Saturday 5 July 2014

Tìm kiếm đơn vị từ ngữ tương đương (Trần Văn Tích)

Trần Văn Tích
Als Ausdruck der Verbundenheit Frau Thai Kim Lan gewidmet 

Tập tiểu thuyết đoản thiên văn ngôn Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh có bốn trăm ba mươi truyện ngắn, trong số đó có truyện “Xúc chức”. Truyện “Xúc chức” có gần một ngàn bốn trăm chữ, trong số đó có câu văn: “Thị chi, hình nhược thổ cẩu, mai hoa sí, phương thủ trường hỉnh, ý tự lương.” Câu văn vừa kể có tất cả mười sáu chữ [1] , trong số đó có hai chữ “thổ cẩu”. Ðó là hai chữ quí hoá, vì nhờ nó mà có bài viết hôm nay.

Ðề tài của Liêu trai chí dị rất rộng rãi, nội dung phong phú, chủ yếu bao gồm ba lĩnh vực. Lĩnh vực thứ nhất đả kích tính chất hắc ám của xã hội chính trị, như các truyện “Xúc chức”, “Tịch Phương Bình”, “Mộng lang”. Lĩnh vực thứ hai vạch trần tệ đoan của chế độ khoa cử, như các truyện “Tư Văn Lang”, “Vương Tử An”, “Giả Phụng Trĩ”. Lĩnh vực thứ ba mô tả ái tình giữa hồ tinh và con người, như “Anh Ninh”, “A Bảo”, “Liên Hương”, “Tiểu Tạ”. Truyện “Xúc chức” được Lâm Ngữ Ðường đánh giá là một đoản thiên tiểu thuyết kiệt tác trứ danh của Trung Quốc.

Liêu trai chí dị hành văn trau chuốt công phu trong sáng trôi chảy. Có rất nhiều bản chú giải Liêu trai chí dị. Ngoài ra còn nhiều bản trích lục Liêu trai chí dị, thích ứng với nhu cầu thưởng ngoạn của từng độc giả.Liêu trai chí dị hiện có bản dịch toàn bộ sang chữ Việt, bên cạnh nhiều bản trích dịch. Ðối với các ngoại ngữ khác, cũng có những bản dịch toàn bộ và những bản tuyển dịch.

Trong “Xúc chức”, Bồ Tùng Linh kể chuyện một ông vua thích đá dế, quan lại các cấp đua nhau dâng dế để mong lấy lòng vua, còn bọn cai trị địa phương thì nhân cơ hội đó ra tay vơ vét, tạo nên thảm cảnh nhà tan cửa nát, dân chúng lầm than chết chóc. Câu văn “Thị chi, hình nhược thổ cẩu, mai hoa sí, phương thủ trường hỉnh, ý tự lương” mô tả tình huống nhân vật chính trong truyện ngắn tên “Thành Danh” bắt được con dế và ngắm kỹ nó. Có thể dịch thành Quốc ngữ như sau: “Nhìn kỹ thì hình giống thổ cẩu, cánh tựa hoa mai, đầu vuông cẳng dài, có vẻ tốt.”


Thổ cẩu, hai chữ khó hiểu

Các dịch giả Việt Nam và ngoại quốc “xử lý” hai chữ thổ cẩu qua nhiều cung cách chuyển ngữ. Nguyễn Văn Huyền trong Liêu trai chí dị, Lời bình Tản Ðà, Lời bạt Chu Văn, in lần thứ tư, Nhà Xuất bản Văn học, Hà Nội, 2002, trang 369: “Ngắm kỹ, đầu vuông, đùi dài, dáng ve sầu cánh hoa mai, có vẻ tốt.” Ðồng thời dịch giả chú thích: “Nguyên văn ‘thổ cẩu’ (chó đất) một loại côn trùng, dạng ve sầu.” Dịch giả họ Nguyễn chủ xướng thổ cẩu là một loại côn trùng dạng ve sầu, nhưng không biết chắc nó là con gì.

Nguyễn Quốc Ðoan khi dịch Trung Quốc truyền kỳ tiểu thuyết của Lâm Ngữ Ðường, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1994, trang 19, đã trình bày câu văn nguyên tác mười sáu chữ của Bồ Tùng Linh theo lối viết lại (trùng biên) của Lâm Ngữ Ðường: “(…) ông đứng nhìn con dế nhỏ có cái cổ dài, trên cánh có hoa văn hình hoa mai, có lẽ là một con dế thiện chiến.”

Sir Walter Hillier trong The Chinese Language How to learn it, Volume II, Part I, The Lazarist Press, Peking, 1909, đã dịch thoát truyện “Xúc chức” làm tài liệu trợ huấn cho việc học Hoa ngữ và chuyển ngữ linh động nơi trang 65: “(…) and when he had a close look at him he seemed to be rather a capable sort of an insect, (…)” Nơi phần chú thích từ vựng, thổ cẩu không được nhắc đến mà chỉ có các nhóm chữ xúc chức, khúc khúc và giải xác thanh nhằm chỉ loài dế.

Herbert A. Giles trong Strange Stories from a Chinese Studio, Third Edition Revised, Kelly & Walsh, Limited, Shanghai, Hongkong, Singapore and Yokohama, 1916, trang 278: “and, on examining it more nearly, he saw that it really was a handsome insect, with well-formed head and neck, (…)” Nhà Trung Hoa học người Anh tránh tìm đơn vị ngữ nghĩa tương ứng trong tiếng mẹ đẻ của mình để chuyển dịch thổ cẩu mà chỉ dịch thoát là “một côn trùng đẹp”.

Ursula Löffler trong Chinesische Geschichten, Deutscher Verlagsanstalt, Stuttgart, 1954, chuyển dịch Liêu trai chí dị từ bản Anh ngữ của Lâm Ngữ Ðường (Lin Yu-tang), trang 258: “Der Vater ergriff ihn und prüfte ihn eingehend. Er hatte einen langen Hals und ein Pflaumenblütenmuster auf den Flügeln. Er mochte ein guter Kämpfer sein, (…)” [Ông bố chụp bắt nó và chăm chú nhìn nó. Nó có cổ dài và trên đôi cánh có hình mẫu hoa mai. Nó có thể là một con vật chiến đấu tốt (…)] Dịch giả xem như nguyên tác không có hai chữ thổ cẩu.

Adrian Baar trong Chinesiche Gespentergeschichten, Fischer Taschenbuch Verlag, Frankfurt am Main, 1975, trang 109: “(…) und als er sie genauer betrachtete, sah er, dass es eine recht hübsche Grille war, mit gut geformtem Kopf und Hals, und trug sie deshalb im Haus.” [(…) khi nhìn kỹ hơn thì anh ta thấy rằng đó là một con dế rất đẹp với đầu và cổ cân đối nên liền mang nó vào nhà.] Tác giả chuyển thổ cẩu thành “con dế rất đẹp” đồng thời bỏ rơi các chi tiết hình thể học liên quan đến “mai hoa sí”, đến “trường hỉnh”; và mặc dầu Bồ Tùng Linh không hề mô tả cổ con thổ cẩu, Baar vẫn dịch thành mit geformtem Hals, với cổ cân đối.

Gottfried Rösel trong Zwei Leben im Traum, Verlag die Waage Zürich, 1989, trang 290: “Er betrachtete es: es sah wie eine ‘Erdhund-Grille’ aus, hatte Flügel von der Farbe der Pflaumenblüte, einen viereckigen Kopf, lange Unterschenkel und schien von gutem Charakter.” (Anh ta nhìn kỹ con vật: nó giống như một con “dế chó đất”, cánh màu hoa mai, đầu bốn góc, đùi dài và có vẻ tốt.) Dịch giả người Ðức trực dịch thổ cẩu thành chó đất đặt trong ngoặc, từ đấy mô tả cho động vật chí Trung Quốc một loài dế mới, dế chó đất.

Thổ cẩu cũng xuất hiện trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, nhưng với tư cách một món ăn không mấy khoái khẩu. Trong thời gian đi sứ vào hai năm 1813 và 1814, nhiều lần phái đoàn ngoại giao do Nguyễn Du lãnh đạo bị nghẽn đường vì thuỷ tai hoặc nội loạn. Vào đất Hà Nam, vừa vượt qua Hoàng Hà sau năm ngày nhịn đói do nước sông lên to lại không đi được nữa vì lương dân nổi dậy, để sống sót, nhà ngoại giao thi sĩ đành chấp nhận những món ăn thuộc mơ-nuy của… tù cải tạo cộng sản, cố gắng nuốt vào dạ dày những thực phẩm như bánh gạo mạch và thổ cẩu. Bài “Hoàng Hà trở lạo” (Mắc lụt bên Hoàng Hà) ghi nhận: 


Mạch cao thổ cẩu nan vi thực,
Lạc ngạnh phiêu bình thất tự mưu.

(Bánh gạo mạch và thổ cẩu khó nuốt,
Cành trôi bèo nổi, chẳng mưu được việc). 

Thơ chữ Hán Nguyễn Du đã được tuyển dịch, chú thích và ấn loát, phổ biến tương đối rộng rãi, nhất là vào thời buổi kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Gặp hai chữ thổ cẩu, tất cả các dịch giả sang quốc văn hiện đại đều cố gắng giảng giải.

Trước tiên là nhóm Lê Thước - Trương Chính. Ấn bản do nhị vị phụ trách sưu tầm, chú thích, phiên dịch, sắp xếp cùng với mười cộng tác viên khác, Nhà Xuất bản Văn học, Hà Nội, bản in lần thứ hai, 1978, trang 350, giải thích hai chữ thổ cẩu như sau: “3. Thổ cẩu: con dê đất. Nhưng theo Từ nguyên thì đó là một loài quái vật ở nước hình giống con dê. Xưa có người đào giếng bắt được một quái vật, không hiểu con gì, đến hỏi Khổng tử. Ông này trả lời đó là loài dê. Ở đây chỉ một giống vật lạ do nước lụt mang đến.”

Tôi chép lại nguyên văn và nguyên dạng chú thích số 3, kể cả hàng chữ in nghiêng, mà tôi chẳng rõ tại sao lại phải in như vậy, chắc chỉ là lỗi ấn loát. Nhưng tuy thế câu chú thích vẫn còn một số điểm bất ổn. Dựa vào tài liệu nào nhóm chủ biên cho rằng thổ cẩu là dê đất? Và đã hiểu như vậy tại sao lại còn “nhưng” để rồi đan cử Từ nguyên? Vả lại Từ nguyên (bản tôi tham khảo in năm 1984, tương đối mới) không đề cập gì đến chuyện Ðức Khổng phu tử được tham vấn. Huống chi, đã là dê, cho dù là dê đất (?), thì đâu đến nỗi nuốt không trôi, ăn không nổi trong cảnh cơ hàn lũ lụt?

Hai dịch giả khác cũng sử dụng nguyên văn lời chú thích Lê Thước - Trương Chính liên quan đến thổ cẩu: 

  • Chi Ðiền Hoàng Duy Từ, Nguyễn Du, Thơ chữ Hán, Quyển 2, Nhà Xuất bản Mr. L. Hoàng, California, 1986, trang 137;
  • Duy Phi. 249 bài thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhà Xuất bản Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2000, trang 343.
Riêng Bùi Hạnh Cẩn trong 192 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1995, trang 122 thì chú là: “Thổ cẩu: con dế (dấu sắc, TVT) đất. Nhưng theo Từ nguyên thì đó là một loại quái vật ở nước hình giống con dê.”

Theo Nguyễn Du toàn tập, Tập 1, Nhà Xuất bản Văn học, Hà Nội, Thơ chữ Hán, Mai Quốc Liên phiên âm, dịch nghĩa, chú thích với sự cộng tác của Nguyễn Quảng Tuân, Ngô Linh Ngọc, Lê Thu Yên, 1996, trang 435 thì: “Thổ cẩu: con dê. Theo Từ nguyên thì xưa có người đào giếng bắt được một con vật lạ, không hiểu con gì, đến hỏi Khổng Tử. Ông này trả lời đó là con dê. Bản C in là dế đất thì sai.”

Tóm lại, đối với hai chữ thổ cẩu được Bồ Tùng Linh và Nguyễn Du đưa vào tản văn trần thuật và vận văn trữ tình, thái độ của các dịch giả Việt Nam và quốc tế như sau: 

  • tránh né không dịch;
  • chuyển thành một động vật được xem là tương tự;
  • trực dịch thành “chó đất”;
  • cho là con dê đất (không dấu), con dế đất (dấu sắc);
  • dựa vào Từ nguyên để xem là một quái vật.
Ðiều đáng nói là nếu thơ văn Quốc ngữ luôn luôn tìm cách chú thích nhiều khi dài dòng về thổ cẩu thì các soạn giả Trung Hoa không phải bao giờ cũng làm công việc này. Ðó chẳng hạn là trường hợp ấn bản Trương Hữu Hạc. Sau dòng chính văn in bốn chữ phương thủ trường hỉnh với cỡ chữ tương đối lớn là hai dòng chú thích in theo lối lưỡng cước với cỡ chữ nhỏ chỉ bằng nửa chữ thường: “Hà chú: mai hoa sí, giải xác thanh, phương thủ trường hỉnh, xúc chức hình dã” (Họ Hà chú: cánh tựa hoa mai, cua vỏ xanh [2] , đầu vuông cẳng dài, đó là hình dáng con dế). Còn bản Dương Gia Lạc thì không có lời giải thích nào sau câu văn có hai chữ thổ cẩu mặc dầu nơi trang 331 liên hệ có đến mười ba chú thích. Dường như đối với người Trung Hoa, thổ cẩu là một từ ngữ không gây nhiều vấn đề. Tuy nhiên trong Cảnh thế thông ngôn, truyện “Tinh dương cung thiết thụ trấn yêu” do Phùng Mộng Long chấp bút thì thổ cẩu tử có được giải nghĩa nơi chú thích số 20, trang 646: “Thổ cẩu tử: tựu thị lâu cô, khoát lâu đích tục xưng.” (Thổ cẩu tử chính là cách gọi thông tục của lâu cô, khoát lâu.) [3]

Thực ra chỉ cần tra cứu các công cụ tham khảo đơn ngữ hay song ngữ là biết thổ cẩu là con gì. Hán ngữ đại từ điểnTrung văn đại từ điển, Từ nguyên đều có mục từ thổ cẩu:

  • Hán ngữ đại từ điển ghi cho thổ cẩu ba nghĩa: 1. truyền thuyết trung đích thổ quái (giống vật lạ ở đất theo truyền thuyết); 2. đổ thuỷ đích thổ đại, tiền nhuệ hậu quảng, tiền cao hậu đê, trạng như đôn toạ đích cẩu, cố danh (túi để chắn nước, trước nhọn sau rộng, trước cao sau thấp, hình giống chó ngồi chồm hổm, nên thành tên); 3. diệc xưng “thổ cẩu tử”, lâu cô đích biệt danh (cũng gọi là “thổ cẩu tử”, tên riêng của lâu cô).
  • Trung văn đại từ điển ghi cho thổ cẩu ba nghĩa: 1. phần dương dã (dê ở vùng mồ mả); 2. trùng danh, Bản thảo. Lâu cô. Thích danh: huệ cô, thiên lâu, tiên cô, thạch thử, ngô thử, thổ cẩu (tên sâu bọ. Sách Bản thảo. Lâu cô. Còn có tên huệ cô, thiên lâu, tiên cô, thạch thử, ngô thử, thổ cẩu); 3. dĩ thổ tác cẩu hình, dữ thổ độn dụng (lấy đất nặn hình chó, dùng như heo đất).
  • Từ nguyên ghi cho thổ cẩu ba nghĩa: 1. một loài quái vật truyền thuyết; 2. một thứ túi, đẫy, trước hẹp sau rộng, trước cao sau thấp, giống hình con chó ngồi trên mặt đất nên có tên thổ cẩu; 3. tên riêng của lâu cô.
Trong các nghĩa trên, chỉ có nghĩa liên quan đến tên sâu bọ là thích hợp với câu văn Bồ Tùng Linh và câu thơ Nguyễn Du. Theo nghĩa đó, thổ cẩu là một tên khác của lâu cô.

Thiều Chửu trong Hán-Việt từ điển giảng: “Lâu cô: con dế, một thứ sâu ở lỗ giống như con dế mèn, rất làm hại lúa và nho.” Từ điển Hán-Việt, do Hầu Hàn Giang, Mạch Vĩ Lương đồng chủ biên, dứt khoát hơn: “lâu cô là dế dũi, dế nhũi”. Cả Chinese English Dictionary của Mathews lẫn A Chinese-English Dictionary của Herbert A. Giles đều cùng ghi cho thổ cẩu một nghĩa duy nhất và thống nhất (chứ không ghi đến ba nghĩa như các từ điển Hán-Hán): the mole-cricket. Theo Das neue chinesisch-deutsche Wörterbuch thì lâu cô là Maulwurfgrille; Grille là dế mèn, Maulwurf là chuột chũi; như vậy lâu cô là dế chũi. Tiếng Pháp cũng có cấu trúc từ ngữ tương tự: taupe-grillon. Các sách dược liệu học cổ truyền còn minh bạch hơn nữa. Hồng Nghĩa giác tư y thư của Tuệ Tĩnh, bài “Nam dược quốc âm phú”, ghi “Dế dũi gọi lâu cô.” Trong Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, tập Lĩnh nam bản thảo, quyển Thượng, mục Côn trùng loại, Lãn Ông Lê Hữu Trác cho biết (nguyên văn chữ Hán, dịch sang Quốc ngữ): “Lâu cô tục gọi là con dế nhũi, một tên nữa là thổ cẩu.” Trung Quốc y học đại từ điển, quyển I, trang 169, cho biết: “Thổ cẩu, lâu cô đích biệt danh.” (Thổ cẩu là tên riêng của lâu cô). Nguyễn Văn Minh, tác giả Dược tính chỉ nam, quyển IV, trang 1373, mục từ 3771, xác định thổ cẩu là con dế. Ðỗ Tất Lợi, qua Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, trang 954, ghi nhận con dế dũi là thổ cẩu, lâu cô. Dế trũi thuộc loại côn trùng cánh thẳng (trực sí loại), màu nâu, lớn chừng 4-5 cm, có hai càng trước rất phát triển để đào ngạch khoét lỗ, tạo thành những đường hầm dưới đất, vì vậy làm hại nương vườn. Ðôi cánh thẳng, đôi càng khỏe là những điểm mạnh của dế trũi, nên tác giả Liêu trai chí dị đã chọn hai chi tiết hình thái học này (mai hoa sí, trường hỉnh) nhằm mô tả con dế màu nhiệm của truyện ngắn “Xúc chức”.

Hiểu thổ cẩu là dế trũi [chứ không phải dê đất (không dấu) hay dế đất (dấu sắc) hoặc quái vật truyền thuyết] thì mới thích hợp với ngữ cảnh truyện ngắn Bồ Tùng Linh và hoàn cảnh chánh sứ Nguyễn Du: 

  • thổ cẩu mô tả con dế đặc biệt được hồn con trai Thành Danh nhập vào có dạng hình dế trũi với những ưu điểm cơ thể học, mặc dầu nó vốn là dế mèn;
  • thổ cẩu tạm thời là nguồn cung cấp protein cho vị trưởng phái đoàn ngoại giao khi nước lụt tràn ngập hang ổ dế trũi.
Dầu sao cuối cùng rồi cũng có người biết đúng nghĩa chữ. Truyện ngắn nhan đề “Dế chọi” trong Tuyển tập Liêu trai chí dị do Nguyễn Huệ Chi nghiên cứu, tuyển chọn, hiệu đính, Nhà Xuất bản Văn nghệ, TP HCM, 1999, tập 3, Lý Việt Dũng phụ trách chuyển ngữ, đã trình bày câu văn mười sáu chữ của Bồ Tùng Linh nơi trang 189-190 bằng tiếng Việt như sau: “Nhìn nó bộ dạng giống như con dế trũi, cánh đốm hoa mai, đầu vuông cổ dài, xem chừng là giống tốt.” Eurêka!


Ðơn vị từ ngữ tương đương

Câu chuyện chuyển dịch hai chữ thổ cẩu không còn thuộc lĩnh vực văn chương nghệ thuật mà bước sang địa hạt khoa học kỹ thuật. Thổ cẩu đã cởi áo nghệ thuật để khoác áo khoa học. Ngôn ngữ nghệ thuật mang nhiều tính hình tượng, nhiều sắc thái biểu cảm, nhiều ý nghĩa liên tưởng. Trái lại ngôn ngữ khoa học rõ ràng, đơn nghĩa, chủ yếu bao gồm những bất biến ngôn ngữ như thuật ngữ, công thức. Vì thế dịch văn khoa học phải rất chính xác, thậm chí có thể sử dụng máy dịch để chuyển nghĩa. Và tất cả vấn đề là phải tái hiện bản gốc qua bản đích bằng những đơn vị từ ngữ tương đương. Ðơn vị từ ngữ Hán là thổ cẩu. Ðơn vị từ ngữ Việt là dế trũi. Thế thôi. Không có dê, không có dế đất, không có dạng ve sầu, không có Erdhunde v.v…

Người dịch thuật, trong tình huống đang bàn, trở thành người biên soạn từ điển song ngữ; nghĩa là phải hiểu sát từ ngữ của văn bản chính và phải biết đúng từ ngữ của văn bản dịch.

Trong trường hợp không nắm vững các đơn vị từ ngữ tương đương trong hai ngôn ngữ gốc và đích, soạn giả từ điển không hoàn thành được nhiệm vụ của mình một cách tối ưu. Chúng ta thử tham khảo Thiều Chửu và Trần Trọng San. Cả hai soạn giả đều thỉnh thoảng lâm cảnh thiếu khoa học lúc chuyển một số từ. Trần Trọng San trong Hán Việt tự điển, Bắc Ðẩu, Canada, 1997, không chuyển nghĩa mà giảng nghĩa chữ yển (bộ thử, chuột): đó là “một loài chuột nhỏ, lông xám hơi vàng, bắt ăn côn trùng có hại, rất hữu ích cho nhà nông.” Thiều Chửu, tác giả Hán Việt tự điển do Ðại Nam in lại ở quốc ngoại, còn dài dòng hơn: “yển: một giống chuột sinh hoạt ở trong đất mình dài hơn năm tấc, lông màu nâu mà rậm và mượt, hình trông y như con chuột, chỉ khác rằng cổ ngắn chân ngắn, chân trước kề sát với đầu, móng chân to và cứng như răng bồ cào, mắt bé mà sâu hoắm, mũi nhọn hoắt mà rất thính, hay dũi đất bắt giun ăn”. Thiết tưởng biên soạn từ điển đơn ngữ cũng chỉ định nghĩa chi tiết được đến như Thiều Chửu là cùng. TrongThơ văn Nguyễn Khuyến, in lần thứ hai, Nhà Xuất bản Văn học, Hà Nội, 1979, trang 387 cũng như trongNguyễn Khuyến - tác phẩm, Nguyễn Văn Huyền sưu tầm, biên dịch, giới thiệu, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984, trang 523 đều cùng giảng giải từ ghép yển thử trong câu thơ Yển thử ẩm Hà diệc mãn phúc là “một loài chuột nhỏ”. Nhưng chuột bạch, chuột nhắt cũng là những “loài chuột nhỏ”. Nếu tham khảo các từ điển song ngữ Hán-Pháp, Hán-Anh, Hán-Ðức thì sẽ thấy rằng yển hay yển thử là con taupe, con mole, con Maulwurf, tức là con chuột chũi. Trần Trọng San thích nghĩa du diên (bộ trùng, sâu) là “một loại trùng sừng dài, chân giống chân rết, ăn các sâu hại lúa”. Ðúng ra, đây là con sên. Dứu (bộ thử, chuột) là “một loài thú nhỏ, đầu hơi tròn, chân ngắn, lông vàng sạm, giỏi co duỗi, ngày ẩn đêm ra, bắt ăn gà chuột; khi gặp địch, thì đít phát ra hơi thối rồi chạy trốn”. Ðúng ra là weasel, belette, Wiesel, con lon, chồn rái. La bặc (thảo đầu) là “tên rau, hạt dùng làm thuốc”. Ðúng ra là củ cải. Chữ tuy (Trần Trọng San, tlđd, trang 449) phải được hiểu là ngò, thay vì “tên một loại rau thơm”; tương tự như chữ kép hồ tuy (Thiều Chửu, tlđd, trang 554) không thể được giải thích thành “một thứ rau, lá non nấu đồ ăn thơm ngon”. Chỉ thử xem qua cách dịch các chữ Hán thuộc bộ trùng (sâu) trong hai tài liệu tham khảo vừa kể, đã có thể phát hiện một số trường hợp cần điều chỉnh vì hai tác giả không đưa ra danh từ đối chiếu thuộc Việt ngữ mà chỉ giảng giải, mô tả. Sau đây là vài ví dụ (Trần Trọng San = Hán Việt tự điển của Trần Trọng San, Thiều Chửu = Hán Việt tự điển của Thiều Chửu).

Mang (Trần Trọng San, trang 470): “tên một loại nhặng chuyên hút máu thú vật”; manh (Thiều Chửu, trang 590, trang 597): “con nhặng”; đúng ra là ruồi trâu. Sải (Trần Trọng San, trang 479): “một loài nhện độc đuôi dài”; đúng ra là loài bọ cạp. Trá, trá mãnh (Trần Trọng San, trang 471): “tên một loại sâu ăn hại lúa”; đúng ra là châu chấu. Huyền (Trần Trọng San, trang 471): “tên một loại trùng, giống con rết nhưng không độc”; huyền, mã huyền (Thiều Chửu, trang 585): “một thứ sâu dài độ hơn một tấc, mình như cái ống tròn, có từng đốt, mỗi đốt có hai chân, động đến liền co lại như con ốc, có mùi như dầu thơm, nên tục gọi là hương du trùng”; đúng ra là cuốn chiếu. Hồi (Trần Trọng San, trang 472): “con giun sống trong ruột động vật”; đúng ra là sán (hay lãi). Cùng, phi cùng (Trần Trọng San, trang 472): “một loại sâu bay ăn hại lúa”; đúng ra cùng là tên cũ của con dế. Phiêu, phiêu tiêu (Trần Trọng San, trang 477): “trứng của con bọ ngựa (đường lang) bám trên cành cây”; Phiêu, phiêu sao (Thiều Chửu, trang 592): “trứng con bọ ngựa hay làm tổ ở bên cây dâu, nên gọi là tang phiêu sao”; đúng ra là tổ bọ ngựa. Dũng (Trần Trọng San, trang 473): “trạng thái trong thời kỳ quá độ từ ấu trùng biến thành trùng”; đúng ra là nhộng. Bì (Trần Trọng San, trang 474): “một loài nhện, có hại cho người, gia súc và nông phẩm”; đúng ra là ve. Phúc (Trần Trọng San, trang 475): “một loại rắn độc”; các từ điển song ngữ Hán-Pháp, Hán-Anh, Hán-Ðức ghi là Ancistrodon, như vậy đúng ra là rắn hổ mang. Bành, bành kỳ (Trần Trọng San, trang 478): “một loại cua nhỏ màu đỏ”; đúng ra là cáy. Hoạch (Trần Trọng San, trang 479): “xem chữ xích (trang 470)”, xích hoạch (trang 470): “ấu trùng của loại sâu giống con tằm”; đúng ra là sâu đo (đáng chú ý là chữ xích viết với bộ trùng bên trái và chữ xích bên phải, mà chữ xích vốn chỉ một đơn vị đo chiều dài). Có thể ước đoán là đối với những chữ vừa được đan cử, hai soạn giả tự điển đã dịch phần định nghĩa của từng chữ theo tự điển đơn ngữ Hán-Hán, vì không biết rõ đơn vị từ vựng tương đương thuộc tiếng Việt.

Thực vậy, một trong những vấn đề khó khăn phức tạp của công việc đối chiếu từ vựng của các dân tộc khác nhau là việc xác lập liên hệ tương đương giữa các đơn vị thuộc ngôn ngữ được đối chiếu và ngôn ngữ đối chiếu. Trong thực tế, những thuật ngữ biểu thị các khái niệm nhiều khi phổ thông của một ngôn ngữ nước ngoài khi đem đặt song song với các thuật ngữ xem như tương đương trong tiếng Việt, lắm khi chỉ đạt được tính chính xác tương đối. Cho nên các từ điển Pháp-Việt, Anh-Việt, Ðức-Việt v.v… – chứ chẳng riêng gì tự điển Hán-Việt – có thói quen thích nghĩa tên gọi một thứ cây, một ngọn cỏ, một loài vật, một con sâu v.v… qua lối phu diễn ngữ pháp. Chính vì thế nên khi ngôn ngữ học tạo cơ may cho hai từ tuy thuộc hai tiếng nói khác nhau nhưng lại “giống” nhau như hai giọt nước thì người chuyển dịch song ngữ – chứ chẳng phải riêng gì người biên soạn tự điển, từ điển – phải biết nắm ngay lấy cơ may hãn hữu đó. Ðiều này nhóm biên soạn Thơ văn Lý Trần, Tập III, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978, đã không thực hiện được khi dịch nghĩa và chú thích chữ toa với thảo đầu nơi trang 18. Họ cho biết: “chữtoa vốn chỉ một thứ cây có tên khoa học là Cyperus rotundus, rễ của nó gọi là ‘hương phụ tử’, là một vị thuốc bắc. Ở đây tạm dịch chung là ‘cỏ’ cho dễ hiểu.” Thật ra vị thuốc bắc liên hệ không phải là rễ (Radix) mà là thân rễ (Rhizoma) cây Cyperus rotundus L., cho nên khoa dược liệu học Trung y gọi nó là Rhizoma Cyperi. Nhưng thiếu sót đáng tiếc là nhóm biên soạn không biết rằng đây chính là cây cỏ cú, một loại cỏ dại mọc tràn lan khắp nước ta, một loại cỏ rất khó tiêu diệt đối với nhà nông, một vị thuốc thân quen đến nỗi giới dao cầu thuyền tán hằng truyền tụng là nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ nghĩa là chữa bệnh cho đàn ông không thể thiếu trần bì, chữa bệnh cho đàn bà không thể rời hương phụ. Và khi dịch câu thơ chữ Hán, phải có thái độ khẳng định hơn, chính xác hơn, chẳng thể “tạm dịch chung là ‘cỏ’” mà cần dịch dứt khoát, tự tín là “cỏ cú”.

Tìm kiếm đơn vị từ ngữ tương đương có khi trở thành công việc đào bới địa tầng văn hoá. Chữ Hán bát là tám, bát bát tất nhiên là tám (mươi) tám. Nhưng Nguyễn Khuyến dùng bát bát với nội hàm khác hẳn trong câu thơ mở đầu bài thơ thường được xem là mang tựa đề “Di chúc”. Tam nguyên Yên đổ tự viết về mình: 


Ngã niên trị bát bát

Một số tài liệu văn học dịch thành: 


Kém hai tuổi xuân đầy chín chục; hay Còn hai xuân nữa đầy chín chục[4] 

Ðây là chuyện kỳ lạ khó hiểu vì Nguyễn Khuyến chỉ tại thế có bảy mươi bốn năm thiếu mười ngày mà lại làm thơ “thành khẩn khai báo lý lịch” là tuổi mình vừa được tám mươi tám! Nhà Nho làng Vị Hạ không chỉ là một nhà thơ của làng quê ao chuôm chiêm trũng, một ngòi bút tự trào, một tác gia vừa Nôm vừa Hán, và cả Nôm cả Hán mà còn là một người có đặc tính rất chăm chỉ đếm tuổi đời qua vận văn. Niên kỷ là một thông tin thi ca mà người hàn sĩ, anh khoá Thắng, ông giải nguyên, vị tam nguyên, rồi viên quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu thường ưa thích nhắc đến và nhắc đến rất chính xác, theo một nhịp độ ngắn và một tần số cao, y như một công chức tự khai tiểu sử hành chánh. Nhà thơ lại còn chân tình nhớ rõ tuổi tác bạn bè thân thuộc như ông hương sinh họ Nguyễn, ông bạn học Lê Sĩ Nhân. Và con người Nguyễn Khuyến từ thuở bắt đầu biết làm thơ cho đến những năm cuối cổ lai hy là một con người đúng đắn, kỹ lưỡng, trí tuệ sáng, ký ức tốt. Vậy mà bỗng dưng vào một trường hợp duy nhất và trong một bài thơ duy nhất, thi sĩ vận dụng một thủ pháp cách điệu bất chấp sự thật, nó không thể nào là phong cách nhà nho làng Vị hạ. Một nhân vật lịch sử suốt cả đời chi ly cẩn trọng tính tuổi, ghi tuổi, nhẩm tuổi, nhớ tuổi để rồi khi khổng khi không nói sai cả tuổi bản thân vào lúc sáng tác một thi phẩm để đời với chủ đích nhấn mạnh lời dặn của mình cho con cháu là lời phát biểu lúc sáng suốt, có suy nghĩ chín chắn, cần phải làm theo! [5]Sáng suốt, chín chắn mà mở đầu bằng sai lầm, lẫn lộn! Và sai lầm về một vấn đề không thể sai là tuổi tác, lẫn lộn về một thông tin không thể lẫn là niên kỷ! Tuổi tác, niên kỷ của chính mình chứ không phải của tha nhân! Cho nên có nhiều phần chắc Nguyễn Khuyến chẳng hề ghi sai, mà chỉ có thể người đời sau hiểu lời thơ không đúng. Nói cụ thể và vắn tắt: bát bát không phải tám mươi tám, phải tìm cho nó một nghĩa khác thích hợp với văn cảnh bài thơ và hoàn cảnh nhà thơ. Nghĩa đó là nghĩa y học, sinh học chuyên biệt; không phải nghĩa toán học, số học thông thường.

Trong văn cảnh sinh học, y học hai chữ bát bát không có nghĩa tám mươi tám mà có nghĩa sáu mươi tư. Tương tự như vậy, trong thư tịch sinh lý học, bệnh lý học Trung y, thất thất là bốn mươi chín, không phải bảy mươi bảy. Tập sách gối đầu giường của các cụ lương y, sách Hoàng đế Nội kinh Tố vấn viết, và viết ngay ở chương đầu tiên, chương “Thượng cổ thiên chân luận”, khi bàn về sinh lý sinh dục chính thường nam nữ (trích đoạn và trích dịch): “thất thất, nhâm mạch hư, thái xung mạch suy thiểu, thiên quý kiệt, địa đạo bất thông, cố hình hoại nhi vô tử dã” (đến năm bảy bảy, nhâm mạch hư, thái xung mạch kém, thiên quý hết, địa đạo không thông, cho nên thân thể hao mòn mà không có con) và “bát bát, thiên quý kiệt, tinh thiểu, thận tượng suy, hình thể giai cực, tắc xỉ phát khứ.” (đến năm tám tám, thiên quý hết, tinh thiếu, thận suy, hình thể tột bực, răng tóc đều rụng). Người thầy thuốc cổ truyền Việt Nam đọc đoạn kinh văn này, lập tức tự động hiểu thất thất (đối với phái nữ) là bảy lần bảy tức bốn mươi chín và bát bát(đối với phái nam) là tám lần tám tức sáu mươi tư. Ða số – nếu không là tất cả – các nhà Nho thì đều có những tri thức cơ bản về y dược. Chư vị không đủ trình độ, bản lĩnh để hành nghề y sĩ, không đủ kiến thức kinh nghiệm để biện chứng luận trị, nhưng có thể bàn thảo về các thang phương, góp ý về cách điều trị. Nguyễn Khuyến cũng không ra ngoài thông lệ. Cho nên rất tự nhiên, nhà thơ đã sử dụng một kiến thức phổ quát thuộc lĩnh vực sinh lý bệnh lý Trung y. Và thi sĩ nghĩ rằng tha nhân, hậu thế cũng sẽ hiểu như mình hiểu [6] .

Trở lại với hai chữ từng được Bồ Tùng Linh và Nguyễn Tố Như sử dụng trong tản văn và vận văn của mình: dầu sao đi nữa, thì cũng có thể coi như gần bước qua thiên niên kỷ thứ ba, con đường thương khó chuyển dịch thổ cẩu sang Quốc ngữ (và ngoại ngữ) mới đi đến đích. Sự bất lực tìm ra từ ngữ tương đương của thổ cẩu trong Việt văn, Anh văn, Ðức văn chấm dứt.

Westpreußenstr., 29.05.2008

© 2008 talawas


[1]Vì tài liệu cổ chữ Hán vốn không có dấu phẩy dấu chấm nên một câu văn có thể mang độ dài ngắn khác nhau tuỳ theo sự lĩnh hội nội dung của từng người đọc. Riêng đối với câu văn này có tài liệu nâng độ dài lên hai mươi chữ: “Thị chi, hình nhược thổ cẩu, mai hoa sí, phương thủ trường hỉnh, ý tự lương, hỷ nhi thu chi.” (Nhìn kỹ thì hình giống thổ cẩu, cánh tựa hoa mai, đầu vuông cẳng dài, có vẻ tốt, bèn vui mừng bắt lấy.) Ðó là trường hợp ấn bản do Dương Gia Lạc chủ biên. Tăng đính Trung Quốc học thuật danh trứ đệ nhất tập. Bút ký tiểu thuyết danh trứ đệ nhất tập. Ðệ cửu sách. (Thanh) Bồ Tùng Linh soạn. Hiệu chú Liêu trai chí dị. Thượng quyển (toàn nhị sách). Thế giới thư cục phát hành. Ðài Bắc. Trung Hoa Dân quốc ngũ thập nhất niên nhị nguyệt sơ bản. tr. 331. Tôi chọn độ dài mười sáu chữ theo ấn bản Bồ Tùng Linh.Liêu trai chí dị. Hội hiệu, hội chú, hội bình bản. Trương Hữu Hạc tập hiệu. Thượng. Quyển tứ. Trung Hoa thư cục. 1962. tr. 487.
[2]Giải xác thanh (cua vỏ xanh) là tên một con dế khác, cũng rất thiện chiến, của một tay chơi dế trong thôn.
[3]Phùng Mộng Long (1574-1646) là văn học gia, hí khúc gia đời Minh. Có nhiều tác phẩm trong đó có thể kể Dụ thế minh ngônCảnh thế thông ngônTỉnh thế hằng ngôn, gọi chung là Tam ngôn. Mỗi tập có bốn mươi truyện ngắn, cộng chung tất cả thành một trăm hai mươi truyện. (Cảnh thế thông ngôn. Hạ. Ðệ tứ thập quyển. Phùng Mộng Long biên. Trung Hoa thư cục Hương Cảng phân cục. 1978).
[4]a. Văn đàn bảo giám, Trần Trung Viên sao lục, tập II, Ðại Nam in lại ở quốc ngoại, trang 79;
b. Thơ văn Nguyễn Khuyến, Nhà Xuất bản Văn học, Hà Nội, 1979, trang 167 (chữ Quốc ngữ) và trang
444 (chữ Hán phiên âm);
c. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 1858-1920, Huỳnh Lý chủ biên, Nhà Xuất bản Văn học, Hà Nội, 1984, trang 412;
d. Thơ Nôm, Bùi Văn Bảo, Nhà Xuất bản Quê hương, Toronto, Canada, trang 51.
[5]Bài “Di chúc” còn có một đầu đề khác là “Trị mệnh”. Ðầu đề này có xuất xứ từ điển tích Ngụy Khoả-Ðỗ Hồi trong Xuân Thu tam truyện, Tả truyện, Tuyên công thập ngũ niên, Tần nhân phạt Tấn. Nội dung của hai chữ trị mệnh là mệnh lệnh lúc còn sáng suốt, cần phải theo. Cho nên các tự điển Hán-Anh chuyển thành dying requests that may be carried out (Mathews’ Chinese-English Dictionary) hoặc to carry out rightful behests given as dying injunctions (Herbert A.Giles, A Chinese-English Dictionary).
[6]Herbert A.Giles (tlđd) và Mathews (tlđd) đều chuyển bát bát sang Anh ngữ thành sixty-four

Thursday 3 July 2014

Lịch sử chữ Quốc Ngữ (Trần Gia Phụng - Trung tâm Nguyễn Trường Tộ)

Quốc ngữ là chữ viết chung của dân chúng cả nước. Từ thời Ngô Quyền lập quốc (939), các triều đại cầm quyền đã mượn chữ Nho (chữ Hán) để sử dụng trong hành chánh, học thuật. Dầu vậy, người Việt vẫn nói tiếng Việt, không công nhận chữ Nho là quốc ngữ, và tìm cách sáng tạo ra quốc ngữ cho riêng mình.

Đầu tiên, người Việt dựa trên chữ Nho để chế ra chữ Nôm. Chữ Nôm được ghi nhận chính thức xuất hiện vào thế kỷ 13, khi Nguyễn Thuyên, lúc đó đang là hình bộ thượng thư dưới triều Trần Nhân Tông (trị vì 1279-1293), làm bài văn "Tế cá sấu" bằng chữ Nôm. Vào thời nầy, chữ Nôm được xem là quốc ngữ bên cạnh chữ Nho, nên tập thơ chữ Nôm của Chu Văn An (? - 1370) được ông gọi là Quốc ngữ thi tập (Tập thơ quốc ngữ).(1) Tuy nhiên, chữ Nôm cấu tạo trên căn bản chữ Nho, nên muốn học chữ Nôm thì phải biết chữ Nho tức chữ Hán.(2) Vì vậy chữ Nôm khó học, không phổ thông trong dân chúng, và ít được sử dụng.

Từ thế kỷ 17 trở đi, một thứ chữ mới xuất hiện. Nhờ giản dị, dễ sử dụng, sau ba trăm năm thử nghiệm, thứ chữ nầy càng ngày càng trở nên phổ thông và biến thành quốc ngữ, mà ngày nay người Việt đang sử dụng.

I.- VÌ SAO XUẤT HIỆN QUỐC NGỮ

Từ thế kỷ 16, các giáo sĩ Ky-Tô Tây phương bắt đầu đến truyền giáo tại nước ta. Lúc đầu, các giáo sĩ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, theo các dòng tu khác nhau, thuộc nhiều giáo phận khác nhau, trong đó đông nhất là các giáo sĩ Dòng Tên.(3)

Khi đến Đại Việt bằng tàu thuyền, các giáo sĩ đặt chân đầu tiên lên miền duyên hải. Muốn giảng đạo, các ông không đến rồi đi liền, mà ở lại sống chung dài hạn lẫn lộn với dân chúng. Muốn thế đầu tiên các giáo sĩ phải học nói tiếng Việt để giao tiếp hằng ngày. Tập nói để hiểu được người Việt và làm sao nói cho người Việt hiểu được mình, các giáo sĩ mới có thể bắt đầu truyền đạo.

Khi truyền đạo, các giáo sĩ không phải chỉ nói, mà còn dùng kinh sách để giảng giải. Ngoài kinh sách bằng chữ la-tinh, các giáo sĩ có thể sẵn có Thánh kinh bằng chữ Nho (chữ Hán) do các cơ sở ở Ma Cao cung cấp. [Ma Cao (Trung Hoa) là nơi các dòng tu Ky-Tô giáo La Mã đặt trụ sở để truyền đạo vào Trung Hoa và qua Nhật Bản.] Tuy nhiên ít người trong dân chúng biết chữ Nho, nhất là ở các vùng nông thôn vốn nghèo khổ, ít học.

Vì vậy, để truyền đạo cho người Việt, các giáo sĩ phải viết kinh sách bằng tiếng Việt. Học nói thì không cần chữ nghĩa, nhưng kinh sách thì phải có chữ nghĩa. Không thể dùng chữ Nôm để viết tiếng Việt, các giáo sĩ ký âm thẳng tiếng Việt bằng mẫu tự la-tinh, rồi mới dùng thứ chữ mới ký âm nầy để viết sách giáo lý bằng tiếng Việt. Mẫu tự la-tinh chỉ gồm 24 chữ cái, có thể dùng để lắp ghép thành các từ ngữ trong tiếng Việt, nên thứ chữ mới nầy giản dị, dễ học, dễ viết, dễ sử dụng, dễ truyền bá.

Từ đó, các giáo sĩ và những người Việt tân tòng hoặc học đạo với các giáo sĩ, đã hợp tác và tạo nên một thứ chữ mới vào thời đó, mà học giả Pétrus Ký, tức Trương Vĩnh Ký gọi là "quốc ngữ" trong một bài viết trên Gia Định Báo ngày15-4-1867.(4)

II.- CÁC GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH QUỐC NGỮ

GIAI ĐOẠN 1: NHU CẦU TRUYỀN ĐẠO CỦA CÁC GIÁO SĨ

Các giáo sĩ Ky-Tô La Mã đến Đại Việt để truyền đạo. Vì nhu cầu truyền đạo, các ông sáng chế chữ quốc ngữ chỉ để làm phương tiện phổ biến rộng rãi giáo lý đạo Ky-Tô, chứ không nhắm mục đích tạo nên một thứ chữ mới cho dân Việt sử dụng.

Người có công đầu trong việc sáng chế quốc ngữ là linh mục Francesco de Pina (1585-1625), một giáo sĩ Dòng Tên, người Bồ Đào Nha, đến Đàng Trong năm 1617, từ trần vì đắm thuyền ở vịnh Đà Nẵng năm 1625. Ông là người đầu tiên nói thạo và giảng đạo bằng tiếng Việt. Hợp tác với nhiều người, và đặc biệt, nhờ sự giúp đỡ của một thanh niên Việt có tên đạo là Phê-rô, De Pina đã khởi thảo la-tinh hóa tiếng Việt, soạn thảo một bản văn phạm quốc ngữ, dịch và soạn sách giáo lý đạo Ky-Tô bằng tiếng Việt, mở trường dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc.(5a)

Năm 1618, linh mục De Pina cùng với Phê-rô dịch qua tiếng Việt lần đầu tiên Kinh lạy Cha và các kinh căn bản khác trong Ky-Tô giáo La Mã, (5b) có thể xem là khởi đầu cho việc sơ thảo quốc ngữ. Theo lời linh mục De Pina, năm 1622, ông hoàn tất hệ thống chuyển mẫu tự la-tinh thích hợp với cách phát âm và thanh điệu tiếng Việt.(5c) Rất tiếc giai đoạn nầy chưa được nghiên cứu đầy đủ. Bản Kinh lạy Cha được viết tay năm 1632 còn được nguyên bản như sau: (5d)

Trong số các học viên trường tiếng Việt của De Pina, có một người về sau nổi tiếng là Alexandre de Rhodes (1593-1660). Giáo sĩ De Rhodes đến Hội An năm 1624. Ngoài De Pina, De Rhodes còn học tiếng Việt với nhiều người địa phương, trong đó có một thiếu niên 13 tuổi ở Hội An, sau De Rhodes nhận làm con nuôi, và người nầy trở thành thầy giảng Raphael Rhodes. Năm 1645, A. de Rhodes bị trục xuất ra khỏi Đàng Trong, về Ma Cao.

Alexandre de Rhodes qua La Mã năm 1950. Năm 1651, tại La Mã, ông đứng tên tác giả, ấn hành hai bộ sách. Thứ nhất là Catechismus pro ijs, qui volunt suscipere Baptismum, in octo dies divisua (Giáo lý dành cho những ai muốn chịu Phép Rửa, chia ra tám ngày).(6) Thứ hai là Dictionarium Annamitcum Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt - Bồ - La).(7)

Vì Alexandre de Rhodes gốc Pháp, nên người Pháp đã ca tụng ông như là nhà sáng chế chữ quốc ngữ, để kể công "khai hóa" của thực dân Pháp. Thật ra, người đầu tiên sáng chế chữ Quốc ngữ là linh mục Francesco de Pina, rồi đến nhiều giáo sĩ khác, trước khi De Rhodes đến Đại Việt. Trong lời "Cùng độc giả" vào đầu quyển từ điển năm 1651, A. de Rhodes cũng xác nhận:

"Tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của cha Gaspar de Amaral và cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An nam, ông sau bằng tiếng Bồ Đào Nha, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La-tin theo lệnh của các hồng y rất đáng tôn kính…"(8)

Nói cho cùng, sự hình thành quốc ngữ không phải do công sức cá nhân của một giáo sĩ, mà là công sức tập thể của nhiều giáo sĩ thuộc nhiều nước khác nhau, nhiều thế hệ khác nhau, đã đến truyền đạo Ky-Tô tại Đại Việt, cộng với sự đóng góp lớn lao âm thầm của rất nhiều giáo sĩ và thường dân Việt.

Từ đây quốc ngữ được sử dụng càng ngày càng rộng rãi trong các giáo đường, các tu viện Ky-Tô giáo Đại Việt. Một số giáo sĩ Việt bắt đầu dùng quốc ngữ để viết thư, kể cả thư cho những giáo sĩ nước ngoài. Hai quyển từ điển khác được soạn thảo là Dictionnarium Annamitico Latinum [Từ điển Việt - La tinh] của giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc, 1741-1799), cố vấn của Nguyễn Phúc Ánh, soạn xong năm 1772, và Dictionnarium Annamitico Latinum (Nam Việt Dương Hiệp tự vị) của Jean Louis Taberd (1794-1840).

Bộ tự điển của giám mục Bá Đa Lộc còn ở dạng bản thảo, và giám mục Taberd dựa trên bản thảo nầy, để soạn bộ sách của ông và xuất bản ở Ấn Độ năm 1838 khi ông hành đạo tại nước nầy.(9)

Khi đô đốc Rigault de Genouilly đánh chiếm thành Gia Định vào tháng 2-1859, ông thấy rằng các giáo sĩ Ky-Tô La Mã đã thành lập ở đây một trường học lấy tên là "Collège d'Adran".(10) Tại trường nầy, học sinh được học chữ la-tinh, quốc ngữ và một ít chữ Pháp.(11)

GIAI ĐOẠN 2: NHU CẦU CAI TRỊ CỦA NGƯỜI PHÁP

Khi chiếm Gia Định, vì nhu cầu cai trị, phó đô đốc Léonard Charner đưa ra nghị định ngày 21- 9-1861, dùng trường sở Collège d'Adran, thành lập Trường thông ngôn với danh hiệu đầy đủ là "Collège Annamite-Français de Monseigneur l'Évêque d'Adran".(12) Trường thông ngôn chẳng những dạy người Việt học chữ Pháp để làm thông ngôn, mà còn dạy người Pháp học tiếng Việt bằng thứ chữ mới.

Léonard Charner cho mở ngay nhà in và phát hành báo Le Bulletin Officiel de l'Expédition de la Cochinchine (Công báo của đoàn Viễn chinh Nam Kỳ) bằng chữ Pháp, xuất bản số đầu tiên ngày 29-9-1861. Khi Louis Bonard đến thay Charner ngày 29-11-1961, Bonard cho phát hành báo Le Bulletin Des Communes có phần chữ Nho để phổ biến rộng rãi tin tức nơi người Việt và người Hoa lúc đó khá đông ở Gia Định. Bonard dự tính ấn hành một tờ báo tiếng Việt. Tuy nhiên chữ Việt theo mẫu tự la-tinh có nhiều dấu (huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã…), nên phải đặt chữ cái để sắp chữ in, đúc ở Pháp, mất hai năm mới xong (1864). Nhờ vậy ngày 15-4-1865, tờ báo tiếng Việt bằng thứ chữ mới, phiên âm theo mẫu tự la-tinh, lần đầu tiên đượïc phát hành tại Sài Gòn là Gia Định Báo.(13) Trên Gia Định Báo số 4, ngày 15-4-1867, Pétrus Ký (1837-1898) đã viết một bài khuyến khích việc học thứ chữ mới, trong đó có đoạn như sau:

"…Thầy Ký dạy học có làm sách mẹo [văn phạm] dạy tiếng Lang Sa [Pháp], có làm ra chữ quốc ngữ [sic] để người ta dễ học. Những người ký lục [thư ký] giỏi cùng siêng năng sẽ lo mà học chữ quốc ngữ vì có hai mươi bốn chữ và viết đặng muôn ngàn chuyện, chữ chi mắc rẻ [khó dễ] cũng viết đặng, không phải như chữ Tàu học già đời mà còn có chữ lạ viết không ra, ở đây có Phủ Tường [Tôn Thọ Tường] đã học đặng chữ quốc ngữ, viết đặng, đọc đặng. Chữ ấy chẳng khó đâu, ra công học một đôi tháng thì thuộc hết…"(14)

Danh từ "quốc ngữ" có thể xuất hiện trước đó trong giới Ky-Tô giáo, nhưng nay mới được Pétrus Ký chính thức "khai sinh" trên Gia Định Báo ngày 15-4-1867. Quốc ngữ lên báo chí, dù lúc đầu chỉ để thông tin, cũng có nghĩa là loại chữ nầy đã khá đầy đủ để diễn đạt chủ trương của nhà cầm quyền Pháp, và bắt đầu trở nên phổ thông, dầu chưa được chính thức áp dụng trong hành chánh. [Về sau, khi quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của người Việt, danh từ "quốc ngữ" dần dần biến mất. Ngày nay người ta không gọi "quốc ngữ", mà chỉ gọi là "Việt ngữ"].

Một chi tiết đáng chú ý là ngành in ấn theo cách lắp chữ kiểu Tây phương,(15) giản dị, nhanh chóng, và tiện lợi hơn rất nhiều so với cách khắc bản gỗ (mộc bản) chữ Nho theo kiểu xưa của Việt Nam. In mộc bản, phải khắc từng chữ Nho chung trong toàn bài văn trên một bản gỗ. In xong, bản gỗ đó không dùng để in sách khác mà phải khắc sách khác từ đầu.

Sự phát triển ngành in đẩy mạnh việc ấn hành sách báo, từ đó làm cho quốc ngữ được truyền bá nhanh chóng vì người ta có thể học vần quốc ngữ bằng sách báo, đồng thời làm bùng nổ nền văn học quốc ngữ.

Trong khi đó, khoa thi hương (Nho học) năm 1861 (tân dậu) cho toàn thể Nam Kỳ lục tỉnh tại Gia Định bị bãi bỏ vì tình hình biến động. Gia Định mất năm 1862 nên khoa thi hương năm 1864 (giáp tý) ở Nam Kỳ được tổ chức tại Cần Thơ (huyện Vĩnh Định, tỉnh An Giang).(16) Sau đó, Pháp chiếm toàn bộ Nam Kỳ năm 1867, nên các kỳ thi Nho học ở trong Nam hoàn toàn bị bãi bỏ.

GIAI ĐOẠN 3: CHỮ VIẾT CHÍNH THỨC

Tại Nam Kỳ: Toàn bộ Nam Kỳ trở thành thuộc địa Pháp từ sau hòa ước Giáp Tuất (18-3-1874). Tại đây, quốc ngữ tiến thêm một bước khá dài nữa, khi phó đề đốc Hải quân Pháp là Louis Lafont, thống đốc Nam Kỳ, ban hành nghị định ngày 6-4-1878, theo đó kể từ 1-1-1882, ở Nam Kỳ, tất cả các giấy tờ như công văn, nghị định, quyết định, bản án, lệnh… đều viết bằng mẫu tự la-tinh, tức chữ Pháp hay Quốc ngữ, chứ không còn viết bằng chữ Nho; và cũng từ 1-1-1882, chỉ những người biết quốc ngữ mới được tuyển dụng vào các cơ quan hành chánh cấp phủ, huyện, tổng.(17)

Ngày ban hành và ngày thi hành nghị định nầy cách nhau gần 4 năm, nghĩa là khoảng thời gian cần thiết để tổ chức giáo dục, chuyển đổi từ việc học chữ Nho qua việc học quốc ngữ. Ngày 17-3-1879, Pháp thành lập Sở Giáo dục công cộng (Service de l'instruction publique) ở Sài Gòn và đưa ra chương trình giáo dục Pháp-Việt bậc tiểu học, gồm có 6 năm học; theo đó trong ba năm đầu, học sinh phải học ba thứ chữ là chữ Nho, quốc ngữ và chữ Pháp; đến ba năm sau, học sinh chỉ còn học quốc ngữ và chữ Pháp.(18)

Nói cách khác, tại Nam Kỳ, bên cạnh chữ Pháp, từ đây quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức được sử dụng trong các trường học, sở làm, và báo chí. Một công trình quốc ngữ quan trọng đầu tiên do một thường dân người Việt biên soạn chứ không phải giáo sĩ nước ngoài, là bộ Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của. Bộ sách nầy gồm hai quyển, phát hành liên tiếp hai năm 1895 và 1896 tại Sài Gòn.

Tại Trung và Bắc Kỳ: Pháp bảo hộ Trung và Bắc kỳ bằng hòa ước Giáp Thân (6-6-1884). Những trường trung học đầu tiên Pháp mở ở Trung và Bắc Kỳ như trường Quốc Học Huế (khai giảng ngày 26-12-1896), trường Collège des interprètes (Trường Thông ngôn, mở năm 1904)… đều dạy bằng tiếng Pháp và chương trình Pháp cho học sinh Việt. Triều đình Việt Nam vẫn tiếp tục mở những khoa thi Nho học (thi hương và thi hội) theo định kỳ 4 năm một lần như trước đây.

Riêng ở Bắc Kỳ, toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định ngày 6-6-1898 (niên hiệu Thành Thái thứ 10), tổ chức một kỳ thi phụ sau kỳ thi hương truyền thống tại Nam Định. Môn thi gồm tiếng Pháp và quốc ngữ, không có chữ Nho. Những người đậu cử nhân hay tú tài Nho học trong kỳ thi hương, nếu đậu luôn kỳ thi phụ, sẽ được ưu tiên chọn ra làm quan.(19)

Chủ trương "hợp tác" và mở cuộc "chinh phục tinh thần" khi đến làm toàn quyền Đông Dương từ 1902 đến 1908, Paul Beau cho giảng dạy quốc ngữ ở các trường Trung và Bắc Kỳ. Học chế năm 1906 (do quyền toàn quyền Broni chuẩn y) quy định các trường học Việt Nam gồm ba cấp ấu học, tiểu học và trung học. Quốc ngữ được dạy ở cả ba cấp. Ai đậu kỳ thi cuối khóa cấp trung học, được gọi là thí sinh và sẽ được dự kỳ thi hương.(20)

Trong khi đó, các nhà khoa bảng cựu học như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, kết hợp với những trí thức cấp tiến lúc đó, mở phong trào Duy tân, vận động cải cách văn hóa, chính trị trên toàn quốc, kêu gọi bãi bỏ Nho học, cổ xúy việc học quốc ngữ để nâng cao dân trí, vì một lý do đơn giản: quốc ngữ dễ học, dễ viết, dễ phổ cập hơn chữ Nho. Các ông vận động mở trường dạy quốc ngữ khắp nước, rầm rộ nhất là ở Quảng Nam (1905), Bình Thuận (trường Dục Thanh, 1907) và Hà Nội (Đông Kinh Nghĩa Thục, 1907). Trong một bài thơ khuyến khích việc học quốc ngữ của Đông Kinh Nghĩa Thục, có đoạn viết:

"… Chữ quốc ngữ là hồn trong nước,
Phải đem ra tỉnh trước dân ta,
Sách các nước, sách Chi-na,
Chữ nào nghĩa ấy, dịch ra cho tường…"(21)

Từ năm 1909, quốc ngữ được đưa vào chương trình thi hương trên toàn Trung và Bắc Kỳ. Trong 4 kỳ (trường) thi hương,(22) đến kỳ thứ 3 (trường 3), thí sinh bắt buộc phải làm 2 đề thi luận: một đề chữ Nho và một đề quốc ngữ. Qua kỳ thi hương năm 1912, đề thi kỳ 3 (trường 3) gồm hai đề quốc ngữ, và kỳ 4 (trường tư) một đề quốc ngữ. Đến kỳ thi hương cuối cùng năm 1918 ở Trung Kỳ, từ kỳ 2 (trường nhì) đến kỳ 4 (trường tư) đều có đề thi quốc ngữ.(23)

Toàn quyền Albert Sarraut (lần thứ hai từ 1917-1919) ra nghị định 21-12-1917 về Quy chế chung về ngành giáo dục công cộng ở Đông Dương (Règlement général de l'instruction publique en Indochine), thường được gọi là "Học chánh tổng quy", áp dụng cho toàn cõi Đông Dương để thay thế cho học chế thời Paul Beau.

Theo tổng quy mới, trong 5 năm bậc tiểu học, thì 3 năm đầu, học sinh học các môn bằng quốc ngữ và chữ Pháp, chữ Nho không bắt buộc; hai năm cuối bắt buộc học các môn bằng chữ Pháp. Riêng 4 năm bậc trung học, mỗi tuần chỉ có 3 giờ quốc văn trong tổng số 27 giờ học mỗi tuần. Đăïc biệt, phần cuối tổng quy nầy định rằng các trường chữ Nho của tư nhân hay của triều đình, kể cả quốc tử giám, đều được xếp vào loại trường tư và phải tuân theo quy chế của chính quyền Pháp.(24) Nói cách khác, tổng quy nầy dẹp bỏ luôn chương trình Nho học. Chính vì vậy, sau khoa thi hưong năm 1915, ở Bắc Kỳ (vùng bảo hộ trực tiếp) không tổ chức thi Nho học nữa, trong khi ở Trung Kỳ (vùng bảo hộ gián tiếp), khoa thi hưong cuối cùng năm 1918 và thi hội cuối cùng năm 1919.

Ba giờ quốc văn quá ít. Dư luận người Việt phản ứng. Bảy năm sau, toàn quyền Martial Merlin (từ 1923-1925) công bố nghị định ngày 18-9-1924, sửa đổi lại học chánh tổng quy của Sarraut. Theo học chế mới, trong ba năm đầu của bậc tiểu học, dạy hoàn toàn bằng quốc ngữ thay vì chữ Pháp hay chữ Nho,(25) nhưng các lớp sau đó dạy bằng chữ Pháp. Việc phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em bằng quốc ngữ, giúp cho học sinh Việt căn bản quốc ngữ trong đời sống hàng ngày. Như thế học quy Martial Merlin công nhận từ đây quốc ngữ là chữ viết chính thức của người Việt Nam.

Quốc ngữ càng ngày càng phổ thông, giúp dân chúng những hiểu biết sơ đẳng cần thiết trong đời sống, nhất là về phương diện chính trị. Từ năm 1925 trở đi, nhiều đảng phái chống Pháp được thành lập, viết truyền đơn, lời kêu gọi, sáng tác thơ văn yêu nước… đều bằng quốc ngữ.

KẾT LUẬN

Sự hình thành quốc ngữ tiến triển qua ba giai đoạn: 1) Do nhu cầu truyền đạo, các giáo sĩ Tây phương dùng mẫu tự la-tinh phiên âm thiếng Việt và sử dụng thứ chữ mới trong khuôn viên giáo đường. 2) Do nhu cầu cai trị nước ta, Pháp ứng dụng thứ chữ mới nầy trong quần chúng. 3) Do nhu cầu phổ cập giáo dục căn bản cho trẻ em Việt Nam, Pháp đưa quốc ngữ vào chương trình tiểu học từ năm 1924. Quốc ngữ được chính thức công nhận là chữ viết của người Việt.

Cần chú ý là trước khi được trọng dụng, quốc ngữ cũng đã gặp một số phản đối về phía người Việt cũng như về phía người Pháp. Ở Nam Kỳ, một số người Việt cho rằng quốc ngữ phiên âm quá nhiều chữ Nho mà nếu không học trước những chữ Nho nầy thì không hiểu gì cả. Một số người Pháp muốn truyền bá văn hóa Pháp, thì cho rằng quốc ngữ được chế ra từ chữ Bồ Đào Nha, không thể dùng để đọc chữ Pháp và có thể gây cản trở việc học chữ Pháp. Ngày 10-12-1885, báo Le Saigonnais [Người Sài Gòn] đăng một kiến nghị của thân hào bản xứ xin Hội đồng Thuộc địa can thiệp để triệt bỏ quốc ngữ vì thứ chữ nầy vô lý, giả tạo.(26a)

Tại triều đình Huế, thượng thư bộ Học là Cao Xuân Dục hết sức bài bác quốc ngữ, mà theo ông là thứ chữ do Tây [Pháp] đem lại.(26b) Một số nhà Nho cho rằng cách viết quốc ngữ theo mẫu tự la-tinh cắt đứt tiếng Việt với nguồn gốc Hán tự, thiếu ý nhị, không có ý nghĩa tượng hình.(27c) Ngày nay, có người còn cho rằng sự thay đổi chữ viết từ chữ Nho qua quốc ngữ, khiến người Việt lạc mất cội nguồn văn hóa dân tộc cổ truyền.

Thật ra, trong tiến trình hình thành quốc ngữ, không thể đòi hỏi quốc ngữ phải toàn thiện ngay từ đầu, mà cần có thời gian để điều chỉnh và hoàn thiện dần dần. Ngay những thứ chữ như chữ Pháp hay chữ Anh, ngày nay hàng năm cũng có cả hàng ngàn chữ mới được bổ túc vào kho tàng ngôn ngữ của các nước nầy.

Trong khi đó, quốc ngữ giúp phổ biến rộng rãi văn hóa và nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt cho toàn thể dân chúng, giúp người Việt dễ thích ứng và nhanh chóng bắt kịp tiến bộ khoa học trên thế giới. Nhờ thế, ngày nay người Việt tiếp thu và hội nhập dễ dàng vào hệ thống điện toán thời đại mới.

Trước đây Nho giáo là một triết thuyết chính trị hậu thuẫn cho chế độ quân chủ. Các chế độ quân chủ Việt Nam ứng dụng văn hóa Nho giáo để ổn định xã hội và củng cố chế độ, khiến tinh thần sĩ phu lệ thuộc chẳng những Nho giáo mà cả văn hóa Trung Hoa. Việc bãi bỏ Nho học và thay đổi chữ viết từ chữ Nho (Hán tự) qua quốc ngữ, chấm dứt vĩnh viễn giai đoạn lệ thuộc Nho học và văn hóa Trung Hoa, đồng thời mở ra một chân trời mới có tính cách toàn cầu trước mắt người Việt.

Nhiều nhà Nho dưới chế độ quân chủ, đắm mình lâu đời trong văn hóa Trung Hoa, lầm tưởng rằng văn hóa Trung Hoa là văn hóa dân tộc, và những anh hùng liệt nữ Trung Hoa là khuôn vàng thước ngọc cho xã hội Việt. Các tác giả chữ Nho thời trước thường dùng điển tích về những vua quan, anh hùng, thần thánh, phong tục, tập quán Trung Hoa để làm mẫu mực cho người Việt.

Khi sử dụng quốc ngữ, bước ra khỏi văn hóa Trung Hoa, nhiều người mới tìm trở lại bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đây, càng ngày nền văn hóa dân tộc càng được đề cao. Trong nền văn học quốc ngữ, Hai Bà Trưng, Triệu Nữ Vương, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Lê Lợi, Quang Trung… mới là những anh hùng đích thực, những tấm gương sáng của người Việt.

Cuối cùng, các thời điểm lịch sử cho thấy: Sau năm 1919, chấm dứt Nho học. Nhà cầm quyền Pháp mở trường Pháp, nhưng rất hạn chế. Năm 1924, học chế Martial Merlin quy định dạy quốc ngữ ở bậc tiểu học, nhưng bậc trung học vẫn dạy Pháp văn. Năm 1942, Hoàng Xuân Hãn xuất bản sách Danh từ khoa học, mà theo ông, sách hết ngay sau mấy tháng phát hành. Vua Bảo Đại công bố bản Tuyên ngôn độc lập ngày 11-3-1945 bằng quốc ngữ.(27) Nhà vua ban hành dụ số 67 ngày 30-7-1945 quy định từ học khóa 1945-1946, bậc trung học Việt Nam dạy bằng quốc ngữ. Bộ Giáo Dục - Mỹ Thuật do Hoàng Xuân Hãn làm bộ trưởng, đã đưa ra "Chương trình trung học" hoàn toàn bằng quốc ngữ, trong khi Pháp văn cũng như Anh văn được xếp vào môn sinh ngữ, Hán văn là môn cổ ngữ.(28) Chương trình nầy làm căn bản cho các chương trình trung học về sau.

Như thế ngay từ đầu, quốc ngữ cho thấy sức sống mạnh mẽ, phát triển rất nhanh, và chóng trở nên phổ thông, đồng thời hứa hẹn nhiều tương lai sáng sủa, như nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh đã tin tưởng: "Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở chữ quốc ngữ."(29)

Trong khi đó, sự xuất hiện của quốc ngữ đưa đến sự hình thành nền văn học quốc ngữ. Trên toàn cõi nước ta, nền văn học quốc ngữ phát triển sớm nhất tại Nam Kỳ vì một lý do đơn giản là tại Nam Kỳ, Nho học được bãi bỏ sớm nhất, quốc ngữ được sử dụng sớm nhất và ngành in ấn phát triển sớm nhất.(30) Nền văn học quốc ngữ đa dạng, phong phú và phổ thông, phát triển nhanh chóng, càng làm tăng giá trị của công trình sáng tạo quốc ngữ.

TRẦN GIA PHỤNG


CHÚ THÍCH

1. Dương Quảng Hàm, Việt-Nam văn-học sử-yếu, in lần thứ bảy, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn, 1960, tr. 106.

2. "Chữ Nôm là thứ chữ hoặc dùng nguyên hình chữ Nho, hoặc lấy hai ba chữ Nho ghép lại để viết tiếng [Việt] Nam " (Dương Quảng Hàm, sđd. tr. 100.) Hoặc "chữ Nôm được cấu tạo trên cơ sở chữ Hán Việt, tức chữ Hán đọc theo âm hán-việt". (Đào Duy Anh, Chữ Nôm, Nguồn gốc, Cấu tạo, Diễn tiến, Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội, 1973, tr. 51.) Do đó, muốn học chữ Nôm thì phải biết chữ Hán tức chữ Nho, và như thế học chữ Nôm cũng khó không kém gì học chữ Nho, nếu không muốn nói là khó hơn. Có thể vì chữ Nôm khó học, khó viết, nên có hai hệ quả: Thứ nhất chữ Nôm chỉ phát triển trong giới sĩ phu, trí thức, văn thi sĩ ngày xưa mà thôi. Những người nầy vốn đã giỏi chữ Nho, nên học được chữ Nôm, chứ chữ Nôm ít phổ biến rộng rãi trong dân chúng. Có thể nói, trong lịch sử văn học, chưa có một nhân vật nào giỏi chữ Nôm mà không biết chữ Nho. Thứ hai, vì ít được sử dụng và nhất là không được chính thức sử dụng, nên lối viết chữ Nôm không ổn định. Mỗi địa phương dựa theo chữ Nho mà ghép lại thành chữ Nôm địa phương, nên chữ Nôm không thống nhất trên toàn quốc.

3. Dòng Tên (Society of Jesus): Do tu sĩ Ignatius Loyola (1491-1556), người Tây Ban Nha, lập năm 1539, nhắm bảo vệ tính chính thống của giáo quyền La Mã và hỗ trợ công việc truyền giáo ra các nước trên thế giới. Hiệp hội nầy được Paul III (giáo hoàng 1534-1549) thừa nhận. Vì tập tục kỵ húy của người Việt, tín đồ ngày xưa kỵ húy tên Chúa Jesus, nên chỉ gọi hiệp hội nầy là "dòng Tên" tức "dòng đạo mang tên Chúa Jesus". Năm 1541, Ignatius được bầu làm trưởng dòng Tên đầu tiên. Sau khi từ trần, Ignatius được giáo hoàng Gregory XV (giáo nhiệm 1621-1623) phong thánh năm 1622. Lúc nầy, ở Đông Á, Dòng Tên đặt trụ sở chính tại Ma Cao (Trung Hoa). Từ đó, các tu sĩ Dòng Tên truyền qua Nhật Bản và lui tới Việt Nam. [Về việc người Tây phương và các giáo sĩ đạo Ky-Tô La Mã đến nước ta, xin xem chương "Người Âu Châu đến Đại Việt", Việt sử đại cương tập 2, cùng tác giả, tt. 117-160.]

4. Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản yếu tân biên, quyển 3, Văn học hiện đại (1862-1945), California: Nxb Đại Nam tái bản không đề năm, tr. 67.

5. Roland Jacques, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam [song ngữ Việt Pháp], tập 1, Paris: Định Hướng Tùng Thư, 2004, tt. 81-89 (5a), 223-225 (5b), 85 (5c), tr. 375 (5d). Các bản văn Kinh lạy Cha đều trích từ sách nầy.

6. Trong Việt-Nam văn-học sử yếu của Dương Quảng Hàm, sđd. chương thứ 18, thiên thứ 5, năm thứ nhất ban Trung học, tr. 181, có trích đăng một phần của sách nầy.dưới tựa đề Phép giảng tám ngày. Ngoài ra, sách Giáo lý dành cho những ai muốn chịu Phép Rửa, chia ra tám ngày đượïc in lại: Phép giảng tám ngày - Catechismus in octo dies divisus - Catéchisme divisé en huit jours, lời tựa của Nguyễn Khắc Xuyên, André Marillier ghi lại theo chính tả ngày nay, Henri Chappoulie dịch qua tiếng Pháp, TpHCM: Tủ sách Đại Kết, 1993. (Theo Roland Jacques, sđd. tr. 199, phần chú thích.)

7. Sách nầy được in lại: Dictionarium Annamitcum Lusitanum et Latinum, Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính dịch, Từ điển Annam - Lusitan - La Tinh (thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La), Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1991.

8. Alexandre de Rhodes, Dictionarium Annamitcum Lusitanum et Latinum, bản in năm 1991, tr. 3.

9. (tìm chữ Taberd).

10. Adran là tước hiệu tông tòa của giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc). Về giám mục nầy, xin xem Việt sử đại cương tập 2, các chương "Người Âu Châu đấn Đại Việt" và "Đất nước thống nhất".

11. John DeFrancis, Colonialism and Language Policy in Vietnam, New York: Moulton Publishers, 1977, tr. 75. DeFrancis theo tin của báo Courrier de Saigon ngày 10-2-1864 và DeFrancis cho biết chi tiết nầy ông lấy từ bài "Le français, le quoc-ngu, et l'enseignement public en Indochine" của E. Roucoules, trong Bulletin de la Société des études Indochinoises, số 1 năm 1890.

12. John DeFrancis, sđd. tr. 76. Theo Alfred Schreiner, Abrégé de l'histoire d'Annam, Deuxième édition, Sai Gòn: 1906, tt. 200-201, thì Charner mở cùng một lúc hai trường: trường thông ngôn dạy tiếng Việt cho quan chức Pháp và trường Pháp mang tên Adran (Bá Đa Lộc) cho trẻ em Việt. Có thể vì việc Charner dùng trụ sở Collège d'Adran mở trường thông ngôn nên có sự lầm lẫn nầy chăng?

13. Thư ngày 9-5-1865 của quyền thống đốc Nam Kỳ là Pierre-Gustave Roze (thống đốc De la Grandière về Pháp từ 30-3-1865 đến 26-11-1865), gởi cho bộ trưởng bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp. (Đặng Văn Nhâm, Lịch sử báo chí Việt Nam, California, Nxb. Việt Nam Văn Hiến, 1999, tr. 39.) Ông Đặng Văn Nhâm trích dịch như sau: "Số đầu tiên của tờ Gia Định Báo được in bằng chữ An Nam, theo mẫu tự La-tinh, phát hành vào ngày 15 tháng 4 vừa qua…"

14. Phạm Thế Ngũ, sđd. tr. 67.

15. Cách in chữ Nho ngày trước là khắc từng chữ Nho trong nguyên bài vào bản gỗ (mộc bản), dùng để in, rồi không dùng cho bài khác được. Cách in mới của giai đoạn nầy là người thợ dùng 24 chữ cái trong mẫu tự la-tinh; lắp ráp chữ cái với nhau thành chữ; ghép các chữ thành bản in. In xong, rả bản in cũ, dùng lắp lại chữ in khác.

16. Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, bản dịch. của Nguyễn Thị Nga và Nguyễn Thị Lâm, Nxb. TpHCM, 1993, tr. 371. Alfred Schreiner, sđd. tr. 340.

17. Alfred Schreiner, sđd. tr. 340.

18. Dương Kinh Quốc, Việt Nam: Những sự kiện lịch sử (1858-1918), Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 1999, tr. 109.

19. Emmanuel Poisson, Mandarins et subalternes au nord du Viêt Nam, une bureaucratie à l'épreuve (1820-1918), Paris: Maisonneuve & Larose, 2004, tt. 193-194. Cũng theo tài liệu nầy, các môn thi trong kỳ thi phụ như sau: 1) Viết tập chữ Pháp (hệ số 3). 2) Chính tả chữ Pháp (HS 5). 3) Dịch chữ Pháp qua quốc ngữ (HS 5) 4) Đàm thoại tiếng Pháp (HS 5) 5)Đọc và dịch miệng tại chỗ một bài tiếng Pháp (HS 5) 6) Chính tả quốc ngữ (HS 3) 7) Dịch một bài chữ Nho qua quốc ngữ (HS 4). Điểm cho trên 20. Thí sinh phải đủ tối thiểu 360 điểm trên 600 điểm thì mới được ưu tiên chọn ra làm quan. Những người đậu cử nhân phải hơn những người đậu tú tài 50 điểm. [Hệ số (coefficient): Các môn thi được xem quan trọng nhiều hay ít khác nhau, nên có hệ số lớn nhỏ khác nhau. Ví dụ môn viết tập chữ Pháp hệ số 3; môn chính tả Pháp hệ số 5. Mỗi môn thi được cho điểm tối đa là 20. Điểm mỗi môn nhân lên với hệ số môn đó, rồi cộng tất cả thành điểm cuối cùng. Ví dụ tổng cộng hệ số 7 môn thi trong kỳ thi phụ trên đây là 30. Điểm tối đa mỗi môn thi là 20 điểm, vậy 20 X 30 = 600 điểm (điểm tối đa). Luật thi quy định thí sinh phải được 360 / 600 mới được ưu tiên chọn ra làm quan.] Xin xem thêm phần tài liệu phía dưới.

20. Louis Cury, La société annamite, les lettrés - les mandarins - le peuple (Thèse pour le doctorat), Paris: Jouve et Cie, Éditeurs, 1910, tt. 24-33. (Nghị định do quyền toàn quyền Broni ký ngày 14-9-1906).

21. Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên, quyển V - Tập trung, Việt Nam Cách mạng cận sử (1885-1914), Sài Gòn: 1963, tr. 393.

22. Thông thường, khóa thi hương có 4 giai đoạn, thường gọi là 4 kỳ hay 4 trường. Đậu kỳ 1 (trường nhất) mới được thi kỳ 2 (trường hai hay trường nhì). Đậu kỳ 2 mới được thì kỳ 3 (trường ba). Đậu trường 3 mới được thi kỳ 4 (trường tư). Đậu kỳ 4 (trường tư) được gọi là cử nhân. Đậy kỳ 3 (trường ba) hỏng kỳ 4 gọi là tú tài.

23. Cao Xuân Dục, sđd. tt. 611, 629, 645, 659.

24. Dương Kinh Quốc, sđd. tt. 375-378.

25. Học viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương Paris, Khoa Đông Nam Á, Trung tâm Tài liệu và Nghiên cứu về Đông Nam Á, Ban Việt học, phần Chronologie Vietnamienne, Éléments pour "La mémoire de Phạm Quỳnh 1892-1945″ [Biên niên Việt Nam, góp phần tưởng nhớ Phạm Quỳnh 1892-1945]. Xem thêm: Nguyễn Q. Thắng, Khoa cử và giáo dục Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 1993, tr. 304.

26. Phạm Thế Ngũ, sđd. tr. 67 (26a), tr. 116 (26b), tr. 63 (26c).

27. Điểm đặc biệt là chiếu xưng đế của vua Gia Long (trị vì 1802-1820) ngày 12 tháng 5 năm bính dần (28-6-1806) bằng chữ Nho. Tuyên cáo độc lập của vua Bảo Đại bằng quốc ngữ.

28. Sách Danh từ khoa học và Chương trình trung học năm 1945 do bộ Giáo Dục-Mỹ Thuật đưa ra, thường được gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn, được đăng lại trong sách La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập I: Con người và trước tác, Hà Nội: Nxb. Giáo Dục, 1998, tt. 519-850.

29. Nguyễn Văn Vĩnh viết câu nầy trong bài tựa bản dịch bộ Tam quốc chí diễn nghĩa do Phan Kế Bính dịch, xuất bản ở Hà Nội năm 1909. (Dương Quảng Hàm, sđd. tr. 398.)

30. Tại Nam Kỳ, tiểu thuyết đầu tiên xuất hiện năm 1887 là Truyện thầy Lazaro Phiền của P. J. B. Nguyễn Trọng Quản do nhà xuất bản J. Linage ấn hành năm 1887 tại Sài Gòn, trong khi ở Hà Nội, truyên Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách được ấn hành năm 1925.