Wednesday 5 August 2015

Xung quanh câu chuyện nỏ thần (Trịnh Sinh - Biên Phòng)

24/04/2013 14:56
Nước Âu Lạc của An Dương Vương vừa ra đời đã phải chống chọi với cuộc xâm lược của Triệu Đà. Cuộc chiến với Triệu Đà được coi là cuộc chiến đầu tiên bảo vệ lãnh thổ. Trong cuộc chiến bi hùng đó, nổi lên vị tướng tài Cao Lỗ với vũ khí nỏ thần vô cùng lợi hại.
Cao Lỗ có thư tịch chép là Cao Nỗ. Thư tịch và truyền thuyết kể lại, ông quê ở thôn Đại Trung, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây vẫn còn đền thờ ông. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, có viết: “Rùa vàng bèn trút chiếc móng trao cho An Dương Vương và nói: Nước nhà yên hay nguy đều do số trời, nhưng người cũng nên phòng bị; nếu có giặc đến thì dùng móng thiêng này làm lẫy nỏ, nhằm vào giặc mà bắn thì không phải lo gì. An Dương Vương sai bề tôi là Cao Lỗ làm nỏ thần, lấy móng rùa làm lẫy, đặt tên là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ”.
Với trọng trách vua trao cho, Cao Lỗ đã chế tạo ra được nỏ thần. Theo thư tịch ghi lại thì nỏ này - một phát bắn ra làm cho vạn người chết. Có sách thì cho rằng, một phát giết hai trăm giặc. Rõ ràng điều này chứng minh rằng, đây là một vũ khí tiên tiến nhất thời đại bấy giờ. Nếu nói theo ngôn ngữ quân sự, thì Cao Lỗ là vị tướng quân khí đầu tiên trong lịch sử dựng nước của dân tộc, có công lao rất lớn. Bởi vậy, mà cuộc hội thảo về ông ngày 16-1-2013, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và khá nhiều vị tướng quân đội đã bạc đầu tham dự. Trong hội thảo này, có khá nhiều tham luận của nhiều ngành khoa học khác nhau cùng đánh giá về tướng tài Cao Lỗ. Ngoài công lao chế tạo ra nỏ, không những vinh danh cho tộc người Lạc Việt, ông còn có công khuyên giải An Dương Vương kế sách chống giặc phương Bắc, nhưng không được tin dùng. 
 
Mũi tên đồng 3 cạnh và nỏ thần.
Qua câu chuyện kể trong Đại Việt sử ký toàn thư về công lao, số phận của Cao Lỗ, có nhiều bài học được rút ra trong cuộc hội thảo. Đó là bài học sử dụng nhân tài của An Dương Vương: Giá mà không nghe lời xiểm nịnh, giữ lại người tài thì có lẽ lịch sử đã có những bước đi khác; giá mà không có việc để mất lẫy nỏ thần vào tay giặc trong vụ án tình Mỵ Châu - Trọng Thủy thì xã tắc không đến nỗi “cơ đồ đắm bể sâu”. Nhưng trên hết, đó là bài học phải dựa vào dân, chứ không phải bằng vũ khí cũng như thành cao, hào sâu.
Câu chuyện kể về vị tướng tài Cao Lỗ đã hơn hai ngàn năm qua, nhưng mỗi người dân đất Việt vẫn luôn tưởng nhớ đến ông. Theo thống kê, riêng quê hương Cao Đức của ông cũng đã có 8 làng lập đền thờ. Hằng năm, vào mùng 10 tháng 3 âm lịch (trùng với ngày Giỗ tổ Hùng Vương), cả 8 làng rước kiệu, bài vị về làng mở hội. Các triều đại phong kiến cũng đã chính thức ban 22 đạo sắc phong cho tướng Cao Lỗ. Sắc phong sớm nhất có niên đại năm 1796, thời Lê Trung Hưng và muộn nhất năm 1924, thời Nguyễn. Cùng với thờ tự là lễ hội liên quan đến nghiệp võ như “múa mo, múa mộc”, “múa bông đánh bệt”, võ vật...
Khảo cổ học đã chứng minh được cái lõi sự thật của câu chuyện Cao Lỗ và nỏ thần. Lẫy nỏ đã được phát hiện trong thời gian này, làm bằng đồng thau trong văn hóa Đông Sơn. Cùng với lẫy nỏ là mũi tên đồng 3 cạnh, sắc bén, có sức sát thương cao. Thậm chí, có cả một kho tên đồng ở địa điểm Cầu Vực ven sông Hoàng Giang, gần chân thành ngoại. Từ các di vật có thực là tên và nỏ, đã chứng minh đây là vũ khí độc đáo của người Việt. Thứ vũ khí ghê gớm ấy đã được “thiêng hóa”, “phóng đại hóa” trong truyền thuyết và cả thư tịch, đủ biết cái sự khiếp sợ của kẻ địch đối với thứ vũ khí do người Việt sáng tạo ra sao. Qua hiện vật khai quật được ngày nay, có thể chứng minh số lượng tên bắn ra một lúc ít ra là 2 chiếc. Truyền thống tạo ra cung tên của người Việt còn sớm hơn thời Cao Lỗ đến gần 2.000 năm với những mũi tên bằng đá của văn hóa Phùng Nguyên.
Cái kho chứa hàng vạn mũi tên Cầu Vực, nằm ở ngoài thành Cổ Loa, ven sông Hoàng Giang, đã chứng tỏ người Việt có cách đánh phòng thủ từ xa, từ ven sông (có tác dụng như hào thành tự nhiên) để kết hợp với thủy chiến, cũng là một thế mạnh của chiến tranh sông nước mà hình các chiếc thuyền lớn trên trống đồng đã cho thấy điều này. Khảo cổ học cũng chứng minh thời của tướng Cao Lỗ, rùa là loài vật thiêng, có thắt lưng của thủ lĩnh được gắn 8 tượng rùa (di tích Làng Cả, Việt Trì). Xương rùa tìm thấy nhiều trong các làng cổ. Có lẽ vì thế mà rùa đã được “thiêng hóa” thành thần Kim Quy (rùa vàng) giúp An Dương Vương xây thành, lại trao móng cho tướng Cao Lỗ để chế tạo nỏ thần.
Hai ngàn năm trôi qua, nhưng lịch sử và truyền thuyết về Cao Lỗ, về nỏ thần, về rùa vàng vẫn còn quyện vào nhau. Thế mới biết, người Việt có một đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú, gắn liền với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, luôn khắc sâu ghi nhớ công lao của tiền nhân đối với Tổ quốc.
PGS.TS Trịnh Sinh

No comments:

Post a Comment