Tuesday 8 July 2014

Người thư ký tận tụy, tài năng của đồng chí Lê Duẩn, đã ra đi (Nguyễn Đức Quý)


30/06/2010 - 13:50

Mặc dù biết đồng chí Đống Ngạc - nguyên Phó Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên thư ký của Tổng Bí thư Lê Duẩn, thời gian gần đây sức khỏe có phần xấu đi và phải vào điều trị tại Bệnh viện E, nhưng sáng sớm hôm 28/6, nghe tin ông đã ra đi, nhiều người không khỏi bàng hoàng.

Đồng chí Đống Ngạc, sinh ngày 2/4/1925, tại xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, quê hương giàu truyền thống cách mạng. Năm 14 tuổi, ông được vào học tại trường Quốc học Huế. Học hết chương trình tú tài phần I, ông "xếp bút nghiên", đi theo cách mạng và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Huế.
Đồng chí Đống Ngạc
Tháng 9/1945, ông gia nhập quân đội và được phiên chế về Đại đội 4, Chi đội do đồng chí Võ Quang Hồ chỉ huy (đồng chí Võ Quang Hồ sau này là Phó Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu - Quân đội nhân dân Việt Nam).
Tháng 10/1945, đơn vị ông tham gia đoàn quân Nam tiến, cùng quân và dân Khánh Hoà chống thực dân Pháp, bảo vệ thành phố Nha Trang. Ông không may bị thương. Vì vết thương quá nặng nên ông được trở về quê hương. Tại quê ông lúc đó, mọi người đều tập trung cho việc tiến hành kháng chiến.
Theo yêu cầu của Ủy ban Việt minh xã, người thanh niên đất Quảng quyết tâm vượt lên thương tật, nhận nhiệm vụ làm chính trị viên dân quân xã đồng thời gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc. Công tác ở xã được một thời gian, ông được cử đi dự Đại hội Đoàn thanh niên cứu quốc huyện Tam Kỳ và được bầu làm Bí thư thanh niên huyện. Chặng đường công tác Đoàn đã giúp ông phấn đấu lên đến chức Ủy viên Thường vụ Trung ương Đoàn, phụ trách nông nghiệp.
Tháng 4/1962, ông Đống Ngạc được tổ chức phân công về công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng, trở thành thư ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Thời gian làm thư ký cho đồng chí Lê Duẩn kéo dài 24 năm 3 tháng. Gần 1/4 thế kỷ ấy, ông Đống Ngạc đã mang toàn bộ tâm lực và trí tuệ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thời kỳ này là thời kỳ khó khăn, phức tạp của cách mạng Việt Nam, đất nước tạm chia làm hai miền, cả dân tộc phải gồng mình tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, quyết tâm giành thắng lợi. Mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng CNXH; đó là thời kỳ đất nước khôi phục kinh tế sau chiến tranh và kiên cường bảo vệ Tổ quốc, phá vòng vây cấm vận của các thế lực thù địch để cả dân tộc ta bước vào công cuộc đổi mới.
Các đồng chí giúp việc của đồng chí Lê Duẩn, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học, lý luận, hoạt động thực tiễn giàu trí tuệ và tâm huyết như các đồng chí Nguyễn Đức Bình, Đậu Ngọc Xuân, Nguyễn Khánh, Trần Quỳnh, Trần Phương, Hà Đăng, Việt Phương, Phạm Quang Cận... đều đánh giá cao công lao của ông Đống Ngạc về việc tổ chức chấp bút, và hoàn thiện cuối cùng, các bản thảo bài viết chỉ đạo nhiệm vụ cách mạng của đồng chí Lê Duẩn trong kháng chiến cũng như trong hòa bình. Đồng nghiệp và các đồng chí gần gũi ông đều đánh giá ông là một người cộng sản, người thư ký tận tụy, tận trung và giàu trí tuệ.
Đặc biệt, ông được anh Ba tin tưởng giao chấp bút Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam để đọc tại lễ truy điệu Hồ Chủ tịch.
Ngày 6/9/1969, hơn 9h tối, vừa đi họp Bộ Chính trị về, anh Ba cho gọi ông Đống Ngạc và ông Đậu Ngọc Xuân lên phòng làm việc ở số 6 - Hoàng Diệu. Anh Ba trầm ngâm, đưa cho bản Di chúc của Bác Hồ (văn bản mà Bộ Chính trị quyết định công bố trong lễ truy điệu Hồ Chủ tịch) và giao nhiệm vụ:
 - Các đồng chí chuẩn bị giúp tôi bản điếu văn để đọc tại lễ truy điệu Bác.
 Nhận nhiệm vụ xong, các đồng chí thư ký nhận thức rất rõ rằng, công việc được giao là một vinh dự rất lớn nhưng hết sức khó khăn, vượt quá sức mình. Chưa kịp định thần trước nhiệm vụ được giao thì anh Ba chỉ đạo: "Về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ đã ăn sâu vào trí nhớ của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế điếu văn vĩnh biệt Người không nên viết theo công thức. Phải làm sao thông qua điếu văn nêu bật được những tư tưởng lớn của Người để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thấu suốt hơn nữa, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, quyết biến sự nghiệp của Người thành hiện thực. Các chú chú ý đến văn phong, lời lẽ phải trang trọng, sâu sắc, cô đọng; văn chương phải có hồn và đi vào lòng người. Cố gắng làm xong trong đêm nay để kịp sáng mai Bộ Chính trị thông qua.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Tổ thư ký hội ý và xây dựng dàn bài. Quá 12h đêm, các đồng chí vẫn chưa viết được đoạn nào. Ngồi trước trang giấy, ông Đống Ngạc hình dung trước mặt là hình ảnh Bác Hồ, người có công lao trời biển và hy sinh cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng. Người đã làm rạng rỡ dân tộc và non sông đất nước ta. Nay Người đã ra đi! Dân tộc ta đứng trước một tổn thất, một đau thương lớn lao vô cùng. Thế là, ông trào dâng niềm tiếc thương và xúc động vô hạn rồi cố gắng hoàn thành bản thảo.
Sáng hôm sau, anh Ba dậy sớm hơn mọi ngày và cho gọi Tổ thư ký chuyển bản thảo lên đọc cho anh nghe. Nghe xong, anh Ba chỉ thị: Về cơ bản là được, các chú cần suy nghĩ thêm đoạn nói về tư tưởng của Bác, nội dung 5 lời thề và cân nhắc thêm về từ ngữ. Dừng lại nhìn các học trò của mình, chắc thấy sắc mặt nhợt nhạt vì thiếu ngủ, anh Ba động viên: Nhưng thôi, các chú thức suốt đêm chắc là mệt lắm, hãy cứ để như thế cho đánh máy rồi lấy thêm ý kiến của các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sau đó sửa chữa một thể.
Sau khi đánh máy và lấy ý kiến của một số đồng chí lãnh đạo cấp cao, sáng 8/9, Tổ thư ký trình anh Ba bản điếu văn chính thức. Anh xem và nói: Tôi nói giọng miền Trung, đồng bào ngoài Bắc khó nghe, tôi phải đọc trước mới được.
Đọc được mấy dòng, anh nghẹn lại, hai hàng lệ cứ lăn dài trên gò má làm nhoà cả kính. Nhìn anh Ba khóc, mọi người càng hiểu tình cảm của anh với Bác Hồ kính yêu, tất cả không ai cầm được nước mắt.
Đồng chí Đống Ngạc tháp tùng đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành TW Đảng thăm trung tâm thương mại Đà Nẵng năm 1975
Đánh giá công lao của đồng chí Đống Ngạc, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng đồng chí: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Ông còn là thành viên trong tập thể tác giả được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về tác phẩm: "Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 - thắng lợi bài học" do Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị chỉ đạo biên soạn.
Theo Nguyễn Đức Quý (CAND)

No comments:

Post a Comment