Wednesday 19 September 2012

SAI LẦM CĂN BẢN CỦA A.-G. HAUDRICOURT VỀ PHỔ HỆ CỦA TIẾNG VIỆT _ AN CHI (Kiến Thức Ngày Nay số 143, ngày 15-7-1994).

Hai kiến giải về quan hệ tộc thuộc của tiếng Việt là của hai người Pháp: H. Maspéro và A.-G. Haudricourt. Trong Etudes sur la phonétique historique de la langue annamite (1), một công trình nghiên cứu nghiêm túc và sâu sắc, Maspéro đã dè dặt cho rằng tiếng Việt có thể là một ngôn ngữ Thái còn Haudricourt, trong một bài viết ngắn nhan đề La place du vietnamien dans les langues austroasiatiques (2), thì cả quyết rằng nó là một ngôn ngữ Nam Á. Theo nhận xét của S.E. Jakhontov thì kiến giải của Maspéro hình như phổ biến hơn nhưng kiến giải của Haudricourt lại được xem là thuyết phục hơn (3). Còn Hoàng Tuệ thì cho biết rằng “luận điểm của Haudricourt (...) là một đóng góp hết sức quan trọng”, rằng “hiện nay trong các sách sử học, dân tộc học và ngôn ngữ học xuất bản trên thế giới và ở Việt Nam, các tác giả đều nhất trí trong quan niệm dựa trên luận điểm của Haudricourt, quan niệm cho tiếng Việt thuộc họ Nam Á, nhánh Mon-Khmer, chi Việt-Mường (4).
Luận điểm căn bản trong kiến giải của Haudricourt là: chỉ có thể dựa vào từ vựng cơ bản để phân loại tiếng Việt về mặt phổ hệ mà thôi: “Cái có tính chất quyết định, đó là từ vựng cơ bản” (5). Trong một bài khác, vì buộc lòng phải thừa nhận rằng nguồn gốc của thanh điệu trong tiếng Việt hoàn toàn “không chứng minh được điều gì chống lại quan hệ tộc thuộc (của nó) với tiếng Thái” (6), Haudricourt lại võ đoán kết luận: “Vậy quan hệ tộc thuộc của tiếng Việt phải được truy tầm bằng từ vựng cơ bản” (7). Ở một chỗ khác nữa, khi đề cập đến các ngôn ngữ đơn lập có thanh điệu, ông cũng khẳng định: “Quan hệ tộc thuộc trong loại hình ngôn ngữ này chỉ có thể căn cứ trên từ vựng” (8). Luận điểm trên đây là một luận điểm sai lầm.
Từ vựng cơ bản là bộ phận từ vựng bao gồm những từ diễn đạt các khái niệm thông thường nhất hoặc cổ xưa nhất mà loài người đã có thể biết được, đồng thời cũng thường có tần số xuất hiện cao trong sự giao tiếp của cộng đồng. Do những đặc điểm này mà những từ đó vẫn được nhiều người – trong đó tất nhiên có Haudricourt – quan niệm là những đơn vị sẵn có trong các ngôn ngữ đồng tộc khi chúng tách ra khỏi nguồn gốc chung chứ không phải là kết quả của những sự vay mượn ở các ngôn ngữ khác tộc, cũng không phải là kết quả của những sự vay mượn lẫn nhau giữa các ngôn ngữ đồng tộc sau khi chúng đã tách ra khỏi ngôn ngữ gốc để trở thành những ngôn ngữ riêng biệt và độc lập. Đây là một quan niệm không đúng.
S.E. Jakhontov đã lưu ý rằng “về nguyên tắc, bất cứ từ nào cũng có thể được vay mượn” (9). Nhưng sau đó, tác giả lại phát biểu thêm rằng “những từ liên quan đến văn hóa thường dễ được vay mượn hơn cả; những lĩnh vực khác của từ vựng (ví dụ những tên gọi bộ phận cơ thể, hay trạng thái thời tiết) thì hầu như không có yếu tố vay mượn” (10). Đến đây thì chính Jakhontov đã nói sai, ít nhất cũng là sai đối với tiếng Việt. Ngôn ngữ này có rất nhiều từ chỉ bộ phận cơ thể bắt nguồn ở tiếng Hán, từ đầu,ức, sọ ~ lô, hàm, họng ~ hạng, thân, eo ~ yêu, vế ~ bễ, (cùi) chỏ ~ trửu  (cũng đọc chửu), cho đến tim ~ tâm, gan ~ can, tỳ, phổi ~ phế, thận..., rồi gân ~ cân, não, thịt ~ thoát , xương ~ xoang  v.v ( Những chữ in đậm tự nó đã là âm Hán Việt). Tiếng Khmer cũng vay mượn không ít từ chỉ bộ phận cơ thể của tiếng Sanskrit và tiếng Pali mà sau đây chỉ là mấy trường hợp tiêu biểu: kbal (đầu) < Sk.kapala; kui (dương vật) < Sk.guhya, P.guyha; kđo (dương vật) < P.kàta; kai (thân thể) < Sk.,P.kàya; kut (mông đít) < Sk.,P.guda (hậu môn); chơng (chân) < Sk.,P.jangha, v.v. Rõ ràng là đối với các từ chỉ bộ phận cơ thể, không phải là “hầu như không có các yếu tố vay mượn”, mà ngược lại, rất nhiều.
Những thí dụ trên đây trong tiếng Việt và tiếng Khmer đã góp phần khẳng định ý kiến của L. Hjelmslev: “Người ta không chỉ mượn một từ vì cái vật mà nó biểu hiện không có tên gọi trong ngôn ngữ đi mượn. Người ta vay mượn vì óc bắt chước, và những từ vay mượn thì phục tùng tất cả những sự thay đổi thất thường của thị hiếu. Người ta vay mượn vì cái từ của tiếng nước ngoài tao nhã hơn, hoặc ngộ nghĩnh hơn, hoặc vui tếu hơn, hoặc thú vị hơn và chỉ có tính võ đoán mới quyết định – không một sự tính toán nào dự kiến được nó – cái gì được xem là tao nhã, ngộ nghĩnh, vui tếu và thú vị” (11). Rõ ràng là sai lầm ý kiến cho rằng những từ thuộc từ vựng cơ bản không thể là những yếu tố vay mượn. Vậy không thể dựa vào từ vựng cơ bản đề kết luận về phổ hệ của một ngôn ngữ. Đó là một điều dứt khoát. Liên quan đến vấn đề này, sau đây là ý kiến xác đáng và rành mạch của A. Meillet mà chính R. Jakobson cũng hoàn toàn tán thành nên đã dẫn lại trong bài viết của mình: “Người ta không bao giờ có thể thiết lập quan hệ tộc thuộc của các ngôn ngữ bằng sự khác biệt hoặc sự trùng hợp về từ vựng” (12).
Lấy từ vựng cơ bản làm nền tảng để xây dựng kiến giải của mình về phổ hệ của tiếng Việt, rõ ràng là Haudricourt đã làm một công việc phiêu lưu và ... vô ích. Như lời cảnh báo của J. Vendryes, đây là “một phương thức nguy hiểm” (13). Huống chi phương pháp so sánh của ông lại còn có nhiều điểm hoàn toàn không ổn. Để phản bác Maspéro, Haudricourt đã đưa ra 12 từ chỉ bộ phận cơ thể của tiếng Việt (trốc (= đầu), tóc, mặt, tai, mũi, miệng, răng, lưỡi, cổ, môi, cằm, tay) để so sánh với những từ tương ứng trong 10 ngôn ngữ được xem là Nam Á: Bahnar, Khasi, Khmer, Khmu, Kuy, Mnong, Môn, Mường, Phong và Samrê. Công việc so sánh của ông đã bộc lộ những khuyết điểm sau đây về mặt phương pháp:
1/ Tiếng Kuy là một ngôn ngữ hãy còn được biết đến quá ít. Theo lời P. Lévy, tác giả của bảng từ vựng mà chính Haudricourt đã sử dụng, thì đây là một ngôn ngữ riêng biệt của một sắc dân đã từng bị người Khmer thống trị (14). Vậy hoàn toàn có khả năng là các yếu tố nguyên thủy của nó đã dần dần bị thay thế bằng những yếu tố vay mượn của tiếng Khmer. Trong trường hợp này, những từ “tương ứng” của tiếng Kuy không thể có giá trị để so sánh về phổ hệ. Huống chi trong bảng từ vựng ít ỏi của Lévy người ta còn thấy lẫn lộn cả những từ Kuy gốc Sanskrit (hẳn là mượn qua tiếng Khmer) như tévda (trời, thần) < Sk.devata–  ; dak (nước) < Sk.udaka, P.daka; phal (cày) < Sk.phàla, v.v.. thậm chí gốc Việt như dao (cây đao – d đọc như đ của tiếng Việt) < V.đao. Cả tiếng Samrê cũng chưa được biết đến mức có thể tin tưởng.
 2/ Tiếng Mường và tiếng Phong đã được khẳng định là những ngôn ngữ trong nhóm Việt - Mường. Bản thân chúng cũng cần được chứng minh là những ngôn ngữ Nam Á. Vậy đưa từ của tiếng Mường và tiếng Phong vào bảng so sánh để khẳng định nguồn gốc Nam Á của các từ Việt tương ứng là đã làm một việc làm hoàn toàn nghịch lý. Haudricourt đã làm chuyện nghịch lý ở nhiều chỗ. Trong một bài khác liên quan chặt chẽ đến bài đang xét vì cũng liên quan đến vấn đề phổ hệ của tiếng Việt, do không tìm được một cứ liệu nào của các ngôn ngữ Nam Á để chứng minh rằng thanh sắc trong từ bốn (quatre) của tiếng Việt là một hậu quả gây ra bởi sự tiêu vong của hiện tượng tắc thanh quản (occlusion glottale), Haudricourt đã giải quyết tùy tiện như sau: “Nhưng sự phối hợp không phải là không thể xảy ra vì người ta đã nhận thấy nó trong một ngôn ngữ Tạng-Miến là tiếng Lushai” (15). Ông quên rằng một sự chuyển biến ngữ âm rất có thể đã xảy ra ở một ngôn ngữ mà lại không hề hoặc không thể xảy ra ở những ngôn ngữ khác đồng tộc với nó. Nguyên âm [u] của tiếng Latin đã trở thành [y] trong tiếng Pháp nhưng vẫn tiếp tục được phát âm là [u] cho đến nay trong tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Romania (Ru-ma-ni), cũng là những ngôn ngữ Roman (langues romanes) như tiếng Pháp. Trong nội bộ các ngôn ngữ đồng tộc mà còn như thế, huống chi Haudricourt lại lấy cứ liệu trong tiếng Lushai là một ngôn ngữ Tạng-Miến để chứng minh cho hiện tượng đoán già đoán non là đã xảy ra trong một ngôn ngữ Nam Á. Cách làm tùy tiện đó rất xa lạ với một phương pháp so sánh nghiêm túc.
3/ Nhiều từ trong bảng so sánh của Haudricourt đã không vượt qua được một sự thẩm định từ nguyên học chặt chẽ. Trốc, chẳng hạn, đã được ông xem là Nam Á, đối với đầu là gốc Hán. Thực ra, đó cũng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ  mà âm Hán-Việt hiện đại là độc. Về ngữ nghĩa, chữ này đã được Mathews’ Chinese-English Dictionary giảng là “the bones on the top of the head; a skull” và Hán-Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng là “xương đầu, xương sọ”. Còn về ngữ âm thì tr ~ đ là một cặp tương ứng mà người ta có nhan nhản những thí dụ. Hơn nữa, trốc ~ độc thì cũng gần giống như trường hợp (Thiên) Trúc = (Thân) Độc, đều là những hình thức phiên âm từ tiếng Sanskrit Sindhu để chỉ nước Ấn Độ. Vậy trốc cũng là một từ Việt gốc Hán.
Cần nói rõ rằng Haudricourt đã mặc nhiên thừa nhận 92 từ Việt được xem là có gốc Môn-Khmer (Nam Á) do Maspéro đưa ra trong công trình năm 1912. Nhưng thực tế thì ít nhất 2/3 của số đó là những từ Việt gốc Hán trong khi không ít từ tương ứng của tiếng Khmer (mà Maspéro đưa ra) lại có gốc Sanskrit hoặc Pali. Một số khác là những từ Việt đã được tiếng Khmer vay mượn nhưng lại bị gán cho một nguồn gốc Môn-Khmer. Số từ tiếng Việt bị xem là có nguồn gốc Nam Á rốt cuộc chỉ còn lại rất ít.
Những từ Nam Á ít ỏi đó có vị trí như thế nào trong từ vựng của tiếng Việt hiện đại? Đó là một cơ tằng (substrat). Mà cơ tằng thì chẳng can dự gì đến việc sắp xếp phổ hệ của một ngôn ngữ. Tiếng Pháp hiện đại có một cơ tằng gồm khoảng 60 từ Gaulois. Đây là tàn tích của tiếng Gaulois, một ngôn ngữ Celtic mà tổ tiên người Pháp đã nói cách đây từ 2000 năm trở về trước. Nhưng không có bất cứ nhà ngữ học có uy tín nào lại nói rằng tiếng Pháp là một ngôn ngữ Celtic chỉ vì nó còn giữ lại được 60 từ Gaulois. Tất cả đều khẳng định rằng nó là một ngôn ngữ Roman, thoát thai từ tiếng La Tinh thông tục và đồng tộc với tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Romania (Ru-ma-ni) cũng là những ngôn ngữ Roman như nó. Vậy cũng sẽ là hoàn toàn phi lý nếu cho rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ Nam Á chỉ vì nó còn giữ lại được vài chục từ Nam Á ít ỏi. Chỉ khi nào chính Haudricourt chấp nhận rằng tiếng Pháp là một ngôn ngữ Celtic thì tiếng Việt mới là một ngôn ngữ Nam Á mà thôi. Ra đời từ năm 1953, kiến giải của Haudricourt đã lên ngôi trong Việt ngữ học Việt Nam và đã thống trị ngữ tộc học về tiếng Việt trong suốt bốn thập kỷ qua.
Vì kiến giải của Haudricourt bất ổn như thế cho nên cũng đã có người thử điều chỉnh nó. Phạm Đức Dương, chẳng hạn, đã dung hòa nó với thuyết của Maspéro mà cho rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ “hòa hợp” có cơ tằng Nam Á và có cơ chế Đồng Thái (16). Chúng tôi sẵn sàng đồng ý với tác giả rằng tiếng Việt có thể có một cơ tằng Nam Á nếu nói về lịch sử của nó. Nhưng khi nói về phổ hệ thì cái cơ tằng đó lại chẳng có vai trò gì. Lịch sử của một ngôn ngữ và phổ hệ của nó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Xin lại lấy tiếng Pháp làm thí dụ cho dễ thấy vấn đề. Khi viết về lịch sử của ngôn ngữ này, người ta luôn luôn nhắc đến cái cơ tằng của nó là tiếng Gaulois vì đây chính là tiếng nói của tổ tiên người Pháp về sau đã bị tiếng La Tinh thông tục thay thế. Nhưng khi viết về phổ hệ của nó, người ta phải nói rằng tiếng Pháp là một ngôn ngữ Roman thoát thai từ tiếng La Tinh thông tục. Chẳng có ai gán ghép nó vào tiếng Gaulois. Ngôn ngữ không phải là một thực thể sinh vật học cho nên không thể xét phổ hệ của nó theo kiểu sinh vật. Do đó, tiếng Pháp cũng không phải là một ngôn ngữ “hòa hợp”, nghĩa là một thứ tiếng lai, có cơ tằng Gaulois và có cơ chế Roman. Chính Haudricourt cũng bác bỏ thuyết ngôn ngữ hòa hợp. Cách diễn đạt của Phạm Đức Dương, suy đến cùng, chẳng qua cũng chỉ là một cách thừa nhận rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ Thái.
Quả thật như thế, theo chúng tôi, cứ vào các dữ kiện được biết cho đến nay thì tiếng Việt là một ngôn ngữ Thái vì cấu trúc và cơ chế của nó là Thái như chính Phạm Đức Dương đã khẳng định. Cái bản sắc cùng với tính phổ hệ của một ngôn ngữ được bộc lộ không phải thông qua từ vựng mà thông qua cấu trúc và cơ chế của nó. Đây là một luận điểm thông thường và hoàn toàn xác đáng. Chính là xuất phát từ luận điểm này mà J. Vendryes đã viết: “Từ vựng có thể biến đổi, thậm chí từ đầu đến cuối mà ngôn ngữ không hề bị làm cho biến chất một cách có thể cảm nhận được trong cấu trúc ngữ âm hoặc ngữ pháp của nó” (17). Còn Jacques Chaurand thì viết: “Một ngôn ngữ được đặc trưng bằng sự tập hợp của những nét căn bản về ngữ âm và về hình thái mà sự gắn bó trong nội bộ của một hệ thống là một sự bảo đảm để nó chống lại các cuộc đảo lộn có thể là sâu sắc và thô bạo” (18). Cuối cùng, E. Sapir thì viết: “Chúng ta không có quyền giả định rằng một ngôn ngữ có thể nhào nặn lại một ngôn ngữ khác một cách quá dễ dàng bằng ảnh hưởng hình thái học của nó” (19). Vì vậy nên không thể chấp nhận ý kiến của Phạm Đức Dương cho rằng cơ chế của tiếng Việt là một cơ chế “mô phỏng” theo một ngôn ngữ Đồng Thái do kết quả của sự giao thoa trong quá trình tiếp xúc (20). Đó chỉ có thể là một cơ chế Thái tự thân nó mà thôi. Vậy, theo chúng tôi:
Tiếng Việt vốn là một ngôn ngữ Môn-Khmer đã bị một ngôn ngữ Thái thay thế. Điều này phù hợp với giả thuyết của Vương Hoàng Tuyên cho rằng “trên đồng bằng Bắc bộ, xưa kia là nơi cư trú của một giống người nói tiếng Môn-Khơme thì có một sự di cư to lớn của một lớp người nói tiếng Thái ở Tây nam Trung quốc tràn qua” (21). Chính ngôn ngữ Thái này đã thay thế cho ngôn ngữ Môn-Khmer kia để trở thành tiếng Việt ngày nay.

(1) BEFEO, 1912, t.XII, no 1, pp.1-124.
(2) BSLP, 1953, t.49, fasc:1, no 138, pp.122-8.
(3) X. Về sự phân loại các ngôn ngữ ở Đông Nam châu Á, Ngôn ngữ, s.1, 1991, tr.74.
(4) André-Georges Haudricourt, Kiến thức ngày nay, s.68, tr.4.
(5) Bđd, tr.125.
(6), (7) De l’origine des tons en vietnamien, JA, 1954, t. CCXLLII, fasc.1, p.82.
(8) Comment reconstruire le chinois archaðque, Linguistics Today, New York, 1954, p.231.
(9), (10) Bđd, tr.73.
(11) Le langage, trad. par Michel Olsen, les Editions de Minuit, 1969, p.90.
(12) Sur la théorie des affinités phonologiques entre les langues, in N.S. Troubetzkoy, Principes de phonologie, trad. par J. Cantineau, Paris, 1967, p.353.
(13) X. Le langage, Paris, 1921, p.364.
(14) X. Recherches préhistoriques dans la région de Mlu Prei (Cambodge), Hanoi, 1943, p.3.
(15) Như (6), (7), tr.81.
(16) X. Vấn đề proto - Việt Mường trong lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á thời cổ đại, Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông, Hà Nội, 1986, tr.289.
(17) Sđd, tr.360.
(18) Histoire de la langue française, Paris, 1972, p.6.
(19) Le langage, trad. par S.M. Guillemin, Paris, 1953, p.192.
(20) Bđd, tr.289.
(21) Các dân tộc nguồn gốc Nam Á ở miền Bắc Việt Nam, Hà Nội, 1963, tr.193.

Monday 17 September 2012

Vì sao có cái tên "Sài Gòn"? (Đăng Văn - Người Đưa Tin)


Vì sao có cái tên "Sài Gòn"?

03-08-2012 | 11:00
Thuyết Đề Ngạn: Là thuyết được đưa ra bởi 2 người Pháp là Aubaret và Francis Garnier. Theo Aubaret, năm 1778 người Hoa ở Cù lao Phố (Biên Hòa) vì giúp đỡ nhà Nguyễn nên bị quân nhà Tây Sơn tàn sát, phải rút lui theo con sông Tân Bình (Bến Nghé). Họ chọn vùng đất ở giữa đường Mỹ Tho đi Cù lao Phố mà xây dựng tân sở, ngày sau là phố Chợ Lớn. Năm 1782, họ lại bị quân nhà Tây Sơn tàn sát một lần nữa. Ít lâu sau, họ xây dựng lại, đắp đê cao nên đặt tên chỗ mới là "Tai-Ngon", hoặc "Tin-Gan", phát âm theo giọng Quảng Đông là "Thầy Ngồn" hay "Thì Ngòn", đọc theo âm Hán-Việt là "Đề Ngạn". Họ dùng danh từ "Tây Cống" hoặc "Xây cóon", "Xi cóon" để ám chỉ vùng người Việt ở, tức chợ Bến Thành ngày nay. Thuyết này được hai học giả là Vương Hồng Sển và Thái Văn Kiểm đồng ý.
Thực tế, trên phương diện ngữ âm, thì "Thầy Ngòn", "Xi Coón" rất giống "Sài Gòn". Nhưng theo lịch sử thì không phải, vì lịch sử chứng minh rằng Sài Gòn có trước, rồi người Tàu mới đọc theo và đọc chại ra thành Thầy Ngòn, Xi Coón.
Quanh cảnh trước chợ Bến Thành những năm đầu Pháp xâm lược An Nam
Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ "Luỹ Sài Gòn" (theo Hán Nho viết là "Sài Côn"). Đây là lần đầu tiên chữ "Sài Gòn" xuất hiện trong tài liệu Việt Nam. Vì thiếu chữ viết nên chữ Hán - "Côn" - được dùng thế cho "Gòn". Như vậy, ngay từ năm 1674 đã có địa danh Sài Gòn, không phải đợi đến năm 1778 khi người Tàu ở Cù Lao Phố bị quân Tây Sơn tiêu diệt rồi chạy xuống lập nên Thầy Ngòn tức Đề Ngạn, hay Xi Coón tức Tây Cống.
Thuyết Củi và bông gòn thì "Sài Gòn" bắt nguồn từ chữ "Sài" theo chữ Hán là củi và "Gòn" và là chữ Nôm chỉ cây bông gòn. "Sài” là mượn tiếng viết theo chữ Hán có nghĩa là củi gỗ, “Gòn” là tiếng Nam chỉ bông gòn. Người ta nói rằng, cái tên đó phát sinh bởi sự kiện nhiều cây bông gòn do người Cao Miên đã trồng quanh đồn đất xưa của họ. Dấu vết nay vẫn còn ở chùa Cây Mai và các vùng lân cận… Song, cho tới nay thì các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được nguồn gốc đích thực để chứng minh sự tồn tại của thuyết này.
Tương tự như vậy, có nhiều thuyết cho rằng "Sài Gòn" xuất phát từ chữ "Prey Kor" (Rừng Gòn) hay "Kai Gon" (Cây Gòn) mà ra. Nói chung, các thuyết này đều dựa vào cây bông gòn. Nhưng thuyết này phần lớn đã bị bác bỏ vì lý do đơn giản là không ai tìm được dấu tích của một thứ "rừng gòn" ở vùng Sài Gòn, hay sự đắc dụng của củi gòn ở miền Nam. Thêm nữa, cây gòn thời đó dùng làm hàng rào chứ không làm củi. Và theo nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa trong Địa Danh thì "sài" chỉ xuất hiện trong các từ ghép Hán-Việt như "Sài Tân" chứ chưa bao giờ được dùng như một từ đơn. Vì thế không thể nói "củi" được, là "sài" được, hay là "củi gòn" là "Sài Gòn" được. Vậy, thuyết Sài Gòn là "củi gòn" đã bị bác bỏ bởi thực tế địa lý và ngữ học.
Thuyết Prei Nokor thì dựa theo lịch sử và phát âm thuyết này cho "Sài Gòn" là được phiên âm từ "Prei Nokor" hay từ "Thầy Ngồn" mà ra. Prei Nokor nguyên là dinh của phó vương Chân Lạp thuộc vùng Chợ Lớn tới chùa Cây Mai, là dấu vết của một "thành phố" có từ thời Tiền Angkor (theo nhà sử học Pháp - Louis Malleret). Tuy nhiên, không có tài liệu nào khẳng định rằng nơi đây từng tồn tại khu dân cư trước thế kỷ XVI . Ông Petrus Trương Vĩnh Ký là người đưa ra thuyết này.
Theo sử Cao Miên được dịch lại bởi Louis Malleret (người Pháp), vào năm 1623, một sứ thần của chúa Nguyễn đem quốc thư tới vua Cao Miên và ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor và Kras Krabei của Cao Miên để đặt phòng thu thuế. Tới năm 1674, Cao Miên có biến, chúa Nguyễn sai Nguyễn Dương Lâm đánh và phá lũy Sài Gòn. Như vậy, từ 1623 tới 1674, vùng Prei Nokor hay Sài Gòn đã được phát triển. Năm 1747, theo danh mục các họ đạo trong Launay, Histoire de la Mission Cochinchine, có ghi "Rai Gon Thong" (Sài Gòn Thượng) và "Rai Gon Hạ" (Sài Gòn Hạ). Đó la theo sử sách, còn theo tiếng nói thì Prei Nokor (hay Brai Nagara theo tiếng Phạn mà người Miên mượn) có nghĩa là "thị trấn ở trong rừng", "Prei" hay "Brai" đều là "rừng", "Nokor" hay "Nagara" là "thị trấn". Đây là vùng mà chúa Nguyễn đã mượn làm nơi thu thuế. Theo tiến trình của ngôn ngữ, Prei hay Brai biến thành Rai, thành "Sài", Nokor bị bỏ "no" thành "kor", và từ "kor" thành "gòn".
Thuyết Bến Củi lại cho rằng: Dọc theo con đường Nam tiến của dân tộc Việt Nam có nhiều bến bên các dòng sông: Bến Vân đồn, Bến Thủy, Bến Hải, Bến Quan, Bến Ván, Bến Thóc, Bến Đình, Bến Tranh, Bến Tre, Bến Súc, Bến Tắm Ngựa, Bến Thành, Bến Củi… Bến Ván đã được đổi ra Bản Tân, Bến Thóc đã đổi ra Mễ Tân. Bến Thành nay vẫn lưu tên ở chợ Bến Thành. Bến Củi theo nhiều nhà nghiên cứu về Sài Gòn thì có thể đã được đổi ra thành Sài Tân, Sài Ngạn do người Quảng Đông sống ở khu vực này gọi chữ bến (bờ) là ngạn. Chữ Sài Ngạn có lẽ sau này được đọc thành Sài Gòn.
Dù ý nghĩa cái tên “Sài Gòn” là gì thì hiện thực lịch sử đã chứng minh nó từng là một thành phố phát triển và năng động bậc nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Ngày nay, Sài Gòn là một trong những thành phố công nghiệp và hiện đại nhất Việt Nam…
Đăng Văn

Sunday 16 September 2012

Địa danh Sài Gòn - Lê Văn Đức





Lớn lên ở Sài Gòn, ra bờ sông Sài Gòn mua mía ghim ăn hoài, mà giờ mới biết sông nằm ở phía đông của “Hòn ngọc Viễn Ðông”!

Cái tên Sài Gòn “dầu do tiếng nào phiên âm ra” thì bây giờ cũng đã ra khỏi địa để đi vào... cổ sử rồi.
(Thu Tứ)


Địa danh Sài Gòn


(...) gồm hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn nhập một từ năm 1956; đông giáp sông Bến Nghé (tức sông Sài Gòn), tây giáp rạch Lò Gốm, nam giáp kinh Bến Nghé và kinh Tàu Hủ, bắc giáp rạch Thị Nghè; diện tích: 52 cây số vuông; dân số: trên hai triệu người. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc địa danh này: (1) Trước tiên, có tên là Sài Côn, tiếng phiên âm của tiếng Prei-kor (rừng cây bông gòn) hoặc của tiếng Prei-Nokor (đô lâm, thành lâm hay hoàng lâm), nguyên là tư dinh của Phó vương Cao Mên, thuộc vùng Chợ Lớn, lối chùa Cây Mai. (2) Nơi đây, năm 1778, người Minh hương từ Cù lao Phố (Biên Hòa) rút về, xây bờ gạch cao dọc theo kinh Tàu Hủ để ngăn nước, nên được người Tàu gọi là Thày Ngòn (tức Ðê Ngạn); do tiếng Thày Ngòn nầy, người Pháp phiên âm ra Saigon, lại gọi cách sát nhập cả phía Gia Ðịnh thành; còn chỗ có tên Sài Côn hay Thày Ngòn (Ðê Ngạn) lại gọi là Chợ Lớn. (3) Thuyết này cho Sài Côn hay Sài Gòn là tiếng phiên âm của chữ Tây Cung là vòng thành của Phó vương Cao Mên, đối chiếu với Ðông Phố là tư dinh của quan kinh lược Việt Nam. (4) Sài Côn hay Sài Gòn cũng đều là tiếng phiên âm của hai chữ Tây Cống, có nghĩa là nơi nhận cống lễ của các đời vua Cao Mên dâng cho vua Việt Nam. Như vậy, dầu do tiếng nào phiên âm ra, Sài Gòn khi xưa là Chợ Lớn ngày nay. Còn Sài Gòn (ý nói chỗ sau này là Sài Gòn) từ năm 1789 tới 1861 là Gia Ðịnh thành (...) Tên Sài Gòn có từ năm 1861 là năm Pháp đặt nền hành chánh tại đó để khống chế cả miền Nam. Ðến năm 1931, Pháp mới nhập thành phố Chợ Lớn về Sài Gòn và gọi chung là Ðịa phương Sài Gòn - Chợ Lớn; năm 1954, do dụ Bảo Ðại ngày 30 tháng 5, Ðịa phương Sài Gòn - Chợ Lớn đổi raÐô thành Sài Gòn - Chợ Lớn; từ năm 1956, do sắc lịnh ngày 22 tháng 10 của Tổng thống (Ngô Ðình Diệm), Ðô thành Sài Gòn - Chợ Lớn được đổi lại là Thủ đô Sài Gòn (...)

(
Việt Nam tự điển, Lê Văn Ðức cùng một nhóm văn hữu soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1970)

Saturday 15 September 2012

Đọc lướt «Từ điển từ và ngữ Việt Nam» của Nguyễn Lân (An Chi / Huệ Thiên)

Đọc lướt «Từ điển từ và ngữ Việt Nam» của Nguyễn Lân

by An Chi on Sunday, July 8, 2012 at 11:19pm ·

NXB TPHCM vừa cho ra mắt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (nộp lưu chiểu tháng 3-2000). Cũng như một số từ điển tiếng Việt ấn hành trước nó, đây là một quyển sách công cụ bổ ích nhưng «dù có cố gắng đến đâu vẫn không thể tránh khỏi sai sót khiếm khuyết» («Lời nhà xuất bản», tr. 5). Chính vì vậy nên «nhà xuất bản và tác giả mong nhận được sự chỉ giáo của tất cả quý bạn đọc» (chỗ đã dẫn). Là một người thường xuyên dùng từ điển và dùng nhiều loại từ điển, sau khi đọc lướt qua quyển từ điển của Nguyễn Lân, chúng tôi xin có vài điều nhận xét bước đầu như sau:
Kỳ 1: phần chữ cái «A», «Ă», «Â», «B»
Trong phạm vi các chữ a, ă, â và b, chúng tôi đã sơ bộ thấy có những chỗ sai sau đây (xin ghi lại nguyên văn từng mục rồi sau đó sẽ nêu nhận xét):
1. «A hành ác nghiệp, tt (H. a: dựa theo; hành: làm; ác: ác; nghiệp: kiếp trước) Nói người độc ác hành hạ người khác: Người mẹ chồng a hành ác nghiệp».
Trước nhất về từ loại thì a hành ác nghiệp không phải là tính từ («tt» theo cách viết tắt của tác giả). Đây cũng không phải là một từ vì nó là một thành ngữ tiếng Hán trong đó mỗi thành tố đều có nghĩa riêng biệt và cụ thể (như chính tác giả đã giảng). Thành ngữ này không chỉ tính chất mà chỉ hành động nên nó phải là một thành ngữ «động từ tính» (tương đương với động từ) chứ không phải là «tính từ».
«Nghiệp» ở đây không phải là «kiếp trước». Từ điển Phật học Hán Việt của Phân viện nghiên cứu Phật học thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Nxb, KHXH, Hà Nội, 1998) giảng từ tổ «ác nghiệp» như sau: «Hành động trái với đạo lý gọi là Ác. Thân khẩu ý tạo tác gọi là Nghiệp. Hành vi do trái với đạo lý gọi làác nghiệp.» (tr. 44). Vậy nghiệp ở đây chỉ có nghĩa là hành vi và ác nghiệp nói một cách đơn giản là việc ác. Và a hành ác nghiệp có nghĩa là hùa với kẻ khác mà làm điều ác chứ không phải dùng để «nói người độc ác hành hạ người khác». Bọn buôn bán ma túy chẳng những không hành hạ các con nghiện mà còn giúp cho họ «đi mây về gió» và «phê» đến cực điểm nhưng chẳng có lẽ vì thế mà việc làm của chúng lại không phải là ác nghiệp hay sao?
2. «Ả đào. Người phụ nữ làm nghề ca xướng trong chế độ cũ».
Cứ theo lời giảng của tác giả thì những nữ ca sĩ trong chế độ cũ đều là «ả đào» tất chăng? Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên đã giảng chính xác hơn: «Người phụ nữ làm nghề hát ca trù trong các nhà hát riêng thời trước».
3. «Áo cứ chàng, làng cứ xã. Chê người có tính ỷ lại, không biết tự mình lo việc cho mình».
Ở một chỗ khác, trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1989), tác giả Nguyễn Lân đã giảng bằng những lời lẽ khác, nhưng nội dung cũng tương tự, như sau: «Nói tính ỷ lại của người đàn bà, cũng như tính ỷ lại của những người dân trong thôn xóm, không thấy được vai trò làm chủ của mình».
Câu này đã bị tác giả chép sai và vì chép sai nên cũng đã giảng sai hẳn ý nghĩa đích thực của nó. Nguyên văn của nó là «Áo cứ tràng, làng cứ xã» (còn có dị bản «Áo cứ tràng, làng cứ lý trưởng). Tràng là vạt trước của áo dài và đây là một cách hiểu hoàn toàn đúng với cấu trúc cú pháp - ngữ nghĩa của câu tục ngữ đang xét. Trong kiểu cấu trúc «A cứ B, C cứ D» này thì B luôn luôn là một bộ phận của A còn D luôn luôn là một bộ phận của C. Trong câu «Thuyền cứ mạn, quán cứ vách», chẳng hạn, thìmạn là một bộ phận của thuyền còn vách là một bộ phận của quán. Cũng vậy, trong câu đang xét thìtràng là một bộ phận của áo còn  (trưởng) hoặc lý trưởng là một thành viên, nghĩa là một bộ phận của làng. Vì vậy mà đưa «chàng» (đối với «nàng») vào đây thì rất lạc lõng: làm sao mà «chàng» lại có thể là một bộ phận của cái áo cho được! Cũng vì tác giả nhất quyết đưa «chàng» vào cho nên «nàng» mới mắc cái oan của Thị Kính (bị chê là hay ỷ lại vào đàn ông) rồi dân làng cũng mang tiếng lây là không thấy được vai trò làm chủ của chính mình.
4. «Ăn tết. Dự những cuộc ăn uống trong những ngày Tết».
Cứ theo lời giảng của tác giả thì hễ ai cư trú ở thành thị mà về quê ăn tết thì cũng chỉ là về để «dự những cuộc ăn uống trong những ngày Tết» mà thôi chứ không cần cúng kiếng ông bà, viếng thăm hàng xóm, v.v... Và trong đôi câu đối:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
thì chỉ có «thịt mỡ, «dưa hành» và «bánh chưng xanh» mới thuộc chương trình «ăn tết» ngày xưa chứ «câu đối đỏ», «cây nêu» và «tràng pháo» thì không!
5. «Ẩn dụ (H. ẩn: kín; dụ: rõ ràng)»
Thực ra, ở đây, dụ có nghĩa là sự so sánh chứ không phải là «rõ ràng».
6. «Ẩn lậu (H. ẩn: kín, lậu: rỉ ra) Giấu giếm, không nói ra: Ẩn lậu hàng hóa»
Lậu ở đây thực ra là sót, bỏ sót chứ không phải «rỉ ra». Đã «rỉ ra» thì «bật mí» rồi chứ còn đâu là «bí mật» mà nói đến chuyện «giấu giếm».
7. Ấn hành (H. ấn: in; hành: làm) In ra và phát hành rộng».
Thực ra, hành ở đây là lưu thông, khiến cho lưu thông chứ không phải «làm».
8. «Ấu trùng (H. ấu: non ớt; trùng: động vật nhỏ li ti). Động vật nhỏ ở thời kỳ mới sinh»
Trùng không phải là «động vật nhỏ li ti» mà là côn trùng, nghĩa là sâu bọ, như vẫn được giảng trong các quyển từ điển tiếng Hán. Con ve, con dế, con bướm, con ong, v.v... thì «nhỏ li ti» thế nào được? Ấu trùng cũng chẳng phải là «động vật nhỏ ở thời kỳ mới sinh». Hẳn không có ai lại cho rằng chuột là một giống động vật to lớn nhưng có lẽ nào vì thế mà người ta gọi chuột con mới sinh là «ấu trùng»? Ấu trùng thực ra là một dạng của côn trùng, mới nở ra từ trứng, có đời sống tự do và có những nét khác biệt quan trọng từ hình dáng đến chế độ ăn và môi trường, so với dạng trưởng thành.
9. «Á nguyên (H: á: dưới một bậc; nguyên: bắt đầu)»
Nguyên ở đây là đứng đầu chứ không phải «bắt đầu».
10. «Ác nghiệt (H. ác: ác; nghiệt: mầm ác)»
Nghiệt chỉ là mầm chứ không phải «mầm ác» (ác nghiệt mới là «mầm ác»)
11. «Anh linh (H. anh: đẹp, tốt; linh: thiêng liêng). Hồn thiêng liêng.
Linh ở đây có nghĩa là hồn của người chết chứ không phải «thiêng liêng».
12. «Ảo giác (H. ảo: không thực; giác: thấy được)»
Giác ở đây là điều thấy được chứ không phải «thấy được» vì đây là danh từ chứ không phải động từ.
13. «Âm vị (H. âm: tiếng; vị: nói)»
Vị ở đây không phải là «nói» mà là đơn vị.
14. «Ấm sinh (H. ấm: con quan; sinh: học trò)»
Ấm không phải là «con quan» mà là quyền lợi con cháu được hưởng nhờ công lao của cha ông.
15. «Ba đào (H. ba: sóng; đào: dậy sóng)»
Đào ở đây không phải là «dậy sóng» mà là sóng to (Ba đào là một từ tổ gồm có hai danh từ đồng nghĩa đẳng lập).
16. «Ba hoa chích chòe (chích chòe là loài chim nhỏ)»
Chim chích mới là một loài chim nhỏ chứ chích chòe thì không thể nói là nhỏ được. Có lẽ tác giả đã nhầm con sau thành con trước chăng?
17. «Ba mươi sáu chước (dịch từ chữ Hán: tam thập lục kế). Ý nói cách trốn đi là hợp»
Trên đây là Nguyễn Lân viết. Còn Nguyễn Du thì viết trong Truyện Kiều như sau:
Thừa cơ lẻn bước ra đi,
Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn.
«Chước gì» tức là chước «lẻn bước ra đi», nghĩa là chước trốn và chước trốn trong ngôn từ của Nguyễn Du chỉ là một trong ba mươi sáu chước mà thôi. Không biết do phép lạ nào mà trong từ điển của Nguyễn Lân nó lại kiêm luôn ba mươi lăm chước còn lại nên «ba mươi sáu chước» mới «có ý nói trốn đi là hợp».
18. «Bạch đái (H. đái: đeo lấy)»
Đái là tên một chứng bệnh phụ khoa mà Mathews’ Chinese-English Dictionary dịch là «a discharge or flux» (sự tiết ra hoặc sự băng huyết) còn Dictionnaire classique de la langue chinoise của F. S. Couvreur thì dịch là «leucorrhée» (khí hư). Vậy đái ở đây không phải là «đeo lấy».
19. «Bạch phiến (H. phiến: tảng). Chất ma túy có thuốc phiện)»
Ở đây «phiến» không thể có nghĩa là tảng được chỉ đơn giản vì đó là tiếng thứ hai trong hai tiếng «nha phiến» hoặc «a phiến» (mà tiếng Việt đọc trại thành «á phiện») dùng để phiên âm một từ có nghĩa là thuốc phiện mà chúng tôi cho là thuộc một phương ngữ của Ấn Độ, tuy chưa xác định nhưng có nhiều phần chắc chắn là có liên quan về nguồn gốc với tiếng Pāli «ahipheņa». Ahi là rắn còn phena là bọt; vậy ahiphenïa có nghĩa gốc là bọt mép của rắn, được chuyển nghĩa để chỉ á phiện. Concise Pāli-English Dictionary của A. P. Buddhadata Mahāthera, (Colombo, 1975) đã cho: «Ahipheņa: opium». Vậy a phiến < a(hi)phen(a) và «phiện» chỉ là một âm tiết vô nghĩa, còn bạch phiến chẳng qua chỉ là «bạch a (hoặc nha) phiến» nói tắt mà thôi. Xin lưu ý thêm rằng a phiến (hoặc nha phiến) còn có một từ đồng nghĩa nữa là a phù dung (mà tiếng Việt thường nói trại thành «ả phù dung») phiên âm từ tiếng Anh «opium».
20. «Bản quyền (H. bản: của mình; quyền: quyền) Quyền lợi của tác giả».
Ở đây, bản có nghĩa gốc là tấm, miếng, tờ, v.v... rồi nghĩa phái sinh là sách vở, rồi tác phẩm chứ không phải là «của mình». Đây cũng chính là chữ «bản» trong «xuất bản».
21. «Bánh lái. Bộ phận hình tròn xoay được, dùng để lái xe hơi, máy cày...» .
Thực ra, cái mà Nguyễn Lân đã tả bằng lời giảng trên đây là «tay lái (volant) chứ không phải «bánh lái». Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh-Tịnh Paulus Của đã giảng tại chữ «bánh» rằng bánh lái là «tấm cây tra sau lái ghe, để mà khiến nó đi» và tại chữ «lái» rằng bánh lái là «cây ván đóng bổ, tra sau đốc chiếc thuyền, để mà khiến bát cạy». Với nghĩa mà Huỳnh-Tịnh Paulus Của đã giảng, hai tiếng bánh láicòn được dùng theo ẩn dụ trong từ tổ «sao bánh lái», cũng theo Huỳnh-Tịnh Paulus Của là «các vì sao chòm, giống hình cái bánh lái ghe». Đấy, bánh lái là như thế. Chứ nếu nó là cái tay lái (volant) như Nguyễn Lân đã giảng thì sao bánh lái tất nhiên sẽ là một chòm sao hình... tròn vo như cái bánh xe.
22. «Báo giới (H. báo: tờ báo; giới: hạng, loại). Nói chung những người làm báo».
Giới ở đây không phải là «hạng, loại» mà là cõi, là lĩnh vực, là địa hạt. Báo giới, nói nôm na, chẳng qua là làng báo.
23. «Bảo tháp (H. bảo: quí; tháp: lầu cao)»
Tháp đây không phải «lầu cao» mà là một loại hình kiến trúc nhiều tầng và nhỏ dần theo chiều cao.
24. «Bảo trọng (H. bảo: giữ; trọng: nặng) Giữ gìn và coi trọng».
Trọng ở đây không phải là «nặng» mà là đánh giá cao, trái với khinh (là xem thường). Bảo trọng cũng không phải là «giữ gìn và coi trọng» mà là chú ý giữ gìn sức khỏe hoặc an toàn cho bản thân. Vì vậy, mà cái thí dụ «tự đặt» của Nguyễn Lân («Bảo trọng danh dự của gia đình») cũng là một thí dụ không thích hợp.
25. «Bạo phát (H. bạo: dữ; phát: bắn tên ra). Bùng ra đột ngột và dữ dội».
Phát ở đây không phải là «bắn tên ra» mà là khởi lên, nổ ra, xảy ra, v.v... .
26. «Bát dật (H. bát: tám; dật: yên vui). Lối múa xưa, có tám hàng, mỗi hàng tám người».
Dật ở đây không phải là «yên vui». Đây là một chữ Hán khác hẳn, có nghĩa là hàng. Vì vậy nên bát dậtmới là tám hàng, như chính tác giả cũng đã giảng.
27. «Bắc thần (H. bắc: phương bắc; thần: tế thần). Ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Tiểu hùng tinh (... )»
Đây là một chữ thần khác hẳn (chứ không phải thần trong tinh thần), có nghĩa là ngôi sao, chữ Hán là辰 mà âm thông dụng là thìn và với âm này thì nó dùng để chỉ chi thứ năm trong mười hai địa chi, ứng với con rồng.
28. «Băng hà (H. băng: sụp đổ; hà: xa). Nói vua chết».
Để «nói vua chết», người ta chỉ có thể nói «băng» hoặc «thăng hà». «Băng hà» là một cách ghép sai mà đã là từ điển thì không nên thu nhận hoặc nếu thu nhận thì phải có nhận xét, phê phán.
29. «Bần cố nông (H. bần: nghèo; cố: làm thuê; nông: làm ruộng). Người nông dân nghèo phải làm thuê cho địa chủ».
Nông ở đây không phải là «làm ruộng» mà là người làm ruộng. Vì vậy nên Mathews’ Chinese-English Dictionary mới dịch là «a farmer» (nhà nông) còn Dictionnaire classique de la langue chinoise mới dịch là «laboureur» (dân cày).
Bần cố nông cũng không phải là «người nông dân nghèo phải làm thuê cho địa chủ» vì đó là hai tầng lớp khác nhau trong giai cấp nông dân mà nếu liệt kê cho đầy đủ thì gồm có (từ nghèo nhất đến khá nhất): cố nông, bần nông, trung nông và phú nông mà phú nông thì vô hình trung từng bị xem là đã có một chân ngấp nghé bước sang «vùng đất» của giai cấp địa chủ. Cố nông được xem là vô sản nông thôn, còn bần nông thì còn có tí ti ruộng đất hoặc in ít tư liệu sản xuất gọi là. Vậy bần cố nông là bần nông và cố nông, nghĩa hai tầng lớp chứ không phải chỉ một tầng lớp như tác giả đã giảng.
30. «Bất chắc, không chắc sẽ xảy ra: Phòng khi bất chắc dụng binh (Tú Mỡ)».
Tiếng Việt chẳng làm gì có hai tiếng «bất chắc» với nghĩa mà Nguyễn Lân đã giảng. Câu thơ của Tú Mỡ mà tác giả đã nêu làm thí dụ có lẽ đã bị in sai («trắc» thành «chắc») còn Nguyễn Lân thì cứ ngỡ đó là một đơn vị từ vựng thực thụ của tiếng Việt. Cho là không có chuyện in sai thì hai tiếng «bất chắc» chẳng qua cũng chỉ là do ông Tú Mỡ «sáng tác» mà thôi. Nó đâu đã được mọi người chấp nhận mà đưa vào từ điển?
31. «Bật đèn xanh. Ngầm xui làm việc gì».
Đây là một lời giảng hoàn toàn sai: không phải «ngầm» mà hoàn toàn công khai; không phải «xui» mà là cho phép, khuyến khích khi được biết ý định của đương sự. Khi người ta nói «Chính phủ đã bật đèn xanh cho việc mở thị trường chứng khoán ở Việt Nam» chẳng hạn, thì ở đây chẳng làm gì có chuyện «xui», chuyện «ngầm» cả.
32. «Bù chì (Cần phân biệt với bù trì; từ này do tích một người mẹ vì thương người con út nghèo nàn, khi đến lượt nuôi mình sợ con tủi là không bằng các anh chị, nên đeo thêm chì vào người để tỏ rằng con út nuôi mình vẫn chu đáo, nên không sút cân): Người con hiếu thảo không biết là mẹ đã «bù chì».
Tác giả đã cẩn thận căn dặn người đọc cần phân biệt «bù trì» với «bù chì» mà không nghĩ rằng, thực ra, bù chì chỉ là một «biến tướng» của bù trì do từ nguyên dân gian tạo ra mà thôi. Đây không phải là chuyện «do tích nên có từ» mà lại là chuyện «do từ nên có tích». Nhà từ điển có lẽ cũng nên thẩm định kỹ trước khi đưa vào sách của mình chăng?
33. «Bưng mắt bắt chim. Giấu giếm làm sao được».
Thành ngữ này không hề có nghĩa là «giấu giếm làm sao được» như Nguyễn Lân đã giảng. Cách hiểu chung của mọi người là: Làm việc cầu may nên không hy vọng thành công, như đã giảng trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam của Việt Chương.
Trở lên là 33 chỗ sai mà chúng tôi đã sơ bộ thấy được trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân. Ấy là do chỉ mới được lướt qua và cũng chỉ nhận xét về loại lỗi giảng sai chứ chưa kể đến các loại lỗi khác như: ghi chú sai về từ nguyên, ghi không đúng nguyên văn thông dụng hoặc không đủ từ của thành ngữ, v.v... Và ấy là còn do chỉ mới hạn chế sự nhận xét ở 188 trang thuộc bốn chữ cái «a», «ă», «â» và «b» (tr. 15-202) mà thôi chứ không có thời gian để đọc tất cả 2094 trang chính văn từ đầu đến cuối (tr. 15-2108). Dĩ nhiên là chúng tôi không có ý lấy tỉ lệ 33 lỗi trên 188 trang làm tỉ lệ chung cho cả quyển từ điển. Nhưng chúng tôi vẫn có cái cảm giác rằng hình như là người ta có thể bất chợt tìm thấy lỗi này lỗi khác đâu đó trong quyển sách một cách không lấy gì làm khó khăn.
Đương nhiên, Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân là một quyển sách cần thiết và bổ ích. Nhưng như đã thấy không phải là mọi mục từ của nó đều chính xác. Vì thế và vì cả độc giả của nó nữa, nên chúng tôi mới mạo muội viết bài nhận xét cỏn con này.
* Đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn (bộ mới), số 6, tháng 9-2000.

Kỳ 2: phần chữ cái «C»
34. «Ca nhạc, tt, có hát và có âm nhạc».
Ca nhạc là danh từ chứ không phải tính từ nên cũng chẳng phải là «có hát và có âm nhạc». Từ điển tiếng Việt 1992 giảng sát hơn: «Nghệ thuật biểu diễn bằng tiếng đàn và giọng hát».
35. «Ca thán. Biến âm của ta thán».
Đây không phải là «biến âm» (thuần túy) mà do loại suy từ thành tố ca trong ca cẩm, kêu ca (nên ta thán mới thành «ca thán»)
36. «Cà ràng. Bếp lò làm bằng đất nung».
Lời giảng này có thể áp dụng cho cả từ tổ hỏa lò, còn cà ràng lại là một thứ lò thấp, hình bầu dục có hai phần; phần trước có ba cái mấu để bắc nồi lên trên mà đun củi bên dưới, phần sau để đựng tro than cời từ phần trước ra.
37. «Cá mè đè cá chép. Câu ca dao của trẻ em (...)».
Đây không phải là ca dao, cũng chẳng phải của trẻ em. Huống chi trẻ em chắc gì đã đủ nhận thức để ứng dụng câu này.
38. «Cả cười. Nói mọi người cười đùa vui vẻ».
Cả cười là cười to chứ không phải là mọi người đều «cười cả».
39. «Cả quyết. Biến âm của quả quyết».
Đây không phải là biến âm của «quả quyết» mà là một cấu trúc có thành tố thứ nhất là cả giống như trong: cả ghen, cả giận, cả nể, cả sợ, v.v...
40. «Các tận sở năng (các: mọi thứ, tận: hết; sở: của người ấy; năng: năng lực) Mọi người đều làm hết sức mình».
Ở đây, các không phải là «mọi» mà là mỗi (S.s «mỗi người vì mọi người») đồng thời cũng không chỉ đồ vật (nên không thể giảng thành «mọi thứ») mà lại nói về người (nên các là mỗi người). Tận ở đây cũng không phải là «hết» mà là phát huy cho đến mức cao nhất. Sở không phải là «của người ấy» mà là cái vốn có, sẵn có, về một phương diện nào đó.
41. «Cách điệu hóa (cách: cách thức; điệu: đưa chỗ này qua chỗ khác... )»
Thực ra, điệu ở đây là điệu thức, nhịp điệu.
42. «Cải cách (cải: thay đổi; cách: cách thức)».
Cách ở đây cũng là thay đổi chứ không phải «cách thức».
43. «Cam lộ (cam: ngọt; lộ: hạt móc đọng trên lá)».
Lộ ở đây không phải là «hạt móc đọng trên lá» mà là rượu ngon.
44. «Cam tuyền (...) suối nước ngọt: Khói cam tuyền mờ mịt thức mây (Chinh phụ ngâm)».
Cam Tuyền trong câu thơ Chinh phụ ngâm trên đây là một địa danh chứ không phải «suối nước ngọt». Đó là tên một ngọn núi ở phía Tây Bắc huyện Thuần Hóa tỉnh Thiểm Tây, trên đó có đài khói để đốt báo hiệu khi có giặc.
45. «Cảm giác luận (luận: bàn bạc)».
Luận ở đây là học thuyết chứ không phải «bàn bạc».
46. «Cảm thương (thương; tổn thất) Động lòng thương xót».
Thương đây là đau đớn, xót xa chứ không phải «tổn thất».
47. «Canh thiếp (Canh: bậc thứ bảy trong hàng can, chỉ tuổi tác (...)».
Thực ra, canh ở đây là tuổi tác (như niên canh) không liên quan gì đến «bậc thứ bảy trong thập can».
48. «Cau già dao sắc lại non. Ý nói: Người tuy có tuổi nhưng biết trang điểm thì vẫn có duyên».
Ý câu này thực ra là dù cau có già, nghĩa là có rắn, chắc (hơn là cau non) đến mấy nhưng nếu có dao sắc thì vẫn có thể bổ được dễ dàng. Nó đã được dùng theo lối tỉ (trong ba lối phú, tỉ, hứng theo cách gọi truyền thống) để dẫn đến câu:
Nạ dòng trang điểm lại giòn hơn xưa.
Chính câu này mới có cái ý mà tác giả đã giảng. Câu sáu của ông Nguyễn Lân và câu tám mà chúng tôi vừa nêu hợp thành một liên lục bát duy nhất (nên mới có thể là một câu ca dao hoàn chỉnh) nhưng tác giả đã ngắt bỏ câu sau rồi lại lấy ý của nó mà gán cho câu trước.
49. «Căn cứ (căn: rễ; cứ: dựa vào)».
Cứ ở đây là bằng chứng, là chỗ dựa chứ không phải «dựa vào» (vì không phải là động từ).
50. «Cầm loan (cầm: đàn; loan: keo gắn dây đàn). Tình nghĩa keo sơn».
Loan là chim loan chứ không phải «keo gắn dây đàn». Keo loan mới là keo gắn dây đàn.
51. Cấm khẩu (cấm: không được; khẩu: miệng)».
Cấm ở đây là câm, là không nói được chứ không phải là «không được». Có lẽ tác giả đã nhầm với chữcấm trong nghiêm cấm, cấm kỵ, v.v... , chăng?
52. «Câu-rút (Pháp: croix) Giá bằng gỗ hình chữ thập, trên đó Chúa Giê-su bị đóng đinh».
Danh từ câu rút đã có mặt trong tiếng Việt muộn nhất là gần cuối thế kỷ XVIII vì nó đã được ghi nhận trong Dictionarium anamitico-latinum (1772-1773) của Pigneaux de Béhaine. Lúc đó, tiếng Pháp không thể có ảnh hưởng đến tiếng Việt nên câu rút không phải do tiếng Pháp croix mà ra. Đó là hai tiếng, phiên âm từ tiếng Bồ Đào Nha cruz, có nghĩa là cây thập giá.
53. «Câu thần: Câu thơ mà thi sĩ cho là có thần linh giúp cho».
Câu thần chẳng qua là câu thơ cực hay chứ chẳng phải là có thần linh nào giúp cho cả. Chính Nguyễn Lân cũng đã giảng ở phần chữ «t» rằng thần là «tinh lắm, tài lắm».
54. «Cây con. Thực vật và động vật dùng làm thực phẩm: Khách sạn đó có sẵn cây con làm những món ăn đặc sản».
Hẳn là tác giả cho rằng ở đây cây chỉ thực vật còn con thì chỉ động vật nên mới giảng và cho thí dụ như thế chăng? Hàng quán có thể thu nhận lối nói này chứ từ điển thì không.
55. «Cây nhang. Từ miền Nam chỉ cây hương».
Tác giả đã giảng từ tổ cây nhang như trên mà cây hương thì được tác giả giảng là «bệ thờ xây ngoài trời». Chúng tôi chưa được biết nơi nào ở Nam Bộ có dùng hai tiếng «cây nhang» để chỉ cái «bệ thờ xây ngoài trời» như thế cả.
56. «Chắc lép. Không tin là người ta sẽ giữ lời hứa: Ông ta không cho anh ấy vay vì chắc lép».
Chắc lép thực ra là «đắn đo, tính toán để mình chắc chắn được phần hơn, không bị thiệt trong quan hệ với người khác». (Từ điển tiếng Việt 1992).
57. «Chấn động (chấn: rung động; động: làm mạnh lên)».
Động không phải là «làm mạnh lên» mà là làm cho di chuyển hoặc rung chuyển.
58. «Chất phác (chất: chân thực; phác: mới hình thành)».
Phác ở đây là mộc mạc, không trau chuốt chứ không phải «mới hình thành».
59. «Châu: Một trong năm phần đất đai lớn của quả đất phân chia theo quy ước».
«Năm phần đất đai lớn» của ông Nguyễn Lân là Âu, Á, Mỹ, Úc, Phi nhưng tác giả còn quên một châu nữa là châu Nam Cực vì từ lâu người ta đã bổ sung «năm châu» thành sáu châu» (Châu Nam Cực trước kia bị nhầm là một đại dương nên gọi là Nam Băng Dương).
59. «Chế xuất. Sản xuất vật phẩm: Thành lập khu chế xuất ở ngoại ô thành phố. Khu chế xuất Tân Thuận ở gần thành phố Hồ Chí Minh».
Chế xuất nói nôm na là chế tạo để xuất khẩu chứ không phải chỉ là «sản xuất vật phẩm» mà thôi.
60. «Chia bài. Phân một cỗ bài ra thành nhiều phần bằng nhau».
Nếu nói như tác giả thì cả bộ bài sẽ được chia hết nhưng thực tế thì thường vẫn còn lại một số lá bài sau khi chia (chẳng hạn khi đánh tứ sắc hoặc đánh cắc tê, v.v... )
61. «Chia uyên rẽ thúy (uyên là chim uyên ương tức chim đực chim cái sống từng cặp; thúy là con chim chả (sic)). Làm cho cặp vợ chồng hoặc người yêu phải xa nhau».
Nếu thúy chỉ là con chim trả (chứ không phải «chả») thì rẽ thúy là chia làm sao? Thực ra, thúy là con chim mái trong cặp phỉ thúy mà phỉ là con trống. Phải có đôi như thế thì mới «rẽ» được chứ.
62. «Chiếc (mạo từ)».
Chiếc là một danh từ chính danh (X. Cao Xuân Hạo, «Sự phân biệt đơn vị / khối trong tiếng Việt và khái niệm «loại từ», Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb Giáo dục, 1998, tr. 305-346; đặc biệt là phần phụ lục tr. 343) còn mạo từ là article.
63. «Chiếc bách sóng đào (đào chữ Hán là nổi sóng)».
Đào là sóng to chứ không phải «nổi sóng». Đây là một danh từ chứ không phải động từ.
64. «Chiêu dân lập ấp (ấp: nơi tập trung người lao động)».
Thực ra, ấp là nơi cư trú của cả nam, phụ, lão, ấu chứ có phải ai ở ấp cũng đều là người có đủ sức lao động cả đâu.
65. «Chiêu đãi sở (sở: nơi làm việc) Nơi tiếp đón và thết đãi: Thân nhân của quân đội được mời đến chiêu đãi sở».
Sở ở đây là nơi chốn, chứ không phải «nơi làm việc». Thân nhân của quân đội đến chiêu đãi sở chỉ ăn kẹo, uống trà, v.v... , và nói chuyện chứ có «làm việc» gì đâu.
66. «Chiêu mộ (chiêu: sáng; mộ: buổi chiều) sáng và chiều».
Tác giả đã viết sai chính tả: đây là triêu chứ không phải «chiêu».
67. «Chiếu thư (chiếu: lệnh vua; thư: viết). Tờ chiếu của vua».
Thư ở đây là văn bản (danh từ) chứ không phải «viết» (động từ).
68. «Chinh phục (phục: chịu theo)».
Phục ở đây là bắt phải theo chứ không phải «chịu theo».
69. «Chính khách (chính: việc nước; khách: người ta)».
Khách ở đây là người (như: du khách, thích khách, v.v... ) chứ không phải «người ta».
70. «Chính quốc (chính: trái với phụ; quốc: nước) Nước đế quốc xâm lược đối với nước bị đô hộ».
Ở đây, chính đối với thuộc trong thuộc quốc chứ không phải «trái với phụ» (như trong vai phụ, vai chính, chẳng hạn).
71. «Chính sử (chính: đúng đắn; sử: lịch sử) Bộ sử do chính quyền phong kiến chủ trương biên soạn, khác với dã sử do tư nhân biên chép».
Chính ở đây là chính thức, chính thống chứ không phải «đúng đắn». Nếu giảng như tác giả thì vô hình trung đã xem dã sử là không đúng đắn.
72. «Chọc lét, từ miền Nam có nghĩa như chọc nách».
Tác giả viết sai chính tả vì đây là léc, phiên âm từ tiếng Khmer kliêk là cái nách. Vì vậy dân miền Nam còn có một cách nói đầy đủ hơn: chọc cà-léc: Cà-léc là phiên âm từ kliêk.
73. «Chọc trời. Cao lắm: Nhà chọc trời».
Trong câu Kiều «chọc trời khuấy nước mặc dầu» thì chọc trời đâu có nghĩa là cao lắm». Thực ra, hai tiếng «chọc trời» của ông Nguyễn Lân nằm trong từ tổ cố định nhà chọc trời, một hình thức sao phỏng tiếng Pháp gratte-ciel (hoặc tiếng Anh sky-scraper). Vậy không thể tách riêng hai tiếng «chọc trời» ra mà giảng là «cao lắm».
74. Chồm hỗm. Nói ngồi xổm một mình ở trên phản trên giường».
Không phải «một mình» cũng chẳng phải chỉ «ở trên phản trên giường». Thí dụ: Tốp thợ xây đang ngồi chồm hỗm dưới đất để nghe cai thầu phân công. Ngồi chồm hỗm, thực ra, chỉ đơn giản có nghĩa là ngồi xổm.
75. «Chồng chắp vợ nối. Chê cặp vợ chồng không có cưới xin đàng hoàng».
Đây là tình trạng của những cặp vợ chồng mà người chồng đã có một đời vợ trước còn người vợ đã có một đời chồng trước chứ không phải là chuyện «không có cưới xin đàng hoàng». Có khi họ cưới nhau còn đàng hoàng hơn là bao nhiêu đám cưới «tơ» khác ấy chứ.
76. «Chồng chéo (... ). Có mâu thuẫn với nhau: Đó là những vấn đề chồng chéo lên nhau».
Thực ra, đây chỉ là chuyện cái này và (những) cái khác có những phần trùng lẫn với nhau chứ không nhất thiết «có mâu thuẫn với nhau».
77. «Chồng chung vợ chạ. Chê những cặp vợ chồng không chung thủy với nhau».
Đây không phải là chuyện «không chung thủy với nhau» mà là một kiểu «đa phu đa thê», một ông mấy bà một bà hai ông (mà vẫn ở chung nhà. Có thật đấy!). Họ đánh bài ngửa với nhau cả đấy chứ đâu cần đặt ra vấn đề chung thủy hay không chung thủy.
78. «Chơi gáiCó quan hệ sinh lý với phụ nữ».
Cứ như lời giảng trên đây của ông Nguyễn Lân thì, trừ những ông bất lực, có ông chồng nào lại chẳng «chơi gái» (Mỗi lần... với vợ là một lần «có quan hệ sinh lý với phụ nữ»).
79. «Chu chuyển (chu: vòng quanh; chuyển: lay động)».
Chuyển ở đây là lăn, đổi chỗ, vận động chứ không phải «lay động».
80. «Chủ nhân (chủ: tự mình; nhân: người)».
Chủ ở đây là người sở hữu chứ không phải «tự mình».
81. «Chủ nô (chủ: đứng đầu; : nô lệ)».
Ông Nguyễn Lân tưởng rằng chủ nô là một cấu trúc tiếng Hán nhưng thực tế hai tiếng này lại do người Việt Nam đặt ra theo cú pháp tiếng Việt. Còn tiếng Hán lại là nô lệ chủ (núlìzhú) trong đó chủ cũng là người sở hữu chứ không phải là «đứng đầu». Còn nếu chủ nô là tiếng Hán và cách giảng của ông Nguyễn Lân thực sự đúng (chủ: đứng đầu) thì chủ nô tất nhiên sẽ là người nô lệ đứng đầu những người nô lệ khác (chứ không phải chủ của nô lệ).
82. «Chúa đất. Từ miền Nam chỉ bọn địa chủ lớn».
Trong Nam Bộ, không có ai dùng hai tiếng chúa đất để «chỉ bọn địa chủ lớn» cả. Người ta chỉ gọi là đại điền chủ.
83. «Chúng sinh (chúng: số đông; sinh: sống)».
Sinh ở đây là sinh vật chứ không phải là «sống».
84. «Chuyên đề (đề: đưa ra)».
Đề ở đây là đề mục, đề tài chứ không phải «đưa ra».
85. «Chuyên gia (gia: nhà)».
Gia ở đây là người chứ không phải «nhà», còn nhà trong nhà vănnhà báo thì cũng là người chứ không phải chỗ ở.
86. «Chuyên luận (luận: bàn bạc)».
Luận ở đây là luận đề, luận văn chứ không phải «bàn bạc».
87. «Chuyên san (san: in ra)».
San ở đây là tạp chí ra theo định kỳ chứ không phải «in ra».
88. «Chữ đinh (Chữ Hán có nét ngang và nét sổ dọc) (... )».
Thực ra, nét thứ hai của chữ đinh 丁 không phải là «nét sổ dọc» ( | ) mà lại là nét sổ móc 亅. Nếu nét đang xét đúng là «nét sổ dọc» như Nguyễn Lân khẳng định thì ta sẽ có chữ T và đây là cổ văn của chữhạ 下, chứ chẳng có liên quan gì đến chữ đinh 丁 cả.
89. «Chưa chút. Vẫn không được tí gì: Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành».
Ở đây tác giả cứ ngỡ chữ chưa và chữ chút đi đôi với nhau như mặc dù, nhưng mà, tuy nhiên,... chứ không ngờ rằng đó là một sự ghép đôi ngộ nghĩnh vì «chưa chút» không phải là một từ cổ cố định.
90. «Chức sắc (H. sắc: chiếu chỉ của vua)».
Đây là chữ sắc 色 có nghĩa là « thứ», «loại» chứ có phải 敕 đâu mà bảo là «chiếu chỉ của vua».
91. «Chức vị (H. vị: đơn vị)».
Chữ vị ở đây mà giảng là «đơn vị» thì người đọc đành phải... chào thua vì vị ở đây thực ra là «ngôi thứ».
92. «Chứng khoán (H. khoán: bằng cứ)».
Thực ra, khoán không phải là «bằng cứ» mà là tờ giấy dùng để làm bằng chứng.
93. «Có hậu. Nói quyển truyện có phần kết lạc quan, tốt đẹp».
Nếu lời giảng của tác giả mà tuyệt đối đúng thì một vở kịch hoặc một bộ phim «có phần kết lạc quan, tốt đẹp» sẽ không được coi là «có hậu» chăng?
94. «Con én đưa thoi (Cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại như chim én bay lượn)».
Tác giả đã giảng hoàn toàn ngược với chữ nghĩa thông thường vì đây là chim én liệng đi liệng lại giống như cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại chứ đâu phải «cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại như chim én bay lượn.»
95. «Cố đạo. Linh mục của Thiên chúa giáo».
Thực ra đây là linh mục Công giáo; còn Thiên chúa giáo thì rộng hơn và gồm nhiều chi phái khác nhau mà quan trọng nhất là Công giáo, Tin lành và Chính giáo.
96. «Công sứ (sứ: nhận lệnh trên đi làm việc gì)».
Thực ra, sứ là người được phái đi làm công việc được giao.
97. «Công trạng (trạng: hình dáng)».
Thực ra thì trạng ở đây là cái hình ảnh cụ thể bao gồm những chi tiết cụ thể.
98. «Công trình sư (sư: thầy)».
Có phải trong bất cứ cấu trúc nào  cũng có nghĩa là «thầy» đâu. Bỉnh sư chỉ là anh thợ làm bánh mà thôi. Ở đây, sư là người thành thạo về một loại công việc nhất định.
99. «Cộng hòa tư sản (sản: sinh ra)».
Ở đây sản không phải là «sinh ra» mà là của cải.
100. «Cốt cách (cách: cách thức)».
Cách ở đây là bộ xương, khung xương chứ sao lại là «cách thức»?
101. «Cốt cán (cán: tài năng)».
Cán không phải là «tài năng» mà là cái cốt yếu của sự vật.
102. «Cốt tử (tử: con)».
Tử ở đây là một hình vị có tác dụng danh từ hóa chứ không phải là «con».
103. Cơ cầu (H. cơ: khéo léo; cầu: mưu mô)».
Tác giả Nguyễn Lân đã giảng sai hoàn toàn. Sau đây là lời giảng chính xác trong Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh: «Cơ là cái thúng, cầu là áo cầu. Con cháu hay nối nghiệp cha ông gọi là cơ cầu, tỷ như con nhà thợ làm cung giỏi thì tuy không được khéo bằng cha, nhưng cũng suy được ý cha mà bắt chước cách làm cung, để uốn nắn cây tre mà làm thành cái thúng; con nhà thợ hàn giỏi tuy không được khéo bằng cha nhưng tất cũng có thể mô phỏng được ý của cha, mà biết chắp vá loài da để làm áo cầu, ý nói con cháu giòng (sic) không bao giờ không dống (sic) cha ông.»
104. Cơ đốc (H. cơ: gốc; đốc: xem xét)».
Thực ra đây chỉ là hai tiếng hoàn toàn vô nghĩa dùng để phiên âm mà thôi.
105. Cơ hoang (H. cơ: đói; hoang: bỏ không)».
Thực ra, hoang là mất mùa chứ không phải «bỏ không».
106. Cơ quan (H. cơ: trọng yếu; quan: then cửa)».
Thực ra,  ở đây là máy, bộ máy (đối với quan là then, chốt).
107. «Cơm bưng nước rót. Ý nói: Phục vụ chu đáo».
Thực ra, đây là chuyện được phục vụ chu đáo chứ không phải phục vụ chu đáo (cho người khác).
108. «Cua thâm càng nàng thâm môi. Chê một người phụ nữ môi không đỏ».
Cua thâm càng là cua óp, ít gạch; nàng thâm môi là nàng có dấu hiệu bệnh lý gì đó nên chàng phải cẩn thận chứ làm gì có chuyện chê nàng không đỏ môi.
109. «Của đời muôn sự của chung. Ý nói: Cái đáng quý không phải là của cải vật chất».
Thực ra, ở đây ta có một liên lục bát:
Ở đời muôn sự của chung
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi
Chữ đầu của câu lục («ở») đã bị Nguyễn Lân cải biên thành «của» rồi giảng theo ý riêng nên tất nhiên là... chẳng ăn nhập vào đâu cả.
110. «Cục tác. Tiếng gà mái kêu».
Dĩ nhiên là nếu lời giảng trên đây của Nguyễn Lân mà đúng thì gà trống sẽ chẳng bao giờ biết cục tác cả.
111. «Củi. Thứ dùng để đun bếp».
Cứ như lời giảng trên đây thì rơm, mùn cưa, dầu hỏa, than và cả ga (gas) nữa, không thể dùng đun bếp chăng?
112. «Cung cầu (cầu: hỏi xin)».
Cầu là cần dùng chứ không phải «hỏi xin»
113. «Cực khoái. Nói thái độ của những kẻ ham mê sự khoái lạc về xác thịt».
Thực ra thì cực khoái tương ứng với tiếng Anh orgasm và tiếng Pháp orgasme và đó là điểm đỉnh của «sự khoái lạc về xác thịt».
114. «Cục cưng. Đứa trẻ được người mẹ nuông chiều».
Có lẽ tác giả chưa biết chuyện sếp cũng có thể gọi cô nữ thư ký xinh đẹp của mình là «cục cưng» chăng?
115. «Cửa Phật. Nơi thờ Phật».
Cửa Phật là chốn tu hành (theo Phật giáo) chứ đâu chỉ là «nơi thờ Phật».
116. «Cương mục (H. cương: cái chủ yếu; mục: mắt lưới)».
Đối với mắt lưới thì cương là cái giềng lưới.
117. «Cưỡng chế (H. chế: phép định ra)».
Thực ra, chế ở đây là bắt buộc.

* * *

Bạn đọc nào có tạp chí Văn, số 8 (bộ mới), tháng 11-2000, cũng có thể thấy được ngay phía dưới mục số 87 (tr. 106) có bốn chữ «còn tiếp kỳ sau». Nghĩa là sẽ đăng tiếp nhận xét của chúng tôi từ mục 88 đến mục 117 trên đây. Nhưng sau khi đăng bức thư của tác giả Nguyễn Lân (mắng An Chi) gửi cho Tổng biên tập tạp chí Văn (cũng trên số 8), không biết do lời ra tiếng vào như thế nào mà BBT đã quyết định bỏ, không đăng tiếp. Vì vậy nên lần này, nhân đưa bài đang nói vào sách, chúng tôi xin đưa các mục từ 88 đến 117 vào cho trọn phần chữ cái «c» mà chúng tôi đã bỏ thời gian và công sức ra để nhận xét, và cũng để bạn đọc thấy thêm nhiều chỗ sai khác nữa trong quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam của tác giả Nguyễn Lân. Dĩ nhiên là những chỗ sai của tác giả này không dừng lại ở cuối phần chữ cái «c». Nói có sách, mách có chứng, bước sang chữ cái «d», ta cũng thấy được hàng loạt mục từ có vấn đề: - da màu, - da trắng vỗ bì bạch, - dã sử, - dạ đài, - danh bút, - danh cầm, - danh hài, - danh họa, - danh tác, - danh thiếp, - danh vọng, - danh y, - dày dày, v.v... và v.v... Đó là ta còn chưa bước sang đến các chữ: dă-, dâ-, cho đến du, dư-, và cũng chỉ mới hạn chế ở chữ «d». Và chỉ cần liếc sơ sơ thêm, ta cũng có thể thấy nhiều chỗ ngoạn mục, chẳng hạn:
– «Dắt gáiNói kẻ xấu đưa phụ nữ đến cảnh mại dâm.»
Thực ra, dắt gái là đưa (những) phụ nữ đã cam tâm mại dâm đến với các đấng mày râu «hảo ngọt» muốn đi «dã chiến».
– «Dân túy (H. túy: say sưa)»
Ta khó lòng biết được do phép lạ nào mà tác giả lại nghĩ ra được rằng túy là «say sưa» trong khi đây lại là chữ túy (粹) trong tinh túy, thuần túy v.v...
– «Dối già. Làm việc gì vui vẻ trong tuổi già».
Trước nhất, tác giả đã viết sai chính tả vì đây là giối, biến thể ngữ âm của trối, chứ không phải «dối». Kế đến, tác giả đã giảng hoàn toàn sai. Trối già là «(làm việc gì) nhằm cho thật thỏa mãn lúc tuổi già, coi là lần cuối trong đời» (Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, 1992). v.v... và v.v...
Rõ ràng là Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân đầy rẫy những chỗ sai khó tin nhưng có thật. Chính tác giả cũng đã thừa nhận trong bức thư gửi Tổng biên tập tạp chí Văn:
«Tôi đã 95 tuổi, một mình soạn quyển từ điển dày 2111 trang ấy. Tất nhiên không thể hoàn hảo được nên trong bài Đôi lời tâm sự thay lời tựa tôi có ghi: Vì tuổi cao có thể có những sai sót, dám mong các độc giả dùng sách này vui lòng chỉ bảo cho.» (Văn, số 8-2000, tr. 100-1)
Ông Nguyễn Lân đã viết như thế nhưng khi chúng tôi nêu lên một số trường hợp có lựa chọn trong những chỗ sai đó thì ông lại viết trái hẳn với tinh thần trên đây:
«Sau khi đọc bài «Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân» do ông Huệ Thiên viết, tôi rất ngạc nhiên trước những nhận xét sai lệch của ông ấy (...) Ông Huệ Thiên nêu lên đến 34 từ (thực ra là 33 – HT) để phê bình tôi, nhưng đại loại từ nào ông ấy cũng mắc sai lầm cả.» (Đã dẫn, tr. 101-2)
Chúng tôi sai lầm ở chỗ nào thì bạn đọc và các chuyên gia có thể nhận thấy được một cách dễ dàng vì chúng tôi đã trình bày rõ ràng trên giấy trắng mực đen. Còn về cái lý do «vì tuổi cao» nên «có thể có sai sót» của Nguyễn Lân thì, sau khi phân tích nhiều trường hợp cụ thể, nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương đã khẳng định như sau:
«Có người nghĩ rằng đây chẳng qua chỉ là những lời giải nghĩa chợt nghĩ ra và chưa được rà soát kỹ nên «(vì tuổi cao) có thể có sai sót» (như lời GS. Lân thường biện minh). Sự thật hoàn toàn chẳng phải vậy! Chứng cớ? Cách đây hơn 10 năm, vào năm 1989, tác giả cũng cho ra mắt công chúng TP. Hồ Chí Minh một công trình biên khảo tuy không đồ sộ lắm nhưng cũng dày tới gần 900 trang, cuốn Từ điển từ và ngữ Hán Việt, trong đó một loạt mục từ đã được ông giải thích chẳng khác chút nào so với những mục từ có trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam mà chúng ta đang bàn. Lời giảng của hai bên giống nhau đến mức ai cũng có thể nhận thấy ngay rằng nội dung của nhiều mục từ trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam chỉ là bản sao của Từ điển từ và ngữ Hán Việt. Nói cách khác, những lời giải thích đó, thực ra, đều là những «tri thức» đã được chắt lọc và nghiền ngẫm kỹ lưỡng trong suốt mười mấy năm ròng
(«Những chỗ chưa ổn trong bộ từ điển mới của GS. Nguyễn Lân», Thông tin Khoa học & Công nghệ, Thừa Thiên - Huế, số 1 (31) - 2001, in lại trong Tìm về linh hồn tiếng Việt, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2003, tr. 120)
Đấy, quyển từ điển của ông Nguyễn Lân là một công trình như thế đấy. Thế nhưng khi chúng tôi chỉ ra nhiều chỗ sai của nó bằng những lời phân tích thường là ngắn gọn mà rành mạch thì ông lại phản ứng:
«Những điều mà ông Huệ Thiên nêu lên trong bài «Đọc lướt» của ông ấy đều tỏ rằng sự phê bình như thế là không chính đáng. Rất mong các vị độc giả đã đọc bài «Đọc lướt» của ông ta trên tạp chí Văn ở miền Nam sẽ đánh giá khả năng và tư cách của ông ấy thế nào.» (Đã dẫn, tr. 102)
Vâng, người đọc có thể đánh giá tư cách và khả năng của chúng tôi (Nguyễn Lân và Huệ Thiên) vì chữ nghĩa của hai bên đều rành rành trên giấy trắng mực đen. Nếu Huệ Thiên khen từ điển của tác giả Nguyễn Lân thì câu chuyện có lẽ đã đi theo một cái hướng khác. Còn dưới đây là một lời khen mà Nguyễn Đức Dương đã nhận xét như sau:
«Viết đến đây, tôi bỗng nhớ tới những lời nhà thơ Trần Đăng Khoa khen ngợi cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS. Lân. Tôi không nhớ rõ lắm nhà thơ nổi danh này đưa ra câu đó ở đâu, trong dịp nào. Chỉ biết rằng lời khen này được đăng trên tạp chí Tài hoa trẻ (số 132-133, tháng 11-2000, tr. 5) và nguyên văn như sau:
«Một mình ông làm bằng công việc của cả một viện ngôn ngữ. Công trình đồ sộ ấy ông lại hoàn thành ở cái tuổi 95... Ở ông, điều làm cho tôi kinh ngạc là dường như ông không có tuổi già...»
Đọc những lời tán dương nồng nhiệt đó, óc tôi chợt nảy ra ý nghĩ: trước khi viết ba câu tôi vừa dẫn, hẳn tác giả Góc sân & Khoảng trời và Chân dung & Đối thoại, chỉ mới kịp lật dăm trang đầu và vài trang cuối để biết rõ công trình mình sắp nhận xét dày bao nhiêu trang, thế thôi! Chứ nếu chịu khó đọc một chút, dù chỉ vài chục trang thôi, chắc thế nào người viết cũng phải đỏ bừng mặt, bởi lẽ những gì mà ông viết ra chỉ chứng tỏ được một điều: Chẳng cần có một chút tri thức nào về tiếng mẹ đẻ, người ta vẫn có thể trở thành một nhà thơ, thậm chí một nhà thơ nổi tiếng!» (Bđd, tr. 124-5)
Trở lên là lời đánh giá của nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương mà chúng tôi xin mượn để kết thúc bài nhận xét về quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam của tác giả Nguyễn Lân. ●
(Viết thêm giữa tháng 7-2003)
*Đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn (bộ mới», số 8, tháng 11-2000
* In lại trong NHỮNG TIẾNG TRỐNG QUA CỬA CÁC NHÀ SẤM, Nxb TRẺ, 2004, trang 449-478.
Nguồn Facebook An Chi (Huệ Thiên)