Saturday 7 April 2012

VẤN ĐỀ KHAI THÁC TỪ CỔ QUA HỆ THỐNG TỪ ĐIỂN VÀ CÁC VĂN BẢN CHỮ NÔM (Trần Trọng Dương)

  Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Tác giả >> D >> Trần Trọng Dương
Trần Trọng Dương
Vấn đề khai thác từ cổ qua hệ thống từ điển và các văn bản chữ Nôm .(Tạp chí Hán Nôm, Số 1(98) 2010; Tr. 17 - 36)
Cập nhật lúc 22h50, ngày 14/12/2011
ThS. TRẦN TRỌNG DƯƠNG
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
1. Khái niệm
Từ trước đến nay, từ cổ vẫn là một khái niệm khá thống nhất, tuy rằng được định danh có đôi chỗ xuất nhập khác nhau.
Năm 1975, Đào Duy Anh dùng khái niệm “từ xưa” trong cuốn Chữ Nôm - Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến [tr.24-27] khi nghiên cứu bốn bài phú Nôm đời Trần và sách Khóa hư lục. Ông coi từ xưa là những từ “hiện nay không dùng nữa” [tr.25]. Theo ông, từ xưa gồm hai loại: từ đơn và từ kép. Ngoài ra ông cũng coi các từ Hán đơn âm trong các văn bản cổ là một loại từ cổ: “trong số những từ xưa còn nên kể những từ đơn mượn ở chữ Hán (âm Hán Việt) để biểu hiện những khái niệm mà đời sau người ta chỉ dùng những từ Việt để biểu hiện thôi”. [tr.28]. Ông đưa ra một số ví dụ như: dụng (dùng), địch (cái sáo),huyền (cây đàn), hoặc (sai nhầm), ma (mài), đố (ghét), sương (rương) v.v... [tr.28, 33]. Đào Duy Anh cũng đề cập đến loại từ cổ mà âm đọc của nó là âm có từ trước thời Đường: “Cóc  là âm xưa của chữ giác (âm Hán Việt), thường dùng theo nghĩa là biết, có hàm ý giác ngộ: nếu mà cóc, miễn cóc một lòng” [tr.25] hay “Về cách viết chữ Nôm thì cả thảy có 24 chữ là chữ Hán đọc theo âm xưa, như loài, vì, khoe, chầy v.v...” [tr.34]. Đào Duy Anh cũng đã đề cập đến khả năng kết hợp của từ: “trong các từ xưa đáng chú ý nhất là từ vỉ. Ngày sau người ta chỉ dùng từ kép van vỉ chứ không dùng vỉ làm từ đơn, mà trong bài này thì ngoài từ kép vỉ khóc tương đương với van khóc thì có mấy chỗ dùng từ vỉ làm từ đơn, như trong các nhóm từ chốn vỉ chốn kêuđứa vỉ đứa kêu.” [tr.35] Cuối cùng, ông cũng coi một số từ theo phong cách giải âm là các từ cổ: “Đến như những chữ  giải là hợp  giải là mặc giải làthông thì đó là những từ đặc biệt thấy thường dùng trong Truyền kỳ mạn lục giải âm mà các sách đời sau thì hiếm” [tr.38].
Học giả Hoàng Xuân Hãn viết: “từ ngữ cổ là những từ ngày nay không dùng nữa, hoặc còn dùng trong một địa phương, hoặc còn sót lại trong một thành ngữ nào đó, hoặc còn dùng với nghĩa khác nhưng có liên can…” [tr.1091]. Cũng như Đào Duy Anh, ông coi “… một số từ Hán, nay không còn dùng cô độc nữa, cũng sẽ kể vào từ cổ” [tr.1091] như các từ tộ  (phù trợ phúc vận) [tr.1109], già  (chùa) [tr.1110], duộc (cái môi) [tr.1105], quốc  (nước) [tr.1108].
Năm 1984, Nguyễn Thiện Giáp viết: “Từ ngữ cổ là những từ ngữ biểu thị những đối tượng trong tiếng Việt hiện nay có các từ đồng nghĩa tương ứng. Chính sự xuất hiện của những từ đồng nghĩa tương ứng này làm cho chúng trở nên lỗi thời.” Gồm hai loại: những từ ngữ cổ đã hoàn toàn biến khỏi ngôn ngữ văn học hiện đại; những từ ngữ còn để lại dấu vết trong tiếng Việt hiện đại nhưng ý nghĩa đã bị lu mờ vì chúng không được dùng độc lập nữa [tr.328-333].
Năm 1984, Nguyễn Thị Thanh Xuân trong cuốn Truyện Song Tinh-khảo đính, phiên âm, chú thíchcũng đưa ra quan niệm về từ cổ. Bà đặt từ cổ trong mối quan hệ với từ địa phương: “Từ cổ ở đây được hiểu một cách tổng quát là những từ có âm, nghĩa và cách đặt câu hơi khác hoặc khác hẳn các từ hoặc cách dùng thông dụng hiện nay. Trong trường hợp những từ cổ hoặc từ còn được lưu hành ở một vùng nhất định thì gọi đó là từ địa phương.” Đóng góp của Nguyễn Thị Thanh Xuân ở chỗ bà là người đầu tiên đề cập đến các phương diện nội tại của một từ cổ, bao gồm ba diện: âm, nghĩa và “cách đặt câu” (tức khả năng kết hợp và chức năng ngữ pháp của từ). Tuy nhiên, định nghĩa này chỉ đề cập một chiều mối quan hệ giữa hai đối tượng từ cổ và từ địa phương. Về thực chất, hai khái niệm này không toàn toàn trùng khít về nội hàm cũng như ngoại diên. Chỉ có một số từ cổ được lưu hành trong vốn từ của một địa phương nào đó, nhưng không phải bất cứ từ địa phương nào cũng là từ cổ. Nếu là một từ địa phương, thì có nghĩa là từ cổ đó vẫn đang hiện dụng trong một cộng đồng ngôn ngữ nào đó, nhưng đã biến mất khỏi ngôn ngữ của cả vùng/khu vực rộng lớn hơn. Và như thế, đặc trưng nội hàm cơ bản nhất của từ cổ- “tính không hiện hành” là một khái niệm khá co dãn và linh động. Để biểu diễn mối quan hệ giữa hai khái niệm này có lẽ dùng hai vòng tròn hình học cắt nhau là hợp lý hơn cả. Dĩ nhiên, một quốc gia có bao nhiêu phương ngữ thì cũng có thể thêm bấy nhiêu vòng tròn giao cắt, và việc xác định các yếu tố ngoại diên cụ thể để chứng minh cho đồ hình này là một việc làm không đơn giản.
Vương Lộc: “Từ ngữ cổ là những từ ngữ: 1. Chỉ còn gặp trong các tác phẩm cổ chứ không tồn tại trong tiếng Việt hiện đại, như bợ là “vay”, khứng là “chịu”, mắng là “nghe”, v.v... ; 2. Gặp trong tiếng Việt hiện đại những đã thay đổi ít nhiều về mặt ngữ âm, như khách thứa là khách khứabàn nàn thànhphàn nànđam thành đem, v.v ; 3. Còn gặp trong tiếng Việt hiện đại nhưng ý nghĩa đã bị lu mờ do chúng không còn dùng độc lập nữa, như han trong hỏi hantác trong tuổi tácle trong song le, v.v hoặc đã thay đổi hoàn toàn về ý nghĩa như đăm chiêu không phải là “bên phải, bên trái, các phía”, lịch sựkhông phải là “từng trải”, vốn là nghĩa cổ của các từ này; 4. Còn gặp trong tiếng Việt hiện đại nhưng khả năng kết hợp có khác so với ngày trước như ban trong các tổ hợp ban già, ban muộn, ban nghèo, ban tà, v.v...; cái trong cái rắn, cái ve, cái vẹt, v.v...; con trong con gậy, con lều, con sách, v.v... ” [Lời nói đầu].
GS. Nguyễn Ngọc San cho rằng từ cổ “Là những từ đã được lưu lại trong các văn bản viết cổ hay văn bản miệng cổ (ca dao, tục ngữ) mà hiện nay không còn được sử dụng nữa…”[187]. Bao gồm: các từ cổ đã hoàn toàn biến mất trong kho từ vựng hiện đại; hay là từ vốn là “Những yếu tố mất nghĩa khi chúng nằm trong các tổ hợp song tiết đẳng lập và được xác định giá trị trong mối tương quan với yếu tố kia" [NNS 188-195]; trong cuốn Từ điển từ Việt cổ, giáo sư coi từ Việt cổ là những từ ngữ thuần Việt.
Nguyễn Thanh Tùng chia từ cổ làm sáu loại: 1. Những từ xưa được dùng độc lập, nay chỉ tồn tại như là yếu tố mất nghĩa, mờ nghĩa trong các tổ hợp từ như dể, ghẽ, rệt; 2. Những từ đã biến mất hoàn toàn trong kho từ vựng hiện đại, không còn được sử dụng nữa, chỉ tồn tại trong các văn bản cổ, như:mựa, bui, cày cạy; 3. Những từ chỉ còn dùng hạn chế trong các phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, thuật ngữ, như rồi trong ăn không ngồi rồi; 4. Những từ xưa là song tiết, nay đã rụng mất tiền tố, chỉ còn đơn tiết, như: la đá, bà cóc; 5. Những từ Hán xưa dùng độc lập nay không dùng độc lập nữa mà chỉ là những yếu tố Hán Việt dùng để cấu tạo từ; 6. Những từ còn xuất hiện nguyên dạng, nhưng nghĩa cũ đã mất, nay dùng theo nghĩa mới khác với nghĩa cũ, như: cặn kẽ (ân cần chu đáo/ sát sao, tỉ mỉ).
Như vậy có thể thấy, Đào Duy Anh dùng khái niệm từ xưa, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Thiện Giáp, Vương Lộc dùng khái niệm từ ngữ cổ; Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện, Nguyễn Thanh Tùng dùng khái niệm từ cổ, hay từ Việt cổ.
Gần đây, năm 2002, trên Thế giới mới có nảy ra cuộc tranh luận giữa Bùi Thiết và An Chi về vấn đề từ cổ và từ cổ Hán Việt. Bùi Thiết cho rằng từ cổ là những từ thuần Việt được sử dụng hàng ngàn năm trở lại đây như:  (soát), rác (rưởi), rạn (nứt), rát (cổ)… [Bùi Thiết 2002a]. Ông viết: “Chẳng hạn từ ăn (…). Ăn là cái xảy ra từ khởi thủy, nên phải là từ Việt cổ chứ, nếu mới sinh ra thì từ bao giờ vậy?” [Bùi Thiết 2002b: 92] An Chi đã bác bỏ những ý kiến chủ quan “Không có kiến thức ngữ học đại cương” trên, rằng Bùi Thiết “không phân biệt được hai khái niệm ‘Việt cổ’ và ‘thuần Việt’ nên đánh đồng hai thứ này với nhau” [An Chi 2004:584]. An Chi quan niệm “… Từ Việt cổ là những từ nay không còn dùng nữa, thí dụ: áng (= đám), bời (= nhiều), cái (= mẹ), đồng (= gương), v.v... An Chi cũng đã trích dẫn một số định nghĩa của giới ngữ học quốc tế về từ cổ. “Từ cổ (Anh: archaism, Pháp: archaïsme) là “a form no longer in current use”, nghĩa là “một hình thái không còn hiện dụng nữa’” [Mario Pei. 1996. Glossary ofLinguistic Terminology. New York]; “no longer in general circulation” [R.E.Asher. 1994. The Encyclopedia of Language and Linguistic (10 vols). Pergamon Press. 5.644 pp].
Chúng tôi quan niệm từ cổ là những từ chỉ xuất hiện trong các văn bản Nôm hay quốc ngữ từ đầu thế kỷ XX trở về trước. Từ cổ là những từ người hiện nay không thể hiểu được nếu không sử dụng các loại từ điển để tra cứu, hoặc không đối chiếu với nguyên tác Hán văn (với những trường hợp giải âm, giải nghĩa), từ cổ có thể có nguồn gốc khác nhau (thuần Việt, thuần Hán hay giao thoa Hán- Việt). Theo ba mặt nghĩa, âm và khả năng kết hợp, từ Việt cổ có thể chia làm 3 loại [cụ thể xem Trần Trọng Dương 2006, 2007]Tuy nhiên, bài viết này nhằm mục đích nêu ra những phạm vi tư liệu mà từ cổ tồn tại, bao gồm các từ điển cổ, các từ điển từ cổ và các tác phẩm chữ Nôm.
2. Những phạm vi tư liệu để khai thác từ cổ
Khi nghiên cứu về từ vựng tiếng Việt cổ, không ai là không để ý đến hai hệ thống tư liệu rất quan trọng. Thứ nhất là hệ thống các từ điển cổ; thứ hai là hệ thống các tác phẩm cổ (gồm văn bản chữ Nôm và văn bản chữ quốc ngữ). Hệ thống từ điển cổ cũng chia làm hai loại:1.Loại từ điển Hán - Việt được viết bằng chữ khối vuông do chính người Việt biên soạn; 2.Hệ thống từ điển song ngữ hay tam ngữ do các nhà truyền giáo phương Tây biên soạn.
Và vấn đề mà bài viết muốn đề cập đến là sự tồn tại của từ cổ trong các từ điển cổ và từ điển mới biên soạn. Cũng cần phải nêu qua cách phân định từ điển cổ và từ điển mới biên soạn. Dĩ nhiên việc phân định này là khá tương đối. Tạm thời, chúng tôi coi những từ điển được biên soạn trong giai đoạn trung đại và giai đoạn cận đại (tức trước năm 1945) là các từ điển cổ(1). Nhưng cũng có những từ điển được biên soạn trước năm 1945 lại không phải là từ điển cổ, vì những tiêu chí khác(2).
2.1.Hệ thống các từ điển/ tự điển cổ
Từ điển cổ là những từ điển được biên soạn từ nửa đầu thế kỷ XX trở về trước. Hệ thống các từ điển cung cấp dữ liệu về từ Việt cổ thường được biên soạn với nhiều mục đích khác nhau với nhiều phương thức và ngôn ngữ, văn tự khác nhau. Tác giả của các từ điển này có thể là tăng sư, Phật tử, Nho sĩ, vua chúa người Việt hoặc là giáo sĩ Thiên chúa giáo.
Các tự điển của Nho sĩ
Từ đặc trưng của tiếng Việt và tiếng Hán đều là những ngôn ngữ đơn lập đơn tiết, không chắp dính, đồng thời do hoàn cảnh lịch sử của những yếu tố văn hóa khu vực, các tự điển Hán - Việt là một trong những sản phẩm đặc trưng của Việt Nam trong thời trung đại. Các tự điển này được xếp vào loại từ điển đối chiếu [Nguyễn Thiện Giáp 2005:94] mang tính giáo khoa thư [Phạm Văn Khoái 1995].
Cuốn từ điển cổ nhất là An Nam dịch ngữ(3) , cuốn Từ vựng Hán Việt đối chiếu do người Trung Quốc đời Minh biên soạn vào khoảng thế kỷ XV-XVI [Vương Lộc 1997: I]. Các chuyên luận nghiên cứu tác phẩm này chủ yếu tiến hành tái lập ngữ âm tiếng Việt. Tuy nhiên, qua những thành quả của các nhà khoa học, những người quan tâm có thể dựa vào đó để khai thác vốn từ cổ của thế kỷ XV-XVI. Trước nay, đã có một số học giả khai thác theo hướng này là Nguyễn Tài Cẩn, Vương Lộc, Nguyễn Ngọc San, Kiều Thu Hoạch, Hoàng Thị Ngọ v.v... Một số trường hợp hay được đề cập đến là blời, la đá… Trần Xuân Ngọc Lan [1999] đã có góp ý về 18 trường hợp trong bảng tái lập của Gaspadone, từ những góp ý này, ta có thể có thêm một số từ cổ, như: tóc xong (tóc mượt), ông voi sừngdớ (bít tất). Công việc cần làm là thống kê các từ cổ trong bảng tái lập của Vương Lộc.
Cuốn từ điển thứ hai là Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa(4) Cuốn này lần đầu tiên được Trần Văn Giáp giới thiệu trong một bài viết trên Tạp chí Văn sử địa năm 1969 và sau được in trong Lược khảo về vấn đề chữ Nôm năm 2002 tại Ngày nay Publishing [6-9]. Trần Xuân Ngọc Lan cũng đã thực hiện luận án Tiến sĩ mang tên Sơ bộ khảo sát quyển từ điển Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, trong đó tác giả giành riêng một phần để nghiên cứu từ vựng cổ [53-59, 64-73]. Phần đóng góp lớn nhất của tác giả là phần phiên âm và chú thích văn bản tác phẩm này. Các từ cổ mà bà nêu ra là rất thú vị, như: tu rích, cang la, nồng nàn… Hoàng Thị Ngọ [2001] thống kê được 218 từ cổ trong tác phẩm này, trong đó có: lù và (tù và), mặt mả (mặt nạ), miệt (giầy dép), ống (súng), gian (nhiều màu), mùi tui (rau mùi), cải lú bú (cải củ),nang (cau), nếp ác (nếp đen), nếp vang (nếp đỏ), nghệ máu (nghệ đỏ), lòm (đỏ), song (lắm), mèn(nhỏ), chan (nhiều), hèo (hiệu nghiệm), tít (thít, thắt), dịu dàng (mịn màng), đang dạ (ưa thích), yêu đang (yêu đương)… tác giả nhận xét: “có thể nói đó là sự bổ sung, góp mặt đáng kể vào các từ điển cổ, để từ đó làm cơ sở giải mã những tồn nghi hoặc xác định lại các từ đã bị thay thế khi phiên âm các văn bản từ Nôm ra quốc ngữ" [tr.410].
Cuốn tự điển thứ ba là cuốn Tam thiên tự(5) (hay Tự học toản yếu) của Ngô Thời Nhiệm được biên soạn vào cuối thế kỷ XVIII. Bản Vũ Khoa và bản 1938 được đề cập và nghiên cứu sơ bộ trong bài viết của giáo sư Nguyễn Đình Hòa trên Mon-Khmer Study. Trong đó, ông cũng đã đề cập đến một số từ địa phương cổ vùng Phát Diệm Ninh Bình như: lả, lọn, tua, lái… [Nguyễn Đình Hòa 1995 171-172]. Ông cũng đã quan tâm đến một số từ láy cổ, như: cút cút, chắm chắm, đáu đáu, óng óng, rẫy rẫy… [171-172]. Tuy nhiên, lối phiên âm từ Nôm sang quốc ngữ của ông lại không phân biệt vấn đề tái lập ngữ âm và từ cổ. Cuốn tiếp theo là Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca(6). Năm 1971, GS. Trần Kinh Hòa đã công bố bản phiên âm tại đại học Hồng Kông. Cùng năm đó Nguyễn Hữu Quỳ cũng công bố một bản phiên âm khác tại Sài Gòn, do Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa bảo trợ và ấn hành. Năm 1995, Nguyễn Đình Hòa đã có bài nghiên cứu về cuốn sách dựa trên tư liệu bản của Trần Kinh Hòa. Trong đó ông có đề cập đến một số từ cổ trong tác phẩm này: “nó còn cung cấp các tự vị của tiếng Việt thế kỷ XIX và tự dạng Nôm của chúng. Một ví dụ là chữ buông lung  được dùng để dịch từ Hán dịch đảng (là kẻ buông lung khác người). Hay như từ nốc  (thuyền nhỏ) [295] và xấp xỏa 習妥[297] mà âm hiện nay là chập chõa/ chập cheng.” [ NDH 1995: 213]. Tuy nhiên, việc khảo sát từ cổ của ông chỉ giới hạn qua mấy từ trên. Gần đây Đoàn Khoách công bố một bài nghiên cứu về chữ Nôm trênwww.viethoc.org. Năm 2006, Hà Đăng Việt trong luận văn Thạc sĩ cũng lấy chữ Nôm trong tác phẩm làm đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên, vấn đề khai thác từ cổ chưa được các tác giả trên đề cập đến, ngoài Nguyễn Ngọc San và Đinh Văn Thiện.
Ngoài những tác phẩm trên, từ điển Hán Việt cổ còn có Đại Nam quốc ngữ(7) của Nguyễn Văn San, Nhất thiên tự của tác giả vô danh, Nhật dụng thường đàm(8) của Phạm Đình Hổ. Nam phương danh vật bị khảo(9) của Đặng Xuân Bảng, Nan tự giải âm(10)Thiên tự văn giải âm(11) của Vũ Quốc Trân, Tự loại diễn nghĩa và Ngũ thiên tự(12).
2.1.2. Từ điển của các giáo sĩ
Nhằm mục đích truyền giáo, các giáo sĩ phương Tây đã biên soạn một số cuốn từ điển. Văn tự được sử dụng trong các từ điển này là hệ chữ cái Latinh (Quốc ngữ, Pháp, Latin, Bồ), chữ Hán, chữ Nôm. Ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Latinh, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Hoa. Trong số 19 cuốn từ điển(13) loại này, có hai tác giả người Việt là Huình Tịnh Paulus Của và Trương Vĩnh Ký. Trong đó, có 12 quyển là từ điển đối dịch Việt sang một số tiếng Tây. Gần đây Ngô Thanh Nhàn và Mai Bá Triều còn phát hiện thêm một tư liệu mới của Peter Stephen Du Poncea(14).
Thú vị nhất là cuốn từ điển tường giải Đại Nam quấc âm tự vị(15) của P. Của. Năm 2003, sau khi xử lý ranh giới từ và thành ngữ, Lê Quang Thiêm đã đưa ra những số liệu thú vị như sau: “Tổng số đơn vị là 70.971 từ và thành ngữ, trong đó, mục từ là 28.896 đơn vị. Tổng số những tổ hợp hoặc từ ngữ mà nay không còn dùng là 31.304 tổ hợp. Như vậy, tỉ lệ của mục từ, ngữ chiếm 48% trong tổng số lượng những tổ hợp mà Huình Tịnh Của đưa vào để giải thích. Số lượng 52% tổ hợp là những cụm từ tự do hoặc là những từ trước đây dùng hay không dùng nữa.” [2003:54-55]. Tác giả cũng đưa ra những số liệu thú vị do Khoa Ngôn ngữ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thống kê: “Theo tài liệu đối chiếu hai từ điển ĐNQATV với TĐTV là từ điển khá chuẩn mực, bảng từ có tính phổ biến cao, con số mất đi của ĐNQATV lên đến 71,39%” [55], đồng thời so sánh với tự điển của A.de Rhodes gồm 9.000 mục từ và hơn 1 vạn từ ngữ khác được dẫn ra trong các mục từ vì có liên quan đến nghĩa mục từ [54]. Sau khi đã loại bỏ các từ ngữ lịch sử, tiếng nghề nghiệp, thuật ngữ, thì cuốn từ điển có 4,94% từ cổ, 3,33% từ địa phương [57], tác giả cũng đưa ra một số trường hợp làm ví dụ.
2.2. Các từ điển hiện đại
Trước nay người ta thường không quan niệm rằng: các từ cổ chỉ xuất hiện trong các văn bản Nôm cổ (thành văn hay truyền khẩu). Thực tế phức tạp hơn, từ Việt cổ cũng có thể được ghi nhận trong các văn bản Hán văn Việt Nam (tương tự như chữ Nôm, và dĩ nhiên văn tự ghi tiếng Việt ở trường hợp này là chữ Nôm) ví dụ như: từ cái trong Bố Cái Đại vương; từ Việt cổ cũng có thể xuất hiện ở các văn bản hiện đại qua hệ thống tục ngữ ca dao, hò vè… và lại được cố định văn bản qua hệ thống chữ quốc ngữ với nhiều phương thức định hình văn bản khác nhau, ví dụ: “No cơm ấm cật, dậm dật đôi chân”. Từ cổ có thể vẫn nằm trong hệ thống địa danh, ví dụ như từ: lò sũ, câu lậu, mê kông…và từ cổ được sưu tập trong các cuốn từ điển hiện đại.
Như trên, chúng tôi đã đề cập đến sự tồn tại của các từ cổ trong từ điển hiện đại qua trường hợp từ điển Hán Việt Thiều Chửu. Phần này, chúng tôi sẽ đề cập đến sự ghi nhận các từ cổ trong hệ thống từ điển tiếng Việt hiện đại (từ 1945 đến nay). Bởi có một thực tế là, không phải từ nào được ghi nhận trong từ điển cũng là từ hay dùng mà có thể có những từ đang bị dùng ít đi, có những từ đang mờ dần nghĩa hay cách kết hợp và có cả những từ hoàn toàn không còn được sử dụng trong xã hội nữa.
Tuy nhiên, sự phân bổ từ cổ trong các từ điển mới soạn có mức độ đậm nhạt khác nhau tùy theo mục đích, tính chất hay cách thức làm việc/ biên soạn của tác giả. Tạm thời có thể chia làm năm loại: 1.Từ điển tiếng Việt; 2.Từ điển phương ngữ; 3.Bảng tra/từ điển tác phẩm; 4.Từ điển chữ Nôm và 5.Từ điển từ cổ.
2.2.1.Các từ điển tiếng Việt
Sau từ điển của P.Của, phải kể đến từ điển tường giải tiếng Việt khá sớm là cuốn Việt Nam tự điển của Ban Văn học - Hội Khai trí Tiến đức, do Mặc Lâm xuất bản tại Hà Nội năm 1931. Từ điển này tuy được xuất bản trước thời điểm năm 1945, nhưng đây vẫn được coi là cuốn từ điển tiếng Việt hiện đại đầu tiên được biên soạn theo những tiêu chí khá hiện đại của một số trí thức Tây học thời bấy giờ. Tuy mang tầm vóc của một cuốn từ điển tiếng Việt, cuốn sách này có xu hướng thiên về ngôn ngữ văn học. Điều này thể hiện rõ qua danh mục 31 tác phẩm trung-cận đại bằng chữ Nôm. Chính vì thế, khá nhiều từ cổ được ghi nhận trong cuốn từ điển này, mỗi từ có lại có dẫn thêm dăm ba văn liệu hay thi liệu, ví dụ như: chưng [142], chương [143] dái (sợ) [145], dạm [145], dặng [148], dấu [150]…
Năm 1951, cuốn Tự điển Việt Nam phổ thông(16) của Đào Văn Tập được xuất bản. Vì tính hiện đại nên tác giả “Chú trọng tới những nghĩa hiện đại và chỉ đề cập đến ngữ nguyên là khi nào nhận thấy tối cần”. Tác giả dẫn dụng thêm văn liệu. Vì vậy, cuốn từ điển này cũng ghi nhận một số ít từ cổ. Trong phần sách tham khảo, tác giả dẫn một số từ điển đáng chú ý như: từ điển của P.Của, Khai trí Tiến đức,Văn liệu tự điển của Nguyễn Văn Minh (Quảng Văn Thành- Hà Nội, 1942), Tầm nguyên từ điển của Lê Văn Hòe (Quốc học thư xã, H. 1941).
Cùng năm 1951, Lê Thanh Nghị ra cuốn Việt Nam tân tự điển. Cuốn này tác giả dụng công làm thêm phần tiếng Pháp và đặc biệt là chú thêm phần chức năng ngữ pháp (tính từ, danh từ…), chú cho các từ xưa, cho phương ngữ. Cuốn từ điển dẫn dụng một số tác phẩm văn chương cổ và bổ sung các văn liệu mới. Các từ cổ có thể sẽ được chú dưới ba dạng (xưa), ít dùng (itd), không dùng một mình (khd), hay phương ngữ (ph.ng) và cũng có thể không được chú gì ngoài phần chú về chức năng ngữ pháp. Ví dụ, từ chưng chỉ được chú là trạng từ (tr.t).
Các từ điển tiếng Việt của Văn Tân hay của Viện Ngôn ngữ học sau này càng ngày càng đầy đủ và cập nhật hơn. Tuy nhiên, các từ cổ vẫn được giữ lại và có khi được bổ sung do phạm vi văn liệu ngày càng được mở rộng. Từ cổ có thể xuất hiện ở những mục từ có chú thích là cũ, phương ngữ (ph.),văn chương (vch), trang trọng (trtr) và ít dùng (id).
2.2.2.Các từ điển phương ngữ
Như trên đã nói về loại từ cổ đã biến mất trong tiếng phổ thông nhưng vẫn còn tồn tại trong một số phương ngữ còn bảo lưu các yếu tố cổ. Vì vậy, các từ điển phương ngữ là một trong những khu vực xuất hiện của từ cổ.
Cuốn từ điển phương ngữ đáng kể đến trước tiên là cuốn Từ điển đối chiếu từ địa phương do Nguyễn Như Ý chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2001. Các từ địa phương trong cuốn sách được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau: từ kết quả điều tra điền dã, từ các từ điển tiếng Việt xuất bản ở Hà Nội và Sài Gòn từ năm 1930 đến 1998, từ các sách báo và tạp chí ấn hành tại địa phương, các sách về địa phương chí, các luận văn luận án của sinh viên và nghiên cứu sinh về vấn đề này. Vì vậy, đây là một cuốn sách công cụ khá hữu hiệu dùng để tra cứu và xác định từ cổ, bởi nữa mỗi từ đều được ghi rõ nằm ở vùng phương ngữ nào.
Cuốn Từ điển tiếng Nghệ của Trần Hữu Thung và Thái Kim Đỉnh cũng có thể coi là tư liệu quan trọng để tra cứu. Như tác giả viết trong phần Vài lời trao đổi: “Tiếng nói của người dân xứ Nghệ vẫn còn giữ được rất nhiều từ cổ. Những từ: chiềng, chạ, ỏi min… rõ ràng là rất cổ. Nhưng trong đó, từ nào mang tính bản địa nhiều hơn? Ví dụ với từ chiềng, chúng tôi thấy trong Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự dùng 6 lần, trong Truyện Kiều của Nguyễn Du dùng 1 lần… những từ nác (nước), tru (trâu), mun (tro),cươi (sân), ghín (gành)… rõ ràng là rất… Nghệ.”[5].
Trong cuốn Phương ngữ Bình Trị Thiên, Võ Xuân Trang cung cấp Bảng từ vựng phương ngữ Bình Trị Thiên [215-276]. Như GS. Cao Xuân Hạo viết thì Bình Trị Thiên là vũng phương ngữ còn lưu giữ nhiều nét cổ nhất của tiếng Việt [VXT 1997:7]. Cuốn Từ điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức là một công trình đồ sộ về vùng phương ngữ Huế (dày 1038 trang, khổ 18x26cm), in lần 1 năm 2001 tại Califonia, lần 2 là 2002 tại Sài Gòn. Ông viết: “Chúng tôi không quên các tiếng Huế xưa, “tiếng Huế cổ”. Một thời Cố A.de Rhodes đã ở lâu ngày tại Thuận -Hóa, thuộc xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn, do đó sách Từ điển Việt-Bồ-La (năm 1651) của ông đã là nguồn tra cứu của chúng tôi” [BMĐ 2004: 14-15]. Cuốn Từ điển phương ngữ Nam bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên (Nxb. Tp. Hồ chí Minh,1994). “Trong tập sách này, các từ ngữ địa phương được đối chiếu, giải thích bằng từ ngữ tương ứng của phương ngữ Bắc Bộ mà các nhà ngôn ngữ học coi là phương ngữ cơ sở của tiếng Việt phổ thông và tiếng Việt chuẩn mực” [NVÁ 1994:6].
2.2.3. Các bảng tra/từ điển tác phẩm
Phần tự vị (Bảng chỉ tiếng cổ) cuối sách Chinh phụ ngâm bị khảo của Hoàng Xuân Hãn [Nxb. Minh Tân. Paris 1953; tb lần 1, Nxb. Văn hóa, H.1993; tb lần 2. Nxb.Giáo dục, H. 1997, tr.237-526]. “Trong tự vị nầy, tôi để ý đến các chữ cổ, hoặc chữ thường nhưng nghĩa cổ. Còn các chữ Hán, hoặc điển tích thì cũng có chú thích…” [1997:460]. Phần tự vị cuối sách Bích câu kỳ ngộ (chuyện Tú Uyên) của Hoàng Xuân Hãn [1964; 1997: 527-712]: “Phần nầy ghi tất cả những tiếng dùng trong chuyện Bích- Câu kỳ- ngộ hoặc khó, hoặc dùng với nghĩa đặc biệt, hoặc có thể hiểu lầm… Sau mỗi chữ có giảng nghĩa thì sẽ đề rõ chữ ấy ở vế nào. Vì hiện nay còn thiếu từ điển văn liệu, tôi sẽ giải rõ những điển tích nguồn gốc của thành ngữ.” [1997:664-709] Bảng từ cổ trong sách Thiền tông bản hạnh của Hoàng Xuân Hãn công bố lần đầu trong bài viết Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần - Lê năm 1970-1980 trên tập san KHXH (Paris) [Nxb. Giáo dục, tb 1998: tr.1079-1265]. Bảng này gồm có 160 từ cổ xuất hiện trong bốn bài phú Nôm đời Trần có dẫn dụng bàng chứng từ các từ điển cổ và tác phẩm văn chương cổ.
Hoàng Thị Ngọ trong cuốn Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm ‘Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh’ cung cấp hai bảng tra hữu ích: 1.Bảng thống kê các từ ngữ cổ trong văn bản Phật thuyết[1999: 126-131] và 2.Sách dẫn chữ Nôm trong toàn bộ tác phẩm, phần này có cả xuất xứ và tần số, rất hữu dụng [1999:180-212]. Bảng ghi từ cổ và từ địa phương [233-235] trong cuốn Truyện Song tinh do Nguyễn Thị Thanh Xuân khảo đính, phiên âm và chú thích [1984]. Đây là bảng tra hữu ích đối với các từ cổ vào quãng cuối thế kỷ XVII đầu XVIII ở xứ Đàng Trong. Phần Sách dẫn từ Nôm cổ qua Tân biên truyền kỳ mạn lục [271-320] trong Tân biên Truyền kỳ mạn lục - tác phẩm Nôm thế kỷ XVI của Hoàng Thị Hồng Cẩm và Bảng từ cổ trong cuốn Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt qua Thiên Nam ngữ lục của Nguyễn Thị Lâm (2006) cũng là công cụ cần chú ý.
Cuốn Từ ngữ thơ văn Nguyễn Đình Chiểu của Nguyễn Thạch Giang [Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2000.] thu thập 3000 từ ngữ trong Nguyễn Đình Chiểu toàn tập. Vì vậy, đây cũng là cuốn sách tham khảo và tra cứu từ cổ tương đối hữu ích. Trước đó, còn có cuốn Từ ngữ thơ văn Nguyễn Đình Chiểu Thơ và văn tế của Nguyễn Quảng Tuân và Nguyễn Khắc Thuần [Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1987. “Với tập này, chúng tôi thống kê và giải nghĩa những từ ngữ tương đối khó hiểu trong tác phẩm thuộc thể loại thơ và văn tế của Nguyễn Đình Chiểu… Chúng tôi coi đây mới chỉ là công việc chuẩn bị cho công trình biên soạn bộ từ điển về Nguyễn Đình Chiểu sau này mà thôi.” [1987: 6]. Hai tác giả này còn có cuốn Từ điển Lục Vân Tiên [1989], đây là cuốn từ điển tác phẩm thứ hai, sau Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh. Ngoài ra cũng phải kể đến phần Bảng tra chữ Nôm [737-848] trong cuốn Ngư Tiều vấn đáp y thuật do Lê Quý Ngưu phiên âm chú thích [Nxb. Thuận Hóa, Huế. 2006]. Bảng tra xếp theo ABC, có chua chữ Nôm và xuất xứ. Cả ba cuốn trên, là bảng tra hữu ích các từ cổ trong tác phẩm của cụ đồ Chiểu- đại diện tiêu biểu cho ngôn ngữ văn học Gia Định – Nam Kì cuối thế kỷ XIX.
Cuốn từ điển tác phẩm hữu dụng nhất là Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh [Nxb. KHXH, H. 1974]. Năm 1989, cuốn này đã được Phan Ngọc “Khoa học hóa và hiện đại hóa công việc của thế hệ trước mà nâng công trình của Đào Duy Anh lên hàng từ điển ngữ văn theo quan điểm của ngôn ngữ học.” (lời của Phan Ngọc) [Nxb. KHXH, H. 1989]. Tuy nhiên, những công trình tương đương như vậy hiện nay vẫn chưa thấy xuất hiện nhiều. Mặt khác, cuốn từ điển này đang có xu hướng không được cập nhật. Bởi chục năm trở lại đây, cùng với việc phát hiện nhiều bản Nôm cổ, ngành Kiều học, cũng như việc nghiên cứu từ cổ đã có nhiều bước phát triển với sự đóng góp của nhiều thế hệ nghiên cứu già trẻ, trong cũng như ngoài nước, như: Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Ngọc San, Nguyễn Quảng Tuân, An Chi, Đào Thái Tôn, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Khắc Bảo, Nguyễn Tuấn Cường… Cần phải có một bài viết tổng thuật tình hình nghiên cứu từ cổ qua các bản Kiều Nôm, tuy nhiên đó là công việc trong tương lai.
2.2.4. Các tự điển chữ Nôm
Các từ điển chữ Nôm đương nhiên sẽ thu thập nhiều từ cổ. Bảng tra chữ Nôm của Viện Ngôn ngữ học, mấy cuốn tự điển của Vũ Văn Kính chỉ thống kê văn tự, thì một số từ điển chữ Nôm gần đây đều dẫn dụng khá nhiều văn liệu. Đầu tiên phải kể đến cuốn Tự vị lịch sử chữ Nôm(17) của Paul Schneider [1992]. Cuốn tự vị này là sưu tâp khá công phu về từ vựng lịch sử tiếng Việt qua các văn bản Nôm. Trong đó sưu tập khá nhiều từ cổ.
Tự điển chữ Nôm (Tự điển chữ Nôm Việt) của Viện Nghiên cứu Hán Nôm do Nguyễn Quang Hồng chủ biên [Nxb. Giáo dục, 2006, 1546 tr.], cuốn tự điển này được coi là cuốn sách hữu dụng nhất hiện nay, gồm 12.000 mã chữ Nôm, mỗi mã đều có xuất xứ trích dẫn từ 50 cuốn sách và từ điển Nôm từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XX về nhiều lãnh vực của văn hóa cổ truyền Việt Nam như: văn học, tôn giáo, tư tưởng, lịch sử, từ điển… “Gặp những trường hợp mà một chữ đơn tiết như thế tự thân không có nghĩa hoặc không rõ nghĩa, thì sẽ giải thích chúng thông qua các từ ngữ song tiết hoặc đa tiết hữu quan… In case such a character has no meaning in itself or its meaning is not at all clear, its sematic content is interpreted around an approciate dissyllabic or polysyllabic character.” [TDNV: 18-19; 21-22]
Từ điển chữ Nôm của hai tác giả Trương Đình Tín và Lê Quý Ngưu [Nxb.Thuận Hóa.2003] gồm hai tập. Tư liệu cũng được trích dẫn gần như cuốn của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có đôi chỗ dẫn liệu khác, nhưng cách làm rườm rà. Tập hai (xếp theo bộ thủ) thì chỉ cần rút lại thành một bảng tra là hợp lý. Ngoài ra cũng phải kể đến cuốn Tự điển chữ Nôm trích dẫn của Viện Việt học Hoa Kỳ, bản online với khoảng 10.000 mã chữ Unicode cho phép tra cứu chữ Nôm và dẫn liệu trong 51 tác phẩm cổ. Trong danh mục này có khá nhiều tác phẩm không trùng với danh mục dẫn liệu của TĐCN Viện Nghiên cứu Hán Nôm, như: Ngọa Long cương vãn của Đào Duy Từ (1572-1634), Kim cương kinh giải lý mụcSự lý dung thông của Hương Hải (1628-1715), Song Tinh bất dạ của Nguyễn Hữu Hào (?-1713), Nam phong giải trào của Trần Danh Án (1754-1794), Thánh giáo yếu lý của Bỉ Nhu (XVIII), Hoài Nam ký của Hoàng Quang (?-1801)… Hiện Viện Việt học đã tiến hành làm bản offline và bản in.
2.2.5. Các từ điển từ cổ
Từ điển từ cổ thuộc loại từ điển chuyên đề. Đến nay, có hai cuốn loại này. Từ điển từ cổ của Vương Lộc [2001]. Trong Lời nói đầu tác giả có đưa ra khái niệm về từ cổ, như chúng tôi đã lược nêu ở trên. Cuốn này, dẫn dụng 66 tác phẩm Nôm và bảy cuốn từ điển tham khảo. Cuốn thứ hai là Từ điển từ Việt cổ của Nguyễn Ngọc San và Đinh Văn Thiện. An Chi đã có những phủ chính trong Kiến thức Ngày nay số 378. Những phủ chính này đã được sửa trong lần tái bản sau. Cuốn sách có dẫn dụng 55 tác phẩm cổ. Tuy nhiên, khái niệm về từ cổ cần được thảo luận kỹ hơn, vì trong quá trình sưu tập tư liệu, phiên âm tác phẩm sẽ nảy sinh những yếu tố mới, cách quan niệm mới khiến kho nội hàm của khái niệm này sẽ có những biến đổi. Song, đây không phải là nội dung của bài viết.
3. Vấn đề khai thác từ cổ qua từ điển và văn bản Nôm
Các loại từ điển đã nêu trên (nhất là các từ điển cổ và từ điển từ cổ) được coi là công cụ tra cứu hữu hiệu không chỉ đối với người học mà với cả những người làm công tác phiên chú, dịch thuật và nghiên cứu. Từ điển cổ, các tác phẩm cổ (Nôm, Quốc ngữ) và từ điển hiện đại có thể coi là ba khu vực xuất hiện của từ cổ. Đây có thể là thế chân kiềng về sự phân bố của chúng. Tuy nhiên, tính chất của sự phân bố này thì không giống nhau. Bản thân các từ điển cổ và tác phẩm Nôm là những sản phẩm mang tính lịch sử. Các từ cổ được ghi nhận và được sử dụng với tư cách là những đơn vị của sinh ngữ. Đó là thứ tư liệu “hóa thạch” quý báu.
Về mối quan hệ giữa từ điển cổ và tư liệu Nôm cũng cần thảo luận thêm. Tư liệu Nôm được coi là kho dẫn dụng, kho tư liệu cho các nhà biên soạn từ điển cổ, ví dụ như P.Của, Génibrel. Với hệ từ điển từ De Rhodes đến Taberd, Bỉ Nhu thì tình hình có khác; các soạn giả này, hầu như không thái dụng các tư liệu từ tác phẩm Nôm. Còn những tự điển Hán Việt cổ thì lại không mang tính chất tra cứu, mà mang tính giáo khoa thư, giúp ích cho việc học và nhớ chữ. Loại này nên nhập vào loại sách tư liệu Hán Nôm.
Từ hai nguồn tư liệu trên, các soạn giả hiện đại tiến hành biên trứ các từ điển hiện nay. Tác phẩm Nôm là kho tư liệu. Từ điển cổ vừa là kho tư liệu vừa là công cụ tra cứu và kiểm chứng. Tuy nhiên, hai cuốn từ điển của Vương Lộc, Nguyễn Ngọc San dường như không thu nạp và thống kê hết các từ cổ trong các từ điển cổ, mà chỉ sử dụng chúng để xác định các mục từ được nêu ra từ các tác phẩm Nôm. Có thể hình dung theo sơ đồ sau:

Vòng tròn to (A): từ điển cổ; vòng tròn nhỏ (B) từ điển từ cổ. Như thế những ví dụ trong (B) chỉ là tập con của (A).

Mặt khác, một số từ điển cổ cũng lấy văn liệu trong các tác phẩm Nôm (quy ước là C). Và như thế, sẽ có những từ cổ vừa xuất hiện ở (C) vừa xuất hiện ở (A). Nhưng các tác phẩm được dẫn dụng ở (C) lại chỉ giới hạn trong Truyện Kiều, hay Chinh phụ ngâm… Điều này dẫn đến hệ quả là, có những từ chỉ có ở (C) mà không có ở (A). Các soạn giả từ điển còn lấy tư liệu điền dã ở các khu giáo dân từ Trung Bộ đến Bắc Bộ, hầu hết là các tư liệu thực địa, là lời ăn tiếng nói hàng ngày, không phải là ngôn ngữ văn học. Điều này dẫn đến hệ quả thứ hai là có những từ cổ chỉ có ở (A) mà không xuất hiện ở (C). Tình hình trên có thể biểu diễn qua sơ đồ sau:

Mối quan hệ giữa các từ điển từ cổ và tác phẩm Nôm có thể biểu diễn như sau:

Từ ba sơ đồ trên, ta có thể đưa ra sơ đồ tổng quát về mối quan hệ giữa ba khu vực phân bố từ cổ:

Đặc điểm của (A) là tính bất khả biến, tức không thể co dãn được. Bởi số lượng từ điển cổ là con số xác định. Trong tình hình tư liệu hiện nay, khó có thể tìm thêm được một cuốn từ điển cổ nào kiểu như từ điển của De Rhodes hay P.Của. Đặc điểm của (C) là tính khả biến, tuy rằng độ co dãn không cao. Với con số tư liệu hơn 1350 văn bản Nôm tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, với vài trăm tư liệu lưu trữ ở các nơi khác tại Việt Nam (Viện Văn học, Viện Sử học, Trung tâm lưu trữ quốc gia, các tài liệu dân gian…) cũng như ở nước ngoài (Anh, Pháp, Nhật, Hà Lan, Vaticant…) thì độ co dãn của nó không đến nỗi quá nhỏ.
Công việc cần thực hiện tiếp tới  xác định nội hàm của khái niệm từ cổ. Sau đó, tiến hành thu thập toàn bộ các từ cổ trong nhóm (A). Công việc này cũng không đơn giản. Bởi, không phải mục từ nào trong (A) cũng là tri thức chuẩn xác. Trước nay đã có một số nhà nghiên cứu đề cập vấn đến vấn đề này, như An Chi(17). Ông nhấn mạnh rằng: “chính cách ghi nhận và cách giải thích của A.de.Rhodes ở nhiều chỗ cũng có vấn đề”(đây là điểm rất quan trọng - TTD nhấn mạnh) [Xem An Chi 131-136]. Xin nêu thêm một ví dụ: trong mục từ tạn ghi “nước lên tạn gỗ”, nhưng có lẽ phải là “nước lên tạn cổ” (nghe/ghi nhầm / c / thành / g /) [Chuyện riêng NHV]ư. Việc biên soạn một cuốn từ điển từ cổ trong đó thu thập toàn bộ các dữ liệu của từ điển cổ là công việc cần thiết. Điều này có nghĩa là làm cho các khu vực từ cổ của (B) trùng khít với toàn bộ đơn vị từ cổ của (A) nên các đơn vị từ cổ nằm trong (A) chúng tôi tạm ký hiệu là (A’). Tức là (B) sẽ đồng dạng với (A’).
Chúng ta sẽ có sơ đồ sau:

Bước thứ ba là tiến hành thống kê và sưu tầm toàn bộ các từ cổ xuất hiện ở trong (C). Muốn thực hiện được bước này, trước hết (C) phải được phiên chuyển hết sang chữ Quốc ngữ. Và trong quá trình phiên chuyển, việc giải mã các chữ Nôm ghi các đơn vị từ cổ chưa từng xuất hiện ở (A) và (B) là việc làm khó khăn nhất. Nhưng đây cũng là khâu có đóng góp và thú vị hơn cả. Trong bảng từ cổ của bốn bài phú đời Trần, Hoàng Xuân Hãn có nêu ra một trường hợp về loại từ cổ này: “Mục mục -Từ đã mất. Ý là trỏ tiếng hạt nước rơi đều đều.4/18” [1998:1107]. HXH chú mấy chữ “từ đã mất” ý muốn nói từ này đến thời A.de. Rhodes đã mất rồi, vì không hề được từ điển nào ghi nhận. Như thế, nếu thu thập được hết các từ cổ ở khu vực (C) ta sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về từ cổ. Ta tạm gọi các từ cổ ở (C) là (C’). Lúc này, ta có thể hình dung một cuốn từ điển từ cổ (B) theo mô hình sau:

Mô hình tư liệu để biên soạn cuốn từ điển lịch sử tiếng Việt (tạm kí hiệu là V) sẽ được thể hiện qua phương trình (V) = (A) + (A’+ C’) + (C) với sơ đồ dưới. Và nếu làm tốt thao tác văn bản học, chúng ta có thể tiến tới biên soạn một cuốn (N) có thông tin niên đại xác tín về sự xuất hiện, thay đổi ngữ nghĩa hay biến mất cho từng mục từ cụ thể trong suốt lịch sử phát triển của tiếng Việt (thời kì thành văn- chữ Nôm, quốc ngữ).

Tiểu kết: Bài viết điểm qua về lịch sử khái niệm từ cổ làm cơ sở xác định nội hàm của khái niệm này để từ đó giúp ích cho việc sưu tầm ngoại diên của nó. Bài viết cũng lược điểm ba khu vực tồn tại/ghi nhận từ cổ, bao gồm: từ điển cổ, các tác phẩm tiếng Việt được ghi bằng chữ Nôm (bài viết tạm chưa đề cập đến khu vực các tác phẩm chữ Quốc ngữ cổ) và từ điển hiện đại (trong đó từ điển từ cổ là quan trọng hơn cả); cuối cùng đề cập đến mối quan hệ giữa các khu vực này để góp phần cho việc nghiên cứu từ cổ và biên soạn từ điển từ cổ cũng như từ điển tiếng Việt lịch sử trong tương lai.

Chú thích:
(1Chu Bích Thu có cách phân kì khác: “Về mặt có ảnh hưởng đến lịch sử phát triển của từ điển đối dịch, có thể thấy lịch sử nước ta chia thành mấy giai đoạn lớn sau: - Trước thế kỷ XX; Nửa đầu thể kỉ XX (trước năm 1945); Nửa sau thế kỉ XX” [2005:199]. Trong đó giai đoạn I, gồm có các tự vựng đối chiếu Hán Việt (sách Hán Nôm) và một số từ điển đối dịch Pháp-Việt (từ Rhodes đến từ điển của Aubaret vào cuối thể kỷ XIX. Giai đoạn II, gồm từ điển của Barbier đến từ điển của Đào Duy Anh… Chúng tôi tạm phân loại các từ điển làm hai giai đoạn như trên và sau đó phân loại theo tiêu chí soạn giả.
(2Ví dụ: cuốn Tự điển Hán Việt của Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha. Bởi từ khi được biên soạn đến nay, cuốn sách này vẫn là tài liệu tra cứu đầu tiên và thường dụng của bất kì người mới học hay nghiên cứu chữ Hán. Đến nay, nó đã được tái bản cả chục lần từ trong Nam ra đến ngoài Bắc. Nhưng, điểm thú vị là ở chỗ, tiếng Việt được dùng để giải thích lại bảo lưu khá nhiều từ cổ của tiếng Việt Trung Cận đại.
(3Cuốn từ vựng này có 716 mục từ được xếp theo 17 môn loại. Đặc điểm của nó là: “trong mỗi môn, cứ mỗi mục là đơn vị dịch nghĩa ghi bằng chữ Hán ở dòng trên thì ngay dưới dòng đó là đơn vị tiếng Việt tương ứng, âm của đơn vị tiếng Việt cũng biểu hiện bằng những chữ vuông Hán”. [Vương Lộc 1997:3], và “đối tượng phản ánh của ANDN là tiếng Việt vùng phương ngữ Bắc Bộ” [3]. Nghiên cứu và phục nguyên ngữ âm tiếng Việt Bắc Bộ thế kỷ XV qua tác phẩm này trước nay đã có một số công trình như: An Nam kỉ lược cảo của Kondo Morosighe hoàn thành năm 1796 và in trong bộCận đằng chính trai toàn thư năm 1906 nhà xuất bản Konkusho Kanko Kwai, Tokio; Études sur la phonétique historique de la langue annamite. Les initials. BEFEO, t.12, 1912 của Henri Maspéro; cuốn Le lexique annamites des Ming. J.A.t CCXLI, 1953, fas-3.x,No 3,355-392 của Émilie Gaspardone, An Nam dịch ngữ khảo thích. Quốc lập Đài Loan Đại học, Văn Sử Triết học báo, đệ ngũ kỳ. 1953 và A Bibliographical and Linguistic study on the An-Na Yi-yu. Reprinted from Shigaku, vol, XXXIX, No3,4, vol.XL, No1,2,3,1966-1968 của Trần Kinh Hòa; cuốn A NewVersion of the Chinese - Vietnamese Vocabulary of the Ming Dynasty. BSOAS,38/2 năm 1975 của Jéremy H.C. Davidson và cuốn An Nam dịch ngữ, Trung tâm Từ điển học & Nxb. Đà Nẵng.1997 của Vương Lộc.
(4Đây là cuốn từ điển Hán Việt trong đó các mục từ Hán được chú âm giải thích bằng chữ Nôm được biên soạn vào quãng thế kỷ XVI-XVII [Trần Xuân Ngọc Lan 1984] hoặc thế kỷ XV [Ngô Đức Thọ 2004]. Cuốn sách gồm 40 chương, phản ánh khá phong phú về các vấn đề: nhân luân, nông canh, thiên văn, binh khí, pháp khí, hòa cốc… Tuy rằng, cuốn sách soạn ra phục vụ nhu cầu tra cứu và học tiếng Hán. Nhưng, giá trị của cuốn từ điển này không chỉ dừng lại ở đó. Nó cung cấp tư liệu để nghiên cứu ngữ âm lịch sử, chữ Nôm và từ vựng tiếng Việt cổ. “Toàn bộ bảng từ có 3394 mục từ,… số lượng chữ Nôm được dùng để giải thích là gần 15000 chữ. Về cách lập bảng từ, tác giả đã thu thập từ ba nguồn từ điển hoặc tự điển cổ, các vận thư, và sách ngữ văn kinh điển chứ không dựa vào một cuốn từ điển có sẵn nào của Trung Quốc” [Nguyễn Thiện Giáp 2005:101-102]. Lê Văn Quán [1981 143-153] có những khảo sát về văn bản mà không nghiên cứu về từ cổ.
(5Cuốn tự điển này “chỉ dạy 3000 chữ thông thường, đáp ứng nhu cầu cần thiết, nhớ chữ, nhớ nghĩa, từng chữ mỗi câu bốn chữ.” [14] Người đầu tiên nhắc đến cuốn này vẫn là Trần Văn Giáp [1969; tb 2000: 10-14]. Thế nhưng, trước đó đã có một số bản in mới của Trương Vĩnh Ký năm 1898, hay bản của cha Vũ Khoa năm 1908. Hay một bản in tại Hà Nội năm 1938. Lê Văn Quán khảo sát thì có 8 văn bản hiện còn lưu trữ được: AB.228, VNv.191, AB.19, VNv.121, VNv.131, VNv.133 và A.2675, A.1825 (trong Đạo giáo nguyên lưu) [168]. Theo Nguyễn Thị Lan [2002], VNCHN có 6 bản, TVQG có 2 bản (R102 và R 1667) và 2 bản in mới năm 1942 gồm bốn thứ chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ, Pháp. Cuốn này có 2988 chữ Hán được giải nghĩa. Tuy nhiên, Nguyễn Thị Lan không nghiên cứu về từ cổ.
(6Đây là cuốn tự điển ngự chế của vua Tự Đức, được in năm 1898. Cuốn tự điển này cũng được làm theo thể văn vần. Gồm trên dưới 9000 mục tự. Tác phẩm được soạn theo bảy mục; 1. Kham dư 輿: cuốn 1-2; 2.Nhân sự ; cuốn 3-5; 3.Chính hóa : cuốn 6-7; 4.Khí dụng : cuốn 8-9; 5.Thảo mộc  : cuốn 10-11; 6.Cầm thú: cuốn 12; 7.Trùng ngư : cuốn 13. Các bản Tự Đức Thánh chế tự học giải nghĩa ca (Tự học giải nghĩa ca) hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm: lưu giữ 9 bản in bộ 13 quyển, có mục lục, có chữ Hán:
- VHv.626/1-4; VHv.627/1-4; VHv.628/1-4; VHv.629/1-4; VHv.630/1-4; VHv.631/1-4; VHv.363/1-4. In năm Thành Thái thứ 9 (1897), 610 tr, 28 x 18. Các bản VHv.626 đến VHv.631 đều cùng một ván khắc, giấy lệnh hội. Riêng VHv.626 ngay đầu sách có sắc chỉ của nhà vua cho in sách, cùng các bài biểu do bề tôi phụng soạn, giấy còn mới, có thể in muộn hơn nhưng vẫn cùng một ván khắc với các bản VHv.627 - VHv.631.
- AB.5/1-2 in năm Thành Thái thứ 10 (1898), 602 tr, 28x17cm.
- AB.311 in năm Thành Thái thứ 10 (1898), 144 tr, 29x17cm (chỉ còn từ quyển 7 đến quyển 9). Theo Hà Đăng Việt: “Cuốn sách gồm 4.572 câu lục bát, tổng số lần xuất hiện của chữ Hán và Nôm là 32.004 (lần) chữ… tổng số mục chữ Hán được giải nghĩa sẽ là 9.028. Trong số 9.028 mục chữ Hán được giải nghĩa, có 778 từ có 2 âm tiết, và 7 từ có 4 âm tiết). Như vậy, tổng số chữ Hán (âm tiết) sẽ là 9.827 chữ (tự).” [2006a :2] “Bằng một phép tính giản đơn, ta có: tổng số lần xuất hiện của chữ Nôm là 32.004 (tổng số lần xuất hiện) - 9830 (tổng số chữ Hán) = 22.174 (lần).” [2006a:3]
(7Nguyễn Văn San tự Hải Châu tử, hiệu Văn Đa Cư sĩ, người làng Đa Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, biên soạn cuốn tự điển này vào năm 1880 (Tự Đức thứ 33). Tất cả có 4779 mục tự, chia làm 50 môn loại, không xếp vần. [Nguyễn Thiện Giáp 2005:95]
(8Phạm Đình Hổ biên soạn khi ông làm chức Thự Tế tửu Quốc tử giám năm Minh Mệnh thứ 8 (1872), gồm 2560 mục tự, chia làm 32 môn loại, không xếp theo vần [Nguyễn Thiện Giáp 2005: 95].
(9Biên soạn vào năm Thành Thái (1901). Tất cả có 4461 mục tự, chia làm 33 môn loại [ Nguyễn Thiện Giáp 2005:95].
(10Chưa xác định được tác giả và năm biên soạn. Có 1066 mục tự là chữ Hán khó. Không chia môn loại [Nguyễn Thiện Giáp 2005: 95].
(11Gồm 1000 mục tự, không chia môn loại, viết theo thể lục bát trường thiên [Nguyễn Thiện Giáp 2005:96].
(12Ngũ thiên tự “là cuốn sách học chữ Hán, chữ Nôm của Việt Nam rất xa xưa- sách soạn theo thể lục bát, thể thơ thuần Việt” [Khổng Đức 2006 Lời nói đầu]. Theo Khổng Đức và Long Cương cuốn tự điển này không biết tác giả là ai. Trước đó, có một bản do Chánh tổng Nguyễn Bỉnh dịch ra quốc ngữ và viết tựa, và một bản khắc gỗ của Liễu Văn đường tàng bản in năm Duy Tân thứ ba tức năm 1909. Và bản in gần đây (2006) của hai tác giả này. Tuy nhiên, các tác giả chỉ tiến hành phiên âm, giới thiệu. An Chi [2004d] đã cải chính 600 chỗ sai sót của bản phiên âm này. Theo ông, có những kiểu sai sót như sau; viết sai chính tả quốc ngữ, sai nét chữ Hán, phiên âm chữ Hán sai, phiên âm sai chữ Nôm, nhầm lẫn Nôm với Hán và Hán với Nôm và ngắt câu sai. Tuy nhiên, vấn đề nghiên cứu chữ Nôm, và từ cổ qua cuốn sách hiện vẫn đang bỏ ngỏ.
(13) Đó là từ điển Dictionarium Annamiticium Lussitanum Vietnamiens (1651) của Rhodes, Dictionarium Anamitico Latinum (1772) của Bỉ Nhu, Dictionarium Annamitico - Latinum (1838) của Taberd, D’un Vocabulaire (Français - Annamite et) Annamite - Français (Paris, 1867) của G.Aubaret, Dictionaire Annamite- Français (1874*) của Legrand de la Liraye, Dictionarium Annamitico - Latinum (1877) của Theurel, Dictionarium Latino - Annamiticum (1880) của MH Ravier, cuốn Dictionaire Annamite - Français (Imprimerie de la Mission de Saigon 1877*) của Mgr Caspar “tiền thân” củaDictionaire Annamite - Français (1898) của Génibrel, Dictionaire Annamite - Français (1898) của Jean Bonet, “大南國音字彙 Đại Nam quấc âm tự vị (1895-1896.) của Huình Tịnh Paulus Của., Petit Dictionaire Annamite- Français (1904*) của PG Valiot, Dictionaire Annamite - Chinois - Français (1937) của G.Hue, Dictionaire Annamite- Français (hanoi. 1934-1935) của cố G. Cordier. Dictionaire Annamite - Français và Dictionaire Français - Annamite của Trương Vĩnh Ký. Từ điển Pháp - Annam (1921) của Barbier. Hai cuốn Annamiticium Lussitanum (?*) của Gaspar de Amaral (1592-1646) vàLussitanum Annamiticium (?*) của Antonio Barbosa thì chỉ được biết đến qua lời của de Rhodes. (Các từ điển có đánh dấu sao * trên năm xuất bản biểu thị đã mất)
(14“Năm 1838, ông đã cho xuất bản tác phẩm: “Luận án về bản chất và đặc trưng về hệ chữ viết Trung Hoa” [A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing]. Tác phẩm này, đã được Hội APS xuất bản, được xem là một nghiên cứu đầu tiên về Hán tự tại Hoa Kỳ. Đặc biệt trong tác phẩm này ông đã đề cập riêng biệt đến ngôn ngữ xứ Đàng Trong [Cochinchinese language] là 1 trong 5 nước (Trung Hoa, Nhật Bản, Cao Ly, Lưu Cầu và Việt Nam) có cùng một nền văn hoá Hán tự, bằng cách cho in lại toàn bộ tập từ điển viết tay (gồm có trên 3.000 từ Việt-Latin và 333 chữ Hán Nôm) do Giáo sĩ Joseph Morrone tặng cho Trung úy Hải quân Hoa Kỳ John White ở Sàigòn trước khi ông này trở về Hoa Kỳ năm 1820.” [Peter Stephen Du Ponceau.1838. Cochinchinese language. In A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing [Luận án về bản chất và đặc trưng về hệ chữ viết Trung Hoa]. APS -Historical and Literary Committee. M’cCarty and Davis, 171 Market Street, Philadelphia. Chuyển dẫn theo Mai Bá Triều (Ngôn ngữ và sử gia, Bí) & Ngô Thanh Nhàn (Đại học New York, Mỹ).2006. Giới thiệu một nghiên cứu của Peter S. Du Ponceau (1760-1844) Mỹ về ngôn ngữ và chữ Nôm Đàng Trong thế kỷ XIXHội nghị Quốc tế về chữ Nôm Huế, 1-2 tháng 6 năm 2006.]
(15Tác giả trình bày việc biên soạn như sau: “làm tự vị nầy, sơ tâm ta muốn có tiếng Langsa. Hồi mới khởi công, có nhiều quan Tây giùm giúp, sau các ông ấy có việc phải thuyên đi Bắc-kỳ, bỏ có một mình ta, lúng túng, phải bỏ phần dịch tiếng Langsa. Nhưng vậy, nhơn khi rỗi rảnh, ta cứ việc làm theo tiếng ta, chữ ta, viết đi chép lại, ngày đêm khó nhọc, hơn bốn năm trời mới thành công việc, mà cũng còn áy náy vì còn thiếu tiếng Langsa. Năm nay có quan tham tán cho quan toàn quyền là ông Landes trở về Gia-định, người cũng có giúp ta năm trước cùng bày cách cuộc cho ta phải làm tự vị thể nào, xem công việc ta làm thì người cho là công việc rất lớn, nếu có dịch sang tiếng Langsa thì lại thêm bề bộ; vã trong sự dịch ấy cũng phải tìm người, mà lại phải dụng công cho tới năm ba năm nữa, người bàn với ta rằng: ‘tự vị nước nào làm theo nước ấy, chẳng phải dịch tiếng Langsa làm chi, vã xưa nay trong nước Annam chưa hề có tự vị tiếng riêng, cứ việc in tiếng ta, chữ ta, như tự vị Trung- quấc, thì cũng là đều rất có ích’” [Huình Tịnh Của 1895 Tiểu tự: IV]. Trong tờ bìa, tác giả viết: “tham dụng chữ Nho có giải nghĩa, có dẫn chứng, mượn 24 chữ cái phương Tây làm chữ bộ”. Như vậy, đây là có thể coi là cuốn từ điển giải thích, từ điển tường giải, có dẫn chứng (từ văn liệu) đầu tiên trong lịch sử do chính một người Việt biên soạn. Văn tự dùng trong cuốn tự vị này là chữ Nôm, chữ Nho và chữ cái La tinh. Ông kí hiệu “C” chỉ Hán, “N”-Nôm, “C-N”-chữ Hán có dùng Nôm, tức từ Hán Việt.
(16Tác giả đã nói rõ về hoàn cảnh và mục đích biên soạn như sau: “trong giai đoạn đặc biệt này, tự nhiên là một mớ tiếng mới-nhất là những danh từ chuyên khoa-đã được thừa nhận cho lưu hành để phù hạp với những nhu cầu của đời mới. lại biết bao nhiêu danh từ cũ đã có thêm những nghĩa mới để theo kịp với tư tưởng của con người mỗi ngày một mở mang và thêm tế nhị. Vì lẽ đó, một quyển tự điển Việt ngữ mới mẻ và đầy đủ là một pho sách tối cần cho văn hóa Việt Nam hiện đại và là một công trình mà chúng tôi hằng mong mỏi ở một nhóm có tổ chức hẳn hoi, gồm có đủ các học giả lỗi lạc của toàn quốc: chúng tôi muốn nói đến Viện hàn lâm Việt Nam sau này” [ĐVT Lời nói đầu].
(17Bộ từ điển này dày 914 trang, mỗi mục từ được in bằng ba loại văn tự: Nôm, quốc ngữ, Pháp. Cuốn tự vị này lấy từ làm đơn vị, 6500 chữ Nôm được xếp theo ABC. Tự dạng của chữ Nôm dựa vào hai cuốn từ điển của Rhodes và Béhain. “Vì cuốn này là ‘từ điển lịch sử của những chữ ghi kí hiệu tiếng Việt’, nên mỗi một từ điển đều được dẫn ra các ngữ cảnh có chữ Nôm cùng âm đọc để minh họa; bắt đầu là những tác phẩm văn học xuất hiện sớm nhất, sau đó dẫn đến từ điển đan xen theo từng niên đại của các cứ liệu… Nguồn tư liệu mà soạn giả sử dụng trong cuốn từ điển này là 73 tư liệu” [Nguyễn Thị Thanh Vân 1997:81].
(18An Chi phản bác Lê Trung Hoa: “nhà từ nguyên học thời nay không nên gởi gắm lòng tin tuyệt đối của mình vào những người thợ nhà in ở La Mã đã sống cách đây 350 năm,” vì “những người này đã xếp sai phần tiếng An Nam (trong từ điển Việt-Bồ-La của A.de.Rhodes) đến hàng trăm chỗ mà A.de.Rhodes còn kịp nhặt ra và nêu lên trong bảng Cải chính những chỗ sai về tiếng Annam trong từ điển (Tên bài do chúng tôi tạm đặt trên cơ sở nội dung của bài viết - TTD) nhưng vẫn còn để lọt lưới rất nhiều chỗ khác” [An Chi 1999]

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Alexandro de Rhodes. 1651. Dictionarivm Annamiticivm- Lusitanvm - Latinvm Sacre Congragationis de Propagadafide Cardinales. ROMETừ điển Việt - Bồ - La. Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính phiên dịch. Nxb. KHXH, H. 1994.
2.An Chi (Huệ Thiên). Trả lời ông Bùi Thiết về vấn đề từ cổ. Trong Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm. Nxb. Trẻ, 2004, 581-585. (Kiến thức Ngày nay, số 471, 14/01/2002), và số 478, 18/03/2002).
3.An Chi (Huệ Thiên). Cung cách “giải mã” từ cổ của ông Hồ Lê. Nxb. Trẻ, 2004, 357-367 (Thông tin Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế, số 03/1997)
4.An Chi (Huệ Thiên). Cải chính những chỗ phiên Nôm sai của Vũ Văn Kính và Khổng Đức trong quyển Ngũ thiên tự.trong Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm. Nxb. Trẻ, 2004, 587-591. (Kiến thức Ngày nay, số 478, 18/03/2002).
5.An Chi (Huệ Thiên). Ngữ học gia Phan Ngọc đã nâng cấp công trình của học giả Đào Duy Anh như thế nào? trongNhững tiếng trống qua cửa các nhà sấm. Nxb.Trẻ, 2004, tr.369-390.
6.An Chi (Huệ Thiên). Những chỗ dịch sai của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên trong Tự Vị Annam - Latinh. trongNhững tiếng trống qua cửa các nhà sấm. Nxb. Trẻ, 2004, tr.479-492.
7.An Chi: Một số chỗ in sai chính tả và một số chỗ có vấn đề trong cách ghi nhận và cách giải thích của A.de Rhodes. Trong Chuyện Đông chuyện Tây (tb lần 01). Nxb. Trẻ. Tp Hồ Chí Minh, 2006, tr.131-136. (Kiến thức Ngày nay số 337, ngày 20/12/1999).
8.Bùi Minh Đức: Từ điển tiếng Huế. Nxb. Văn học & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Sài Gòn 2004.
9.Bùi Thiết: Có nên cho quả bóng Việt vào lưới Hán. Trong Kiến thức Ngày nay, số 470, 07/01/2002.
10.Bùi Thiết. Về bài “Trả lời ông Bùi Thiết”. Trong Kiến thức Ngày nay, số 476, 2002.
11.Đào Duy Anh: Chữ Nôm - Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Nxb. KHXH, H. 1975.
12.Chu Bích Thu: Từ điển và từ điển học Việt Nam. Trong Lược sử Việt ngữ học (Nguyễn Thiện Giáp chủ biên), Nxb. Giáo dục. 2005.
13.Đào Duy Anh: Từ điển Truyện Kiều, Phan Ngọc bổ sung sửa chữa, Nxb. KHXH, H. 1987.
14.Đào Văn Tập: Từ điển Việt Nam phổ thông, Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn. 1951.
15.Hà Đăng Việt. Nghiên cứu Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca. Luận văn Thạc sĩ. Trường ĐH KHXH&NV. ĐH QGHN. 2006
16.Hoàng Xuân Hãn: Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần - Lê, trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Nxb. Giáo dục. 1998.
17.Hoàng Hồng Cẩm: Nghiệp oan nàng họ Đào - Bản dịch Nôm của Nguyễn Thế Nghi, trong Thông báo Hán Nôm học năm 1997, H. 1998.
18.Hoàng Thị Hồng Cẩm: Tân biên Truyền kì mạn lục - Nghiên cứu văn bản và vấn đề dịch Nôm, Nxb. Văn hóa - Dân tộc, H. 1999.
19.Hoàng Thị Ngọ: Chữ Nôm và Tiếng Việt qua bản giải âm ‘Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh’, Nxb. KHXH, H. 1999.
20.Hoàng Thị Ngọ: Điểm qua về tình hình từ cổ trong cuốn từ điển Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa. Trong Thông báo Hán Nôm học 2001. Nxb. KHXH. 2002.
21.Huình Tịnh Paulus Của. “ Đại Nam quấc âm tự vị, SaiGon Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’Adran, 4. 1895-1896; Nxb.Trẻ.1998 (chụp theo ấn bản 1895-1896).
22.Ngô Đức Thọ: Thông tin mới nhất về Chỉ nam ngọc âmTạp chí Hán Nôm, số 3/2005
23.Lê Quang Thiêm: Lịch sử từ vựng tiếng Việt thời kì 1858-1945, Nxb. KHXH, H. 2003
24.L.M An-tôn Trần Văn Kiệm. Giúp đọc Nôm và Hán Việt 棢讀喃亼漢越, Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm Hoa Kỳ & Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2004.
25.Nguyễn Đình Chiểu. Ngư tiều vấn đáp y thuật. (Lê Quý Ngưu phiên âm, chú thích, định bản), Nxb. Thuận Hóa, Huế 2006. tr.851.
26.Nguyễn Đình Hòa: Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa caA 19th century Chinese - Vietnamese DictionaryPapergiven at the 21st International Conference ong Sino - Tibetan Languagues and Linguistic, Lund, Sweden. (bản dịch Trần Trọng Dương) 1988.
27.Nguyễn Ngọc San: Lý thuyết chữ Nôm văn Nôm, Nxb. Đại học Sư phạm, H. 2003.
28.Nguyễn Ngọc San & Đinh Văn Thiện. Từ điển từ Việt cổ, Nxb. Từ điển Bách khoa, H. 2003. (Lần 1 Nxb. VH-TT, H. 2001)
29.Nguyễn Ngọc San: Góp vài ý kiến về âm đầu tiếng Việt cổ qua cứ liệu Phật thuyếtTạp chí Ngôn ngữ, số 3.1982.
30.Nguyễn Ngọc San: Tìm hiểu tiếng Việt Lịch sử, Nxb. Đại học Sư phạm. 2003.
31.Nguyễn Ngọc San: Lý thuyết chữ Nôm - văn Nôm, Nxb. Đại học Sư phạm, H. 2003.
32.Từ điển đối chiếu từ địa phương.Nguyễn Như Ý chủ biên, Nxb. Giáo dục, H. 2004.
33.Nguyễn Quang Hồng: Chuyển dịch từ ngữ song tiết Hán văn sang từ ngữ văn Nôm trong bản giải âm Truyền kì mạn lục, Hội thảo quốc tế ngôn ngữ học liên Á lần VI (Hà Nội, 11- 2004).
34.Tự điển chữ Nôm. Nguyễn Quang Hồng chủ biên, Nxb. Giáo dục, H. 2006, 1546 tr.
35.Nguyễn Quảng Tuân-Nguyễn Khắc Thuần: Từ ngữ thơ văn Nguyễn Đình Chiểu Thơ và văn tế, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1987.
36.Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn Khắc Thuần: Từ điển truyện Lục Vân Tiên, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1989.
37.Nguyễn Quảng Tuân: Chữ nghĩa Truyện Kiều, Nxb. Văn học, H. 2004, 272 tr.
38.Nguyễn Thạch Giang: Từ ngữ văn Nôm, Nxb. KHXH, H. 1993.
39.Nguyễn Thạch Giang: Từ ngữ thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh 2001.
40.Nguyễn Thị Lan: Tìm hiểu loại hình sách song ngữ Hán Nôm dạy chữ Hán (qua nghiên cứu ‘Tam thiên tự giải âm’). Luận văn Thạc sĩ. Trường ĐH KHXH&NV. ĐH QG HN, H. 2002.
41.Nguyễn Thị Lâm: Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt qua Thiên Nam ngữ lục. Nxb. KHXH. H. 2006.
42.Nguyễn Thị Thanh Vân: Đi tìm những kí hiệu viết tắt trong một bộ tự điển chữ Nôm. Trong Ngữ học trẻ 97. Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. H. 1997, tr.80-82.
43.Nguyễn Thanh Tùng. 2001. Nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt trong Thiền tông khóa hư ngữ lục (Báo cáo khoa học).
44.Nguyễn Thiện Giáp: Từ vựng học tiếng Việt, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1985.
45.Nguyễn Thiện Giáp: Những suy nghĩ ban đầu về tiếng Việt qua sự sáng tạo chữ Nôm. Trong Lược sử Việt ngữ học, Nxb Giáo dục, H. 2005, 85-111.
46.Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu): 1772-1773. Tự vị An Nam La Tinh (Dictionarium Anamitico Latinum 1772 - 1773), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb. Trẻ, 1999.
47.Trần Trọng Dương: Nghiên cứu các bản dịch Khóa hư lục - Chữ Nôm và tiếng Việt (Luận văn Thạc sĩ), Lưu trữ tại TV Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH và NV. ĐH QGHN, 2005.
48.Trần Trọng Dương: Khảo sát hệ thống từ cổ trong bản giải nghĩa "Thiền tông khóa hư ngữ lục" của Tuệ TĩnhTạp chí Ngôn ngữ, số 8, 2006, tr.54-67.
49.Trần Trọng Dương: Khảo sát hệ thống từ cổ trong bản giải âm KHÓA HƯ LỤC (AB.367) của Hòa thượng Phúc Điền, in trong Thông báo Hán Nôm học năm 2006, Nxb. KHXH, H. 2007, tr.177-202 .
50.Trần Văn Giáp: Lược khảo vấn đề chữ Nôm (từ khởi thủy đến thế kỷ XIX)Ngày nay Publishing. Westminter, 2002.
51.Trần Xuân Ngọc Lan: Vài đặc điểm của 4 từ cổ: thuở, nếu, ban, no, “Một số vấn đề về các ngôn ngữ Phương Đông”, Viện Đông Nam Á, H. 1985.
52.Trần Xuân Ngọc Lan: Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Nxb. KHXH, H. 1985.
53.Trần Xuân Ngọc Lan: Góp một số ý kiến đối với bản từ vựng tiếng Việt do E.Gaspardone tái lậpTạp chí Hán Nômsố 03/1999 (Tạp chí Hán Nôm - 100 bài tuyển chọn. VNCHN, H. 2000. tr.150-156.)
54.Võ Xuân Trang: Phương ngữ Bình Trị Thiên, Nxb. KHXH. 1997. 302 tr.
55.Vương Lộc: Từ điển từ cổ, Trung tâm Từ điển học & Nxb. Đà Nẵng, Hà Nội - Đà Nẵng 2001.
56. Vũ Văn Kính.2002. Đại tự điển chữ Nôm, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học & Nxb. Văn nghệ Tp.Hồ Chí Minh./.
(Tạp chí Hán Nôm, Số 1(98) 2010; Tr. 17 - 36)
 In

Friday 6 April 2012

Bồi là từ gốc Anh hay gốc Pháp?


Bồi là một trong số mươi từ mượn âm được thu nhận vào từ điển tiếng Việt sớm nhất. Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:56) cắt nghĩa là người hầu hạ và ghi chú là bởi chữ “boy” tiếng Hồng-mao, nghĩa là thằng nhỏ. Phần đông các nhà nghiên cứu về sau xem bồi là từ gốc Pháp (Nguyễn Quảng Tuân, 1992:78; Nguyễn Kim Thản, 2005:166) bởi vì từ này được người Việt mượn âm trực tiếp từ tiếng Pháp khi Việt Nam bị Pháp đô hộ.


Người An-nam trước khi nhà nước Pha-lăng-sa sang Bảo-hộ thì chưa có tiếng sà-phòng (savon), nhà ga (gare), rượu bia (bière), cậu bồi (boy) v.v.
Nam Phong Tạp Chí số 59 (1922:351, Vũ Công-Nghi)

Thursday 5 April 2012

Cần vẹt là cái gì?

Cần vẹt là cái cần truyền điện vào tàu điện. Từ vẹt này xuất hiện trong tiếng Việt quãng 1900. Có điều các nhà làm từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức sống ngay tại Hà Nội, ngày ngày nhìn thấy tàu điện chạy leng keng nhưng không thèm cho cần vẹt vào từ điển. Tội của vẹt là trót sinh ra làm con Tây (perche de tramway). Xui cho vẹt là vì nhiều lý do lịch sử (chẳng hạn như tình trạng lụi tàn của hệ thống tàu điện ở Hà Nội), các từ điển sau đó cũng không thu nhận cần vẹt vào bảng từ. Bây giờ người ta vẫn nói tàu điện cần vẹt, cần vẹt tàu điện... nhưng cần vẹt không khác gì một đứa con hoang không rõ nguồn gốc, lai lịch.

Wednesday 4 April 2012

Từ cảm hứng xuất hiện trong tiếng Việt khi nào?


Năm 1916, trên Đông Dương Tạp Chí số 52 Nguyễn Văn Tố dùng từ cảm hứng để dịch tựa bài L’enthousiasme của bà de Stael:
Người ta có thể nói chẳng ngoa rằng trong mọi sự cảm-giác cái cảm-hứng là cái dễ làm cho ta được sung-sướng thực, dễ khiến cho ta chịu được cái số-mệnh làm người, dù gặp cái cảnh-ngộ thế nào mặc lòng.
On peut le dire avec confiance, l’enthousiasme est de tous les sentiments celui qui donne le plus de bonheur, celui qui en donne véritablement, le seul qui sache nous faire supporter la destinée humaine, dans toutes les situations òu le sort peut nous placer.
Nguyễn Văn Tố (1916:417)

Năm 1917 Phạm Quỳnh trong một bài biên khảo về thơ Baudelaire trên Nam Phong Tạp Chí dùng từ cảm hứng với một nghĩa khác:
Đã có cảm-hứng thì tức tìm được âm-điệu xứng-đáng ; không có cảm hứng thì dẫu âm-điệu hay, chẳng qua cũng mới là thợ, chưa gọi là thơ được.
(Phạm Quỳnh, 1960:186)

 Quãng những năm 30, từ cảm hứng được ghi nhận trong từ điển. Đào Duy Anh (1950:859), dùng từ này để để dịch từ inspiration của tiếng Pháp. Trước đó inspiration được dịch là yên sĩ phi lý thuần, hoặc có khi gọn hơn là yên sĩ. Cả yên sĩ phi lý thuầncảm hứng đều là từ mượn của tiếng Trung Quốc, nhưng đọc bằng âm Hán Việt. Từ cảm hứng cạnh tranh với yên sĩ cả chục năm không bứt lên nổi.

Lê Thanh trong bài báo “Từ việc dùng những danh-từ mới đến sự tiến-hóa của việt-ngữ” đăng ở Tri Tân Tạp Chí số 11 (1941:2) cho biết:
Từ trước tôi đã thấy người ta theo Lương-Khải-Siêu bên Tàu mà dịch âm tiếng inspiration ra tiếng hán-việt là yên-sĩ-phi-lý-thuần. Bây giờ tiếng này đã phổ-thông lắm. Nhưng không phải là một cớ để ta giữ nó mãi mãi. Vì một lẽ là ta có thể tìm được một tiếng khác có giá-trị về phương-diện từ ngữ hơn: cảm-hứng.

Monday 2 April 2012

Xuất xứ của hai tiếng niết bàn (An Chi - Năng Lượng Mới số 10 ,14 - 4 - 2011).

Bạn đọc : Xin vui lòng cho biết xuất xứ của hai tiếng niết bàn. (Hải Vân).
An Chi : Niết bàn là dạng tắt của niết bàn na 涅槃那. Đây là ba tiếng đọc theo âm Hán Việt của ba chữ Hán mà người Trung Hoa đã dùng để phiên âm danh từ hữu quan bằng tiếng Sanskrit. Đoàn Trung Còn đã cho xuất xứ của danh từ niết bàn như sau:
 “(Do tiếng Sanskrit) Nirvâna. Viết trọn: Niết-bàn-na (...) Niết (nir): Ra khỏi. Bàn hay Bàn-na (Vâna): Rừng. Tức là ra khỏi cảnh rừng mê tối, rừng phiền não” (Phật-học từ-điển, q.II, tr.335).
Dấu mũ ( ۸ ) trong chữ nirvâna của Đoàn Trung Còn là một ký hiệu thay thế cho dấu gạch ngang ngắn (-) bên trên chữ cái ghi nguyên âm để thông báo rằng đây là một nguyên âm dài. Vậy từ đây xin đổinirvâna thành nirvāna. Nhưng nirvāna cũng không phải là xuất xứ của niết bàn vì xuất xứ đích thực của danh từ này trong tiếng Sanskrit lại là nir-vāa. Âm đầu của âm tiết thứ ba là phụ âm óc (cerebral consonant)  chứ không phải là nNir-vāa là một danh từ phái sinh từ động từ nir-VĀ. (Theo truyền thống Phạn ngữ học của phương Tây, người ta in căn tố động từ bằng chữ in hoa). VĀ là căn tố động từ có nghĩa là thổi, là nổi gió, là tỏa hơi ra, là xông mùi. Còn nir là biến thể hình thái học của tiền động từ (preverb) ni chỉ ý biến mất, không còn, v.v.. Vậy nir-VĀ là ngừng thổi, ngưng gió, là tắt, kể cả tắt tự nhiên lẫn bị thổi tắt. Và nir-vāa là trạng thái ngừng thổi, trạng thái tắt ngấm, do đó còn có nghĩa phái sinh là sự tiêu tan, sự tịch diệt, là cái chết, là sự thoát khỏi kiếp trầm luân để vãng sanh cực lạc, v.v.. Dictionnaire sanskrit-français của N.Stchoupak, L.Nitti và L.Renou (Paris, 1932) đã giảng nir-vāa là: “ extinction (sự tắt ngấm), mort (sự chết), néant absolu (hư vô tuyệt đối), béatitude (cực lạc), [...]”. Vậy niết bàn không có liên quan gì đến “rừng” mà liên quan đến sự tắt ngấm, sự ngừng thổi, hiểu rộng ra là sự tắt thở và cái chết. Có thể so sánh cấu trúc ngữ nghĩa của danh từ nir-vāatrong tiếng Sanskrit với cấu trúc ngữ nghĩa của danh từ anima trong tiếng La Tinh để làm cho vấn đề sáng tỏ hơn. Danh từ La Tinh này có các nghĩa sau đây: 1. không khí; 2. luồng hơi, gió; 3. hơi thở; 4. linh hồn; 5. sinh vật, con người; 6. tâm hồn, tấm lòng. Vật có hơi thở, nghĩa là động vật, kể cả con người, thì được gọi là animal (cũng cho ra tiếng Pháp animal = động vật), phái sinh từ anima. Vậy sự sống và cái chết đều có liên quan đến luồng hơi, đến hơi thở. Tắt hơi, tiếng Sanskrit là nir-VĀ, tức là chết. Tóm lại, xét theo nguồn gốc thì khái niệm niết bàn chỉ liên quan đến hơi thở chứ chẳng có liên quan gì đến cảnh rừng cả.
Sở dĩ Đoàn Trung Còn liên hệ niết bàn với rừng là do đã nhầm vāna (= rừng) với a trong nira. Thực ra, trong tiếng Sanskrit thì  và n là hai phụ âm khác nhau cho nên nếu không phân biệt chúng với nhau thì sẽ dễ dàng đi đến nhầm lẫn về mặt ngữ nghĩa. Thí dụ: au là mịn, nhuyễn, mỏng, yếu v.v. nhưng anu thì lại có nghĩa là về sau, đằng sau, v.v.; caa là đậu mỏ (pois chiche) còn cana thì lại là một tiểu tố có tác dụng phiếm chỉ hóa một số đại từ; a là món tiền đặt trong canh bạc nhưng pānathì lại là nước giải khát, v.v..
Tương ứng với tiếng Sanskrit nirvāa là tiếng Pāli nibbāna mà Concise Pāli-English Dictionary của A.P. Buddhadatta Mahāthera (Colombo, 1957) dịch là “extinction (of a fire); emancipationthe final bliss”. Nghĩa đã cho bằng tiếng Anh trong Concise Pāli-English Dictionary cũng trùng với nghĩa đã cho bằng tiếng Pháp trong Dictionnaire sanskrit-français. Căn tố động từ trong cả nirvāa lẫn nibbāna đều là VĀ (v trở thành b trong nibbāna là do biến thể saṃdhi) với nghĩa đã nói ở trên. Vậy niết bàn (nirvāa,nibbāna) chẳng có liên quan gì đến “rừng” cả.