Thursday 2 May 2013

Vài suy nghĩ về tiểu thuyết tình dục chữ Hán của Việt Nam (Phạm Tú Châu)


Vài suy nghĩ về tiểu thuyết tình dục chữ Hán của Việt Nam

E-mailPrint
There are no translations available.

Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam(1) vừa xuất bản là một công trình đồ sộ về tiểu thuyết cổ của nước ta từ trước tới nay, giúp cho bạn đọc trong và ngoài nước thấy được cả một kho tàng tiểu thuyết vô cùng phong phú và đa dạng. Điều đáng nói không chỉ vì chúng ta hầu như có đầy đủ thể loại, từ chí quái, truyền kỳ, truyện ký danh nhân, tiểu thuyết lịch sử cho đến tiểu thuyết diễm tình, tiểu thuyết công án..., mà còn vì bên cạnh tiểu thuyết với mục đích cao cả là biểu dương lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam, thức tỉnh lòng yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc, thì chúng ta cũng đã bắt đầu có tiểu thuyết không ngại đề cập đến tình ái riêng tư, thú vui "nam nữ" của con người. Số lượng tiểu thuyết loại này còn hiếm, Tổng tập mới chỉ ra duy nhất một truyện là Hoa viên kỳ ngộ tập, lại thiếu mất phần cuối, nhưng tác phẩm lại là cái mốc đánh dấu sự biến cách lớn trong quan niệm tiểu thuyết đương thời, hé một cánh cửa cho thấy nhu cầu viết về tình dục của tác gia nhà Nho Việt Nam.
Theo đoán định của GS. Phan Văn Các, người dịch và giới thiệu Hoa viên kỳ ngộ tập thì truyện ra đời vào cuối đời Lê, không ghi tác giả. Điều này khiến chúng tôi liên tưởng tới một sự kiện có liên quan khác vào cuối đời Lê, đó là chuyến đi sứ của đoàn sứ giả nước ta kéo dài từ năm 1760 đến cuối năm 1761, đoàn có mua một số sách để đọc lúc rỗi và đem về, trong đó có cuốn Tham hoan báo(2). Giờ đây với những tư liệu do Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam cung cấp và do đồng nghiệp nước ngoài tận tình giúp đỡ(3), chúng tôi thấy cần điều chỉnh và bổ sung một số nhận định đã công bố trước đây sáu năm.
Trước hết, xin nói về Tham hoan báo. Tham hoan báo do Tây Hồ Ngư ẩn Chủ Nhân đời Minh viết, tiểu sử chưa tường. Sách vốn có tên Hoan hỉ oan gia, đời Thanh đổi tên thành Tham hoan báo, sau lại đổi thành Diễm kính và lược bỏ, rút ngắn lại khá nhiều. Sở dĩ có việc đó vì trong 24 truyện của sách, có đến 13 truyện tả cảnh làm tình rất trắng trợn của những cặp ngoại tình "tham hoan" và tất nhiên sau đó bị quả báo xứng đáng. Truyện viết rất hấp dẫn do nhiều tình tiết li kỳ như trong các tiểu thuyết công án. Để tiện làm rõ nhận định của bài viết, chúng tôi cũng xin trích dẫn một đoạn trong truyện Hương Thái Căn cải trang gian mệnh phụ. Truyện kể Tiến sĩ Trương Anh làm quan ở bộ Hình, góa vợ, lấy Mạc thị, con gái Mạc giám sinh ở Dương Châu làm vợ kế. Mạc phu nhân ở nhà vắng vẻ, lên chơi chùa, bị lái buôn ngọc Hương Thái Căn trọ trong chùa nhìn thấy, lập mưu thông gian. Gã này trẻ tuổi, mỏng mày hay hạt như phụ nữ, được nhiều phụ nữ theo đuổi nên quen thói trăng hoa. Gã cải trang thành phụ nữ đem ngọc đến dinh quan Ngự sử chào hàng cùng phu nhân, rồi cố ý để tuột cả chuỗi ngọc, tìm mãi không đủ số. Trời tối, phu nhân giữ lại ngủ cùng, vì "mụ" cũng góa chồng, lại học được cách dùng một "vật" khiến các bà góa vui vẻ. Phu nhân nghe "mụ" kể như vậy thì cũng ngứa ngáy, tuy nằm ngủ mà lửa tâm ngùn ngụt, chỉ muốn được "mụ" làm thử:
"Hương Thái Căn cởi hết quần áo, nhẹ nhàng chui vào trong chăn thơm, kẹp chặt cái vật của mình lại, ngoảnh vào phu nhân nằm im. Thấy "mụ" nằm im, phu nhân hỏi: "Này bà lái, bà ngủ chưa đấy?". "Mụ" đáp: "Con đâu dám ngủ. Con chưa từng được gặp đại phu nhân nên không dám to gan. Nếu được phu nhân cho phép, con xin hành sự in hệt một người đàn ông, không tránh khỏi trước hết sờ mó vày vò thì mới có hứng"... Phu nhân đưa tay sờ "mụ", không thấy có gì khác, bèn hỏi: "Bà cất cái vật ấy ở đâu vậy?". "Mụ" đáp: "Con giấu nó ở trong người con, có bé chút xíu nhưng có "nhân tính" lắm. Nếu nó hứng lên thì từ trong vươn ra, không khác gì vật của đàn ông vậy."....
Thế rồi cuộc "hành sự in hệt người đàn ông" diễn ra qua ngọn bút chân thực đến từng chi tiết(4). Phu nhân Ngự sử phơi phới lòng xuân từ tò mò, vô tình mắc bẫy kẻ gian ngoan trở thành kẻ đồng tình thông gian, phản bội chồng, cuối cùng bị Ngự sử phát hiện và bị thẳng tay trừng trị. Như vậy đoạn miêu tả hành vi tình dục trên đây không phải là đoạn xa đề mà gắn bó chặt chẽ với diễn biến tâm lí và tính cách nhân vật, chẳng những không nằm ngoài tình tiết diễn biến của truyện mà còn là phục bút dẫn dắt tới kết cục tàn khốc tất yếu ở phần cuối. Có phần chắc cùng có chung cảm nhận như vậy với tác giả, không coi Tham hoan báo là "hối dâm" nên một thành viên trong đoàn sứ giả nước ta năm ấy là Đào Đăng Dự đã mua, đọc và mang về nước.
Như chúng tôi đã viết trước đây, mặc dù Phó sứ Lê Quý Đôn có làm tờ trình xin Hải quan Trung Quốc đóng tại Quế Lâm đình chỉ việc thu hồi tất cả sổ sách sứ bộ mua mang về, song rốt cuộc đề nghị đó không được chấp thuận. Tham hoan báokhông về tới Việt Nam năm ấy điều này cũng đủ cho thấy, chúng tôi dùng những từ "một cuốn sách lạc lõng trong tiến trình giao lưu văn hóa Việt -Trung" để chỉ Tham hoan báo ở bài viết trước là chưa thật thỏa đáng. Có phần chắc loại sách này từ những thế kỷ trước đã được bạn đọc nhà nho nước ta tiếp nhận theo nhiều con đường khác nhau mà theo phỏng đoán lâu nay có ba đường: do quan lại Trung Quốc đem sang, do lái buôn sách bên kia biên giới đưa tới và do các thành viên trong các đoàn sứ giả mang về. Hai con đường do lái buôn sách và do sứ thần mang về không còn là phỏng đoán nữa mà đã là sự thật.
Thử lật lại một số đoạn miêu tả hành vi tình dục trong tiểu thuyết chữ Hán nước ta, chúng tôi thấy:
Trong Mộc miên thụ truyện (Truyền kỳ mạn lục), Trình Trung Ngộ tới gặp Diệp Khanh rồi giao hoan, truyện viết:
"Nãi khiên thường hí kịch, cực kì hoan nặc = Bèn vén xiêm đùa bỡn mãnh liệt, cực kì vui thú thân mật".
Trong khi đó, ở nguyên tác Mẫu đơn đăng kí (Tiễn đăng tân thoại) cảnh này chỉ được miêu tả là:
"Sinh dữ nữ huề thủ chí gia, cực kì hoan nặc, tự dĩ vi Vu Sơn, Lạc Phố chi ngộ bất thị quá dã = Sinh cùng nàng dắt tay nhau về nhà, cực kì vui thú thân mật, tự cho rằng cuộc gặp gỡ ở Vu Sơn, Lạc Phố cũng không hơn gì."
So sánh hai đoạn miêu tả cùng một sự việc trên đây, chúng ta thấy cách miêu tả của Nguyễn Dữ hình tượng hơn, gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ hơn, còn Cù Hựu chỉ dùng điển cố để miêu tả một cách ước lệ .
Trong Tây viên kì ngộ kí, Nguyễn Dữ còn miêu tả kĩ hơn cảnh chăn gối cùng lúc giữa thư sinh Hà Nhân và hai nàng Liễu Nhu Nương, Đào Hồng Nương với những chữ dùng bóng bẩy nhưng chân xác, táo bạo:
"... Thái trích gian, nhị nhân tu hoa khẩn viết: "Thiếp đẳng xuân sự vị am, phương tâm chính khiếp, chỉ khủng hoa tình chiên trạo, liễu nhứ điên cuồng, oán lục tu hồng, giảm liễu phong lưu nhất đoạn dã". Sinh viết: "Cô thí khả nhĩ, bất cảm dĩ vân vũ kiến khốn". Dĩ nhi tiền đăng tựu tẩm, tắc ôi kim ỷ ngọc, tài khi chẩm gian, dĩ bãi toái đào hoa lãng hĩ = ...Trong lúc ngắt hái, hai nàng thẹn thùng nói: "Chúng em việc xuân chưa am hiểu, lòng thơm đang khiếp sợ, chỉ e tình hoa run rảy, tơ liễu điên cuồng, ngượng hồng oán lục, giảm mất một đoạn phong lưu vậy". Sinh đáp: "Tạm thử là được, không dám khiến hai nàng khổ vì vân vũ đâu". Nói xong cắt tàn bấc cho đèn sáng(5) rồi cùng nằm, ghé sát vàng, tựa kề ngọc, vừa nghiêng bên gối đã xô vụn sóng hoa đào".
Ngoài đoạn văn miêu tả giàu hình tượng trên đây, thơ ngâm sau đó của cả ba cũng đều nhằm minh họa thêm cho cảnh lạc thủy mây mưa.
So sánh Tây viên kì ngộ kí với Liên phương lâu kí trong Tiễn đăng tân thoại - một truyện có cảnh vui thú mây mưa cùng lúc giữa Trịnh Sinh với hai chị em ruột Tiết Lan Anh và Tiết Huệ Anh, chúng tôi thấy cảnh này cũng chỉ được tả ngắn gọn, sau đó là những bài thơ minh họa thêm:
"... Kí kiến, hỉ cực bất năng ngôn, tương huề nhập tẩm, tận khiển quyển chi ý yên = Gặp mặt, mừng quá sức không nói được, dắt tay nhau vào ngủ, tận hưởng ý quyến luyến".
Chúng tôi tạm dịch hai bài thơ ứng khẩu của Lan Anh, Huệ Anh sau cuộc giao hoan như sau:
Hai hoa nhà ngọc chạm lan can,
Chưa nở vừa hay lúc gặp chàng.
Yểu điệu chưa quen mưa với gió,
Chúa xuân xin giữ ngọc gìn vàng.
 
(Lan Anh)
Bóng nến nghiêng nghiêng, hương nhẹ bay,
Chặn màn bền chắc, gối màn lay.
Phong lưu nào khác cá vầy nước,
Vừa mới sang đông lại hướng tây.
 
(Huệ Anh)
Đến đây chúng tôi có thể sơ bộ rút ra nhận xét : về thơ minh họa cho lạc thú mây mưa, Tiễn đăng tân thoại - tập truyện mà các tiên nho cho là Nguyễn Dữ có mô phỏng, và Truyền kì mạn lục, có cùng mức độ như nhau; hơn nữa đúng là Nguyễn Dữ có vay mượn một đôi ý trong thơ minh họa nêu trên để đưa vào lời nói của Nhu Nương, Hồng Nương, nhưng phần miêu tả cuộc mây mưa bằng văn xuôi thì Truyền kì mạn lục rõ ràng chi tiết, sắc sảo hơn, có nghĩa là Nguyễn Dữ nếu không tự viết ra nhờ thể nghiệm của bản thân thì cũng là vay mượn câu chữ ở những tình tiết tình dục khác của Trung Quốc như cách miêu tả trong Liêu trai chí dị chẳng hạn. Tuy nhiên phần miêu tả "xuân khuê tình trạng" bằng những "diễm từ tuyệt cú, khúc tận kì diệu" ấy chỉ được ông khuôn trong cuộc mây mưa giữa kẻ "thất phu đa dục". Trình Trung Ngộ, kẻ "đồng tâm đa dục" Hà Nhân với những dâm quỉ, hoa yêu để rồi sau đó lời cảnh giới, qui châm có lợi cho thế giáo mới có dịp phát biểu ở phần lời bình cuối truyện. Do vậy nếu có tình tiết "sex" ở "Truyền kì mạn lục, thì đó cũng thuộc loại "cổ điển": chất "sex" chưa đi vào cuộc tình ân ái gối chăn của vợ chồng có cưới hỏi hẳn hoi.
Sang tới Hoa viên kì ngộ tập; chất "sex" đã có chuyển biến mới, đó là có trong cả những truyện trộm hương thó ngọc trước rồi mới tiến tới đá vàng sau. Truyện này đồng dạng với Liên phương lâu kí về cấu trúc đại thể và cũng chỉ dừng lại ở thú vui chăn gối "hoa thơm hái cả cụm", không có mấy ý nghĩa xã hội. Chúng tôi thấy trong Hoa viên kì ngộ tập, khi tả Triệu Sinh "ngắt hái" cô hầu tên Hoa, tác giả đã dùng lại mấy chữ thái trích gian trong Tây viên kì ngộ kí của Nguyễn Dữ (mà thực ra là của tiểu thuyết Trung Quốc bởi chỉ Trung Quốc mới dùng thuật ngữ "thái trích" xuất xứ từ lý thuyết "thái âm bổ dương"); cấu trúc đại thể của truyện này và tên hai chị em nhân vật Lan và Huệ là gợi ý của Liên Phương lâu kí của Cù Hựu; còn cảnh "sen vàng nửa dựng, mình ngọc sát kề, mắt lim dim mà đùi ngọc nhịp nhàng, hồn phiêu diêu mà lưỡi như vừa nhú" trong cuộc mây mưa giữa Triệu Sinh và Lan Nương, thì lại từng có trong Tham hoan báo.
Trong sách này, truyện Trần Chi Mĩ xảo kế biển đa kiều (Trần Chi Mỹ dùng kế gian lừa người đẹp) khi tả cuộc mây mưa giữa Trần Chi Mĩ và Do thị, viết:
"...Kim liên bán cử, ngọc thể toàn hiện, tinh nhãn hàm tình, liễu yêu khinh đãng = Sen vàng nữa dựng, mình ngọc toàn phơi, mắt sáng ngậm tình, eo liễu lắc nhẹ".
Cũng trong sách này, truyện Hứa Huyền Chi khiểm xuất trùng tù lao (Hứa Huyền Chi lẻn ra khỏi lao tù) khi tả cuộc mây mưa giữa Hứa Huyền Chi và Dung Nương, viết:
"... Kim liên bán khải, ngọc thể toàn ôi, tinh nhãn dã tà, kiều ngôn đê hoán = Sen vàng nửa mở, mình ngọc sát kề, mắt sáng nghiêng nghiêng, nũng nịu gọi khẽ".
Như vậy chúng ta có thể thấy "kim liên bán khởi, ngọc thể toàn ôi" (sen vàng nửa dựng, mình ngọc sát kề" trong Hoa viên kì ngộ tập từng được dùng nhiều lần trong Tham hoan báo. Còn những từ "nhãn mông lung nhi cổ ngọc tề du, hồn phiêu dao nhi thiệt quang chích thổ" dùng liền với nhóm từ kể trên ở Hoa viên kỳ ngộ tập thì trong Tham hoan báo cũng không ít, chỉ khác là dùng phân tán ở nhiều truyện mà thôi. Điều bất ngờ là câu Triệu Sinh khen đôi nhũ hoa của Lan Nương: "Diệu tai, nhuyễn ôn hảo tự kê đầu nhục" (Tuyệt thật, vừa mềm vừa ấm hệt như thịt đầu gà!) cũng có trong Tham hoan báo.Truyện Quai Nhị Quan biển lạc mĩ nhân cục (Quai Nhị Quan lừa phá kế mỹ nhân) khi Nhị Quan sờ đôi nhũ hoa của Nhị Nương, tác giả hạ hai câu thơ:
Chân cá thị: Nhuyễn ôn tân bác kê đầu nhục,
Nhi hoạt hồn như tái thượng tô
 
(Thật là: Mềm ấm thịt đầu gà mới bóc,
Láng trơn bơ ải khác gì đâu)
Cách so sánh "nhuyễn ôn hảo tự kê đầu nhục" rõ ràng không phải của người Việt Nam, vì vậy đến đây chúng tôi có thể nêu nhận xét sơ bộ: cấu trúc, tình tiết, chữ dùng tả cảnh mây mưa trong Hoa viên kì ngộ tập là tác giả có tham khảo chi tiết cùng loại có trong truyện của tiên nho nước ta và tiểu thuyết sắc tình Trung Quốc, hơn nữa rất có thể truyện này được gợi ý trực tiếp từ truyện Liên phương lâu kí nhưng cốt truyện đã được phát triển để trở nên dầy dặn và táo bạo hơn nhiều.
Ngoài ra, trong Hoa viên kỳ ngộ tập có nhắc đến tên hai cuốn sách mà Triệu Sinh và Huệ Nương cùng có đọc và trao đổi nhận xét, đó là Thiên hương và Lưu Sinh mịch.
Lưu Sinh mịch không phải tên người mà là tên gọi tắt của Lưu Sinh mịch liên ký, tiểu thuyết Minh Thanh, sáu quyển, mười sáu hồi, tác giả là Ngô Kính Sở. Truyện kể Lưu Nhất Xuân tên chữ là Hy Hoàn đến nhà thầy học là Triệu Tư Trí, gặp cháu gái bên ngoại của thầy là Lưu Bích Liên, rất đẹp, đem lòng yêu. Sau Sinh du học, ở trọ nhà ông Kim Duy Hiền, bất ngờ gặp lại Bích Liên, nhà nàng là hàng xóm với ông Kim. Nhờ cô hầu Tố Mai đưa thư, hai người được ngâm vịnh cùng nhau, tình yêu càng nồng. Sau nhiều lần tìm cách, họ ước hẹn được nhân duyên với nhau nhờ hai gia đình đều đồng ý. Cậu của Lưu Sinh là Mã Nhị Cao mới được thăng Phó sứ bộ Binh, gọi Sinh cùng đi theo dẹp giặc. Cô hầu nhà cậu là Vân Hương xinh đẹp cũng có tình với Sinh nhưng chàng không sàm sỡ. Thắng giặc trở về đến Nhạn Lĩnh, Sinh cứu được cô gái Miêu Tú Linh, hứa kết duyên. Chàng lại thu nhận cả kỹ nữ Hứa Văn Tiên làm thiếp. Cậu chàng lại tặng thêm cô hầu Vân Hương, thế là chàng có cả bốn nàng làm vợ. Chẳng bao lâu chàng đỗ Tiến sĩ(6).
Còn Thiên hương cũng là tên gọi tắt của Quốc sắc thiên hương, tiểu thuyết đời Minh, Ngô Kính Sở biên tập. Đây là tên chung một tập truyện, trong đó có truyện Lưu Sinh mịch liên ký cùng 27 truyện khác. Đáng chú ý trong tập này có truyệnTrương Vu Hồ, "chép chuyện một nhà sáng tác từ nổi tiếng đời Nam Tống là Trương Hiếu Tường đến ở nhờ đạo quán Nữ Trinh. Tại đây Hiếu Tường gặp đạo cô Trần Diệu Thường trò chuyện tình cảm, nhưng sau đó lại tác thành cho Trần Diệu Thường và Phan Tất Chính nên mối nhân duyên tốt đẹp". Như vậy, một xuất xứ khác của Truyện Phan Trần chính là truyệnTrương Vu Hồ này(7).
Tư liệu như Trung Quốc thông tục tiểu thuyết tổng mục đề yếu cung cấp trên đây chưa thể nói thêm được điều gì, ngoài điều cho thấy tác giả Hoa viên kì ngộ tập có đọc số truyện này trong đó có Liên phương lâu ký. Nếu có thể nói thêm thì đấy là trong Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam còn một truyện nữa có những chi tiết "sex" đáng để ý, đó là: Thư si truyện. Thư si truyện có nội dung tương tự truyện Thư si trong Liêu trai chí dị, chỉ khác cô gái bày cho chàng Lang Ngọc Trụ biết "công phu chăn gối" là tinh sách Nhan Như Ngọc, còn người phụ nữ dạy cho Lê Hải Học biết cách "vi nhân" lại chính là vợ chàng. Đoạn này Thư si truyện tả mùi mẫn hơn Thư si đã đành mà còn hơn cả một số chi tiết cùng loại trong nhiều tiểu thuyết chữ Hán nước ta, đạt đến độ "sex" chẳng kém gì đoạn tả cuộc giao hoan giữa Triệu Sinh và Huệ Nương trong Hoa viên kì ngộ tập. Thư si truyện còn giàu chất hài hước táo bạo: những câu văn, câu thơ trích trong kinh sách mà Lê Hải Học ghép lại thành bài mừng đám cưới lại chính là những lời bóng gió chỉ chuyện mây mưa. Như vậy Thư si truyện cũng là một cái mốc đánh dấu bước tiến mới của tác giả nhà nho khi đưa "sex" vào chuyện ân ái vợ chồng và dám cả gan dùng chữ sách thánh hiền để minh họa cho thú giao hoan.
Qua số tư liệu bước đầu tìm được như trên, chúng tôi tạm thời có mấy nhận xét chung như sau:
1. Tiểu thuyết tình dục của Trung Quốc du nhập hoặc được đưa về nước ta không ít và không loại trừ Tham hoan báo lại một lần nữa có trong số sách này. Loại sách đó được bạn đọc nhà nho trong nước ta thích thú tìm đọc và khai thác để sáng tác nên tiểu thuyết chữ Hán cùng loại của chính mình. Các tác giả đã đưa "sex" từ tình tiết lan sang cả cốt truyện; từ có trong cuộc mây mưa với dâm quỉ, hoa yêu tiến tới hiện diện trong cuộc tình trước là vụng trộm sau nên đá vàng và cuối cùng là có mặt trong cuộc ân ái vợ chồng.
2. Do đô thị và kinh tế hàng hóa của Trung Quốc phát triển, đời sống xã hội với thế thái nhân tình muôn vẻ cũng bộc lộ rõ, cung cấp nhiều dữ kiện sống động, tươi mới để văn nhân sáng tác nên hàng loạt nhân vật đam mê thú vui nam nữ ở nhân gian, qua đó mà gửi gắm ý tưởng hoặc nêu gương. Trung Quốc còn có lí thuyết âm dương tương bổ, hoặc thái âm bổ dương, hoặc thái dương bổ âm của Đạo gia làm cơ sở lí luận cho công phu gối chăn, vì thế hình thành hẳn một dòng văn học "sex" mà họ gọi là "diễm tình". Chúng ta từng nghe nói đến Nhục bồ đoàn, Kim Bình Mai (bản đầy đủ), nhưng giờ đây lại còn có Cô vọng ngôn 10 tập, cao hơn hẳn Kim Bình Mai một bậc về lí luận, phương pháp, "chiến thuật", thuốc men, kinh nghiệm, tâm lí... trong chuyện chăn gối. Mười tập này cùng với nhiều tiểu thuyết "sex" khác của Trung Quốc, trong đó cóTham hoan báo hợp thành Tổng tập gồm 34 tập xuất bản năm 1997 dưới tên chung Tư vô tà vựng bảo.
3. Tiểu thuyết "sex" bằng chữ Hán của nước ta chỉ có một truyện ngắn và nếu mở rộng hơn, cũng chỉ thêm một Thư si truyện nữa là cùng. Trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, tâm thế tác gia nhà nho nước ta vẫn để ở những đề tài liên quan đến vận nước, đời sống của dân mà có thể một thời gian lâu sau này cũng vẫn phần lớn là như vậy. Nhưng dù chỉ có rất ít truyện "sex" cộng thêm nhiều tình tiết "sex" ở một số truyện khác, chúng ta cũng có thể thấy tâm tư, suy nghĩ của các tác giả đồng thời có thể thấy mức độ thể hiện tình dục cùng cách giải tỏa cái libido ấy theo cách riêng của nhà nho nước ta.
4. Hiện tượng nói trên là một hiện tượng văn hóa, cho thấy nhà văn và bạn đọc thời xưa đã bắt đầu không thỏa mãn với tác phẩm thuần nhã mà có nhu cầu nhã tục cùng thưởng thức. Điều này phản ánh xu thế phát triển văn hóa chung của một nước: bên cạnh dòng văn học nhã cao cả còn cần một dòng văn học đại chúng, phản ánh thế thái thường tình. Xưa nay đều là như thế cả.
Nhân đây cũng xin thêm một ý kiến chen ngang: đoạn văn trong bài mừng đám rước dâu của thư sinh Lê Hải Học: "Tấc đất trống không mà nhiều hang và dòng chảy, một mảnh đất nhỏ mà nhiều thảo mộc sinh sôi..." khiến chúng tôi nghĩ tới thơ Hồ Xuân Hương mà từng có ý kiến cho rằng trong đó lẫn một số thơ "đàn ông" trước đây không hẳn đã là vô căn cứ.
5. Là một bạn đọc, chúng tôi hết sức hoan nghênh thành quả nghiên cứu, giới thiệu, dịch thuật tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam của nhiều nhà Hán học trong ngoài Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đặc biệt hoan nghênh bản dịch trung thực,Hoa viên kì ngộ tập, Thư si truyện của dịch giả Phan Văn Các và Lâm Giang. Chỉ có dịch đầy đủ tình tiết "sex" vốn có trong truyện chữ Hán Việt Nam và truyện "sex" cổ Trung Quốc có quan hệ giao lưu, chúng ta mới đánh giá đúng được một mảng tác phẩm quan trọng trong di sản văn hóa nước nhà.
CHÚ THÍCH
(1) GS. Trần Nghĩa chủ biên, do nhiều nhà nghiên cứu trong ngoài Viện Hán Nôm dịch và giới thiệu. Nhà xuất Bản Thế giới, 1997.
(2) Xem thêm Phạm Tú Châu: Tham hoan báo - một cuốn sách bị lạc trong tiến trình giao lưu văn hóa Việt - Trung. Báo Văn nghệ, số chuyên đề về Hán Nôm ra ngày 14-8-1993. Chữ "bị lạc" do biên tập viên sửa chưa đúng, dùng chữ "lạc lõng" thì đúng hơn.
(3) Bắc sứ thông lục. A.179. Sách Tham hoan báo do GS. Trần ích Nguyên, trường Đại học Trung Chính, Đài Loan cung cấp. Nhân đây xin cảm ơn.
(4) Truyện viết: "Khưu ma tức bả phu nhân chi vật tương trung chỉ tiến nội khinh khinh nhi khống, bạt trước hoa tâm, động liễu kỉ hạ, dâm thủy lâm lâm lưu xuất. Tha tiện thượng thâm tấu trước noãn nhãn, nhất tủng tiến khứ, trước thực trừu tương khởi lai:                 ,            便              ”.
(5) Tiễn đăng   là cắt tàn bấc đèn cho sáng song các bản dịch trước đều dịch là " tắt đèn".
(6) Theo Trung Quốc thông tục tiểu thuyết tông mục đề yếu, Nxb. Trung Quốc văn liên, Bắc Kinh, 1990. Lưu Sinh mịch liên ký có trong một tập truyện gồm 12 quyển dưới tên chung Tú cốc xuân dung. Ở đây truyện được gọi là Lưu Hy Hoàn mịch liên ký. Ngoài ra ở tập truyện này cũng có cả Liên phương lâu ký, nội dung như trong Tiễn đăng tân thoại. Trong Đề yếucòn một truyện Lưu Sinh mịch liên ký đứng riêng, nội dung có khác chút ít: Lưu Sinh chỉ lấy có hai vợ, một là Bích Liên, hai là cô hầu nhà cậu là Vân Nương, sau đổi tên Tú Linh.
(7) Theo Cổ đại tiểu thuyết bách khoa đại từ điển, Nxb. Học Uyển, Bắc Kinh, 1992, tr.164. Chỉ tiếc truyện Trương Vu Hồ tóm tắt quá gọn như trên. Trong Đề yếu lại chỉ chép tên truyện mà không nói rõ nội dung. Dù sao cũng là một xuất xứ mới bên cạnh xuất xứ vở hý khúc Ngọc trâm ký như GS. Trần Nghĩa đã công bố trên Tạp chí Hán Nôm, số 1- 1998.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 3(40), 1999

Wednesday 1 May 2013

KÊ KÊ KÊ DẬU ( Phạm Xuân Hy - Chim Việt)


雞  鷄  鸡  酉
Nhân có người bạn già vong niên đến thăm tôi, ngày trời tháng bụt, lại lún phún mưa rầm, ngồi trong nhà rỉ rải truyện phiếm dông dài, gió trăng mây nước, lan man  những truyện cà kê dê ngỗng. Con hổ giấy. Con hổ thật. Con chồn con cáo. Con chuột con gà. Lại biết tôi có biết đôi chút chữ nho, anh bèn lấy bút viết ra mấy chữ dưới đây:
雞 鷄  鸡 酉
KÊ   KÊ   KÊ  DẬU
Bảo tôi cắt nghĩa và cho biết những sự tích liên quan đến gà. Bị hỏi đột ngột, bất ngờ, nhất thời tôi tỏ ra lúng túng, đỏ mặt, không biết trả lời bạn tôi ra sao. Vả, biển học mênh mông, chữ nghĩa chập chùng, cái vốn chữ nho của tôi cũng chỉ có giới hạn, nên không dám nói sằng nói bậy. Tôi đành khất nợ với bạn. Xin cho tôi đựợc phép mở sách ra đọc, và trả lời bạn sau.
Vì thế, hôm nay mới có bài viết này.
1. Nghĩa của bốn chữ kê , kê , kê , dậu.
Ba chữ  雞 鷄 鸡 này âm Hán Việt đều đọc là "kê", đều là những chữ đồng âm và đồng nghĩa, và đều chỉ một loại gia cầm có khả năng báo hiệu giờ giấc, mỏ ngắn, phần trên hơi cong, trên đầu có mào, cánh ngắn, không thể bay cao được. Tiếng Việt dịch nghĩa là "Con Gà".
Sách "Thuyết Văn Giải Tự" giải thích "知 時 畜 也  - tri thời súc dã ". Gà là gia súc có khả năng biết giờ giấc, và báo sáng, nên ngày xưa  người ta nuôi gà để báo thức dậy sớm đi làm. Nhưng ngày nay, đã có đồng hồ, nên gà được nuôi phần lớn để ăn thịt.
Tuy nhiên, ba chữ này có sự khác biệt nhau về cách tạo tự của chúng.
a/ Chữ (đọc là KÊ) :
Theo giáp cốt văn và kim văn, đây là một chữ thuộc loại tượng hình tự. Tự hình của chữ này rất giống hình một con gà trống, trên có mào, chữ được cấu tạo bởi hai thành phần. Thành phần bên trái  gọi là thanh bàng là chữ  (đọc hề), sử dụng làm thanh phù. Thành phần bên phải hình bàng là chữ  (đọc chuy) sử dụng làm ý phù. Chuy , theo sách "Thuyết Văn Giải Tự" của Hứa Thận đời Đông Hán, giải thích là từ dùng để gọi chung loài chim lông đuôi ngắn (短 尾 禽 總 名 - Đoản vĩ cầm tổng danh)
b/ Chữ (đọc là KÊ) :
Chữ  (đọc kê) do diễn biến của chữ  (đọc kê) này thành chữ  hình thanh tự. Hai chữ này chỉ khác nhau ở phần  ý phù bên phải, là chữ điểu  thay chữ chuy  mà thôi. Còn thanh phù vẫn giữ nguyên chữ hề , âm và nghĩa giống nhau. Chữ điểu , "Thuyết Văn Giải Tự" giải thích là loại chim lông đuôi dài (長尾禽總名 - Trường vĩ cầm tổng danh)
c/  Ch  (đọc là KÊ) :
Có người loại suy cho rằng chữ kê  này mới xuất hiện trên đại lục, khi nước Cộng Hòa Nhân Trung Hoa được thành lập.
Thật ra, đây là chữ thuộc loại giản thể của chữ  kê  trên, thanh phù bên trái 奚 (đọc hề) được giản hóa  bằng chữ  (đọc hựu), còn ý phù bên phải  (đọc điểu), được giản hóa thành  (đọc điểu), âm và nghĩa như hai chữ kê trên, không thay đổi.
Chữ kê  này, người ta đã thấy xuất hiện trong sách "Kim Bình Mai Kỳ Thư" và sách "Mục Liên Ký Đạn Từ " đời nhà Thanh.
Đến năm 1932 và năm 1935, bộ giáo dục công bố bảng"Giản Thể Tự Biểu", chữ kê giản thể cũng đã được ghi trong bảng giản thể biểu đó, tuy nhiên chỉ giản hóa phần thanh phù thôi, phần ý phù vẫn giữ nguyên.
Vì là giản thể, nên chữ kê  này không thể phân tích theo như phương pháp lục thư được.
d/ Chữ (đọc là DẬU) :
Người ta thường nói: "Tôi tuổi Dậu", để nói rằng năm sinh của người đó thuộc năm gà, vì thế, đôi khi đưa đến sự lầm lẫn cho rằng dậu , có nghĩa là gà. Thật ra, chữ dậu là chữ thuộc loại độc thể tự. Tự hình, là hình vẽ  một cái bình đựng đầy rượu, nên nghĩa gốc của dậu  ngày xưa  là rượu, nên chữ tửu   mới đầu viết là dậu . Về sau, theo cách giả tá, dậu mới biểu thị danh xưng của chi thứ mười trong mười hai địa chi: tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, DẬU, tuất hợi. Nhưng tại sao lại dùng con  gà làm tượng trưng của chi dậu, con chuột là tượng trưng của chi tý, con chó là tượng trưng của chi tuất v. v...?
Câu hỏi này cho đến nay, các nhà nghiên cứu văn hóa Trung Hoa, hầu như vẫn chưa tìm ra câu trả lời rõ rệt, thỏa đáng. Hoặc chỉ đưa ra những ức đoán mà không chứng minh được, và ngay cả các học giả Trung Hoa cũng không tìm được xuất xứ của mười hai địa chi trên. Tuy thế, dầu không biết xuất xứ, nhưng  ảnh hưởng của  mười hai địa chi này, như một thực tế, ăn sâu vào những suy tư, sinh hoạt của người Trung Hoa, không thể chối cãi được. Người Trung Hoa  từ hàng nghìn năm trước đã dùng mười hai địa chi phối hợp với mười thiên can để ghi nhớ ngày, tháng, năm. Ghi nhớ các sự kiện lịch sử, những ngày sinh, tháng đẻ, đến ngày tết ngày giỗ, ngày cưới vợ gả chồng, cất nhà mở tiệm, đi chơi xuất hành, nhất nhất cái gì cũng được ghi nhớ bằng thiên can, địa chi cả. Có khi còn đến các thầy bói, các thầy địa lý, các tử vi gia, để nhờ reo  quẻ, bấm độn cho biết sự tốt xấu về tình duyên, gia đạo, buôn may bán đắt. Các thầy bói, các thầy tử vi, các chiêm tinh gia, hàng ngày vẫn phải lẩm bẩm nhắc tên từng thuộc tướng tý, sửu, dần, mão, thìn, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi... để thỏa mãn những câu hỏi của khách hàng.
Đây thật là một điều kỳ lạ khó hiểu trong một văn minh  rực rỡ lâu đời như nền văn minh Trung Quốc.
Nhưng thôi, tôi xin gác vấn đề này sang một bên, để dịp khác.
Và xin trở lại với đề tài về gà.
2. Những từ ngữ chữ Hán dùng để chỉ gà.
Như trên đã trình bầy, chữ dậu không có nghĩa là con gà. nhưng trong những thư tịch và văn  thơ cổ điển Trung Hoa, người ta thường gặp những từ ngữ sau đây để chỉ con gà:
a/  Song cầm 窗 禽:
Theo sách "Nghệ Văn Loại Tụ" thì: "Thứ sử Duyện Châu đời Tấn, tên là Tống Xử Tông, người Bái Quốc, từng mua được một con gà, có tiếng gáy rất dài, nên Xử Tông rất lấy làm yêu quý, nuôi dưỡng rất cẩn thận, thường để lồng gà ở bên cửa sổ. Gà bèn dùng tiếng người đàm luận với Xử Tông, rất là biện bác, suốt ngày không ngừng. Nhờ thế mà tài hùng biện của Xử Tông tiến rất xa. Sau này, hậu thế dùng từ ngữ "Song cầm" để chỉ gà.
b/  Kim cầm 金 禽:
Theo thuyết ngũ hành, gà thuộc hành kim , vì thế gọi gà là « kim cầm金 禽 ».
c/  Tốn vũ 巽 羽:
Trong Kinh Dịch, quẻ tốn  chỉ con gà. Gà thuộc loại vũ trùng, vì thế gọi gà là tốn vũ. Như Ban Cố, tác giả Hán Thư, từng dùng hai chữ « tốn vũ巽 羽»  để chỉ gà "巽羽化于宣宮兮-Tốn vũ hóa vu Tuyên Cung hề"
d/ Thời dạ 時 夜:
Gà có khả năng coi đêm tối, vì thế gọi gà là "thời dạ時 夜". Thời, có nghĩa là chưởng quản, trông coi. Trong sách "Trang Tử -Tề Vật Luận" có câu "Kiến noãn nhi cầu thời dạ 見卵而求時 夜" Có nghĩa là "Thấy trứng thì muốn có  gà".
e/  Chúc dạ 燭 夜:
Gà có khả năng coi đêm, và quan sát trời sáng, nên gọi gà là chúc dạ. Chúc 燭 có nghĩa là quan sát, xem xét cho rõ.
3. Những từ ngữ có liên quan đến chữ kê.
Liên quan đến chữ kê, hán tự có rất nhiều từ ngữ, thành ngữ, và điển cố. Như trên đã trình bầy, chữ kê  vốn là loại chữ tượng hình. Đó là hình vẽ của một con gà trống, nhưng các tự điển chữ Hán, hay Hán Việt từ điển, chỉ giải thích chữ kê có nghĩa là gà.
Muốn nỏi rõ gà trống thì phải gọi là "công kê  公 雞", gà mái là "mẫu kê 母雞". Nhưng cũng có những từ ngữ có chữ kê, lại chỉ một vật khác, hay ám chỉ một nghề nghiệp khác như. Như chữ "dã kê 野 雞", ngoài cái nghĩa chỉ loại chim trĩ ở ngoài đồng ruộng, ngày xưa còn dùng hai chữ này để ám chỉ những cô gái mại dâm, đứng ở ngoài đường, lôi kéo khách về nhà. Tôi không rõ thành ngữ "mèo mả gà đồng" của ta, trong đó hai chữ "gà đồng" có phải do ý từ chữ "dã kê"  này mà ra chăng? Hay do chữ "điền kê 田雞"  mà ra?
Dưới đây xin cử ra một vài  thành ngữ khác.
a/ Kê công xa 雞公車.
Kê công xa là tên gọi loại xe một bánh, do vợ Gia Cát Lượng là Hoàng Nguyệt Anh nghĩ chế tạo ra. Nguyên vào thời Tam Quốc, Lưu Bị sau khi mượn được đất Kinh Châu, nhưng lương thực không đủ dùng, mới sai Gia Cát Lượng tìm cách khai khẩn trồng trọt. Kinh Châu lại là vùng đất có nhiều hồ, vì thế muốn khai khẩn thì phải đào đất làm đê để ngăn nạn lụt. Gia Cát Lượng thấy sĩ tốt lao lụy người cuốc người vác, vất vả, công việc chậm chạp mà lại cực nhọc vất vả, muốn dùng chiến xa để chuyên trở thì không được, mà mùa nước lũ sắp tới. Về nhà Gia Cát Lượng thở vắn thở dài, chưa nghĩ ra biện pháp. Người vợ là Hoàng Nguyệt Anh thấy vậy mới hỏi nguyên cớ, Gia Cát Lượng đem sự việc kể lại cho vợ nghe. Người vợ chỉ cười. Gia Cát Lượng biết vợ đã tìm ra biện pháp, bèn khom người vái vợ mấy vái xin chỉ giúp. Người vợ mới nói: "Tối nay thiếp sẽ thiết kế làm một chiếc xe nhỏ, khi gà kêu đến lần thứ ba sẽ giao hàng cho tướng công".
Gia Cát Lượng đứng chờ ở ngoài cửa, khi gà gáy đến lần thứ hai, ông sốt ruột, đẩy cửa bước vào phòng của vợ, thì thấy người vợ đã hoàn thành xong một chiếc xe nhỏ, có một bánh, khi đẩy xe lên, thì xe phát ra tiếng kêu cót ket như cục tác, lại hoàn thành trước cả dự định một tiếng gà, nên mới đặt tên là " kê công xa".
Nhờ loại xe mới sáng chế nầy, mà công việc vận chuyển đất để đắp đê được nhanh chóng và bớt vất vả hơn, giúp cho việc khẩn hoang của Lưu Bị được mở rộng và phát triển thêm, có đủ lương thực để chống lại với phe Ngụy và Ngô.
b/ Kê gian  雞 姦.
Chỉ việc con trai hành dâm với con trai. Ngày xưa đó là một tội danh bị phạt xử tử, và bị coi là một tội hèn hạ, xỉ nhục, mất đạo đức. Tức như bây giờ thường gọi là bệnh đồng tỉnh luyến ái. Bê đê. Trên thực tế bệnh kê gian, bệnh háo nam sắc này xuất hiện đã từ lâu đời. Nước Tầu, từ khi Tần thống nhất cho đến nhà Mãn Thanh bị lật đổ, kéo dài 2133 năm, gồm 564 vị hoàng đế, không thiếu những ông vua anh hùng, tài trí thao lược, nhưng lại mắc bệnh "kê gian", hiếu nam sắc. Tần Thủy Hoàng có gã Triệu Cao xinh đẹp mà gian ác. Triều nhà Hán, Hán Cao Tổ Lưu Bang có chàng Tịch Nhũ thanh tú linh lợi.Hán Văn Đế Lưu Hằng có chàng Đặng Thông xuất thân bần hàn, sống bằng nghề lái đò, nhưng nhờ khuôn mặt đẹp như trăng, nước da trắng như ngọc ngà mà được vua yêu. Hán Võ Đế Lưu Triệt có nam sủng là Hàn Yên và Lý Diên Niên. Vua Ai Đế đời Hậu Hán có Đổng Hiển. Ai Đế say mê Đổng Hiền, thường cho Hiền cùng ăn cùng ngủ. Có lần vua cho Hiền ngủ trên tay áo của mình, vua muốn đứng dậy, nhưng thấy Hiền còn chưa tỉnh, không nỡ đánh Hiền thức dậy, bèn dùng dao cắt đứt tay áo của mình, để cho Hiền ngủ yên. Thành ngữ "Đoạn tụ 斷袖 -Cắt tay áo" thường được sử dụng trong thơ văn cổ điển để chỉ bệnh háo nam sắc của các bậc đế vương. Háo nam sắc đối với các ông vua, không phải là một thứ tình cảm bẩm sinh, chẳng qua chỉ là một món ăn chơi "nghiệp dư", khi đã là "thiên tử-con trời", muốn gì được nấy. Bằng cớ là các vị thiên tử này vẫn  vì nữ sắc mà bị mất thiên hạ.
c/  Kê đầu nhục 雞 頭 肉.
Nếu hiểu theo nghĩa là "miếng thịt đầu gà" thì không đúng. "Kê đầu nhục" có nghĩa là đầu vú của phụ nữ. Nhân vì Đường Minh Hoàng là một ông vua bay bướm đa tài lẫn đa tình. Một hôm vua thấy Dương Qúy Phi tắm xong, đứng soi gương, để lộ một đầu vú ra khỏi áo, vua bèn lấy tay vân vê sờ lẩn, rồi bảo với Dương Quý Phí rằng: "Nhuyễn ôn tân bác kê đầu nhục -軟 溫 新 剝 雞 頭 肉Mềm mại êm ấm như thịt đầu gà mới bóc". Nhưng đầu gà thì chỉ toàn xương thôi, làm sao mà mềm mại êm ấm được. Chẳng qua là một cách nói văn hoa, ẩn dụ cho đẹp, thay vì nói toạc móng heo, một càch sỗ sàng là cái đầu vú.
Bồ Tùng Linh trong Liêu Trai Chí Dị, truyện Liên Tỏa, cũng dùng từ ngữ này một cách khéo léo. Ông viết: "戲 以 手 探 胸 則 雞 頭 之 肉 依 然 處 子 Hí dĩ thủ thám hung, tắc kê đầu chi nhục, y nhiên xử tử. - Đùa lấy tay lần sâu vào bụng nàng, thấy đầu vú, y nhiên còn là trinh nữ. "
Cổ nhân dùng chữ quả thật nhiêu khê, rắc rối.
d/ Kê đầu cẩu huyết 雞 頭 狗 血 Đầu gà máu chó.
Cổ xưa, người Trung Hoa cho rằng gà và chó là những con vật có nguồn gốc thần bí, khác những gia súc khác. Gà là do Ngọc Hành Tinh tan ra mà thành. Chó là do Đẩu Tinh mà sinh ra, nên người Trung Hoa xử dụng một số bộ phận nào đó của gà để làm pháp bảo phù chú, như đầu gà máu chó. Họ tin rằng dùng máu gà, máu chó có thể tịch tà, diệt trừ được những điều bất tường, xui sẻo.
Theo sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, việc sử dụng máu chó, máu gà  bôi vào cửa để giải trừ những thế lực "tà ma", hoặc phá những "yêu thuật" gian ác  của kẻ thù. Đó là một hiện tượng đã có từ đời Tần Thủy Hoàng.
Tập tục chém đầu gà treo ở trước cửa vào đêm giao thừa để trợ trường sinh và giúp ích cho việc trồng trọt, cấy cầy của nhà nông cũng là một hiện tượng phổ biến ở Trung Hoa trước cuộc Cách Mạng Tân Hợi.
Ngoài ra, người Tầu còn dùng xương  gà, gan gà, mỏ gà, trứng gà để bói toán, dự đoán cát hung, may rủi.
Để chấm dứt bài này, tôi xin thuật lại sự tích "Kê cân 雞筋 - gân gà " dưới đây :
Kê cân   hay kê lặc  .
Gân gà hay xương gà?
Hồi còn nhỏ, tôi ham đọc "Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa", tôi cố để dành tiền mua được một bản dịch truyện này, do nhà in Phúc Chi ấn hành, nhưng lại không ghi tên người dịch. Nguyên danh là Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa, La Quán Trung đã dựa vào Tam Quốc Chí của Trần Thọ, đời Tấn mà soạn ra, được các nhà phê bình văn học Trung Hoa coi là đệ nhất tài tử thư. La Quán Trung đã vẽ lại cho người đọc thấy cuộc đấu tranh quân sự giữa các sứ quân cát cứ, và tình hình chính trị phức tạp kéo dài hơn nửa thế kỷ trong thời kỳ Hán mạt - Tam Quốc. Toàn truyện có nhiều chi tiết có thật rút từ chính sử ra, và có khoảng 1191 nhân vật, rất khó mà nhớ hết. Nhiều thành ngữ của Trung Quốc cũng được rút ra từ bộ truyện này, như "Quá Ngũ Quan Trảm Lục Tướng - 過 五 關 斬 六 將", "Vọng Mai Chỉ Khát - 望 梅 止 渴", "Thất Bộ Thành Thi - 七 步 成 詩", "Tam Cố Thảo Lư  -  三 顧 草 蘆",  "Dương Tu Kê Lặc 揚 修 雞 肋"…
Dương Tu vốn là mưu sĩ của Tào Tháo, con của Dương Bưu, người Hoằng Nông Hoa Âm, nổi tiếng là một người tài tư mẫn tiệp, học rộng biết nhiều, nhưng thường ỷ tài, nhiều lần mạo phạm vào những điều cấm kỵ của Tào Tháo, lại thêm đứng về phe Tào Thực trong cuộc tranh dành ngôi báu với Tào Phi, càng khiến Tháo ghét thêm.
Năm Kiến An nhị thập tứ niên, tức năm 219 Công Nguyên, Tào Tháo với Lưu Bị tranh nhau đất Hán Trung. Tào Tháo đánh nhiều trận không thắng, lại mất viên mãnh tướng Hạ Hầu Uyên, nên Tháo có ý muốn rút quân, nhưng trù trừ chưa quyết định. Giữa lúc đó, bộ hạ của Tháo là Hạ Hầu Đôn vào trong trướng xin hiệu lệnh ban đêm. Tháo nhìn thấy trong bát thang đang ăn của mình  còn có cái "gân gà" chưa ăn, bèn thuận miệng nói: "Gân gà! Gân Gà ".
Đôn ra ngoài truyền lệnh cho các quan quân bảo là "Gân gà".
Hành Quân Chủ Bạ Dương Tu nghe thấy hai chữ "Gân gà", bèn bảo cho quân sĩ  của mình sửa soạn hành trang để đi về. Có người đến báo cho Hạ Hầu Đôn biết. Đôn giật mình kinh sợ, cho mời Tu vào trong trướng của mình, và hỏi:
- Tại sao ông lại thâu thập hành trang vậy?
Tu đáp:
- Theo như hiệu lệnh đêm nay là biết Ngụy Vương sớm muộn gì cũng rút quân về. "Gân gà " ăn vào thì không có thịt, mà bỏ đi thì còn mùi vị. Nay ta tiến thì không thể thắng, còn lùi thì sợ địch quân chê cười. Trong hoàn cảnh vô ích như thế, chi bằng rút về. Tương lai, Ngụy Vương thế nào cũng ban sư đấy, vì thế tôi thâu thập hành trang trước, tránh khỏi bị hỗn loạn lúc lâm hành.
Ngụy Vương tức Tào Tháo, các cận thần của Tháo đều tôn xưng Tháo là Ngụy Vương.
Đôn nghe nói thế, bảo:
- Ông thật là người biết hết gan ruột của Ngụy Vương đấy!
Rồi cũng cho lính thâu thập hành trang.
Thế là các tướng trong doanh trại của quân Ngụy, chẳng ai là không chuẩn bị để rút về.
Đêm đó, Tào Tháo thấy trong lòng bồn chồn rối loạn, ngủ không  yên, bèn sách cương phủ đi một vòng quanh trại. Chỉ thấy quân sĩ trong trại của Hạ Hầu Đôn ai nấy đều chuẩn bị hành trang. Tháo đâm hoảng, vội vã trở về trong trướng, gọi Hạ Hầu Đôn lên hỏi.
Đôn thưa:
- Chủ Bạ Dương Đức Tổ biết trước được ý muốn trở về của Đại Vương!
Đức Tổ là tên chữ của Tu. Tháo cho gọi Tu lên hỏi. Tu lấy ý của hai chữ "Gân gà" ra giải thích. Tháo giận quá, nói:
-Nhà ngươi dám tạo ngôn, làm loạn quân tâm à!
Rổi hét đao phủ thủ lôi Tu ra chém đầu treo ở ngoài cửa hiên môn.
Sự tích trên đây, tôi đã dịch từ nguyên bản chữ Hán sách Tam Quốc Diễn Nghĩa, hồi thứ bẩy mươi, sách do Minh Lương Thư Cục ở Hương Cảng phát hành. Đến  đây tôi xin mở một dấu ngoặc:
Vốn trong nguyên truyện bằng chữ Hán, không hề có chữ "kê cân 雞 筋" mà chỉ có chữ "kê lặc 雞 肋". Câu trong nguyên truyện viết là: 
 適 庖 官 進 雞 湯操 見 碗 中 有 鶵 肋因 而 有 感 於 懷正 沈 吟 間 夏 侯 惇 入 帳 稟 請 夜 間 口 號.操 隨 口曰雞 肋雞 肋.惇傳令眾官都稱 雞 肋.
(Dịch âm: Thích bào quan tiến kê thang Tháo kiến oản trung hữu sồ lặc nhân nhi hữu cảm ư hoài Chính trầm ngâm gian Hạ Hầu Đôn nhập trướng bẩm thỉnh dạ gian khẩu hiệu. Tháo tùy khẩu viết "Kê lặc! Kê lặc!".Đôn truyền lệnh chúng quan đô xưng "Kê lặc". )
Trong nguyên bản rõ ràng là chữ  kê lặc 雞 肋 chứ không phải chữ kê cân 雞 筋. Chữ lặc  có nghĩa là xương, còn cân  mới có nghĩa là gân, hai chữ chỉ hơi giống nhau. Nhìn vội dễ có thể đọc nhầm. Nhưng sở dĩ tôi vẫn dịch là "gân gà", không câu nệ phải dịch đúng nghĩa là "xương gà", một phần vì thương tiếc hai chữ "gân gà", mà tôi cho là tuyệt cú mèo và thích hợp với văn cảnh và ý của cốt truyện, mà người dịch giả vô danh  đã cố tình sử dụng một cách khéo léo, thần tình. Hai nữa, cũng để hoài cảm bộ sách cũ, tôi đã cố để dành tiền mua được, rồi giữ gìn, bảo quản, đóng bìa mạ gáy, mang theo khi vào Nam, sau 1975 bị nạn phần thư, chung một kiếp bạc mệnh, không còn nữa.
Ôi! Cái tình "Trung thư hữu nữ nhan như ngọc 中 書 有 女 顏 如 玉" là thế đấy! Cố nhân hề cố nhân!
Năm thân sắp qua, năm dậu sắp lại, con khỉ đi con gà đến, gọi là có dúm chữ nho, trả  món nợ cuối năm, và để tạ cái tình của người bạn vong niên, anh đến thăm em một chiều mưa, chẳng có gì đãi đằng, ngoài tách trà "đinh" đắng chát.

Phần chú thích
Tào Tháo   
Tào Tháo tức Ngụy Võ Đế, sinh năm 155 CN, là một chính trị gia, quân sự gia, thi nhân đời Tam Quốc, người đất Tiêu, tự là Mạnh Đức, tiểu danh A Man, vốn  họ Hạ Hầu, cha là Tung làm con nuôi con nuôi hoạn quan Tào Đằng, nhân thế mới mang họ Tào. Cuối thời Đông Hán, Tháo trấn áp giặc Khăn Vàng, để khuyếch trương lực lương quân sự của mình.
- Năm 192 CN, Tháo chiếm cứ Duyện Châu, rồi phân hóa và dụ hàng được một bộ phận quân đội của giặc Khăn Vàng ở Thanh Châu, rồi lập thành "Thanh Châu Binh".
- Năm 196 CN, Tháo đón vua Hiến Đế về Hứa Đô (nay là thuộc phía đông Hứa Xướng tỉnh Hà Nam), rồi lấy danh nghĩa của Hiến Đế để ra lệnh cho chư hầu. Trước sau, Tháo tước trừ thế lực cát cứ của Lã Bố, đại phá lực lượng thế tộc quân phiệt cua Viên Thiệu tại trận Quan Độ, dần dần thống nhất được miền bắc Trung Quốc.
- Năm 208 CN, Tháo lên làm Thừa Tướng, xuất quân đánh miền Nam, bị liên quân Tôn Quyền, Lưu Bị đánh bại ở trận Xích Bích.
- Năm 216 CN, Tào Tháo được phong Ngụy Vương. Khi mất, con là Tào Phi, cướp ngôi nhà Hán và xưng đế, truy tôn Tháo là Võ Đế.
Trong thời gian cai trị ở phía bắc Trung Quốc, Tào Tháo cho lập đồn điền, hưng tu thủy lợi, giải quyết đựơc vấn đề thiếu thốn lương thực. Ông lại biết dùng người có tài, đả phá cái quan niệm coi trọng thế tộc môn đệ, chiêu mộ những nhân vật trung và hạ tầng địa chủ, ức chế bọn cường hào, gia cường trung ương tập quyền, khiến cho bắc phương  xã hội, kinh tế khôi phục và phát triển.
Là một nhà quân sự có tài, Tào Tháo từng viết "Tôn Tử Lược Giải", "Binh Thư Tiếp Yếu". Ông còn giỏi về thi ca, có nhiều bài thơ được người đời yêu thích truyền tụng rất rộng như "Tang Thương Hải", "Đoản Ca Hành", được xưng tụng là "Kiến An Phong Cốt", hiện nay còn "Ngụy Võ Đế Tập".
Nhưng về mặt đạo lý cũ, Tháo bị coi là kẻ gian hùng, bất trung bất nghĩa, có nhiều thủ đoạn.
Tháo mất năm 220 CN.
Tôn Quyền   
Ngô Quyền là người kiến lập ra nước Ngô thời Tam Quốc, tự là Trọng Mưu, người Phú Xuân  Ngô Quận (nay Phú Dương tỉnh Triết Giang). Cuối đời Đông Hán, Tôn Quyền kế nghiệp người anh là Tôn Sách, chiếm cứ sáu quận Giang Đông.
 - Năm 208 CN, Tôn Quyền hợp binh với Lưu Bị đại phá Tào Tháo ở trận Xich Bích.
- Năm 222 CN, trong cuộc chiến Ngô Thục, tại trận Di Lăng, Quyền dùng hỏa công đại phá hơn bốn chục doanh trại của Lưu Bị, tận diệt thuyền bè, khí giới và quân tư, khiến cho Lưu Bị phải chạy về Bạch Đế Thành(nay là Phụng Tiết tỉnh Tứ Xuyên), năm sau thì mất.
- Năm 229 CN, Quyền xưng đế ở Võ Xương, lấy quốc hiệu là Ngô. Sau rời đô đến Kiến Nghiệp (nay là Nam Kinh tỉnh Giang Tô).
Trong thời gian ở ngôi, Quyền từng  phái hàng hải liên hệ với Di Châu (nay là Đài Loan). Thái Thú Sĩ Nhiếp ở Giao Chỉ cũng từng đem ngọc trai, sừng tê, ngà voi, cùng trái cây quý giá cống cho Quyền, được Quyền khen ngợi và phong cho chức Long Biên Hầu.
Để thúc đẩy phát triển, Quyền thiết lập nông quan, thực hành đồn điền, nhưng vì hình pháp tàn khốc, và phú thuế nặng nề, nên thường xấy ra các cuộc nổi dậy chống đối của dân chúng.
Năm 252 CN, Tôn Quyền mất, ở ngôi ba mươi mốt năm. Con là Tôn Lượng kế vị, truy tôn là Đại Đế, người đời thường gọi là Ngô Đại Đế.
Lưu Bị  劉備
Lưu Bị tức Chiêu Liệt Đế, sinh năm 161 CN, là người kiến lập ra nhà Thục Hán đời Tam Quốc, tự là Huyền Đức, người Trác Huyện Trác Quận (nay thuộc Hà Bắc, là họ một chi xa với hoàng tộc. Thuở nhỏ, Bị nhà nghèo, theo mẹ sống bằng nghề bán giầy và dệt chiếu. Cuối thời Đông Hán, Lưu Bị khởi binh, tham dự  trấn áp giặc Khăn Vàng. Trong cuộc hỗn chiến của các quân phiệt thời đó, Bị từng đến nương nhờ Công Tôn Toản, Đào Khiêm, Tào Tháo, Viên Thiệu, và Lưu Biểu.
Sau Lưu Bị nghe kế của Gia Cát Lượng chủ trương "liên Tôn cự Tào" đánh bại Tào Tháo ỏ trận Xích Bích năm 208 CN, rồi chiếm lãnh Kinh Châu, lực lượng dần dần trở nên lớn mạnh. Sau đó, Bị đánh chiếm Ích Châu, Hán Trung.
Năm 221 CN, Lưu Bị xưng đế, đóng đô ở Thành Đô, đặt quốc hiệu là Hán, sử quen gọi là Thục Hán.
Trong cuộc chiến tranh Ngô, Thục, Lưu Bị đại bại ở trận Di Lăng, năm 223 CN  bị bệnh mất.
Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa     
Trường biên lịch sử tiểu thuyết. Nguyên toàn danh xưng là Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa, hoặc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa.
Tam Quốc Chí là loại lịch sử  tiểu thuyết mở đầu trong văn học Trung Quốc, do La Quán Trung soạn vào thời Minh Mạt Thanh Sơ. La Quán Trung đã căn cứ vào sách Tam Quốc Chí của Trần Thọ đời Tây Tấn và do Bùi Tòng Chi chú, cùng sách Tam Quốc Chí Bình Thoại đời Nguyên mà viết thành.
Bản Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa lưu hành hiện nay là do Mao Tôn Cương đã tu đính và sửa chữa. Cố sự bắt đầu từ truyện Lưu Bị, Quan Vũ, và Trương Phi kết nghĩa vườn đào, đến Vương Tuấn bình Ngô, trải qua gần một nửa thế kỷ.
Tác giả đã  vẽ lại cho người đọc thấy rõ những cuộc đấu tranh quân sự  giữa các sứ quân và tình hình chính trị phức tạp của thời kỳ Hán Mạt và Tam Quốc, đồng thời thành công  nặn ra được hàng loạt những nhân vật mang những hình tượng  điển hình, rõ rệt như Tào Tháo, Gia Cát Lượng, Quan Vũ, Trương Phi v. v...
Tác phẩm có nhiều chương tiết rất sống động, bóng bẩy. Như “Lưu, Quan, Trương, tam anh chiến Lã Bố”, “Tam cố thảo lư”,  “Xích Bích chiến”.
Toàn truyện có rất nhiều chi tiết khúc chiết, kết cấu hoằng đại, nhưng bố cục rõ ràng, mạch lạc, được vinh dự coi là “Đệ nhất tài tử thư”.
Truyện có  cả thẩy 1191 nhân vật có danh có tính, chia ra:
-  436 võ tướng
- 456 văn quan
- 128 nhân vật là tôn thất, hoạn quan, cung phi.
- 67 người thuộc các sắc tộc ngoài biên, như Tiên Ty, Khương.
- 109 nhân vật thuộc các tam giáo cửu lưu.
 Chủ đề của Tam Quốc Diễn Nghĩa lấy tư tưởng chính thống “tôn Lưu biếm Tào”, và coi cuộc nổi dậy Hoàng Cân là làm loạn, làm giặc, lấy trung hiếu tiết nghĩa làm tiêu chuẩn, và coi thuyết "Thiên hạ qui nhất", "hợp cửu tất phân, phân cửu tất hợp" là xu thế tất nhiên của qui luật phát triển lịch sử.
Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, được quảng đại quần chúng hâm mộ ưa thích. Ở Việt Nam, có ít nhất sáu bản dịch khác nhau.
La Quán Trung    
Là một tiểu thuyết gia thời cuối đời Nguyên, đầu đời Minh, tác giả "Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa", tên là Bổn, tự là Quán Trung, hiệu là Hồ Hảo Tán Nhân, người Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây. Cuộc đời bình sinh của ông chưa có tài liệu nào nhắc đến. Tương truyền, ông từng là học trò của Thi Nại Am, ít giao thiệp với người đời, chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng nho gia, mang trong lòng hoài bão phò vua giúp nước, để tạo nên sự tạo nên sự nghiệp. Cả cuộc đời ông, để hết lòng vào việc sáng tác văn học. Ông soạn hơn mười bộ tiểu thuyết, hiện còn lại:
- Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa tức Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa.
- Tam Toại Bình Yêu truyện.
- Tùy Đường Chí truyện.
- Tàn Đường Ngũ Đại Sử Diễn Nghĩa.
- Phấn Trang Lầu.
Trừ hai bộ truyện đầu còn bảo lưu  được nguyên diện mạo của nguyên tác, các bộ sau bị  hậu nhân san cải, sửa chữa nhiều lần, không còn giữ được nguyên dạng lúc đầu nữa.
Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa là bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử vĩ đại nhất của Trung Quốc, hưởng một vinh dự lớn trong văn học sử, và ảnh hưởng thâm sâu đối với hậu thế.
Liêu Trai Chí Dị  聊 齋 志 異
Tên một cuốn tiểu thuyết gồm các truyện ngắn viết bằng văn ngôn, tác giả là Bồ Tùng Linh, đời Thanh trước tác, cộng 431 truyện. Tác giả đã dựa vào những truyền thuyết dân gian, dã sử, dật văn, lấy đời sống sinh hoạt người dân hạ tầng và trung tầng làm chủ thể, rồi dùng trí tưởng tượng độc đặc hiếm hoi của chính mình mà dựng nên những câu truyện hồ ly, ma quỷ, hoa yêu, với  mục đích để:
- Phơi bầy ra ánh sáng những hủ bại hắc ám ở chốn quan trường, và sự cai trị tàn bạo độc ác của nhà cầm quyền Thanh Triều.
- Chọc cười, phóng thích những phong tục hủ bại, giả đạo đức, đày tác hại của lễ giáo phong kiến, cũng như những tệ đoan của chế độ khoa cử.
- Tán tụng tình yêu chân chính và đề cao tự do luyến ái, tự do kết hôn cuả thanh niên trai gái.
Liêu Trai Chí Dị phản ánh rõ ràng diện mạo xã hội Trung Quốc ở thế kỷ thứ 17, và thông qua những câu truyện ma quỷ, hồ ly, tác giả  muốn thổ lộ nỗi niềm "cô phẫn" của mình đối với xã hội đương thời.
Những câu truyện được tác giả thuật lại bằng lối văn ngôn điêu luyện sâu sắc, lãng mạn, những lời đối thoại được diễn tả sống động, truyền thần, với những tình tiết ý vị, hư hư thực thực, thắt cởi, lên xuống, dẫn đưa người đọc mê say, đi từ ngạc nhiên này, đến ngạc nhiên khác, khiến cho tác phẩm tiếp nối được truyền thống truyền kỳ và trở thành ngọn đỉnh phong của lối văn truyền kỳ chí quái cổ xưa của văn học Trung Quốc.
Tác phẩm sau khi ra đời được hơn hai trăm năm, được quảng đại độc giả hỷ hoan ái mộ, cùng lưu truyền các nước trên thế giới như Anh, Phap, Đức, Ý, Mỹ, Nhật, Nga, Việt Nam v. v. đều có những bản dịch.
Riêng ở Việt Nam ước chừng có hơn mười bản dịch khác nhau. Có bản nhiều truyện, có bản ít truyện, tùy người dịch.
Liêu Trai là tên phòng đọc sách của Bồ Tùng Linh, nên ông lấy đó làm tên sách, và vì thế Bồ Tùng Linh còn có hiệu là Liêu Trai Tiên Sinh, và Liễu Tuyền Cư Sĩ. Đa số những truyện cuả ông là viết về quỷ ma, quái dị, nên gọi là Chí Dị.
Bồ Tùng Linh   
Bồ Tùng Linh là văn học gia đầu đời Thanh, tác giả truyện "Liêu Trai Chí Dị", tự là Lưu Tiên, một tự khác là Kiếm Thần, hiệu là Liễu Tuyền Cư Sĩ, người đời thường gọi ông là Liêu Trai Tiên Sinh, người Truy Xuyên. Có thuyết cho rằng ông là người Mông Cổ, hay Hồi tộc, xuất thân từ một gia đình phú hào đã bị suy vi, và thuộc phần tử trí thức. Ông có tài cao từ hồi còn trẻ, dốc chí thi cử, năm mười chín tuổi thi đậu tú tài, sau đi thi nhiều lần không đậu, mãi đến năm bẩy mươi mốt tuổi mới đậu cống sinh, bốn năm sau thì qua đời.
Một đời Bồ Tùng Linh lấy nghề dậy học mưu sinh, lao đao sầu cùng. Nhân vì khoa cử bất đắc ý, lại thấy quan trường tham tàng uổng pháp, mà nhân dân thì thống khổ nghèo khổ, ông bèn mượn những hình ảnh của hồ ly, ma quỷ, yêu quái, viết truyện "Liêu Trai Chí Dị", để trút bớt niềm cô phẫn, bất bình ở trong lòng.
Sau hai mươi năm, thì "Liêu Trai Chí Dị "được hoàn thành. Truyện được viết bằng một bút pháp lãng mạn, phơi bầy những tội ác hắc ám của nhà cầm quyền, công kích những tệ đoan hủ bại của khoa cử, cùng chủ trương tự do luyến ái, phản ánh những sinh hoạt xã hội của thời kỳ đó. Liêu Trai Chí Dị  là tuyệt đỉnh của loại văn ngôn đoản biên tiểu thuyết của Trung Hoa, có ảnh hưởng sâu rộng với hậu thế. Nhiều người đã mô phỏng Liêu Trai Chí Dị để viết nên những tác phẩm  riêng của mình, như "Dạ Vũ Thu Đăng Lục" của Tuyên Đỉnh, "Tòng Ẩn Mạn Lục" của Vương Thao, "Dạ Đàm Tùy Lục" của Hòa Bang Ngạch. "Huỳnh Song Dị Thảo" của Trường Bạch Hạo Ca Tử (Chúng tôi đã dịch một số truyện trong những tác phẩm này.)
Ở Việt Nam có sách Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ gồm hai mươi hai truyện, cũng viết theo thể văn ngôn đoản biên tiểu thuyết, mà theo Trần văn Giáp thì chịu ảnh hưởng của Nguyễn Nho, ra đời  từ thời Lê, trước cả "Liêu Trai Chí Dị".
__________________________