Monday 2 September 2013

NGÔN NGỮ BẢN “TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP” – MỘT HÌNH ẢNH ĐỘC LẬP CỦA TIẾNG VIỆT (Đinh Văn Đức)


NGÔN NGỮ BẢN “TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP” – MỘT HÌNH ẢNH

ĐỘC LẬP CỦA TIẾNG VIỆT

                                                                                         GS. TS. Đinh Văn Đức1- Cách mạng Tháng Tám thành công đã khai sinh ra một nước Việt Nam độc lập. Nước Việt Nam độc lập thì tiếng Việt cũng được độc lập. Độc lập là tiếng nói và chữ viết trở thành chính danh. Mệnh đề ấy rất đơn giản nhưng lại hoàn toàn không đơn giản chút nào trong sự nghiệp đấu tranh cho văn hoá của dân tộc Việt Nam.Tiếng Việt “là thứ của cải vô cùng lâu đời, vô cùng quý báu của dân tộc” (Hồ Chí Minh, 1962), là công cụ hữu hiệu trong phát triển và giữ gìn văn hoá Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Nhưng tiếng Việt, cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám, mới thật sự là thứ ngôn ngữ chính danh. Bản “Tuyên ngôn Độc lập” mà Hồ Chủ Tịch đọc ngày 2 tháng Chín năm 1945  là một minh chứng cho điều tiếng ta đã thật sự trở thành một tiếng độc lập.2- Sau cả ngàn năm Bắc thuộc, chữ Hán đã có một cương vị đáng kể trong đời sống nước ta do các tiếp xúc ngôn ngữ và cả chính sách hướng tới việc đồng hoá văn hoá. Mặc dù người Việt đã có những cố gắng tự chủ cao độ, mà biểu hiện rõ nhất trong việc hình thành cách đọc Hán-Việt, thế nhưng, ngay cả sau thế kỷ thứ mười, khi nước ta đã giành độc lập, chữ Hán vẫn được coi là chính danh trong giáo dục-đào tạo (hệ thống khoa cử), trong hệ thống văn bản quản lý nhà nước (từ Chiếu chỉ và các Châu bản của nhà vua) và trong sáng tác văn chương (dòng văn học chữ Hán). Các văn kiện nổi tiếng về nền độc lập dân tộc như bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” (tương truyền của Lý thường Kiệt, hay “Bình Ngô Đại cáo” (của Nguyễn Trãi),… đều được viết bằng chữ Hán. Phải đến “Tuyên Ngôn Độc Lập” (1945) cuả Hồ Chí Minh ta mới có một văn kiện chính thức đầu tiên về nền Độc lập dân tộc được viết bằng tiếng Việt, chữ Việt một cách chính danh. Ngôn ngữ “Tuyên Ngôn Độc Lập” là một sản phẩm đẹp đẽ của tiếng Việt chuẩn mực và hiện đại. Một hòn ngọc văn hoá qua tay một thợ kim hoàn điêu luyện.3- Ngôn ngữ “Tuyên ngôn Độc lập” là ngôn ngữ chính luận của một áng hùng văn đầy cảm xúc và của một ý chí sắt đá. Thành công của ngôn ngữ trong văn bản này có thể nhận thấy trên nhiều phương diện.Trước hết nói về ngôn từ và văn bản.Tuyên ngôn Độc lập” có ba nội dung cợ bản. Ba nội dung ấy được tác giả gói gọn trong ngôn từ của lời kết:“ Nước Việt Nam có quyền hưởng Tự do, Độc lập, và sự thật, đã trở thành một nước Tự do, Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền Tự do, Độc lập ấy”. Đây là một Tuyên bố Nhà nước, một văn bản Quốc gia chính thức cho nên, theo thông lệ của các chuẩn mực, người viết đã chọn dùng ngôn ngữ luật pháp chứ  không phải ngôn ngữ hành chính để thể hiệnTheo đó, tác giả đã không xuất phát từ  cái ý chủ quan của riêng mình mà bắt đầu văn bản bằng việc nêu lên một chân lý khách quan, vốn  đã thấy trên chính trường quốc tế: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng”,… “Tạo hoá đã cho họ những quyền không thể xâm phạm được trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” để chứng minh cái quyền dân tộc tất yếu của Việt Nam. Lối biểu đạt này cũng làm ta nhớ ngay đến cách nói tương tự trong những tuyên ngôn về Xã Tắc ngày trước của ông cha ta:
                                 “ Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư,
                                   Tiệt nhiên định phận tại Thiên thưHay trong “Bình Ngô đại Cáo”:                                “ Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,                                  Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
                                                    
Nguyễn TrãiĐã là tuyên ngôn thì phải nói ngay được cái chân lý, cái cốt lõi. Các phân tích ngôn từ triển khai tiếp theo sẽ bám vào đó mà thể hiện các lập luận.Ngôn ngữ văn bản này được viết rất giản dị nhưng tổ chức  cực chặt chẽ. Các liên kết lô gích và liên kết mạch lạc làm nòng cốt  cho việc triển khai các lập luận cơ bản. Đó liên tục là một chuỗi của các lập luận: Lập luận về quyền dân tộc, lập luận về việc thực dân Pháp vi phạm các quyền đó, lập luận về thời cơ của vận nước, lập luận về quyền và trách nhiệm của dân tộc Việt Nam, lập luận về quyết tâm của chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc giữ gìn quyền độc lập và tự do.Một đặc trưng khác là cùng với lập luận chặt chẽ, lời văn của Tuyên ngôn hết sức trang trọng và lịch sự.
4- Trong đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã viết rất nhiều văn bản bằng tiếng Việt. Theo chúng tôi, trong số đó, có năm văn bản điển hình được Bác viết ở những thời điểm khác nhau, với những mục đích khác nhau và với cá tính sáng tạo khác nhau và những với cảm xúc khác nhau. Phải làm một phép so so sánh thì sẽ thấy rõ đặc diểm của văn bản này:
a/ Ngôn ngữ của tác phẩm “ Đường Kách mệnh” (1927) là ngôn ngữ Việt đời mới, khác với cái ngôn ngữ từ chương trước đó và đương thời, sách nhằm sớm phổ biến, tuyên truyền, và huấn luyện cách mạng theo lối mới cho nên ngôn từ rất được chú ý trong cách diễn đạt để sao cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ truyền đạt. Trong sách, tác giả đã giới thiệu rất tài những nội dung triết học rất quan trọng của chủ nghĩa Duy vật Lịch sử  kết hợp với thực tiễn của phong trào công nhân và giải phóng dân tộc thuộc địa ở ta. Tác phẩm này đã” lập trình” cho lý luận cách mạng Việt nam. Bằng một thứ tiếng mẹ đẻ hiện đại, Bác đã khéo giới thiệu những nội dung kinh điển có trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ( Mác & Ăng-ghen, 1848) và “Nhà nước và Cách mạng” ( Lê-Nin, 1917) với thực tiễn nóng bỏng và đường hướng của Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.b/ Ngôn ngữ của “Tuyên ngôn Độc Lập” là ngôn ngữ của một văn kiện chính trị lớn, hướng đến một công chúng lớn mà đối tượng đích là “Quốc dân và Thế gíơi”. Nội dung truyền thông trong bản bố cáo rất lớn lao, có ý nghĩa vận mệnh của Quốc gia và Dân tộc. Dễ dàng nhận ra là tác giả đã viết văn bản trong một sự hào sảng cao độ, các cảm xúc như trào lên ngọn bút quanh hai từ  Độc lập và Tự do. Ngôn ngữ luật pháp được vận dụng triệt để, các phát ngôn đầy tính nhân văn và lịch lãm, nhưng không màu mè và giả tạo, không lên gân mà rất tự nhiên, trung thực. Quan điểm của người nói khi phát ngôn rất chân thành và tha thiết nhưng cũng rất kiên định và cương quyết.Sự súc tích của câu văn và từ ngữ cũng là một nét nổi trội. Có những nội dung rất lớn nhưng tác giả chỉ cần gói gọn trong một dòng với những ngắt đoạn cực ngắn, ví dụ như khi nói về tình thế của cách mạng ta lúc đó, Tuyên ngôn đã viết : “Pháp chạy. Nhật hàng. Vua Bảo Đại thoái vị. … Chúng ta lấy lại đất nước ta từ trong tay Nhật chứ không phải trong tay Pháp”. Thế là rõ: Đối ngoại thì Pháp không có lý do gì để trở lại Việt Nam, đối nội thì chính quyền cũ đã hạ cờ. Lịch sử đã sang trang. Mấy ngày sau, khi quân đồng Minh nhập Việt thì họ chỉ là khách đến làm nhiệm vụ trong một đất nước có chủ.c/ Ngôn ngữ của “ Lời kêu gọi Toàn Quốc kháng chiến”(20/12/1946), lại rất khác. Đây là một văn kiện với ngôn  từ cực kỳ ngắn gọn, xuất hiện trong một tình thế hiểm nghèo vào cái lúc ngày “ Sơn hà nguy biến”. Cốt lõi văn bản thể hiện ở tiêu điểm: lời thề quyết chiến: “ Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất đinh không chịu làm nô lệ”. Bác Hồ đã không dùng văn phong chính luận nưa mà dùng lối khẩu ngữ để nói với đồng bào. Người lập luận rành rọt và lập luận ấy đã lay động đến đáy lòng mọi người: “ Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng càng nhân nhượng giặc Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”…” Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, dân tộc, tôn giáo. Hễ là người Việt nam yêu nước thì phải đứng lên đánh Pháp cứu Tổ Quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm,không có súng gươm thì dùng cuốc thuổng gậy gộc,…”. Đây là tiếng hịch truyền của non sông, là tiếng kèn xung trận.d/  Hai mươi năm sau ( 17/7/1966), nước ta lại đang vào cơn thử thách ( “ Xã Tắc lưỡng hồi lao thạch mã” (Trần Nhân Tông, 1288), phong cách ngôn ngữ hiệu triệu lại được Bác Hồ lặp lại trong Lời kêu gọi “ Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”. Trong một tình huống hiểm nghèo còn lớn hơn xưa mà đất nước đang phải đối mặt, thì “ tiếng Người tha thiết kêu gọi bốn phương”,  Bác Hồ đã nói với đồng bào:” Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân ta quyết không sợ. Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do. Đến ngày kháng chiến thắng lợi chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Phong cách khẩu ngữ của lời tâm sự ấy đã rất thành công khi đưa Người xích lại với đồng bào và Quốc dân trong giờ phút thử thách của lịch sử.e/ Ngôn ngữ bản Di chúc của Người lại có lối diễn đạt rất khác. Đây là một văn bản chứa đựng những lời tâm sự cá nhân, những nguyện vọng và mong muốn của một trưởng lão Quốc gia đối với những vấn đề lớn của đất nước trước khi rời khỏi cõi bình sinh. Như nhận thức được cái tất yếu của quy luật cuộc sống, Bác Hồ đã dùng ngôn ngữ của một lối viết rất bình thản, tự tin, hơn thế có chỗ còn dí dỏm để an ủi mọi người. Tuy là tâm sự cá nhân nhưng trong Di chúc Bác nói tới toàn là chuyện “Quốc gia đại sự “  ở thời điểm đó và cả những tính toán quốc kế lâu dài. Ngôn từ của di chúc rất hiền từ, dung dị  và khiêm tốn, không áp đặt, không mệnh lệnh rao giảng mà khuyên bảo chí tình từ một ý chí mạnh mẽ, không vị thân. Ngôn ngữ của Bác ở đây cũng toát lên một tinh thần dân chủ, đồng thoại qua lối tâm sự từ tốn và khơi gợi. Văn bản đọng lại là lòng tin những ước vọng và cả những trăn trở ưu tư của Bác.Trở lại với ngôn từ của bản “Tuyên ngôn Độc lập”, chúng ta thấy lời văn ở đây là kết tinh một thứ tiếng Việt rất mới mẻ và hiện đại. Cho đến nửa đầu thế kỷ 20, văn xuôi nước ta vẫn còn viết nhiều theo lối biền ngẫu, tỉa tót, đăng đối do đó cách diễn đạt còn cầu kỳ, nặng nề và kém hiệu quả. Ngôn ngữ báo chí Cách mạng trong hai thập kỷ (1925-1945) đã góp phần tích cực trong việc cải cách và hiện đại hoá lối viết tiếng Việt trên chữ Quốc ngữ mà cái chính là để tuyên truyền vận động cách mạng. Hồ Chí Minh đã gương mẫu và đi tiên phong trong sự phát  triển này. Từ báo Thanh Niên (1925) đến sách “Đường Kách mệnh” ( 1927), từ báo “Việt Nam Độc Lập” (1941) đến “ Tuyên ngôn Độc lập” (1945) đã xuất hiện ngôn ngữ chính luận Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt như một thứ ngôn ngữ của tương lai. Không phải ngẫu nhiên mà sau hơn sáu mươi năm công bố, ngày nay, ngôn ngữ của “Tuyên ngôn Độc lập” vẫn bảo lưu đầy đủ giá trị hiện đại của nó mà chưa một văn bản chính thức nào của Nhà nước ta vượt qua được. Ngay cả sự lựa chọn từ ngữ của tác giả cũng nói lên khả năng tự chủ tuyệt vời của người viết. Trong khi trích dẫn lời Tuyên ngôn bất hủ của nước Mỹ năm 1776, Hồ Chủ Tịch đã dịch từ “ GOD” thành hai chữ “Tạo hoá” cực hay và thâm thuý. Thay vì dịch “Chúa Trời” hay “Thượng Đế”, hai chữ “Tạo Hoá” vừa gần gũi tâm lý người Việt, vừa thể hiện chỗ đứng của người viết, vốn theo triết học của Chủ nghĩa Duy vật Biện chứng. Nước Việt Nam có quyền Độc lập, đã Độc lập và quyết giữ Độc lập. Đó là tất cả những gì “Tuyên ngôn Độc lập “ đã nói tới bằng một thứ ngôn ngữ và chữ Việt độc lập và bởi một thiên tài suốt đời chiến đấu cho nền Độc lập dân tộc.
                                             
 TÀI LIỆU THAM KHẢO1. David Nunan (1998), Nxb Giáo dục, Hà Nội.2. Lương Văn Hy ( chủ biên) (2000), Ngôn từ, giới và nhóm xã hội, từ thực tiễn tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.3. Michael Schudson, Sức mạnh truyền thông, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.4. Nguyễn Quang (2002), Giao tiếp và giao tiếp văn hoá, Nxb ĐHQGHN, Hà Nội.5. Steven A. Beebe& Susan J. Beebe (1999), Public Speaking,  Nxb ĐHQG TP HCM.6. Tim Hindle (2004), Nghệ thuật thuyết trình, Nxb VHTT, Hà Nội.7. VNU- HCM City (2001), Public Speaking, Nxb VNU HCM.   

Tuyên ngôn Độc lập và nghệ thuật viết văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trần Trọng Đăng Đàn - Sài Gòn Giải Phóng)

Tuyên ngôn Độc lập và nghệ thuật viết văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thứ ba, 01/09/2009, 23:02 (GMT+7)
Đọc Tuyên ngôn Độc lập ta thấy: lý lẽ, suy tư, luận giải của nhà khoa học, nhà văn, của sử gia, triết gia, luật gia, chính trị gia, kinh tế gia v.v… được thể hiện thông qua suy nghĩ và ngôn từ của chỉ một lớp người đó là quảng đại công chúng Việt Nam hồi Cách mạng Tháng Tám.
Sau Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi,Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem như là Tuyên ngôn độc lập thứ ba trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập chỉ có 1.010 chữ, sắp xếp trong 49 câu, nhưngTuyên ngôn Độc lập đã hàm chứa một nội dung rất to lớn và sâu sắc. Đó là sự đúc kết cao nhất, cô đọng nhất nội dung cuộc Cách mạng Tháng Tám - cuộc cách mạng đã đem lại cho xã hội Việt Nam một sự biến đổi chưa từng thấy trong lịch sử, cuộc cách mạng đầu tiên ở Việt Nam nhằm dựng lên một xã hội tương lai không có áp bức giai cấp, không có tệ người bóc lột người.
Một trong những yếu tố quan trọng đưa Tuyên ngôn Độc lập lên tầm của một áng văn chính luận kiệt xuất là nghệ thuật viết ngắn, viết giản dị.
Rất giản dị mà lại rất vững chãi. Giản dị vì ai cũng hiểu. Vững chãi vì không ai bẻ được, vì nó lấy thực tế sôi bỏng của cách mạng làm cốt lõi, vì nó bắt nguồn từ lòng yêu thương, kính trọng quần chúng nhân dân. Lý luận đó càng tăng tính thuyết phục khi ta thấy chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã áp dụng thật nghiêm túc và thu được những thành công rực rỡ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên viết ngắn. Ngắn mà có nội dung. Trong cuốn Sửa đổi lối làm việc viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Viết dài mà rỗng thì không tốt, viết ngắn mà rỗng cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch. Nhưng trước hết phải chống thói đã rỗng lại dài”. Đọc Tuyên ngôn Độc lập ta thấy nội dung đậm đặc trong từng câu, từng chữ. Toàn bộ lịch sử xã hội Việt Nam trong hơn 80 năm dưới ách cai trị của thực dân Pháp, rồi phát xít Nhật được khái quát lại trong 622 chữ, 186 chữ dành cho việc vận dụng pháp lý quốc tế suốt hơn một thế kỷ rưỡi để khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam, toàn bộ những trói buộc về mặt pháp lý mà thực dân Pháp đã bỏ ra ngót một thế kỷ để tạo dựng đối với Việt Nam bị xóa bỏ gọn trong một câu với 58 chữ, còn chí khí Việt Nam, sức mạnh Việt Nam, tương lai Việt Nam thì được khẳng định trong 144 chữ.
Nhiều người nghiên cứu văn học, nghệ thuật trên thế giới đã tập trung trí tuệ vào một vấn đề được xem như là đặc biệt quan trọng. Đó là vấn đề tiếp nhận văn học, nghệ thuật. Sau khi đã hao tốn không biết bao nhiêu thì giờ, giấy mực, không biết bao nhiêu là chất xám, người ta mới phát hiện ra một điều rất giản dị rằng: chẳng phải ai khác mà chính là công chúng và chỉ có công chúng mới là trọng tài công minh nhất của văn học, nghệ thuật. Mà khi đã suy tôn công chúng lên cái vị trí danh dự ấy thì trước hết phải lấy họ làm đối tượng chính để phục vụ.
Điều này, với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành một chân lý hiển nhiên. Viết cho ai đọc và viết để làm gì? Câu hỏi đó được Người trả lời dứt khoát: “Viết cho đại đa số nhân dân đọc” và “viết để phục vụ quần chúng nhân dân”. Mà muốn thế thì trước hết những gì viết ra phải thật dễ hiểu, những gì nói ra phải đến tận tai người dân.
Báo Cứu Quốc, số ra ngày 5 tháng 9 năm 1945 cho biết: trong khi đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói thêm một câu không có trong văn bản. Câu đó là: “Tôi nói thế đồng bào có nghe rõ không?”. Đó là một cử chỉ hết sức đẹp của một vị lãnh tụ cách mạng. Nó thể hiện cái cao cả về đạo đức, cái sâu đậm về tình cảm.
Lý luận về nghệ thuật viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là như vậy. Nó nằm trong cả một hệ thống lý luận của Người về quan điểm quần chúng. Lý luận này rõ ràng đã được thể nghiệm nhiều qua thực tiễn viết và nói của Người. Mà một thể nghiệm thành công lớn nhất là Tuyên ngôn Độc lập. Trong 49 câu của văn bản lịch sử trọng đại ấy có tới 45 câu thuộc loại câu đơn giản. Có cả một loại câu rất ngắn. Mỗi câu chỉ 10 chữ trở lại. Câu thì ngắn mà ý nghĩa nội dung thì đầy ắp.
Sau khi trích ra hai đoạn ngắn trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ hạ một câu: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. - Chỉ 10 chữ thôi mà ý nghĩa tổng kết thật cao, chính nghĩa được khẳng định một cách đanh thép. Câu thứ 19: tố cáo thực dân Pháp: “Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu” - chỉ 9 chữ. Câu thứ 13: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học” - cũng chỉ 9 chữ. Câu thứ 11: “Chúng thi hành những luật pháp dã man” - chỉ 8 chữ thôi...
Những câu ngắn gọn, giản dị như muôn triệu câu nói thường ngày của bình dân, vậy mà đặt vào đây lại có sức buộc tội thật là chặt đối với kẻ thù!
Và câu thứ 15: “Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu” - sức tố cáo sắc bén là thế, văn chương ngời hình ảnh là thế mà cũng chỉ phải dùng tới 12 chữ mà thôi. Còn bức tranh toàn cảnh của phía kẻ thù trước bão táp Cách mạng Tháng Tám thì được vẽ lên bằng một câu rất ngắn: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị” - 9 chữ thôi mà thật là sinh động, thật là sắc bén, làm hiện lên trước mắt người đọc, người nghe cả một cảnh tượng phía kẻ thù vừa tan tác, vừa tiêu điều, vừa thảm hại!
Trong 49 câu của Tuyên ngôn Độc lập có ba câu dài. Dài nhất là câu thứ 42, gồm 58 chữ. Câu dài nhưng không phải là câu phức tạp. Dài nhưng không rối. Nó được xếp đặt theo thứ tự của luận lý thông thường trong suy nghĩ của đông đảo công chúng. Cho nên nó rất dễ dàng thấm vào nhận thức của quảng đại quần chúng nhân dân - đối tượng mà suốt đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết lòng, hết sức phục vụ và Người thường khuyên người cầm bút, người cán bộ cách mạng nói chung, hãy hướng vào đó mà phục vụ.
Trần Trọng Đăng Đàn (Viện Khoa học xã hội)

Nhạc sĩ Trần Hoàn với “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” (Hoàng Thu Phố - Đại Đoàn Kết)

Nhạc sĩ Trần Hoàn với “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” (29/08/2012)
Mỗi lần đi ngang quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trong tôi lại xốn xang bài hát "Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của nhạc sĩ Trần Hoàn: "Chuyện kể rằng, trước lúc Người đi xa/ Bác muốn nghe một câu hò Huế, nhưng không gian vẫn bốn bề lặng lẽ…”
 
Nhạc sĩ Trần Hoàn
 
Những câu hát ấy đã biết bao lần nghe, biết bao lần tự mình cất lên tiếng hát nhớ về Người. Và lần nào cũng vậy, nhịp rung của trái tim như khác đi, với biết bao bồi hồi xúc động. Hình ảnh những giây phút cuối cùng của Bác như thật gần đâu đó.
 
Sinh thời nhạc sĩ Trần Hoàn không có nhiều dịp được gần Bác Hồ nhưng hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc luôn in đậm trong trái tim ông. Tình cảm ấy luôn thôi thúc người nhạc sĩ rút ruột gan mình giống như con tằm nhả tơ làm kén. Năm 1989, một lần nằm trong bệnh viện Việt – Xô chữa bệnh cùng với đồng chí Vũ Kỳ - thư kí riêng của Bác, nhạc sĩ Trần Hoàn được đồng chí Vũ Kỳ kể lại cho nghe một câu chuyện xúc động.
 
Nội dung câu chuyện được nhạc sĩ chuyển tải nguyên vẹn trong ca từ của bài hát "Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, không hư cấu hay thêm bớt một chi tiết nào cả. Bài hát giống như một lời dặn của người Cha già trước lúc đi xa, mong cho con cháu mãi yêu quý và giữ gìn bản sắc dân tộc.
 
Về bài hát này, lúc sinh thời, nhạc sĩ Trần Hoàn cho biết, ông muốn khai thác chất liệu dân ca để bài hát có thêm sức sống, đồng thời vận dụng thể loại balát để truyền tụng lại một câu chuyện đã xảy ra một cách chân thực. Lời bài hát chỉ nhẹ nhàng, mộc mạc, giai điệu giống như lời thủ thỉ tâm tình nhưng lại gây được hiệu quả rất lớn. Và nhạc sĩ đã rất thành công với phong cách này.
 
 
Người nghe ấn tượng sâu sắc với "Lời Bác dặn trước lúc đi xa” qua giọng ca trứ danh của các nghệ sĩ nhân dân như Thu Hiền, Thanh Hoa… Có người còn cho rằng chính nhạc sĩ Trần Hoàn đã hát cùng nghệ sĩ Thanh Hoa, rất thành công, trong lần ra mắt đầu tiên của bài hát tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt – Xô. Khi đó, nhạc sĩ vừa đàn vừa hát trước anh em cựu học sinh Quốc học Huế. Cũng chính tại đây nhạc sĩ còn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Tố Hữu rất khen ngợi.
 
Về nguyên mẫu "em gái nhỏ” trong câu hát: "Lần thứ ba Bác vẫy gọi xung quanh/ Bác muốn nghe một đôi làn quan họ/ Ôi may sao bỗng có em gái nhỏ bước vào gần Bác/ Rồi căn phòng xao động trong nước mắt/ Những lời ca nức nở tái tê/ Rằng Người ơi Người ở đừng về…” cũng khiến rất nhiều người tò mò, không biết đó là ai? Theo nhạc sĩ Trần Hoàn tiết lộ, thì đó chính là nữ y tá Ngô Thị Oanh khi đó đang làm việc tại Khoa Phẫu thuật, Viện Quân y 108 – người đã cùng với các đồng nghiệp của mình túc trực 24/24h bên cạnh Bác trong những ngày cuối của cuộc đời Người…
 
Bài hát ra đời đã lập tức làm rung động trái tim của những con dân nước Việt. Tuy nhiên, tới tận lúc qua đời, nhạc sĩ Trần Hoàn vẫn chưa một lần gặp người nữ y tá đã đi vào sáng tác để đời của ông.
 
Nhắc đến nhạc sĩ Trần Hoàn, người ta không chỉ biết đến một người nhạc sĩ tài hoa với rất nhiều những sáng tác nổi tiếng mà còn biết đến ông với tư cách một nhà lãnh đạo văn nghệ có nhiều đóng góp cho nhân dân và cách mạng Việt Nam.
 
Nhạc sĩ Trần Hoàn hát bên cạnh mộ bà Hoàng Thị Loan (1988)
 
Hơn nửa thế kỉ tham gia công tác cách mạng và sáng tác ca khúc, ông dùng bút danh Trần Hoàn có lẽ để luôn nhắc nhở mình không được viển vông, luôn luôn gắn bó với đời dù đang ở cương vị nào đi nữa. Với Trần Hoàn, âm nhạc luôn là một thứ vũ khí sắc bén, nên khi viết, bài ca trở thành phương tiện tuyên truyền của những người chiến sĩ văn hóa, góp tiếng nói của mình vào cuộc đấu tranh chung trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
 
Trong cuộc đời của mình, nhạc sĩ Trần Hoàn đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau, như Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Phó Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương,… Thậm chí, trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình, nhạc sĩ Trần Hoàn vẫn đảm trách cương vị Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng cố vấn cho việc chuẩn bị SEA Game 22. Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và nhiều Huân, Huy chương, giải thưởng cao quý.
 
Nhạc sĩ Trần Hoàn tên thật Nguyễn Tăng Hích, còn có bút danh Hồ Thuận An, quê ở Hải Lãng, Quảng Trị.
 
Ra đi ở tuổi 76 vì bệnh tim mạch (27-12-1928/23-11-2003), nhạc sĩ Trần Hoàn đã để lại cho đời một khối lượng các tác phẩm âm nhạc ấn tượng, với gần 1.000 bài. Thật khó có thể kể hết những tác phẩm nổi tiếng của ông. Tuy vậy, khi nhớ đến Trần Hoàn, người ta nhớ ngay đến những "Sơn nữ ca”, "Mưa rơi”, "Mùa xuân nho nhỏ” (phỏng thơ Thanh Hải), "Lời ru trên nương” (phỏng thơ Nguyễn Khoa Điềm), "Khúc hát người Hà Nội”, "Kể chuyện người cộng sản”… Đặc biệt là chùm ca khúc về Bác Hồ gây xúc động lòng người như "Cảm xúc từ Làng Sen”, "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu ví dặm” (lời thơ Đỗ Quý Doãn), "Thăm bến Nhà Rồng”, "Lời Bác dặn trước lúc đi xa”…
 
Bài hát cuối cùng của ông có tựa đề "Thành phố của tôi” sáng tác ngày 1-11-2003.
 
Hoàng Thu Phố

Sunday 1 September 2013

NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ NHÂN DÂN NƯỚC PHÁP (Hồ Chí Minh - Nhân Dân)



NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ NHÂN DÂN NƯỚC PHÁP
09:32 | 28/11/2005
Trong lúc nhân dân Việt Nam ta vui mừng ngày Quốc khánh và vui mừng hoà bình, chúng ta càng nhớ ơn nhân dân các nước bạn và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới đã ủng hộ ta trong những năm kháng chiến. Chúng ta càng thấm thía tình hữu nghị của nhân dân Pháp đối với nhân dân ta.
Trước hết, chúng ta nhớ đến Đảng Cộng sản Pháp - Ngay từ lúc đầu, Đảng đã lãnh đạo nhân dân Pháp chống chiến tranh xâm lược Việt Nam. Vì vậy mà nhiều lãnh tụ và đảng viên bị bắt, bị tù.
Chúng ta nhớ đến công nhân và nông dân Pháp đã hăng hái tham gia cuộc đấu tranh ấy. Vì vậy mà nhiều anh em công nhân đã bị phạt, hoặc bị mất công ăn việc làm.
Chúng ta nhớ đến những nhân sĩ tiến bộ Pháp (gồm có những nhà khoa học, những nhà trí thức và nhiều thủ lãnh công giáo), đã phản đối chiến tranh.
Chúng ta nhớ đến phụ nữ dân chủ Pháp (trong nhiều người có chồng con đi lính sang Việt Nam) và các em thiếu nữ đã ủng hộ cuộc kháng chiến của ta.
Chúng ta nhớ đến thanh niên Pháp, mà anh Hăngri Máctanh và chị Raymông Điêng là những gương mẫu anh hùng. Vì ủng hộ ta mà họ đã bị tù đày.
Tình hữu nghị ấy lại tỏ ra trong lúc Hội nghị Giơnevơ. Mấy trăm đoàn thể nhân dân Pháp đã cử đại biểu đến Giơnevơ thăm đoàn đại biểu ta và đòi Chính phủ Pháp phải thành thật thương lượng để lập lại hoà bình ở Đông Dương.
8, 9 năm trước, chẳng mấy ai biết đến nước "An Nam", tên nước ta thì bị che lấp dưới mấy chữ nhục nhã "Thuộc địa Pháp".
Ngày nay, tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lừng lẫy khắp 5 châu, các em bé người da đen ở những vùng hẻo lánh bên châu Phi cũng biết; và hơn 1 ngàn triệu nhân dân thế giới là bạn hữu ta, yêu kính ta. Đó là vì quân và dân ta trước thì kháng chiến rất anh dũng; nay thì quyết tâm củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ.

C.B.

--------------------------------
Báo Nhân dân,số 222, từ ngày 7 đến 8-9-1954.

GÓP THÊM VIỆC PHIÊN ÂM MẤY CHỮ HÁN - NÔM TỒN NGHI TRONG BẢN TRUYỆN KIỀU DO HOÀNG GIÁP NGUYỄN HỮU LẬP CHÉP NĂM 1870 - Nguyễn Khắc Bảo

7. Góp thêm việc phiên âm mấy chữ Hán - Nôm tồn nghi trong bản TRUYỆN KIỀU do Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập chép năm 1870 (TBHNH 2005)
Cập nhật lúc 16h08, ngày 07/09/2007
NGUYỄN KHẮC BẢO
Hội Ngôn ngữ học Việt Nam
Bước sang những năm đầu thế kỷ XXI, trong không khí hào hứng chuẩn bị kỷ niệm 240 năm, năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2005), công việc sưu tầm và nghiên cứu các văn bản Truyện Kiều chữ Nôm cổ đã thu được những kết quả rất đáng phấn khởi. Năm 2002, cuốn Truyện Kiều bản Nôm cổ nhất Liễu Văn đường 1871 (LVĐ 1871) được ông Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị. Cũng năm đó GS. Nguyễn Tài Cẩn công bố cuốn Tư liệu Truyện Kiều, bản Duy Minh Thị 1872 (DMT 1872). Sang 2003, ông Nguyễn Quảng Tuân lại trình làng cuốn Truyện Kiều bản Kinh đời Tự Đức. Tháng 5/2004 tại Nghệ An lại sưu tầm được bản Truyện Kiều Liễu Văn đường Tự Đức thập cửu niên (LVĐ 1866) và đã được nhóm Nguyễn Khắc Bảo - Nguyễn Trí Sơn phiên âm và khảo đính, Nxb. Nghệ An ấn hành 10/2004. Đồng thời cuốn LVĐ 1866 này cũng được ông Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, khảo dị và chú giải với số đăng ký kế hoạch xuất bản 48/171 ngày 15/01/2004 - trước khi tìm thấy cuốn sách tới 4 tháng (?). Cuối năm 2004, Nguyễn Khắc Bảo lại công bố cuốn Truyện Kiều bản Nôm Thịnh Mỹ đường 1879 (TMĐ 1879) và vừa cho ra mắt cuốn Truyện Kiều - Bản Nôm Tụ Hiền đường Đồng Khánh nguyên niên (THĐ 1886).
Trong số các bản Truyện Kiều trên, cuốn Truyện Kiều, bản Kinh đời Tự Đức do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị đã được sự quan tâm bổ khuyết nhiều nhất của giới nghiên cứu vì những “bí ẩn” tồn tại quá nhiều trong đó. Trên thực tế, ông Nguyễn Bá Triệu mới là người đầu tiên phiên âm bản Truyện Kiều chép tay năm 1870 qua công trình Truyện Kiều - chữ Nôm và khảo dị in năm 1999 và tái bản năm 2000 ở Canada. Ông đã dựa vào sự giúp đỡ của “các bạn Ngô Hoa, Hoàng Chấn Triều, thầy Thích Quảng Chánh đã đọc, soạn và dịch dùm một số bản chữ Hán - Nôm” để kết luận “Người chép ký tên Lâm Nhu Phu, chép xong ngày 19 tháng 8 năm Tự Đức Canh Ngọ (1870) tại Tây Hiên Công Bộ, Lâm Nhu Phu có nghĩa là: Người họ Lâm mềm yếu, hẳn là biệt hiệu của một ông họ Lâm nào đó làm việc tại Bộ Công dưới thời Tự Đức. Họ Lâm xưng là Hoan Châu Tiểu Tô hẳn là người Nghệ An và tự ví mình như Tô Triệt, em Tô Đông Pha hẳn phải là người thơ hay và sức học cũng hơn người. Chữ viết của họ Lâm cứng cỏi và sắc sảo vô cùng”(1).
Còn ông Nguyễn Quảng Tuân trong cuốn Truyện Kiều, bản Kinh đời Tự Đức lại cho người chép là Hoan Châu Tiểu Tô Lâm Nọa Phu và giảng là “Ông họ Lâm, lấy hiệu là Nọa Phu là có ý khiêm nhường tuy cũng là người có khí tiết”(2).
Đến Nguyễn Hữu Sơn trên tuần báo Văn nghệ số 33 (14-8-2004) đã tạm đưa ra kết luận về tên tuổi, hành trạng người có công sao chép Truyện Kiều vào năm 1870 là “Nguyễn Hữu Lập (1824-1874) tự Nọa Phu hiệu Thiếu Tô Lâm. Người làng Trung Cần, tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương, phủ Đức Phương, trấn Nghệ An, thi Đình trúng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân đệ nhất danh”.
Nguyễn Tuấn Cường trên Tạp chí Hán Nôm số 3 - 2004 cũng tạm đi tới một số kết luận sau:
“Người ‘san cải’ nên bản Kiều 1870 là Nguyễn Hữu Lập (1824-1874) (?) tự Nọa Phu, hiệu là Tiểu Tô Lâm (nghĩa là Tô Lâm bé, do tên hiệu của cha là Tô Lâm)”.
Chúng tôi xin góp thêm về cách phiên âm tên tự và hiệu của Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập như sau:
1. Tên tự nên phiên là: Nhụ Phu
Chữ các tác giả trên đều chọn là Nhu hoặc Nọa. Ông Nguyễn Quảng Tuân có tìm được một ví dụ rất thú vị: “Nguyễn Du trong bài Kê thị trung từ có câu:
廣 陵 調 絕 餘 聲 響
Quảng Lăng điệu tuyệt dư thanh hưởng
正 氣 歌 成 立 懦 夫
Chính khí ca thành lập nọa phu
Nếu đọc chữ Nhu thì câu thơ bị thất luật, chữ thứ 6 của câu này phải đọc theo thanh trắc nên chữ phải đọc là Nọa.
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh cũng có từ Nọa Phu và từ ấy đã được giải nghĩa là “người đàn ông không có khí tiết”(3).
Ông Nguyễn Quảng Tuân đã vận dụng sai Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, vì ở trang 10, học giả học Đào viết là: 惰夫Nọa phu: Người đàn ông không có khí tiết”. Chữ Nọa này đâu có trùng với tên tự của Nguyễn Hữu Lập mà lại “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như vậy.
Vả lại trong Minh đạo gia huấn có câu: “Giáo nhi bất nghiêm, Nãi sư chi nọa” thì chẳng mấy ai theo đạo Nho lại chọn tên tự lại có âm “Nọa phu” khi giao thiệp đọc tên tự rất dễ bị hiểu lầm là “Nãi sư chi nọa” (là bởi thầy lười).
Theo Việt Pháp tự điển của Génibrel soạn năm 1898 thì:
chữ: Nhu (= Nhụ), Nhát, Faible, craintif, adj.
: Nhụ (= Nhu), Faible, adj
Nghĩa là có thể đọc là Nhu hoặc Nhụ và đều có nghĩa là: “Nhát, kém, sợ hãi, thuộc loại tính từ”.
Vậy là tên tự của Nguyễn Hữu Lập nên đọc là: Nhụ phu vừa tránh được âm Nọa quá không hợp với nhà Nho và phiên âm câu thơ của Nguyễn Du trong bài Kê thị trung từ cũng rất đúng luật:
Quảng Lăng điệu tuyệt dư thanh hưởng
Chính khi ca thành Lập Nhụ phu.
Vì Nguyễn Hữu Lập là cháu ngoại Nguyễn Du (có mẹ kế là con gái út Nguyễn Du) do tên cha sinh mẹ đẻ đặt là Lập, nên nhân đọc bài Kê thị trung từ này mà chọn cho mình tên tự là Nhụ phu chăng ?
2. Tên hiệu niên phiên là: Thiếu Tô Lâm
Nguyễn Hữu Sơn trên Văn nghệ đã dựa vào thơ văn của Phạm Hy Lượng đỗ Phó bảng cùng khoa với Nguyễn Hữu Lập có bài thơ: Tây hồ khúc yến thứ Thiếu Tô niên huynh nguyên vận (Dân ca yến ẩm ở Tây Hồ, họa theo nguyên vần của niên huynh Thiếu Tô) và một bài nữa làm trong kỳ hai người cùng đi sứ nhà Thanh vào năm 1870-1872 là Chu trung nguyên đán thứ Thiếu Tô vận (Tết nguyên đán trong thuyền, họa theo vần của Thiếu Tô).
Để kết luận tên hiệu của Nguyễn Hữu Lập là: Thiếu Tô Lâm. Điều này là đáng tin cậy hơn chữ Tiểu Tô Lâm trong bản Kiều chép tay năm 1870. Vì chúng tôi ngờ rằng các ông Nguyễn Bá Triệu, Nguyễn Quảng Tuân trong quá trình sao chụp văn bản đã dùng kỹ thuật vi tính xóa các chỗ tưởng là lem bẩn, nên văn bản này “đã bị sửa nát trước khi công bố”(3). Nên có thể đã xảy ra tình trạng xóa mất cả nét phẩy của chữ(Thiếu) nên thành chữ (Tiểu) chăng ? Vậy có thể tin tưởng tên hiệu của Nguyễn Hữu Lập là: Thiếu Tô Lâm, nghĩa là Tô Lâm Trẻ vì ông chính là con của Tô Lâm Nguyễn Trọng Dực (1799-1858) tự Nhữ Hiên, hiệu Tô Lâm. Theo Tiên Điền Nguyễn gia thế phả thì “Thị Đạm (con gái út Nguyễn Du) lấy chồng là Nguyễn Hữu Dực, người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương, Nghệ An, đậu Cử nhân làm Tri huyện”(4) (tr.44). Vậy thận phụ Nguyễn Hữu Lập là Nguyễn Hữu Dực (còn gọi là Nguyễn Trọng Dực, Nguyễn Nhữ Hiên)(5).
3. Về cách phiên âm một số chữ Nôm trong bản Kiều Nguyễn Hữu Lập 1870
Trong bài Những nghi vấn xung quanh một bản Kiều(6). PGS.TS. Đào Thái Tôn sau khi “trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí, một chuyên gia nghiên cứu về chữ Nôm và các đồng nghiệp” đã nêu ra 4 chữ trong các câu: 166, 1667, 2119 và bài tựa thuộc loại “không hiểu người chép truyện Kiều năm 1870 định “bắt” chúng ta phải đọc là gì đây ?”.
Chúng tôi cũng xin trình bày một vài cố gắng của mình trong việc đọc 4 chữ đó như sau: (Đánh số câu theo bản NHL 1870).
a. Câu 166: Rốn ngồi chẳng tiện, về chỉn khôn.
Chữ thứ 5 của câu này, ông Nguyễn Bá Triệu phiên là “dứt” (?).
Ông Nguyễn Quảng Tuân cũng theo thế mà phiên là “dứt” (?).
PGS. Đào Thái Tôn thì thẳng thắn ghi là “chưa biết!”.
Theo chúng tôi chữ (Thủ + Nhiếp) có thể đọc là: Nép với nghĩa là “Thu nhỏ mình lại và áp sát vào vật khác để tránh hoặc để được che chở” (Hoàng Phê: Từ điển tiếng Việt, 2004, tr.664). Liên hệ câu 2650: “Treo bầu quảy níp rộng đường vân du”. Chữ 木聶(Mộc + Nhiếp) đã được đọc là Níp: “Cái tráp, cái hộp đựng sách vở hay quần áo” (Đào Duy Anh: Từ điển Truyện Kiều, 1974, tr.266).
Trong Giúp đọc Nôm và Hán Việt, tại trang 647, Linh mục Anthony Trần Văn Kiệm cũng đã thu thập được chữ: (Thủ + Nhiếp): Nép = Thu mình cho nhỏ.
Vậy câu 166 trong bản Nguyễn Hữu Lập 1870 có thể đọc là:
Rốn ngồi chẳng tiện, nép về chỉn khôn.
b. Câu 1667: Di hài nhặt (+) về nhà.
Hai ông Nguyễn Bá Triệu và Nguyễn Quảng Tuân đều đọc chữ (+) là: Nhạnh (?). GS. Đào Thái Tôn cũng bảo là “chưa biết!”.
Theo chúng tôi, chữ (+Thủ + ½ Thao) có thể đọc là; Tháu. Vì (Lão) đọc Nôm là Táu; ( Bảo) đọc Nôm là Báu; (Hảo) đọc Nôm là Háu. Liên hệ câu 2170: Côn quyền hơn sức lược (thao) gồm tài, cũng có phần bên phải giống chữ trên. Vậy câu 1667 là: Di hài nhặt tháu về nhà.
Với nghĩa: Nhặt tháu: nhặt “nhanh, không đầy đủ” (Hoàng Phê: Từ điển Tiếng Việt, 2004, tr.918) cũng khá phù hợp với cảnh đêm khuya bọn đày tớ phải nhặt di hài trong đống than tro.
c. Chữ của bài Tựa: Đây chính là một cách viết khác của chữ Thao: = (liên hệ = = Thao).
Vậy câu văn trong bài tựa có thể phiên âm: “Tổng chi, vị tình (thao) thao bất (tuyệt)”, tạm dịch: “Chung quy cũng chỉ vì một chữ tình kéo dài mãi không thôi”.
d. Câu 2119: Nghĩ mình túng đất 足代chân
Xét các chữ Nôm: (:Đột) ® chợt; (: khuyển + đồn) ® chồn.
(: Đôi) ® chui; (土屯: thổ + đồn) ® chốn
(口對: Khẩu + đối) ® chối; (氵篤: thủy + đốc) ® chốn
(Theo Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Trần Văn Kiệm)
Ta phát hiện ra quy luật: Phụ âm Đ của Hán thường được dùng để ghi phụ âm CH của từ Nôm.
Do vậy chữ (足代: Túc + Đại) có thể đọc là choại.
Với nghĩa: choại = Trượt chân (Hoàng Phê: Từ điển tiếng Việt 2004, tr.166).
Vậy câu 219 có thể đọc là: Nghĩ mình túng đất choại chân.
So sánh 3 câu vừa phiên âm được của bản Nguyễn Hữu Lập 1870.
1. Câu 166: Rốn ngồi chẳn tiện, nép về chỉn khôn.
2. 1667 Di hài nhặt tháu về nhà
3. 2119 Nghĩ mình túng đất choại chân.
Với các câu của nhóm bản Phường:
1. Câu 166: Rốn ngồi chẳng tiện (��dứt) về chỉn khôn.
Có các bản sau: LVĐ 1866: mất, LVĐ 1871, DMT 1872, TMĐ 1879, TVK 1875, QVĐ 1879, THĐ 1886, ATH 1896 (KOM 1902 ��).
2. Câu 1667: Di hài nhặt (sắp) về nhà.
Có các bản sau: LVĐ 1866 mất, LVĐ 1871, TMĐ 1879, QVĐ 1879, THĐ 1886, ATH 1896, KOM 1902.
Riêng DMT 1872 và TVK 1875 là; Di hài nhặt (gói +) về nhà.
3. Câu 2119: Nghĩ mình túng đất (sẩy) chân.
Có các bản sau; LVĐ 1866, LVĐ 1871, DMT 1872, TVK 1875, QVĐ 1879, THĐ 1886, ATH 1896 (KOM 1902, sẩy).
Sự sai khác của bản Nguyễn Hữu Lập 1870 với toàn bộ các bản Kiều cổ nhất kể trên, chứng tỏ Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập dù là cháu ngoại Đại thi hào Nguyễn Du cũng không còn lưu giữ được bản nguyên tác Truyện Kiều. (Vì nếu tin đây là Nguyên tác thì trong văn bản Nguyễn Hữu Lập đã không còn thỉnh thoảng phải ghi khảo dị: Nhất tác). Chúng tôi tán thành nhận định của PGS. Đào Thái Tôn:
“Nếu như bản 1872 là bản in đầu tiên thể hiện sự sửa chữa truyện Kiều trong đời Tự Đức, thì bản Nguyễn Hữu Lập năm 1870 là bản sửa chữa Truyện Kiều chép tay sớm nhất mà đến nay chúng ta được viết”(6).
Nhân đây cũng xin góp ý với ông Nguyễn Quảng Tuân một điều. Khi đọc các văn bản cổ của những bậc đại khoa như Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập nếu thấy có chữ nào chưa đọc được thì cứ chân thành mà nói rằng “chưa đọc được”. Đừng vội vàng cho rằng các cụ viết sai, rồi lập bảng tổng kết “CHỮ NÔM VIẾT SAI TRONG BẢN GỐC” để “ĐỀ NGHỊ SỬA LÀ”, thể hiện sự chưa nghiêm cẩn của nhà nghiên cứu. Lại bộc lộ cho thấy bản Nôm ông dùng là “đã bị sửa nát”, chứ bản Nôm của Nguyễn Bá Triệu những chữ ông “đề nghị sửa” ấy vẫn được chép đúng (ở các câu 1026, 2305, 2319).
(Xem trang cuối cùng trong Truyện Kiều bản kinh đời Tự Đức của Nguyễn Quảng Tuân).
Chữ Nôm là thứ chữ độc đáo do người Việt sáng tạo ra, song do chưa được điển chế nên cách viết, cách đọc còn khá tùy tiện. Bản Truyện Kiều do Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập (cháu ngoại Đại thi hào Nguyễn Du) chép tay năm 1870, chữ viết được khen “nét chữ rất cứng cỏi, viết rất chân phương rõ ràng”, được ông Nguyễn Bá Triệu và nhiều học giả ở Châu Mỹ giúp đọc, ông Nguyễn Quảng Tuân được Trung tâm nghiên cứu Quốc học đọc duyệt và giới thiệu, nhiều chuyên gia nghiên cứu về chữ Nôm cũng góp sức tìm hiểu. Việc chúng tôi trình bày cách đọc của mình như đã trình bày trong bài thực là “đánh trống qua cửa sấm”. Mong nhận được sự phủ chính của các bậc thức giả xa gần.
Các chữ viết tắt trong bài: Liễu Văn đường 1866 = LVĐ 1866:
Liễu Văn đường 1871 = LVĐ 1871
Duy Minh Thị 1872 = DMT 1872
Trương Vĩnh Ký 1875 = TVK 1875
Quan Văn đường 1879 = QVĐ 1879
Thịnh Mỹ đường 1879 = TMĐ 1879
Tụ Hiền đường 1886 = THĐ 1886
Ấn Thư Hội 1896 = ATH 1896
Kiều Oánh Mậu 1902 = KOM 1902
Chú thích:
1. Nguyễn Bá Triệu: Truyện Kiều chữ Nôm và khảo dị, Canada - lời tựa bản in lần thứ 2 năm 2000.
2. Nguyễn Quảng Tuân: Truyện Kiều bản kinh đời Tự Đức, Nxb. Văn học, 2003, tr.34.
3. Lê Thành Lân: Bản Nôm truyện Kiều do Nguyễn Hữu Lập chép có lẽ là bị sửa nát trước khi công bố. Tạp chí Văn hóa Nghệ An - Tháng 8, 2005.
4. Tiên Điền Nguyễn gia thế phả - Bản lưu tại Thư viện Nghệ An - Nguyện Mai tục biên, Lê Thước dịch.
5. Nguyễn Tuấn Cường: Đi tìm Lâm Nọa phu (Người san cải nên bản Kiều Nôm 1870) Tạp chí Hán Nôm số 3 - 2004, tr.8.
6. Đào Thái Tôn: Những nghi vấn xung quanh một bản Kiều, tạp chí Nghiên cứu văn học số 3 - 2005.
Tài liệu tham khảo
1. Génibrel: Việt Pháp tự điển, 1898.
2. Trần Văn Kiện: Giúp đọc Nôm và Hán Việt. Nxb. Thuận Hóa 1999.
3. Từ điển Tiếng Việt. Hoàng Phê chủ biên. Nxb. Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học 2004.
4. Huỳnh Tịnh Của: Đại Nam quấc âm tự vị, Sài Gòn 1885-1886./.
Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.67-75)

Thuật ngữ riêng trong trường Kiến trúc (TCC)


Thuật ngữ riêng trong trường Kiến trúc


Bỗng một ngày… có một đàn em nhờ tui viết lại những từ mà dân Kiến trúc chúng tui thường xài trong trường, những mật khẩu mà chúng tui được kế thừa truyền miệng lại từ thế hệ sinh viên này đến thế hệ khác và liên tục được sáng tác thêm… Để rồi thiệt ngộ nghĩnh, thiệt riêng khi khoái trá nói với nhau tâm đắc trong sự ngơ ngác của các bạn bè bà con… ngoại đạo.
Và dĩ nhiên hành trình tiến hóa của ngôn ngữ Kiến luôn luôn thay đổi theo thị hiếu và các giai đoạn của Kiến sinh các thời kỳ. Trước đó các KTS đàn anh như anh Minh Bò, anh Đạm Vều, anh Sơn Ốm… đã đề cập và kể lại cho đàn em khóa sau khá nhiều. Các thuật ngữ Kiến trúc phổ biến lúc đó là: cạc-nê sì-tê (stéréotomie) môn thiết thể vật liệucạc-nê-cồng (carnet de constructiondày như quyển tự điển làm nhanh cũng phải mất từ 3 tới 6 tháng, làm analo, làm esquisse, làm concours, làm projet, đớp valeur, ăn bài, phua bài, a-văng-xê, sa-rết, răng-đu… trong trường, các đàn anh vẫn giữ thói quen nói chuyện với nhau chen vào một số từ tiếng Pháp.
sinh vien thi thiet ky y tuong kien truc
Từ thông dụng nhứt  được lưu truyền đến ngày nay cần phải kể tới đầu tiên là từ Sa rết, Sa rớt (Charrette)  có nguồn gốc từ École des Beaux-Arts ở Paris trong thế kỷ 19 có nghĩa  thường xài: bài làm bị trễ, nhưng ẩn ngữ là nghiên cứu sáng tác cho tới tận cùng thời hạn được giao. Từ này nổi tiếng đến nỗi từ điển Wikipedia tiếng Anh phải đề cập tới.
(Ảnh bên: các sinh viên Kiến trúc tự do thể hiện đồ án trong Festival Kiến trúc hàng năm)
Kế nữa, việc nghiên cứu, việc thể hiện đồ án kiến trúc được nói vắn tắt là binh bài và lên đồ án. Đối với sinh viên kiến trúc, mỗi kỳ lên đồ án luôn tập trung toàn bộ sức lực ngày đêm binh bài. Sa rết là bịnh muôn đời của dân kiến trúc, trong mọi công việc, làm bài, làm truyền thống, làm ap phe, cả trong việc hẹn hò cũng vậy. Đồ án đậu gọi là bài ăn, bị rớt gọi là bài thua là những từ lóng mà dân Kiến đời sau Việt hóa thành công từ chữ Phua (Four) là cái lò sưởi, ý chỉ bài bị rớt thì liệng vào lò sưởi. Ai đia (idea) thời các Kiến sính xài tiếng Anh thay vì ý tưởngRam, rốp là chôm ý“tham khảo” thiết kế bài bạn về vẽ vô… bài mình! át-suya-rê (Hachuré), răng du (Rendu) hoặc Hắt (Hatch) song song,Ren đơ (render) được trộn chung lại mà nói ra nhưng sinh viên Kiến nào cũng hiểu thay vì nói kẻ các đường song song hay diễn họa. Nói như vậy mới đã, mới khoái, mới ra dân Kiến chứ nói như thông thường thì mất Sướng. Những từ ngữ rất riêng đó, được sinh viên Kiến trúc chấp nhận, lưu truyền và phát triển, lập tức, nó trở thành truyền thống.
MG_6381-500x250
Festival Kiến trúc 2012 tại Đà Nẵng
Một điều nữa rất đáng để bàn luận là cặp từ Ne Ba Trông chỉ có trường Kiến Trúc mới có, rất đặc thù nêu cao tình đàn anh chỉ bảo truyền đạt kinh nghiệm cho đàn em, nghĩa đồng môn Nègre và Patron luôn luôn gắn bó như anh em ruột thịt trong gia đình. Nguyên nghĩa Ne (Nègre) có nghĩa là đầy tớ chỉ là đàn em theo phụ đàn anh, Ba trông (Patron) có nghĩa là Chủ chỉ các đàn anh có trách nhiệm chỉ bảo cho đàn em các tuyệt chiêu. Chữ nghĩa nghe qua có tưởng như là có sự cách biệt Chủ và Tớ, nhưng lại là sự ví von vui và bình dị. Kiến trúc nhờ truyền thống Negre – Patron đã kết nối các thế hệ đàn em xa lắc, mà được sự gần gũi, chở che, bảo ban từ cả một cộng đồng Kiến Trúc không có tuổi tác, không có cô, cậu, chú, bác, dì… chỉ là ai vô trước làm đàn anh, sau 40 năm vẫn là đàn em… không có rào cản, không dị biệt về tất cả mọi chuyện. Điều này thấy rõ nhứt là khi đi tới đâu chỉ cần biết là dân Kiến với nhau thì lập tức có ngay sự nồng nhiệt, ân cần và tương trợ.
Còn nữa, những từ như Trưởng tràng ví von cho chức vụ Đại diện cho tất cả sinh viên của trường trong 1 niên khoáThiên lôi cho các sinh viên giữ gìn trật tự trong trường, cách nói này đã hoàn toàn được dịch sang tiếng Việt thay cho từ chef cochon của trường Kiến trúc Bố Già (Beaux-Arts) nghĩa Heo sếp vì dân Kiến trúc thường lấm lem, mặt mũi tay chân dính màu mè tùm lum mỗi khi làm bài đồ án. Do việc một người (Ba Trông)làm bài có 2, 3 người phụ (Ne) rồi đi ăn chung, làm bài chung, mệt quá thì lăn ra ngủ hoặc gục bên bài luôn nên lối học quá đặc biệt đó làm cho bạn bè trở nên rất thân thiết, tình cảm với nhau. Cũng nhờ lối cộng tác làm đồ án quá đặc thù mà có nhiều cặp đã cùng nhau thề nguyền binh bài chung suốt cuộc đời.
Dân Kiến trúc thường tự nhận mình là dân Kiến, tự hào là một phần của một tôn giáo Sáng Tạo, Trường Kiến trúc rèn luyện sinh viên tinh thần cống hiến trí lực Sáng tác không ngừng, thiết kế chẳng dừng để phục vụ nơi ăn chốn ở cho con người, siêng năng, cần mẫn trong công việc, kỷ luật và làm việc nhóm tuyệt vời. Dân Kiến phục vụ cộng đồng, từ thành phố lớn đến vùng sâu vùng xa và cầu mong thế giới đẹp hơn bởi những công trình kiến trúc cho đời sống trong lành tiện ích. Dân Kiến là một từ chung, một thuật ngữ trong Kiến trúc là một kết thúc dễ thương cho bài viết này. Không khó để biết trang web kienviet.net của Hội KTS VN và rất nhiều những công ty thiết kế kiến trúc bắt đầu bằng từ Kiến như một dấu chỉ định danh cho ngành nghề.
Thay lời kết:
Sinh viên nói chung, luôn là hồn nhiên, nhiệt tình, và rất nhiều hoài bão trong mọi giai đoạn, mọi thời kỳ. Riêng sinh viên Kiến trúc với cách học đặc sắc và chơi không giống ai trên tiêu chí “Sáng tác không ngừng, thiết kế chẳng dừng” “HAY, VUI, LẠ, ĐẸP” làm cho ta được tiếp thêm sức trẻ và tin tưởng các đàn em thế hệ sau giữ gìn phát huy những giá trị truyền thống, những thuật ngữ của anh em họ nhà Kiến.
Viết vì lời yêu cầu của Kiến Đất Thủ Lion Arc (biệt danh của Sư Tử Ác Nguyễn Huỳnh Linh Thảo)
TCC
Việc xong ai có giờ thong thảHẹn chốn Bụi trần uống vài chungBạn bè chia sớt điều nghiêng ngả?
185377_450
Sinh viên Kiến trúc trong một buổi tập vẽ ngoài trời
Thuật ngữ riêng trong trường Kiến trúc - Phần thêm
Việc học hành và đồ án dồn dập và áp lực, nghiên cứu và thể hiện ngày đêm. Sinh viên Kiến nào nghe giảng đề và sửa bài siêng năng thì may ra Ăn bài còn thì Thua riết 2,3 bận vẫn không qua. Nhưng có những bài đáng lẽ ra về dây chuyền bị đánh rớt nhưng do Răng đu đẹp hay có nét nhỏ nhỏ gì đó độc đáo, có nghiên cứu thì các thầy cũng thương tình cho Đậu Vớt thì mừng kể gì nói. Cái Đậu vớt nó còn vui gấp bội hơn Đậu ngon lành, Đậu đàng hoàng. Nên mỗi khi được Đậu vớt các bạn nhẩy cẫng, bá vai bá cổ hò hét từ các hành lang ra tới cổng và nghêu ngao trên đường: 1 Vớt, 2 Vớt, 3 Vớt, 4 Vớt, 5 Vớt, Vớt Vui Vẻ Về Với Vợ, rồi biến thể cả cách theo chuyện đánh vần 1 vớt thành ra 1 Vờ, 2 Vờ
Tui cũng từng một thời như vậy, giờ là 10 năm họp lớp, tụi tui vẫn bá vai bá cổ, hò hét những kỷ niệm thuở xưa, dưới mái nhà Kiến trúc là gia đình lớn cho tất cả chúng tui. Quả là Mười năm gặp lại, tình… thành ngất… ngư… !
Thuật ngữ riêng trong trường Kiến trúc - Phần thêm nữa
imagesNgồi café với đàn em Kiến Đất Thủ, update thêm vài thuật ngữ mới. Thời đại, vi tính vi teo, vẽ đồ án bằng phần mềm này nọ, các Kiến em lập tức chớp, chợp ngay các lịnh vẽ máy để tạo nên những từ mới chuyên dùng như:Mu (Move tức là di chuyển) khối này qua đây nè, Cặp pi Pác (copy past đồng nghĩa vớiRam, Rốp…) cái đó dzô. Thằng đàn em nào lơ ngơ lớ ngớ mới vô hoặc lười biếng hổng chịu nghiên cứu bài, ngồi bàn đồ án mà ngơ ngác liền bị chọc là A ma tơ (Amateur) vậy mậy!
(Ảnh bên: Kiến Đất Thủ và thầy Phúc)
Những từ như làm mượt bài đi em! Queo (Well) đi! Chạy ống tay vịn cầu thang! Là những thuật ngữ mới tinh ra lò nói ra là được sinh viên Kiến trúc chấp nhận ngay hổng thắc mắc, lưu truyền và phát triển, lập tức, nó trở thành truyền thống Kiến trúc.
Ôi! Con thuyền Kiến trúc dù đi đến đâu, nó cũng chiếu cái bóng mình xuống nước.
Viết xong Ta có giờ thong thảXuống chốn Bụi trần uống vài chungNerge ơi chia sớt điều nghiêng ngả!
(Tạm cảm thấy hài lòng)
TCC