Sunday 2 August 2015

Hội thảo “Cao Lỗ - danh tướng thời dựng nước” (Khánh Huyền - Quân Đội Nhân Dân)

Hội thảo “Cao Lỗ - danh tướng thời dựng nước”
QĐND - Thứ tư, 16/01/2013 | 14:29 GMT+7
QĐND Online – Hội thảo “Cao Lỗ - danh tướng thời dựng nước” đã tập trung làm sáng tỏ những cống hiến, thân thế, sự nghiệp và đóng góp của danh tướng Cao Lỗ đối với dân tộc Việt Nam, do Bộ VH,TT&DL và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh; Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức vào ngày 16-1, tại Hà Nội. Đến dự hội thảo có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và nhiều đại biểu.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, đây một cuộc hội thảo rất có ý nghĩa, là dịp để tôn vinh, thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, đồng thời rút ra những bài học lịch sử cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta ngày nay. Tôn vinh công đức của Tướng quân Cao Lỗ, của những bậc tiền nhân có công với dân, với nước là đạo lý truyền thống của dân tộc ta, là nền tảng văn hóa tinh thần làm nên sức mạnh vô địch, sức sống trường tồn của đất nước ta”.
Nói về công lao của bậc tiền nhân này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Cao Lỗ Vương là một Danh tướng đã giúp Vua Thục Phán – An Dương Vương dựng nên nhà nước Âu Lạc, đã hiến kế với nhà vua dời Đô xuống đồng bằng và giúp nhà Vua xây thành Cổ Loa; đã chế ra Nỏ Liên Châu, được xem là “nỏ thần” “linh quang thần cơ” – vũ khí thần dũng vô địch để giữ nước Âu Lạc với lời nói được truyền tụng “Giữ được nỏ thần thì giữ được thiên hạ, mất nỏ thần sẽ mất cả thiên hạ”. Người có tầm nhìn xa, tỉnh táo, cảnh giác và đầy bản lĩnh để can ngăn nhà Vua không sa vào quỷ kế của kẻ thù, dù vì điều đó mà bị Vua xa lánh. Nhưng khi đất nước bị xâm lược, Tổ quốc lâm nguy, Người lại ra phò Vua cứu nước, tử tiết trước trận tiền, để lại danh thơm muôn thuở cho hậu thế. Danh tướng Cao Lỗ là một vị anh hùng dân tộc, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trong thời đầu dựng nước, được nhân dân ta sùng kính, thờ phụng ở nhiều nơi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử. 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội thảo “Cao Lỗ - danh tướng thời dựng nước”
Theo Giáo sư Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Cao Lỗ là người kiên quyết chống ngoại xâm, có tầm xét đoán tinh tường, thấy rõ âm mưu của Triệu Đà, đã từng khuyên can nhà vua không được mắc mưu kẻ thù. Nhưng rất tiếc là An Dương Vương đã bị những mưu toan quỷ quyệt của đối phương làm cho mất cảnh giác, lại bị nội thần gièm pha, đuổi Cao Lỗ và Nồi Hồi ra khỏi kinh thành. Khi thành Cổ Loa bị quân Triệu vây hãm và tấn công, Cao Lỗ và Nồi Hồi lại tự nguyện trở lại tham gia chiến đấu. Theo truyền thuyết vùng Cổ Loa thì Cao Lỗ đã hy sinh trong trận chiến ở Cửa Bắc và đến nay, tại khu vực này vẫn còn ngôi miếu thờ vị danh tướng trung thành, quả cảm được nhân dân đời đời tôn vinh. Cũng có truyền thuyết nói Cao Lỗ bị thương nặng, nhưng ôm đầu chạy qua Ái Mộ (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) về đến Lục Đầu mới chết. Từ thời Trần, vị danh tướng họ Cao đã được phong là Quả Nghị Cương Chính Uy Huệ Vương.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc chế tạo, sử dụng vũ khí cung nỏ thời An Dương Vương, PGS.TS Lê Đình Sỹ-Đại tá, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: Điều quan trọng nhất để tạo nên sức thần của nỏ Liên Châu chính là Cao Lỗ đã biết kỹ thuật chế ra những chiếc lẫy nỏ có chốt giữ liên hoàn để có thể một lần bóp cò bắn ra nhiều mũi tên xé gió có sức xuyên tốt, không những giết được nhiều giặc mà còn làm cho chúng khiếp sợ, quân địch rối loại, tan rã. Đó là điều bí mật thứ binh khí do Cao Lỗ sáng chế. Chế tạo thành công và sử dụng có hiệu quả nỏ Liên Châu là một trong những cống hiến lớn nhất của danh tướng Cao Lỗ trong sự nghiệp giữ nước thời An Dương Vương.
“Câu chuyện lịch sử về thời kỳ An Dương Vương nói chung và về danh tướng Cao Lỗ nói riêng mãi mãi còn được truyền tụng trong Truyện Rùa vàng (hay còn gọi là Truyện Mỵ Châu- Trọng Thủy)- một trong những sử thi dân gian Việt Nam nổi tiếng. Nội dung của truyện này là một bi kịch lịch sử, ấy là việc An Dương Vương đã lầm lỡ trúng vào kế ly gián của kẻ thù và tin vào những lồi sàm tấu của gian thần, rồi xa lánh, đày đọa những bậc nhân tài như danh tướng Cao Lỗ”, PGS.TS Nguyễn Minh Tường - Viện Sử học Việt Nam cho biết.
Bao quanh nhân vật Cao Lỗ còn nhiều huyền thoại, truyền thuyết thần thánh hóa một nhân vật được cộng đồng nhân dân quý mến, tôn thờ.
Những kết quả khai quật khảo cổ học trên đất Cổ Loa đã cung cấp nhiều thông tin khoa học để giải mã những bí ẩn của huyền thoại. Một hố mũi tên đồng Cổ Loa với hàng vạn chiếc được tình cờ phát hiện ở khu vực Cầu Vực năm 1959. Những dấu tích trong quá trình khai quật ở khu vực phía sau đền An Dương Vương đã tìm thấy cả một hệ thống lò đúc mũi tên đồng với những khuôn đúc ba mang bằng đá.
Thành Cổ Loa kiên cố, mũi tên đồng lợi hại, lực lượng chiến đấu mạnh nhưng bị hãm vào thế bao vây, bị tách khỏi nhân dân thì cuộc chiến đấu bị cô lập và thất bại là khó tránh khỏi. Những sai lầm của Vua Thục Phán – An Dương Vương là bài học về nhận thức đối với kẻ xâm lược, sử dụng người hiền tài.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN 

No comments:

Post a Comment