố gắng của Nam Bộ về mặt chấn chỉnh quân đội (bỏ trung đoàn địa phương, thành lập bốn trung đoàn và một tiểu đoàn chủ lực, còn tổ chức đại đội độc lập).
Các bộ đội chủ lực tinh thần cao, những tư tưởng sai lầm trong cán bộ (địa phương, anh hùng, v.v.) đã bớt đi nhiều. Nội bộ cán bộ đã đoàn kết hơn trước. Bộ Tư lệnh Nam Bộ và các khu đã được chấn chỉnh. Công tác chính trị dần dần đã có nền nếp.
b) Bộ đội địa phương: Việc tự xây dựng bộ đội địa phương đang xúc tiến. Đã tập trung được một trung đội đến một đại đội trong các huyện, nhưng vì thiếu vũ khí nên vẫn còn để đại đội độc lập ở nhiều huyện để giúp đỡ và làm nhiệm vụ bộ đội địa phương và xây dựng bộ đội địa phương. Một số cán bộ chính trị và quân sự có nǎng lực đã được bổ sung để củng cố các tỉnh đội và huyện đội bộ, đồng thời phân tán một phần Vệ quốc quân và tập trung một phần du kích để tổ chức bộ đội địa phương. Nhưng nhìn chung việc xây dựng bộ đội địa phương còn chậm trễ (bảy huyện trong 23 huyện có từ một đến hai trung đội) và bộ đội địa phương còn nặng về chính quy.
c) Dân quân: nói chung số dân quân không phát triển nhiều (cuối tháng 5-1950, dân quân tự vệ toàn Nam Bộ có 323.658 dân quân, du kích chỉ có 8.813). Sinh hoạt chính trị và quân sự cũng còn kém. Các xã đội chưa được chấn chỉnh nhiều. Dân quân du kích còn thoát ly sinh sản, đó là một trở lực cho việc phát triển du kích chiến tranh. Nhưng Nam Bộ lại có ưu điểm là chủ trương nhiều về dân quân bí mật và du kích ngầm (35.288 bí mật, 375 ngầm).
Tóm lại, việc xây dựng ba thứ quân, đẩy mạnh nhân dân chiến tranh tuy có tiến bộ, song còn chậm vì cán bộ chưa thấm nhuần tư tưởng chiến lược, chiến thuật, còn nhẹ du kích, nặng chủ lực. Một trở ngại lớn nữa là vấn đề cán bộ quân sự (thiếu rất nhiều) và trang bị cấp dưỡng (quá thiếu thốn).
3. Địch vận
Vấn đề địch, nguỵ vận, nhất là vấn đề ngụy binh đối với Nam Bộ là một vấn đề then chốt có tính chất quyết định nhiều; tuy nǎm nay đã được chú ý hơn (kiện toàn Ban địch vận Nam Bộ, tổ chức những đặc ban Cao Đài, Hòa Hảo). Nhưng chưa đạt đúng sự quan trọng của nó trên cơ sở của dân vận (quá chú trọng lãnh tụ) nên thu được kết quả rất ít.
II- Chính tr
A- Địch
1. Sự mâu thuẫn giữa Mỹ - Pháp
Mỹ muốn giành Đông Dương của Pháp, nhưng Mỹ chưa có cơ sở quần chúng và lực lượng võ trang ở đây. Pháp sợ Mỹ, nhưng lại nhờ Mỹ. Mâu thuẫn ấy càng ngày càng thêm sâu sắc mặc dù có lúc tạm hòa hoãn trước những thắng lợi của ta. chúng giành nhau lôi kéo các đảng phái phản động, đặc biệt việc nắm đồng bào công giáo. Tranh nhau lập Chính phủ bù nhìn và quân đội bù nhìn.
2. Gây uy tín cho Chính phủ bù nhìn Bảo Đại
Pháp cũng như Mỹ cố gây uy tín cho Chính phủ bù nhìn Bảo Đại, Hữu bằng nhiều cách:
a) Tuyên truyền Chính phủ bù nhìn Bảo Đại, Hữu là chính phủ duy nhất quốc gia chống "hóa cộng sản".
b) Dùng kinh tế để lôi kéo đồng bào ở các vùng phụ cận khu chiếm đóng, dùng sự càn quét mạnh để cưỡng bách một số đồng bào lại gần đồn bốt, rồi chúng tuyên truyền lên là đồng bào đến yêu cầu sự bảo vệ của chúng.
c) Tuyên truyền quốc tế mạnh mẽ (do Mỹ, Anh, Pháp đỡ đầu), gửi đại biểu đi Anh, Mỹ và trong các cuộc hội nghị quốc tế như Hội nghị kinh tế ECAFE, Công đoàn quốc tế phản động, v.v..
d) Hứa hẹn giảm tô và cải cách ruộng đất, v.v..
Mưu mô trên không đem lại cho chúng kết quả mong muốn trong nǎm 1950.
3. Tǎng gia hoạt động gián điệp
Nǎm 1950, Pháp hoạt động mạnh về gián điệp, chúng cho bọn Phòng Nhì chui vào nội bộ ta (như công an, quân giới, công đoàn, Việt Minh Sài Gòn - Chợ Lớn, v.v.) để chia rẽ và phá hoại ta. Tuy thế, công tác phản gián của ta cũng đạt được nhiều kết quả, các ổ gián điệp dần dần đều bị khám phá và không gây thiệt hại mấy.
4. Lập thêm nhiều tổ chức chính trị, tôn giáo phản động
Đi đôi với việc tuyên truyền xuyên tạc những chủ trương của ta, chúng tuyên truyền mạnh mẽ viện trợ Mỹ để lôi kéo những phần tử lừng chừng. Lập thêm nhiều tổ chức chính trị hoặc tôn giáo (Liên đoàn Lao động công giáo quốc tế, Liên Đoàn Thanh niên Việt Nam, v.v.) để lôi kéo hai lực lượng thanh niên và công nhân ở thành. Nhưng các tổ chức giả hiệu đó không có ảnh hưởng gì nhiều.
B- Ta
Nhìn chung, trong nǎm vừa qua, phong trào quần chúng tiến mạnh, đáng chú ý là phong trào tranh đấu trong các đô thị (thu hút cả giới trí thức). Nhưng vì ảnh hưởng nhận định tổng phản công khẩn trương nên phát động tranh đấu liên tiếp không chú ý bồi dưỡng và bảo vệ cơ sở nên thường bị lộ và các cuộc tranh đấu phần nhiều nặng về chính trị.
Gần đây (từ nửa nǎm về sau) đã sửa chữa tranh đấu nặng về kinh tế, đồng thời phối hợp với hoạt động quân sự (như các cuộc tranh đấu của công nhân các hãng thuốc lá, nhà bè, Sacrie, cao su, v.v.).
Nhìn riêng, công tác mặt trận, công tác tôn giáo chưa tiến mấy. Riêng công giáo, ta gặp nhiều khó khǎn, bọn Pháp, Mỹ triệt để lợi dụng tình hình và các lệnh Vaticǎng để lôi kéo công giáo chống ta. Tuy thế, tinh thần đoàn kết cũng được tǎng cường (hội viên Liên Việt tǎng lên 1.581.510, Đoàn Thanh niên dân chủ và cứu quốc đã thống nhất), ý thức dân chủ mới đã phát triển khá trong nhân dân.
Về chính quyền, cũng đã có những bước tiến, các hội đồng nhân dân xã đã được bầu lại (trung, bần, cố nông chiếm 60%). Các ban chuyên môn đã chấn chỉnh lại không còn rườm rà, nặng nề nữa. Uỷ ban kháng chiến hành chính các cấp cũng đã được kiện toàn.
III- Kinh tế
1. Địch
Điểm đáng chú ý là việc hoạt động mạnh ở Khu 9 của địch, ngoài mục đích quân sự còn có mục đích bao vây và phá hoại kinh tế ta. Chúng đã thực hiện được phần nào âm mưu cắt đứt Khu 7 và Khu 9, chủ trương mua lúa miền Trung để cho ta không có mà tiếp tế cho miền Đông, trong lúc đó miền Tây lại bị ứ đọng.
2. Ta
Vấn đề tự túc ǎn mặc tuy đặt ra chậm, nhưng nhờ tích cực tiến hành nên thu được kết quả khả quan. Nhờ đó mà miền Đông tránh được nạn đói. Việc tiếp tế vận tải cũng có nhiều thành tích, mặc dù giặc phong tỏa (đưa lên miền Đông 6.000 tấn lúa, tiếp tế Đồng Tháp Mười 700 tấn lúa, 1.003 tấn muối). Đó là kết quả của việc phối hợp quân, dân, chính biết vận động nhân dân làm.
- Về mặc và đồ dùng (vải, giấy, xà phòng, v.v.) còn rất chật vật, mặc dù đã cố gắng (trừ hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh có thể tự túc mặc), nguyên nhân chính là chưa vận dụng hết khả nǎng của nhân dân, thêm vào đó việc bao vây kinh tế địch ít kết quả.
- Việc tạm cấp ruộng đất tiến hành chậm, bần, cố nông cũng không tha thiết làm, vì ruộng đất bỏ hoang nhiều, nhân công thiếu, nhưng nguyên nhân chính là việc tuyên truyền giải thích của ta chưa sâu rộng.
- Phong trào hợp tác xã còn kém vì thiếu cán bộ. Chỉ có vấn đề giảm tô, giảm tức, tiến hành dễ dàng, có nơi (Khu 9) giảm đến 50% vì hoàn cảnh ruộng đất bỏ hoang nhiều.
Về tài chính: có hai việc đáng kể
a) Việc phát hành giấy bạc Việt Nam để đối phó với nhu cầu có một tác dụng lớn.
b) Ngân sách, giữ được việc chi thu không quá chênh lệch, số chi cho quốc phòng được tǎng theo mức cần thiết của nó.
Tuy thế, Nam Bộ còn mắc phải một nhược điểm cǎn bản là 70% các khoản thu là thuế nhập thi.
Nhìn chung, tính chất kinh tế tài chính của Nam Bộ còn lệ thuộc nặng vào kinh tế địch.
IV- Đảng
Về Đảng, có mấy điểm đáng chú ý:
- Phát triển đảng chưa đúng hướng, vùng tạm chiếm, công đoàn đô thị và những nơi yếu điểm chiến lược còn kém. Sự kết nạp còn bừa bãi (Khu 9 có 400 địa chủ, có một số bọn Phòng Nhì chui vào).
- Thành phần các cấp uỷ, trừ XU và các khu có một số đồng chí cũ, còn từ tỉnh trở xuống thì tiểu tư sản, phú nông, địa chủ chiếm khá nhiều (nhất là Khu 9).
- Cán bộ thiếu (vì bị hy sinh nhiều trong mấy nǎm kháng chiến hoặc bị đau yếu). Thêm vào đó lại ít được giáo dục và kém học tập, do đó các bệnh anh hùng, địa phương, cá nhân, v.v. còn nhiều. Tình trạng này, sau Hội nghị cán bộ XU lần thứ hai đến nay đã sửa chữa nhiều.
- Hiện nay, vai trò của Đảng đã được đề cao trong mọi ngành hoạt động, ý thức đối với Đảng đã mạnh hơn. Nội bộ đoàn kết hơn.
V- Kết luận
Nǎm qua, địch cũng vẫn tiếp tục chính sách cũ và tiến mạnh hơn trong sự chia cắt ta ra từng vùng, chúng đã tiến hành có kết quả trong chiến thuật đóng lô cốt thêm dày, đặt ở các đường giao thông quan trọng và các vùng kinh tế phì nhiêu, chúng nhờ sự tiếp viện Mỹ về máy bay và cơ giới (tàu chạy sông, xe lội nước) để thay thế cho bộ binh và rút một số khá lớn âu - Phi ra Bắc. Sự càn quét rất mạnh và nhiều nơi.
Về phần ta, việc tổ chức và đẩy mạnh cuộc nhân dân chiến tranh là một nhiệm vụ chủ yếu trong nǎm tới. Việc tập trung ý thức quân sự trong toàn Đảng bộ Nam Bộ và khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến" phải được đề cao và thực hành trong Đảng và trong các ngành hoạt động.
Lưu tại Kho Lưu trữ
Trung ương Đảng.

No comments:

Post a Comment